Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam bảo vệ người tiêu dùng tài chính như thế nào?

(Banker.vn) Một cơ chế bảo vệ người tiêu dùng hiệu quả sẽ trở thành chìa khóa giúp đảm bảo cho sự thành công của chiến lược tài chính toàn diện dài hạn.
MSB hợp tác với Tiki phát triển dịch vụ tài chính - ngân hàng Tăng cường hiệu quả hoạt động Tài chính – Ngân hàng với các ứng dụng hỗ trợ AI

Trọng tâm của chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến 2030 đã coi người dân là trung tâm, chủ thể, nhất là những người nghèo, người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn. Do vậy, mọi chính sách ban hành phải hướng tới người dân – người tiêu dùng tài chính ở mỗi quốc gia. Một cơ chế bảo vệ người tiêu dùng hiệu quả sẽ trở thành chìa khóa giúp đảm bảo cho sự thành công của chiến lược tài chính toàn diện dài hạn.

Từ góc độ bảo hiểm tiền gửi, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam tham gia bảo vệ người tiêu dùng tài chính như thế nào là câu hỏi được đặt ra trong bối cảnh Chính phủ đang thực hiện triển khai đồng bộ các nhiệm vụ nhằm thúc đẩy chiến lược tài chính toàn diện quốc gia, bảo vệ người tiêu dùng nói chung và người tiêu dùng tài chính nói riêng.

Trong triển khai chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025 định hướng đến năm 2030 đã đề ra những giải pháp chú trọng bảo vệ người tiêu dùng tài chính như: truyền thông, giáo dục nâng cao kiến thức, hiểu biết tài chính, khả năng tư duy tài chính và kỹ năng cho người dân – người tiêu dùng tài chính. Cụ thể, ngành ngân hàng cần chủ động đưa ra nhóm giải pháp để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp. Bởi, hoạt động tài chính - ngân hàng được ví như “mạch máu” của nền kinh tế.

Đề cập đến mục tiêu để không ai bị bỏ lại phía sau trong chiến lược tài chính toàn diện, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng nhấn mạnh: Chiến lược sẽ bao trùm đến tất cả người dân, để người dân phát triển thì chiến lược hướng đến đặc biệt là các đối tượng ở khu vực nông nghiệp, nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Đây là những khu vực người dân thường gặp khó khăn, người nghèo hay các doanh nghiệp vừa và nhỏ (chiếm 95% tổng số doanh nghiệp của Việt Nam), cũng là khu vực tạo công ăn việc làm rất lớn cho người dân hay phụ nữ - đối tượng vừa quản lý chi tiêu cho gia đình, vừa là người đi vay vốn để phục vụ sản xuất – kinh doanh cho cuộc sống. Họ cũng là đối tượng tuyên truyền trọng tâm mà chính sách bảo hiểm tiền gửi hướng đến.

Mục tiêu của chính sách bảo hiểm tiền gửi là bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền – người tiêu dùng tài chính trong nền kinh tế. Khi người gửi tiền có kiến thức và niềm tin vào các tổ chức tài chính, sẽ thúc đẩy các giao dịch tài chính và khuyến khích gửi tiền, tiết kiệm từ người dân. Từ đó, sẽ góp phần tác động đến tài chính toàn diện quốc gia.

Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam bảo vệ người tiêu dùng tài chính như thế nào?

Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam bảo vệ người gửi tiền thông qua 2 hình thức: trực tiếp và gián tiếp. Với hình thức bảo vệ trực tiếp, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam thực hiện tuyên truyền, phổ biến chính sách bảo hiểm tiền gửi đa dạng qua nhiều kênh, phương tiện đại chúng nhằm nâng cao nhận thức công chúng, đặc biệt hướng tới đối tượng là sinh viên, người gửi tiền ở vùng sâu, vùng xa – những đối tượng dễ bị tổn thương vì thiếu kiến thức tài chính. Không chỉ vậy, trong trường hợp tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi gặp phải sự cố mất khả năng thanh toán, người gửi tiền sẽ được bảo vệ trực tiếp bằng nghiệp vụ chuyên môn như chi trả tiền bảo hiểm tiền gửi. Khi đó, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam sẽ chi trả tiền gửi cho người gửi tiền với hạn mức tối đa là 125 triệu đồng (hạn mức bao phủ 90.72% người gửi tiền được bảo hiểm tiền gửi), số tiền vượt hạn mức sẽ được chi trả trong quá trình thanh lý tài sản của tổ chức tài chính đó. Nhờ vậy, người gửi tiền sẽ an tâm hơn khi gửi tiền tại các tổ chức tín dụng có tham gia bảo hiểm tiền gửi, qua đó chủ động hơn trong các giao dịch tài chính, góp phần thúc đẩy tài chính toàn diện.

Hiện nay, thời hạn chi trả tiền bảo hiểm tiền gửi là 60 ngày kể từ ngày phát sinh nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm. Xuất phát từ các điều kiện thực tiễn và năng lực hiện tại, chiến lược phát triển bảo hiểm tiền gửi đưa ra mục tiêu phấn đấu rút ngắn thời gian chi trả thực tế kể từ khi phát sinh nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm xuống 30 ngày làm việc vào năm 2025 và 15 ngày làm việc vào năm 2030, đảm bảo người gửi tiền luôn được đảm bảo quyền lợi một cách nhanh chóng.

Bên cạnh hình thức bảo vệ trực tiếp, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền gián tiếp qua việc triển khai những nghiệp vụ chuyên môn như: giám sát và kiểm tra định kỳ nhằm phát hiện và kiến nghị Ngân hàng Nhà nước xử lý kịp thời những vi phạm quy định về bảo hiểm tiền gửi và an toàn trong hoạt động ngân hàng. Ngoài ra, để tham gia có hiệu quả vào quá trình tái cơ cấu các tổ chức tín dụng yếu kém, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam còn triển khai các nhiệm vụ: cho vay đặc biệt đối với các tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt, tham gia xây dựng phương án phá sản tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt, tham gia đánh giá tính khả thi của phương án phục hồi Quỹ tín dụng nhân dân…

Tính đến nay, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam đang bảo vệ cho 1.280 tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi, bao gồm 96 ngân hàng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài, 1.179 quỹ tín dụng nhân dân, 1 ngân hàng hợp tác xã và 4 tổ chức tài chính vi mô.

Trong nửa đầu năm 2023, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam đã thực hiện cấp 131 bản sao và cấp lại 10 chứng nhận tham gia bảo hiểm tiền gửi; thực hiện kiểm tra định kỳ đối với 128 tổ chức tham gia Bảo hiểm tiền gửi; thực hiện kiểm tra 12/60 Qũy tín dụng nhân dân theo chỉ đạo của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước. Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam cũng thực hiện giám sát liên tục, thường xuyên đối với 100% các tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi trên địa bàn quản lý, đặc biệt là các Qũy tín dụng nhân dân có vấn đề, kiến nghị kịp thời với Ngân hàng Nhà nước.

Nhằm đảm bảo nguồn lực tài chính để bảo vệ người gửi tiền, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam đã thực hiện thu phí bảo hiểm tiền gửi vượt 5,75% so với kế hoạch 6 tháng đầu năm, trong đó đã miễn nộp phí bảo hiểm tiền gửi cho 34 tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi được kiểm soát đặc biệt. Tổng nguồn vốn hoạt động của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam đến 30/6/2023 đạt hơn 100 nghìn tỷ đồng, quỹ dự phòng nghiệp vụ đạt hơn 95 nghìn tỷ đồng, là cơ sở để Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam đảm bảo chức năng chi trả nếu cần và tham gia sâu hơn vào quá trình tái cơ cấu các tổ chức tín dụng,…

Có thể nói, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam đã bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền, cũng chính là bảo vệ người tiêu dùng tài chính – chủ thể, trọng tâm của chiến lược tài chính toàn diện quốc gia thông qua việc cụ thể hóa chính sách bảo hiểm tiền gửi, triển khai đồng bộ các phương pháp nghiệp vụ để củng cố niềm tin của người gửi tiền vào hệ thống tài chính, nâng cao nhận thức tài chính, nhờ đó đưa ra lựa chọn tốt nhất về tổ chức tín dụng để tham gia các giao dịch tài chính, đồng thời khuyến khích họ sử dụng dịch vụ tài chính chính thống, hợp pháp, từ đó thúc đẩy tài chính toàn diện quốc gia.

Linh Thư

Theo: Báo Công Thương
    Bài cùng chuyên mục