Bảo hiểm có còn là 'mỏ vàng' của các nhà băng?

(Banker.vn) Bất chấp những lùm xùm vây quanh ngành bảo hiểm nhân thọ vừa qua, lĩnh vực phân phối bảo hiểm qua ngân hàng vẫn sẽ mang lại nguồn thu lớn cho các ngân hàng năm 2023.

Sau những "lùm xùm" xảy ra hồi đầu năm liên quan đến kênh phân phối bảo hiểm qua ngân hàng (bancassurance), thị trường bảo hiểm nhân thọ nói riêng và ngành bảo hiểm Việt Nam nói chung chứng kiến sự suy giảm đáng kể về niềm tin cũng như doanh thu phí dịch vụ.

Cuộc khủng hoảng niềm tin cộng thêm bối cảnh kinh tế suy thoái khiến hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp bảo hiểm gặp không ít thách thức, khó khăn. Tuy vậy, ở góc độ tích cực, đây cũng là đợt "thanh lọc" để thị trường bảo hiểm phát triển minh bạch, bền vững hơn, nhằm nâng cao tín nhiệm của ngành trong thời gian tới.

Tại Báo cáo tài chính quý 2/2023 vừa công bố, trong 8 ngân hàng thuyết minh chi tiết doanh thu từ hoạt động bảo hiểm, có đến 7 ngân hàng ghi nhận doanh thu giảm.

Theo đó, đứng đầu danh sách giảm doanh thu bảo hiểm là MB (giảm gần 900 tỷ đồng doanh thu). Xét về tương đối, các ngân hàng có mức giảm doanh thu bảo hiểm nhiều là KienLongBank (giảm hơn 93%), SeABank (giảm 81,4%), Techcombank (giảm 53%), TPBank (giảm 54,6%), VIB (giảm 46,3%)…

Bảo hiểm có còn là 'mỏ vàng' của các nhà băng?

Mặc dù tổng thu nhập từ hoạt động dịch vụ bảo hiểm của 8 nhà băng trên giảm gần 33% so với cùng kỳ năm ngoái, song vẫn đạt khoảng 6.443 tỷ đồng. Riêng tại MB, mảng bảo hiểm vẫn mang về gần 4.200 tỷ đồng doanh thu trong nửa đầu năm nay. Những con số này chưa tính đến khoản phí trả trước kếch xù lên tới hàng chục ngàn tỷ đồng từ các hợp đồng phân phối độc quyền mà các ngân hàng đã ký kết với đối tác trong mấy năm qua.

Nguyên nhân chính khiến “mỏ vàng” bảo hiểm của các ngân hàng bị hao hụt là thời gian qua, hoạt động chào bán bảo hiểm bị biến tướng, nhiều ngân hàng có dấu hiệu nhập nhèm bảo hiểm với tiền gửi tiết kiệm qua hình thức “tiết kiệm thông minh”, “tiết kiệm đầu tư”…, gây mất niềm tin.

Ngoài ra, sự suy giảm của ngành bảo hiểm trong nửa đầu năm nay không hoàn toàn đến từ cuộc khủng hoảng niềm tin mà còn đang "ngấm đòn" từ suy thoái kinh tế, người tiêu dùng phải đối mặt với sức ép về chi phí sinh hoạt tăng lên… Đây cũng là nguyên nhân có thể kéo dài đà suy giảm của ngành bảo hiểm trong nửa cuối năm 2023, thậm chí có thể ảnh hưởng qua những năm sau.

Gói thầu bảo hiểm 366 tỷ đồng nhà máy nhiệt điện Quảng Trạch 1 về tay Liên danh Bảo Việt

Liên danh có sự góp mặt của Tổng công ty Bảo hiểm Bảo Việt (HOSE: BVH) vừa được xướng tên tại gói thầu hơn 366 ...

Bảo hiểm Hàng Không (AIC) báo lãi ròng quý 2 "lao dốc" đến 84%

Quý 2/2023, Tổng Công ty CP Bảo hiểm Hàng không (AIC) tiếp tục ghi nhận một quý lợi nhuận giảm mạnh, "lao dốc" tới 84% ...

Chi phí kinh doanh “hạ nhiệt”, Bảo hiểm Bưu Điện (PTI) thoát lỗ quý 2

Nhờ chi phí kinh doanh đã giảm mạnh so với quý 2/2022, Tổng Công ty CP Bảo hiểm Bưu điện (PTI) đã có lãi trở ...

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán