Bảo đảm việc làm bền vững cho người lao động

(Banker.vn) Đại dịch Covid-19 khiến không ít đơn vị, doanh nghiệp đứng trước khó khăn như khan hiếm nguồn cung ứng nguyên liệu, giảm tiêu thụ sản phẩm hàng hóa, gián đoạn sản xuất, thiếu vốn hoạt động… dẫn đến chậm trả lương cho công nhân, thậm chí nhiều lao động phải tạm thời nghỉ việc… Trước tình trạng này, vấn đề việc làm và đời sống của người lao động được các cấp, ngành đặc biệt quan tâm.

Những năm qua, công tác bảo đảm việc làm bền vững, cải thiện điều kiện làm việc, nâng cao mức sống của người lao động có nhiều chuyển biến tích cực. So với 5 năm trước, số công nhân lao động có việc làm tăng 26%, trong đó việc làm bền vững, thu nhập tăng đều qua các năm; đời sống của công nhân lao động ngày càng được cải thiện... Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nặng nề đến sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, tác động đến đời sống, việc làm của nhiều công nhân lao động, đặc biệt ở bộ phận lao động giản đơn.

Theo tiến sĩ Chang-Hee Lee, Giám đốc Tổ chức Lao động quốc tế tại Việt Nam, chúng ta chưa có những số liệu phản ánh tác động toàn diện của đại dịch Covid-19 gây nên đối với doanh nghiệp và việc làm, song có một điều rất rõ, hầu hết mọi quốc gia đang phải trải qua thời kỳ thực sự khó khăn do cả thế giới phải đối mặt với cuộc khủng hoảng nghiêm trọng chưa từng có, cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất kể từ Thế chiến thứ II.

Dịch vụ lưu trú, ăn uống, sản xuất, thương mại bán buôn, bán lẻ, bất động sản và các hoạt động kinh doanh, vận tải, giải trí... là những ngành có nguy cơ cao phải sa thải lao động, giảm lương và giờ làm. “Ở Việt Nam, những lĩnh vực này hiện đang sử dụng khoảng hơn 22,1 triệu lao động, tức 40,8% tổng số việc làm. Chúng ta không nói rằng tất cả những lao động này sẽ bị mất việc, nhưng họ đang làm việc trong những lĩnh vực có rủi ro cao, đang phải đối diện với thách thức vô cùng lớn để duy trì sự sống còn của doanh nghiệp và duy trì lực lượng lao động...”, tiến sĩ Chang-Hee Lee chia sẻ.

Trước thực tế này, Giám đốc Tổ chức Lao động quốc tế tại Việt Nam khuyến cáo, Chính phủ nên hướng sự hỗ trợ và các gói trợ giúp tới doanh nghiệp nỗ lực nhất trong việc giữ người lao động và giảm thiểu mức độ sa thải bằng các biện pháp điều chỉnh thời giờ làm việc, chia sẻ công việc, đào tạo tại chỗ, giảm lương có sự tham khảo ý kiến của công đoàn và người lao động. Làm như vậy sẽ khuyến khích doanh nghiệp nỗ lực hết mình trong việc giữ người lao động và giảm thiểu mức độ sa thải, từ đó làm chậm quá trình sa thải, giảm thiểu cú sốc đối với xã hội mà khủng hoảng gây nên trong khi vẫn duy trì được năng suất của người lao động cho công cuộc phục hồi nhanh hơn hậu Covid-19.

Về vấn đề việc làm và đời sống người lao động, mới đây, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Chỉ thị 16/CT-TTg về bảo đảm việc làm bền vững, nâng cao mức sống, cải thiện điều kiện làm việc của công nhân lao động. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội kịp thời tổ chức triển khai thực hiện bảo đảm ổn định tình hình lao động, việc làm, duy trì có hiệu quả mục tiêu vừa phòng, chống dịch vừa phát triển kinh tế; chủ động xây dựng các chương trình đào tạo nhằm nâng cao trình độ, tay nghề cho công nhân lao động để hỗ trợ thích ứng, phù hợp với các điều kiện, hoàn cảnh thay đổi trong và sau dịch Covid-19.

Thủ tướng cũng đề nghị Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tiếp tục chăm lo nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động. Tăng cường chỉ đạo các cấp công đoàn, nhất là công đoàn cơ sở trong doanh nghiệp nâng cao tính thực chất của các hoạt động đối thoại, thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể, đặc biệt về tiền lương của người lao động gắn với năng suất lao động và kết quả thực hiện công việc phù hợp với quy định của Bộ luật Lao động…

Thanh Tâm

Theo Báo Công thương

Theo: Báo Công Thương