Báo chí và công nghiệp văn hóa: Sức mạnh của sự gắn kết

(Banker.vn) Báo chí có vai trò quan trọng trong việc phát triển ngành công nghiệp văn hoá Việt Nam. Bằng cách truyền thông thông tin về các sự kiện văn hoá, nghệ thuật.
Báo chí đồng hành cùng ngành văn hoá, thể thao và du lịch Báo chí ngày càng gần hơn với người lao động

Báo chí ngày càng có vai trò quan trọng đối với sự phát triển của ngành công nghiệp văn hoá Việt Nam. PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội - chia sẻ về vấn đề này với Báo Công Thương.

Báo chí và công nghiệp văn hóa: Sức mạnh của sự gắn kết
Việt Nam đặt mục tiêu phát triển các ngành công nghiệp văn hóa là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân. Ảnh: TTXVN

Ông đánh giá như thế nào về vai trò của báo chí đối với sự phát triển ngành công nghiệp văn hoá Việt Nam?

Báo chí có vai trò quan trọng trong việc phát triển ngành công nghiệp văn hoá Việt Nam. Bằng cách truyền thông thông tin về các sự kiện văn hoá, nghệ thuật, giải trí và ẩm thực đến công chúng, báo chí giúp nâng cao nhận thức và tạo ra sự quan tâm đối với các hoạt động văn hoá.

Báo chí không chỉ giúp quảng bá cho các sản phẩm văn hoá mà còn đóng vai trò giáo dục và tạo ra sự hiểu biết sâu hơn về nền văn hoá của đất nước. Các bài báo, bài viết và phóng sự về văn hoá giúp tạo ra một cộng đồng văn hoá đa dạng và phong phú.

Ngoài ra, báo chí cũng có thể thúc đẩy sự đa dạng trong ngành công nghiệp văn hoá bằng cách tạo cơ hội cho những giá trị và ý tưởng mới được truyền tải và chia sẻ.

Việc phản ánh và thảo luận về các vấn đề văn hoá đương đại qua các phương tiện truyền thông giúp khán giả hiểu rõ hơn về thế giới xung quanh họ và khuyến khích sự sáng tạo và đổi mới trong ngành công nghiệp văn hoá.

Bên cạnh đó, với việc tận dụng mạng xã hội, video trực tuyến và các ứng dụng di động không chỉ giúp báo chí tiếp cận được đa dạng đối tượng khán giả mà còn tạo môi trường tương tác và tham gia động hơn cho cộng đồng văn hoá.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, PGS.TS Bùi Hoài Sơn
Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, PGS.TS Bùi Hoài Sơn

Theo ông, báo chí đã có bước đột phá, thay đổi ấn tượng ra sao trong thực hiện tuyên truyền về ngành công nghiệp văn hoá?

Thời gian vừa qua, cùng với sự quan tâm đặc biệt của xã hội đối với văn hóa, báo chí thực sự đã là cầu nối rất quan trọng để văn hóa được phản ánh nhiều hơn vào các chính sách, pháp luật, thảo luận và thực tế sinh động xã hội.

Đặc biệt, tôi đánh giá rất cao sự nỗ lực của các cơ quan báo chí đã mở những chuyên mục mới, đầu tư sâu hơn, với những bài viết có chất lượng cao, cập nhật về những vấn đề văn hóa.

Tất cả đã giúp cho toàn xã hội có những nhận thức đúng đắn và đầy đủ hơn về những khía cạnh đa dạng của văn hóa, những thời cơ, thách thức đối với sự phát triển văn hóa nước nhà. Từ đó, giúp chúng ta có thêm quyết tâm trong việc xây dựng và phát triển văn hóa đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.

Trong xu thế số hoá báo chí hiện nay, ông có thể gợi mở điều gì để báo chí có sự đóng góp tích cực hơn cho ngành công nghiệp văn hoá Việt Nam?

Chính phủ đã ban hành Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 khẳng định quan điểm: “Các ngành công nghiệp văn hóa là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân. Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi nhằm thu hút tối đa nguồn lực từ các doanh nghiệp và xã hội để phát triển các ngành công nghiệp văn hóa”.

Theo đó, tôi cho rằng, để đóng góp nhiều hơn cho ngành công nghiệp văn hoá, cũng như xây dựng ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam “Sáng tạo - Bản sắc - Độc đáo - Chuyên nghiệp - Cạnh tranh” trong bối cảnh số hóa ngày càng phát triển, các cơ quan báo chí cần triển khai thành nội dung đa dạng và chất lượng; tập trung vào việc tạo ra nội dung đa dạng và chất lượng, từ bài báo, video, podcast cho đến hình ảnh minh họa...

Bên cạnh đó, báo chí cần xây dựng mối quan hệ tương tác với độc giả thông qua việc phản hồi nhanh chóng, đáng tin cậy và chia sẻ thông tin cần thiết, giúp tạo sự gắn kết và sự tin tưởng từ độc giả; tạo ra nền tảng cộng đồng trực tuyến để tạo điều kiện cho độc giả cùng thảo luận, chia sẻ ý kiến và tương tác với nhau, giúp tạo ra một cộng đồng mạnh mẽ xung quanh các vấn đề văn hoá, công nghiệp văn hoá.

Ngoài ra, báo chí có thể hợp tác với các tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân có liên quan để tạo ra nội dung sáng tạo và đa chiều. Hợp tác này không chỉ mang lại lợi ích về nguồn lực mà còn mở ra cơ hội tiếp cận độc giả mới. Đồng thời báo chí cần theo dõi và phản ánh chính xác những xu hướng, biến đổi trong ngành công nghiệp văn hoá để cung cấp thông tin mới nhất và hấp dẫn cho độc giả.

Đặc biệt, để tối ưu hóa hiệu quả, báo chí cần lập kế hoạch bố trí nguồn lực sao cho phù hợp với mục tiêu và chiến lược của mình. Việc sử dụng nguồn lực một cách thông minh là yếu tố quan trọng giúp báo chí hoạt động hiệu quả. Mặt khác, báo chí cần xây dựng và duy trì thương hiệu mạnh, với cam kết về chất lượng nội dung, tính minh bạch và tôn trọng giá trị văn hoá. Thương hiệu mạnh sẽ giúp báo chí thu hút độc giả và đối tác hiệu quả hơn.

Tôi cho rằng, những giải pháp trên sẽ giúp báo chí đóng góp nhiều hơn cho ngành công nghiệp văn hoá một cách tích cực và hiệu quả trong bối cảnh số hóa ngày càng phát triển. Bằng cách thích nghi và tận dụng công nghệ, xây dựng cộng đồng gắn kết và cung cấp nội dung chất lượng, báo chí sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển và lan tỏa giá trị văn hoá đến cộng đồng và đất nước.

Xin cảm ơn ông!

Hoa Quỳnh (thực hiện)

Theo: Báo Công Thương
    Bài cùng chuyên mục