Báo cáo Xuất nhập khẩu Việt Nam: Cầu nối thông tin, hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu hiệu quả

(Banker.vn) “Bộ Công Thương luôn chú trọng cập nhật thông tin về tình hình thị trường xuất khẩu để các doanh nghiệp có thể nắm bắt, xuất khẩu hiệu quả”.
Báo cáo Xuất nhập khẩu Việt Nam: Gợi mở giải pháp giúp các địa phương gia tăng kim ngạch xuất khẩu Ngày 27/4, Bộ Công Thương sẽ công bố “Báo cáo xuất nhập khẩu Việt Nam 2022”

Đó là chia sẻ của bà Nguyễn Cẩm Trang - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu - Bộ Công Thương với phóng viên Báo Công Thương về ý nghĩa của Báo cáo Xuất nhập khẩu Việt Nam.

Xin bà chia sẻ đôi nét về thành tích của hoạt động xuất nhập khẩu năm 2022?

Năm 2022 hoạt động xuất nhập khẩu diễn ra trong bối cảnh đặc thù của diễn biến tình hình kinh tế - xã hội trên thế giới, và những ảnh hưởng của việc tăng giá nguyên liệu, sự đứt gãy nguồn cung cũng có những tác động không nhỏ đến hoạt động xuất nhập khẩu.

Tuy nhiên, với kết quả xuất nhập khẩu của năm 2022 cho thấy, chúng ta đã đạt được những thành tích đáng ghi nhận. Với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đã vượt mức 730 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu đạt 371,3 tỷ USD và có mức tăng trưởng hai con số so với năm 2021.

Đồng thời chúng ta cũng ghi nhận mức tăng trưởng ở tất cả các nhóm mặt hàng trong năm 2022. Đặc biệt là năm 2022 cũng là năm thứ bảy liên tiếp chúng ta có cán cân thương mại thặng dư với mức xuất siêu ở trên 10 tỷ USD.

Báo cáo xuất nhập khẩu được đánh giá là cuốn cẩm nang chính thống, cập nhật những thông tin hữu ích nhất về hoạt động xuất nhập khẩu. Vậy ban soạn thảo kỳ vọng như thế nào về hiệu quả cuốn sách này mang lại cho hoạt động xuất nhập khẩu? Sau 6 năm phát hành, Ban soạn thảo đã nhận được những phản hồi tích cực ra sao từ phía các hiệp hội, doanh nghiệp?

Báo cáo Xuất nhập khẩu Việt Nam: Cầu nối thông tin, hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu hiệu quả
Bà Nguyễn Cẩm Trang - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu: Bộ Công Thương luôn chú trọng cập nhật thông tin về tình hình thị trường xuất khẩu để các doanh nghiệp có thể nắm bắt, xuất khẩu hiệu quả

Báo cáo xuất nhập khẩu Việt Nam là ấn phẩm thường niên được Bộ Công Thương phát hành từ năm 2016 đến nay. Đây là tài liệu cung cấp cái nhìn tổng quan về hoạt động xuất nhập khẩu, về bức tranh xuất nhập khẩu trong cả một năm bao gồm: Tình hình xuất nhập khẩu theo từng mặt hàng, theo các thị trường cụ thể, đồng thời cũng là cái nhìn tổng quan về tất cả những hoạt động quản lý nhà nước, cơ chế chính sách liên quan đến hoạt động xuất nhập khẩu, các văn bản quy phạm pháp luật được ban hành trong năm đó.

Sau 6 năm ban hành, Báo cáo xuất nhập khẩu Việt Nam đã nhận được những phản hồi rất tích cực từ các đối tượng thụ hưởng là các hiệp hội, các cơ quan quản lý nhà nước, các doanh nghiệp.

Đối với các doanh nghiệp, đây sẽ là một tài liệu tham khảo hữu ích để các doanh nghiệp nắm được các thông tin về tình hình thị trường, về tình hình mặt hàng cũng như những cơ chế chính sách quản lý xuất nhập khẩu, để có cái hoạch định, có những kế hoạch sản xuất, kinh doanh và đặc biệt là xuất khẩu của mình.

Đối với các cơ quan quản lý nhà nước cũng như các hiệp hội, các tổ chức khác cũng có những đánh giá rất cao và nhìn nhận đây là nguồn tài liệu tham khảo mà các cơ quan, tổ chức có thể trích dẫn trong quá trình hoạt động của mình.

Trong quá trình soạn thảo và xuất bản báo cáo, bà có sự ấn tượng với sự bứt phá của ngành hàng hay địa phương nào hay không? Nếu có, xin bà chia sẻ thông tin?

Trong năm 2022, với kết quả tích cực chung của tăng trưởng xuất khẩu, đặc biệt là mức tăng trưởng này được ghi nhận ở cả ba nhóm hàng đó là: Nhóm nông sản, thủy sản; nhóm nhiên liệu khoáng sản và nhóm công nghiệp chế biến, chế tạo.

Trong tất cả các nhóm hàng, những ngành hàng chúng ta có thể thấy ở nhóm nông sản, thủy sản là có bứt phá rất nhanh. Đáng chú ý, trong số 9 mặt hàng nông sản, thủy sản thì có tới 7 mặt hàng đạt mức tăng trưởng dương trong năm 2022. Trong đó, thủy sản là mặt hàng có mức tăng trưởng ấn tượng và đã về đích trước, vượt kế hoạch với mức kim ngạch là 11 tỷ USD trong năm 2022. Những thị trường chủ lực của thủy sản như Hoa Kỳ cũng đạt mức tăng trưởng cao trong năm 2022.

Chế biến thủy sản xuất khẩu
Thủy sản là mặt hàng có mức tăng trưởng ấn tượng trong năm 2022

Ngược lại, hoạt động xuất nhập khẩu năm 2022 có ghi nhận sự tăng trưởng chậm lại của nhóm ngành hàng hay địa phương nào hay không? Và lý do là gì?

Thực ra có rất ít mặt hàng có mức tăng trưởng âm trong năm 2022, tuy nhiên trong số các mặt hàng đó thì có rau, quả là một mặt hàng mà có kim ngạch xuất khẩu giảm khoảng hơn 5 % trong năm 2022. Với nguyên nhân chính đó là sự sụt giảm từ thị trường Trung Quốc - thị trường xuất khẩu lớn nhất của rau, quả của chúng ta.

Tại sao lại có kết quả như vậy? chúng ta đều biết là năm qua, Trung Quốc đã duy trì những biện pháp hạn chế giao thương, hạn chế đi lại để kiểm soát dịch Covid-19. Chính vì vậy, đã làm ảnh hưởng đến kim ngạch xuất khẩu mặt hàng rau, quả.

Tuy nhiên, chúng ta cũng kỳ vọng vào mức tăng trưởng tốt hơn trong năm 2023 với những tín hiệu tích cực từ việc mở cửa lại của thị trường Trung Quốc, cũng như là việc chúng ta đã có thêm những mặt hàng trái cây được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc.

Trong thời gian qua, Bộ Công Thương đã rất nỗ lực triển khai các biện pháp để các doanh nghiệp đẩy mạnh chuyển sang xuất khẩu chính ngạch các mặt hàng, trong đó có mặt hàng rau, quả sang thị trường Trung Quốc.

Năm 2023, hoạt động xuất nhập khẩu đang gặp nhiều khó khăn. Bộ Công Thương sẽ triển khai những giải pháp gì để hỗ trợ doanh nghiệp? Đồng thời, công tác cung cấp thông tin, bao gồm việc phát hành báo cáo này sẽ được tiếp tục thực hiện như thế nào?

Kết quả xuất khẩu của quý 1/2023 cho thấy, chúng ta thực sự đang gặp khó khăn. Và những khó khăn này đến từ thị trường ngoài nước khi nhu cầu của các thị trường chủ lực của chúng ta thì sụt giảm, lượng tồn kho vẫn còn lớn, những khó khăn về giá nguyên liệu vẫn còn cao. Chính vì thế, xuất khẩu của quý 1/2023 đã có sự sụt giảm.

Trong bối cảnh đó, Bộ Công Thương đã nỗ lực triển khai nhiều biện pháp: Từ các biện pháp liên quan đến tháo gỡ khó khăn cho sản xuất để tạo nguồn hàng cho xuất khẩu, đến những biện pháp tạo thuận lợi cho doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu về mặt thủ tục hành chính. Và quan trọng hơn nữa là các biện pháp phát triển thị trường như: Tận dụng các cơ hội từ FTA, hay xúc tiến thương mại, đặc biệt là công tác thông tin thị trường.

Trong tất cả các biện pháp tôi vừa nên trên, thì một trong những biện pháp mà Bộ Công Thương luôn chú trọng và rất quan tâm đó là: Công tác cập nhật thông tin về tình hình thị trường cho các doanh nghiệp, thông tin về cơ chế chính sách, về những quy định mới của các thị trường để các doanh nghiệp có thể nắm bắt và chủ động kế hoạch sản xuất kinh, doanh của mình.

Báo cáo Xuất nhập khẩu thường niên cũng là một trong những hoạt động để cung cấp thông tin cho doanh nghiệp. Chúng tôi sẽ sớm phát hành báo cáo năm 2023. Việc soạn thảo thì sẽ triển khai vào cuối năm nay để phát hành vào đầu năm sau. Và hoạt động phát hành báo cáo này hi vọng sẽ được tiếp tục duy trì thường niên để hỗ trợ, cung cấp thông tin cho doanh nghiệp cũng như là các hiệp hội.

Xin cảm ơn bà!

Xem Báo cáo Xuất nhập khẩu Việt Nam 2022 tại đây.

Tham khảo thêm:

Báo cáo Xuất nhập khẩu Việt Nam 2021

Báo cáo Xuất nhập khẩu Việt Nam 2020

Báo cáo Xuất nhập khẩu Việt Nam 2019

Báo cáo Xuất nhập khẩu Việt Nam 2018

Báo cáo Xuất nhập khẩu Việt Nam 2017

Báo cáo Xuất nhập khẩu Việt Nam 2016

Hoàng Lan (thực hiện)

Theo: Báo Công Thương