Bánh bao Thọ Phát - mục tiêu 'thâu tóm' mới của Kido: Doanh thu đều đặn hàng trăm tỷ, lợi nhuận 'lèo tèo' trăm triệu đồng

(Banker.vn) Dù có doanh thu bán hàng lên đến 1.650 tỷ đồng trong giai đoạn 2017-2021, song Công ty TNHH MTV Chế biến thực phẩm Thọ Phát đã không thể chuyển hóa thành lợi nhuận, doanh nghiệp vẫn 'cõng' khoản lỗ lũy kế 6 tỷ đồng cho đến cuối năm 2021.
Bánh bao Thọ Phát - mục tiêu 'thâu tóm' mới của Kido: Doanh thu đều đặn hàng trăm tỷ, lợi nhuận 'lèo tèo' trăm triệu đồng
Công ty Thọ Phát sở hữu nhà máy sản xuất có quy mô hơn 22.000 m2 tại TP.HCM, được trang bị công nghệ hiện đại với rất nhiều thiết bị sản xuất tự động,

Thương vụ 'bạc tỷ' của Kido

Hội đồng quản trị (HĐQT) Tập đoàn Kido (HOSE: KDC) vừa công bố nghị quyết về việc nhận chuyển nhượng cổ phần tại Công ty TNHH MTV Chế biến thực phẩm Thọ Phát - đơn vị sở hữu thương hiệu Bánh bao Thọ Phát, nhà sản xuất và phân phối bánh bao hàng đầu Việt Nam.

Ông Trần Lệ Nguyên, Phó chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Kido cho biết, Kido đã tìm hiểu kĩ lưỡng về Thọ Phát từ quý III/2022, và quyết định "thâu tóm" doanh nghiệp này, hướng đến mục tiêu dẫn đầu trong lĩnh vực thực phẩm thiết yếu tại Việt Nam.

Giai đoạn 1, Kido sẽ mua lại 25% cổ phần của Thọ Phát, tạo tiền đề giúp hãng mở rộng danh mục thực phẩm trên thị trường trong nước. Sau đợt mua đầu tiên, cuối quý II năm nay, Kido sẽ tiếp tục tăng tỷ lệ sở hữu lên mức chi phối với 51-70%.

Đặc biệt, giá trị của thương vụ không được ban lãnh đạo Kido công bố, tuy nhiên, được biết đây là một khoản đầu tư lớn trong thời điểm hiện tại.

Kido cũng cam kết đưa Thọ Phát mở rộng ra thị trường miền Trung, miền Bắc và xuất khẩu sang các nước trong khu vực và thế giới. Kido dự kiến năm nay mảng bánh (tính gộp cả Công ty Thọ Phát) sẽ đạt khoảng 2.000 tỷ đồng doanh thu và 200 tỷ đồng lãi sau thuế.

Phía Kido chia sẻ thêm, Thọ Phát giữ cương vị là thương hiệu hàng đầu về sản xuất bánh bao tại Việt Nam, với hơn 4.000 điểm bán hàng trên các kênh GT, MT và CVS. Dòng sản phẩm chính của Thọ Phát bao gồm: bánh bao (bánh bao ngọt, bánh bao mặn, bánh bao chay, bánh bao không nhân, bánh bao tạo hình…); bánh giò - xôi; bánh nướng - bánh chiên (bánh Dorayaki); dimsum (há cảo, hoành thánh, xíu mại)…

Bánh bao Thọ Phát - mục tiêu 'thâu tóm' mới của Kido: Doanh thu đều đặn hàng trăm tỷ, lợi nhuận 'lèo tèo' trăm triệu đồng
Với việc "thâu tóm" Bánh bao Thọ Phát, Kido kỳ vọng riêng mảng bánh sẽ đạt khoảng 2.000 tỷ đồng doanh thu và 200 tỷ đồng lãi sau thuế trong năm 2023.

Doanh nghiệp sở hữu nhà máy sản xuất có quy mô hơn 22.000 m2 tại TP.HCM, được trang bị công nghệ hiện đại với rất nhiều thiết bị sản xuất tự động, được kiểm soát chặt chẽ theo chương trình quản lý chất lượng sản phẩm HACCP Codex, ISO 22000 và ISO 45001, đạt công suất 10.000 tấn sản phẩm cung cấp ra thị trường mỗi năm.

'Vén màn' bức tranh kinh doanh Thọ Phát

Thông tin về bản hợp đồng M&A đầy hấp dẫn của Kido khiến nhà đầu tư bàn luận xôn xao trên các diễn đàn, trang mạng xã hội. Đây là một tin tốt, được phát đi trong bối cảnh giá cổ phiếu KDC đang chứng kiến nhiều phiên tăng mạnh, bật dậy thoát khỏi vùng đáy gần 50.000 đồng/cp thiết lập hồi trung tuần tháng 3.

Hiện, thị giá KDC đã trở về trên mức 6x.000 đồng/cổ phiếu, tăng khoảng 17% sau một tháng.

Liên quan đến mục tiêu M&A mới của Kido, theo tìm hiểu của Kinhtechungkhoan.vn, Công ty TNHH MTV Chế biến thực phẩm Thọ Phát (viết tắt là Công ty Thọ Phát) được thành lập ngày 21/9/2011, có địa chỉ tại quận 5, TP.HCM.

Có lẽ, thương hiệu Thọ Phát được lấy cảm hứng từ ông Vũ Phước Thọ, doanh nhân sinh năm 1962, người sáng lập và đang trực tiếp đứng tên tại doanh nghiệp.

Theo dữ liệu của Kinhtechungkhoan.vn, với lợi thế dẫn đầu trong mảng sản xuất và phân phối bánh bao, Công ty Thọ Phát (công ty mẹ) làm ăn tương đối khấm khá, mỗi năm thu về hàng trăm tỷ đồng. Cụ thể, giai đoạn 2017-2021, doanh thu thuần bán hàng của Công ty Thọ Phát đạt lần lượt 220 tỷ đồng, 269 tỷ đồng, 355 tỷ đồng, 424 tỷ đồng và 391 tỷ đồng.

Như vậy, nguồn thu của chủ sở hữu thương hiệu Bánh bao Thọ Phát tăng trưởng đều đặn trong phần lớn các năm qua, chỉ duy nhất 2021 bị chững lại, nhưng mức độ giảm khá nhẹ, không đáng kể.

Tuy nhiên, khả năng sinh lợi không phải là ưu điểm, thế mạnh của Công ty Thọ Phát. Trái ngược với doanh thu "khủng", lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp khá "bèo bọt", chỉ trên dưới vài trăm triệu đồng mỗi năm. Cá biệt, năm 2018 doanh nghiệp báo lỗ trên 6,5 tỷ đồng, và đến thời điểm cuối 2021 vẫn chưa thể bù lỗ lũy kế (âm gần 6 tỷ đồng).

Bánh bao Thọ Phát - mục tiêu 'thâu tóm' mới của Kido: Doanh thu đều đặn hàng trăm tỷ, lợi nhuận 'lèo tèo' trăm triệu đồng
Chủ yếu các khoản nợ của chủ thương hiệu Bánh bao Thọ Phát là nợ vay dài hạn.

Khoản lỗ này cũng là nguyên nhân khiến vốn chủ sở hữu của Công ty Thọ Phát mất đến quá nửa. Trong khi vốn điều lệ (vốn góp của chủ sở hữu) là 9 tỷ đồng, song vốn chủ sở hữu chỉ còn vẻn vẹn 3 tỷ đồng, tính đến ngày lập báo cáo tài chính năm 2021.

Nôm na là, cả giai đoạn 2017-2021, dù tổng doanh thu thuần của Công ty Thọ Phát vượt ngưỡng 1.650 tỷ đồng, nhưng doanh nghiệp chưa thể chuyển hóa thành lợi nhuận, vẫn "cõng" khoản lỗ 6 tỷ đồng.

Ngoài biên lợi nhuận "tráng men", một điểm Kido cần lưu tâm khi rót tiền vào Công ty Thọ Phát, đó là doanh nghiệp này có truyền thống dùng đòn bẩy mạnh tay, nợ phải trả lên đến gần 700 tỷ đồng, gấp hàng trăm lần vốn chủ sở hữu.

Đặc biệt, nợ của Công ty Thọ Phát đều là nợ vay, nghĩa là nợ mất lãi. Thời điểm 31/12/2021, doanh nghiệp ghi nhận nợ vay dài hạn hơn 654 tỷ đồng, khoảng cách quá lớn so với vốn chủ sở hữu là 3 tỷ đồng. Điều đó cho thấy, phần lớn tài sản đang nằm trong tay các chủ nợ.

Về tình hình kinh doanh của Kido, tập đoàn đầu ngành bơ thực vật, dầu ăn ở Việt Nam vừa trải qua quý cuối năm 2022 đáng quên với lợi nhuận sau thuế giảm mạnh 90% so với cùng kỳ, xuống còn 14 tỷ đồng.

Đây là mức lãi theo quý thấp nhất trong vòng 5 năm trở lại đây của Kido. Chi phí giá vốn hàng bán, lãi vay là các nguyên nhân gây hào mòn lợi nhuận doanh nghiệp.

Luỹ kế cả năm 2022, Kido ghi nhận 12.520 tỷ đồng doanh thu, tăng 19% so với cùng kỳ; tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế chỉ đạt 374 tỷ đồng giảm 43%. So với kế hoạch đề ra, Kido thực hiện được 90% chỉ tiêu doanh thu, và 57% chỉ tiêu lợi nhuận năm.

Hiện doanh nghiệp chưa công bố báo cáo tài chính quý I/2023.

Kido (KDC) “quay xe” hoãn chia cổ tức đặc biệt tỷ lệ 50%

Công ty CP Tập đoàn Kido (HOSE: KDC) vừa thông báo quyết nghị về việc tạm hoãn việc thực hiện chốt danh sách cổ đông ...

Vocarimex (VOC) sắp chi hơn 1.200 tỷ đồng trả cổ tức đặc biệt

Vocarimex hiện có vốn điều lệ 1.218 tỷ đồng, trong đó Công ty mẹ là Tập đoàn Kido đang sở hữu xấp xỉ 106,33 triệu ...

Cổ đông Vocarimex (VOC) "mừng hụt" vì cổ tức

Tổng Công ty CP Công nghiệp Dầu thực vật Việt Nam – Vocarimex (UPCoM: VOC) công bố Nghị quyết HĐQT về việc tạm hoãn thực ...

Vân Oanh

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán