Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức Hội nghị Báo cáo viên Trung ương tháng 8/2024

(Banker.vn) Sáng 15/8/2024, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức Hội nghị Báo cáo viên Trung ương tháng 8/2024. Đồng chí Phan Xuân Thủy, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì Hội nghị.
Sáng 15/8/2024, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức Hội nghị Báo cáo viên Trung ương tháng 8/2024. Đồng chí Phan Xuân Thủy, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì Hội nghị. Hội nghị được tổ chức bằng hình thức trực tiếp kết hợp với trực tuyến, kết nối 2.020 điểm cầu trên cả nước với sự tham gia của gần 75.000 đại biểu.

Tham dự tại điểm cầu Đảng ủy cơ quan Ngân hàng Trung ương (NHTW) có đồng chí Phạm Tiến Dũng - Ủy viên Ban Cán sự Đảng, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN); các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Đảng bộ cơ quan NHTW; Bí thư/Phó Bí thư, cấp ủy phụ trách công tác tuyên giáo của các đảng ủy, chi ủy thuộc Đảng ủy cơ quan NHTW; đại diện Ban Thường vụ Công đoàn, Đoàn Thanh niên NHTW; các đồng chí báo cáo viên, cộng tác viên nghiên cứu dư luận xã hội cấp Đảng bộ cơ quan NHTW; các cán bộ chuyên trách công tác Đảng trong Đảng bộ cơ quan NHTW…
 

   Toàn cảnh Hội nghị tại điểm cầu Đảng ủy cơ quan NHTW
 
Tại Hội nghị, các đại biểu đã nghe đồng chí Đỗ Thành Trung, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư thông tin chuyên đề: “Tình hình kinh tế - xã hội 7 tháng năm 2024; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội những tháng cuối năm 2024”. Theo đó, trong 7 tháng năm 2024, kinh tế - xã hội nước ta tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thách thức trước diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường của tình hình thế giới. Các bộ, ngành và địa phương đã nghiêm túc, quyết liệt thực hiện hiệu quả các nghị quyết của Chính phủ nhằm đạt kết quả cao nhất mục tiêu đề ra. Qua 7 tháng năm 2024, tình hình kinh tế - xã hội phục hồi rõ nét, cơ bản đạt được mục tiêu tổng quát đề ra, tiếp tục là điểm sáng trong bức tranh nền kinh tế khu vực và thế giới.  

Tăng trưởng kinh tế quý II/2024 đạt 6,93% so với cùng kỳ năm trước, tính chung 6 tháng đạt 6,42%. Nền kinh tế từng bước lấy lại được đà tăng trưởng như các năm trước dịch Covid-19, xuất khẩu 7 tháng tăng 15,7% so với cùng kỳ năm trước; xuất khẩu sang các thị trường lớn như Mỹ, EU, Trung Quốc… tăng trưởng tích cực; cán cân thương mại duy trì mức xuất siêu cao, 7 tháng đạt 14,08 tỉ USD. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) 7 tháng tăng 4,12% so với cùng kỳ năm trước, trong mức kiểm soát theo mục tiêu của Quốc hội (4 - 4,5%); chính sách tăng lương cơ sở từ ngày 01/7/2024 góp phần cải thiện đời sống người hưởng lương và trợ cấp; tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký 7 tháng đạt hơn 18 tỉ USD, tăng 10,9% so với cùng kỳ năm trước, trong đó FDI đăng ký mới đạt gần 10,8 tỉ USD, tăng 35,6%; vốn FDI thực hiện khoảng 12,6 tỉ USD, tăng 8,4% so với cùng kỳ năm trước…

Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm. Hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp dần phục hồi sau nhiều tháng gặp khó khăn, số doanh nghiệp gia nhập thị trường tiếp tục cao hơn số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Thu ngân sách nhà nước tăng khá nhờ các hoạt động sản xuất, kinh doanh khởi sắc hơn. Công tác bảo đảm an sinh xã hội luôn được các cấp, ngành thực hiện kịp thời, hiệu quả. Cùng với đó, công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, thực chất và toàn diện hơn, có dấu ấn nổi bật, cụ thể hóa thành các dự án cụ thể, thiết thực, mang tính đột phá…

Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Thành Trung, trong những tháng cuối năm 2024, để phấn đấu hoàn thành cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, các cấp, ngành, địa phương cần tiếp tục thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đề ra từ đầu năm trên các lĩnh vực. Trong đó, rà soát, quyết liệt tháo gỡ, xử lý ngay các khó khăn, vướng mắc về thể chế, pháp luật, thủ tục hành chính, bảo đảm tiến độ, chất lượng, tạo động lực bứt phá cho tăng trưởng trong những tháng cuối năm 2024 và thời gian tới.

Tại Hội nghị, đồng chí Vũ Hoài Bắc, Trưởng Ban Tôn giáo Chính phủ đã thông tin chuyên đề: “Tình hình tôn giáo, tín ngưỡng và công tác quản lý nhà nước về tôn giáo ở nước ta hiện nay; phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp trong thời gian tới”. Đồng chí Vũ Hoài Bắc cho biết: Đảng và Nhà nước ta luôn xác định công tác tôn giáo là vấn đề chiến lược có ý nghĩa rất quan trọng. Tín ngưỡng, tôn giáo là nhu cầu tinh thần của một bộ phận nhân dân, đã, đang và sẽ tồn tại cùng dân tộc trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Thực hiện nhất quán chính sách tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, các tôn giáo hoạt động trong khuôn khổ pháp luật, bình đẳng trước pháp luật. Nhìn chung, các tổ chức tôn giáo xây dựng đường hướng hành đạo, hoạt động theo pháp luật; các tôn giáo được Nhà nước công nhận đã hành đạo gắn bó với dân tộc, tập hợp đông đảo tín đồ trong khối đại đoàn kết toàn dân, xây dựng cuộc sống tốt đời, đẹp đạo, góp phần vào công cuộc đổi mới đất nước. Đồng thời, nghiêm cấm lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để hoạt động mê tín dị đoan, hoạt động trái pháp luật và chính sách của Nhà nước, kích động chia rẽ nhân dân, chia rẽ các dân tộc, gây rối, xâm phạm an ninh quốc gia.

Thời gian qua, đồng bào các tôn giáo đã có những đóng góp tích cực vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tuy nhiên, vẫn còn một số người đã lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để tiến hành những hoạt động chống đối, kích động nhằm phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc, gây mất ổn định chính trị.

Để khắc phục những tồn tại về tình hình tôn giáo tại Việt Nam hiện nay, theo đồng chí Vũ Hoài Bắc, cần chú trọng các vấn đề: Xây dựng và hoàn thiện pháp luật về tôn giáo; kiện toàn tổ chức bộ máy tham mưu quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo và nâng cao phẩm chất đạo đức, năng lực đội ngũ công chức thực hiện pháp luật về tôn giáo; tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với việc thực hiện pháp luật về tôn giáo; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về tôn giáo, khẳng định Đảng, Nhà nước luôn thực hiện nhất quán chủ trương đoàn kết đồng bào theo các tôn giáo khác nhau; đoàn kết đồng bào theo tôn giáo và đồng bào không theo tôn giáo; tiếp tục có các biện pháp nghiêm cấm lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để hoạt động mê tín dị đoan, hoạt động trái pháp luật và chính sách của Nhà nước, kích động chia rẽ nhân dân, chia rẽ các dân tộc, gây rối, xâm phạm an ninh quốc gia…

Phát biểu kết luận và định hướng công tác tuyên truyền thời gian tới, đồng chí Phan Xuân Thủy, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đề nghị các báo cáo viên tập trung tuyên truyền các nội dung trọng tâm mà đồng chí Đỗ Thành Trung, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư và đồng chí Vũ Hoài Bắc, Trưởng Ban Tôn giáo Chính phủ đã thông tin. Trong đó, tập trung vào các giải pháp tháo gỡ khó khăn, phấn đấu hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2024; bảo đảm quyền tự do, tín ngưỡng của người dân kết hợp với chống mê tín dị đoan, ngăn chặn âm mưu lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo chống phá Đảng, Nhà nước của các thế lực thù địch... Đồng thời, tập trung tuyên truyền về các nhiệm vụ, giải pháp xây dựng, chỉnh đốn Đảng, hệ thống chính trị và công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; các chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên giai đoạn mới gắn với việc thực hiện học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; quyết tâm thực hiện thắng lợi các mục tiêu Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và công tác chuẩn bị cho Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng... Tuyên truyền về các lễ kỷ niệm, các sự kiện lớn của đất nước trong tháng 8 và tháng 9/2024, trong đó chú trọng tuyên truyền kỷ niệm 55 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh (1969 - 2024); tuyên truyền kỷ niệm 79 năm Ngày Cách mạng tháng Tám thành công (19/8/1945 - 19/8/2024) và Ngày Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2/9/1945 - 2/9/2024)…

Trần Kim
Theo: Tạp chí Ngân hàng