Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức Hội nghị báo cáo viên Trung ương tháng 6/2023

(Banker.vn) Sáng 16/6/2023, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức Hội nghị báo cáo viên Trung ương tháng 6/2023. Hội nghị được tổ chức bằng hình thức trực tiếp từ Ban Tuyên giáo Trung ương và trực tuyến tới 3.372 điểm cầu trên cả nước với tổng số 148.387 đại biểu tham dự, trong đó có 3 điểm cầu của Ban Tuyên giáo Trung ương, 57 điểm cầu cấp tỉnh, 592 điểm cầu cấp huyện và 2.720 điểm cầu cấp xã.
Sáng 16/6/2023, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức Hội nghị báo cáo viên Trung ương tháng 6/2023. Hội nghị được tổ chức bằng hình thức trực tiếp từ Ban Tuyên giáo Trung ương và trực tuyến tới 3.372 điểm cầu trên cả nước với tổng số 148.387 đại biểu tham dự, trong đó có 3 điểm cầu của Ban Tuyên giáo Trung ương, 57 điểm cầu cấp tỉnh, 592 điểm cầu cấp huyện và 2.720 điểm cầu cấp xã.

Tham dự Hội nghị, tại điểm cầu Đảng ủy cơ quan Ngân hàng Trung ương (NHTW) có các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ, Chánh Văn phòng Đảng ủy cơ quan NHTW; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ cơ quan NHTW; Ủy viên Ban Kiểm tra, lãnh đạo các ban chuyên trách của Đảng ủy; cấp ủy, lãnh đạo cấp vụ và tương đương của các Đảng bộ, Chi bộ trực thuộc Đảng ủy cơ quan NHTW; Bí thư và Phó Bí thư các chi bộ trực thuộc các Đảng bộ cơ sở, Đảng bộ bộ phận; báo cáo viên, cộng tác viên dư luận xã hội cấp Đảng bộ cơ quan NHTW.

Tại Hội nghị, các đại biểu đã được nghe Thiếu tướng Đặng Hồng Đức, Chánh Văn phòng Bộ Công an thông tin nhanh về vụ gây mất an ninh trật tự tại Đắk Lắk vừa qua. Cụ thể, khoảng 0 giờ 30 phút ngày 11/6/2023, trên địa bàn huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk xảy ra vụ việc có hai nhóm đối tượng có vũ khí, đột nhập tấn công trụ sở công an các xã Ea Ktur và Ea Tiêu. Hậu quả làm 11 người thương vong và 3 người dân tộc thiểu số bị khống chế làm con tin. Ngay trong đêm xảy ra vụ việc, Bộ Công an đã nhanh chóng tăng cường các lực lượng nghiệp vụ, triển khai đồng bộ các biện pháp bao vây, phong tỏa các địa bàn có liên quan, bảo vệ trụ sở chính quyền, bảo đảm an ninh, an toàn cho người dân và truy bắt đối tượng; đồng thời khẩn trương thực hiện chế độ chính sách, kịp thời thăm hỏi động viên gia đình các đồng chí hi sinh, bị thương; thăm hỏi động viên gia đình cán bộ, người dân bị nạn. Tính đến thời điểm hiện nay, lực lượng chức năng cùng nhân dân đã bắt giữ được hơn 50 đối tượng, trong đó có một số tên cầm đầu.

Đây là những hành động cần lên án, vì vậy, Bộ Công an đề nghị người dân tiếp tục nâng cao cảnh giác, tích cực tham gia tố giác tội phạm, cung cấp thông tin giúp lực lượng chức năng truy bắt hết đối tượng phạm tội, đảm bảo an toàn, ổn định cuộc sống tại địa phương.

 
 
  
   Thiếu tướng Đặng Hồng Đức, Chánh Văn phòng Bộ Công an thông tin nhanh tại Hội nghị
 
Về các biện pháp trong thời gian tới, Thiếu tướng Đặng Hồng Đức nhấn mạnh, Bộ Công an sẽ tiếp tục truy bắt hết số đối tượng gây án, thu giữ toàn bộ vũ khí, vật liệu nổ, đồng thời bảo đảm tuyệt đối an toàn cho người dân và lực lượng tham gia truy bắt; tiến hành công tác điều tra, xử lí nhanh chóng theo đúng quy định. Chỉ đạo rà soát toàn bộ phương án bảo đảm tuyệt đối an ninh các địa bàn, mục tiêu, lĩnh vực trọng điểm, nắm chắc tình hình và tham mưu cấp ủy, chính quyền nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lí nhà nước, loại trừ yếu tố tiềm ẩn phức tạp phát sinh.

Tiếp theo, TS. Trần Gia Long, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thông tin chuyên đề “Phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới theo hướng nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh”.

Theo, TS. Trần Gia Long, trong 37 năm thực hiện công cuộc đổi mới do Đảng Cộng sản Việt Nam khởi xướng và lãnh đạo, nông nghiệp nước ta tiếp tục phát triển trên cơ sở phát huy các lợi thế, chuyển mạnh sang sản xuất hàng hóa, xuất khẩu trên quy mô lớn và ngày càng tăng, hệ thống tổ chức sản xuất, kinh doanh tiếp tục được đổi mới phù hợp hơn với cơ chế thị trường. Phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn đạt được nhiều thành tựu quan trọng, bộ mặt nông thôn nhiều đổi mới; kết cấu hạ tầng được nâng cấp, điều kiện sinh sống được cải thiện; cơ cấu kinh tế, công nghiệp và dịch vụ ở nông thôn phát triển nhanh; thu nhập và đời sống vật chất, tinh thần của nông dân và dân cư nông thôn được nâng cao, số hộ nghèo giảm nhanh.

TS. Trần Gia Long cho biết, trong giai đoạn vừa qua, ngành nông nghiệp Việt Nam gặt hái nhiều thành tựu. Các địa phương tích cực áp dụng tiến bộ khoa học, kĩ thuật vào sản xuất, đặc biệt là sản xuất nông nghiệp công nghệ cao... Từ đó, Việt Nam không những đảm bảo an ninh lương thực, mà còn là nước xuất khẩu lương thực lớn trong khu vực và trên thế giới. Việt Nam hiện đứng thứ 16 thế giới về GDP nông - lâm - thủy sản với 32,280 tỉ USD; tăng trưởng nông, lâm, thủy sản bình quân giai đoạn 2011 - 2020 là 2,93%, năm 2021 đạt 3,27%; năm 2022 đạt 3,36%; thu nhập trung bình của người dân ở khu vực nông thôn đến năm 2020 là khoảng 42 triệu đồng/người/năm; hết năm 2022 là khoảng 47,2 triệu đồng/người/năm. Tỉ lệ hộ nghèo ở khu vực nông thôn giảm khoảng 1 - 1,5%/năm; cùng với đó, các chính sách của Nhà nước đã chú trọng phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo sinh kế cho người dân ở nông thôn. Vai trò, năng lực làm chủ của nông dân được nâng cao; nông dân ngày càng năng động, linh hoạt hơn, thích ứng với sản xuất, kinh doanh hàng hóa.

Trong lĩnh vực xây dựng nông thôn mới, đến tháng 5/2023, cả nước đã có 73,24% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, 1.301 xã đạt nông thôn mới nâng cao, 139 xã đạt nông thôn mới kiểu mẫu.

Tuy nhiên, số lượng các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn còn hạn chế; có những huyện vùng cao còn chưa có xã nông thôn mới; công tác xử lí môi trường ở vùng nông thôn còn nhiều bất cập; tình trạng được mùa, mất giá, giải cứu nông sản vẫn còn xảy ra nhiều vùng, miền; sức cạnh tranh sản phẩm nông nghiệp trong nước với ngoài nước vẫn chưa cao...

Theo TS. Trần Gia Long, để phát triển nền nông nghiệp hiệu quả, bền vững theo hướng sinh thái, ứng dụng khoa học - công nghệ tiên tiến, nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng, thời gian tới cần cơ cấu lại nông nghiệp theo hướng thực chất, hiệu quả; đẩy mạnh tích tụ, tập trung đất đai, phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại, chuyên canh hàng hóa tập trung, quy mô lớn; phát triển mạnh công nghiệp sản xuất giống cây trồng và vật nuôi; khuyến khích phát triển nông nghiệp xanh, hữu cơ, tuần hoàn, chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP)…

Cũng trong chương trình Hội nghị, PGS., TS. Phạm Văn Linh, Phó Chủ tịch Hội đồng Lí luận Trung ương thông tin chuyên đề: “Xây dựng chuẩn mực đạo đức của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới”. Theo đó, xây dựng Đảng về đạo đức và xây dựng đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên là vấn đề rất hệ trọng, một trong 10 nhiệm vụ của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và là một trong những nội dung căn cốt trong tư tưởng Hồ Chí Minh. Trong 93 năm lãnh đạo sự nghiệp cách mạng Việt Nam, Đảng ta luôn quan tâm, chú trọng xây dựng Đảng về đạo đức, coi đây là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục; là yêu cầu quan trọng, cấp thiết trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, để Đảng ta thật trong sạch, vững mạnh.

Theo PGS., TS. Phạm Văn Linh, thực tiễn đang đặt ra yêu cầu phải xây dựng chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên để thống nhất nhận thức trong toàn Đảng về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên; làm cơ sở cho cán bộ, đảng viên tự giác tu dưỡng, rèn luyện, tự điều chỉnh hành vi ứng xử; góp phần xây dựng Đảng về đạo đức, đúng như tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, đó là: Nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện các chuẩn mực đạo đức cách mạng phù hợp với điều kiện mới và truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc để làm cơ sở cho cán bộ, đảng viên tự giác tu dưỡng, rèn luyện, tự điều chỉnh hành vi ứng xử trong công việc hằng ngày.

Sự nghiệp đổi mới đất nước đạt được nhiều thành tựu đáng kể trên tất cả các lĩnh vực. Tuy nhiên, kinh tế thị trường với việc lấy lợi ích làm động lực, nhấn mạnh lợi ích kinh tế, coi trọng lợi ích cá nhân đã đẩy một số cán bộ, đảng viên, trong đó có cả cán bộ cấp cao thiếu bản lĩnh, suy thoái về đạo đức, lối sống lao vào làm ăn kinh tế, bất chấp thủ đoạn, coi thường pháp luật, xem nhẹ giá trị đạo đức xã hội.

Trước tình hình đó, Đảng ta đã ban hành các Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, XII, XIII về xây dựng Đảng gắn với thực hiện Kết luận số 01- KL/TW ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh với các giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt, đồng bộ. Điều đó đã tác động tích cực tới việc ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.

Theo PGS., TS. Phạm Văn Linh, xây dựng chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới là hoạt động thiết thực nhằm triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, các nghị quyết, kết luận của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư về xây dựng, chỉnh đốn Đảng nói chung, xây dựng Đảng về đạo đức nói riêng.
Phát biểu kết luận Hội nghị, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Phan Xuân Thủy đề nghị các đại biểu bám sát thông tin do Thiếu tướng Đặng Hồng Đức, TS. Trần Gia Long, và PGS.,TS. Phạm Văn Linh trình bày tại Hội nghị.

 


Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Phan Xuân Thủy phát biểu tại Hội nghị

 
Về vụ gây mất an ninh trật tự tại Đắk Lắk, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Phan Xuân Thủy đề nghị Ban Tuyên giáo các Tỉnh ủy, Thành ủy, Đảng ủy trực thuộc Trung ương, đội ngũ báo cáo viên các cấp và tuyên truyền viên cơ sở tập trung tuyên truyền sâu rộng các thông tin tại Hội nghị để kịp thời, nhanh chóng ổn định tình hình tư tưởng trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân; nhấn mạnh vai trò của quần chúng nhân dân trong việc cung cấp thông tin để lực lượng chức năng truy quét hiệu quả các đối tượng. Ban Tuyên giáo các tỉnh Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum, Đắk Nông phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đoàn thể, sâu sát cơ sở để làm tốt công tác tuyên truyền ổn định lòng dân; tuyên truyền để người dân hiểu, phát huy thế trận lòng dân, phối hợp tích cực với các lực lượng chức năng trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, góp phần đảm bảo ổn định an ninh, trật tự xã hội, đồng thời bóc trần các thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch, phần tử phản động chống đối.

Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Phan Xuân Thủy đề nghị các báo cáo viên, tuyên truyền viên tham gia tích cực đấu tranh phản bác các thông tin sai trái của các thế lực thù địch; tập trung tuyên truyền tốt việc thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia: Xây dựng nông thôn mới; phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; xóa đói giảm nghèo bền vững.

Về vấn đề Biển Đông, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Phan Xuân Thủy đề nghị trong tuyên truyền nhấn mạnh quan điểm của Việt Nam đó là kiên quyết bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam trên Biển Đông bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 và bác bỏ các yêu sách phi lí; bảo đảm môi trường hòa bình, ổn định để phát triển, giữ gìn quan hệ hữu nghị hợp tác với các nước.

Bên cạnh các nội dung trên, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Phan Xuân Thủy cũng đề nghị các báo cáo viên, tuyên truyền viên tiếp tục tuyên truyền có hiệu quả kết quả Hội nghị giữa nhiệm kì Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII; Kì họp thứ 5, Quốc hội khóa XV.

Thanh An
 
 
 

Theo: Tạp chí Ngân hàng