Bàn luận về ứng dụng Trí tuệ nhân tạo vào quản trị sáng tạo nội dung trong tòa soạn

(Banker.vn) Trong khuôn khổ Hội báo toàn quốc 2023, ngày 18/3, Hội thảo Trí tuệ nhân tạo (AI) và quản trị sáng tạo nội dung trong tòa soạn đã diễn ra tại Bảo tàng Hà Nội.
Việt Nam tăng 7 bậc về chỉ số sẵn sàng trí tuệ nhân tạo (AI) toàn cầu 2022 Tương lai cuộc cách mạng trí tuệ nhân tạo dưới góc nhìn của lịch sử

Hội thảo do Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức. Đây là diễn đàn để các chuyên gia, nhà báo, lãnh đạo các cơ quan báo chí cùng nhận diện các xu hướng trên thế giới, thảo luận về những câu hỏi hóc búa mà trí tuệ nhân tạo đang đặt ra, từ đó có những giải pháp nhằm định hướng sáng tạo nội dung cho từng nhà báo và ở mỗi cơ quan báo chí hiện nay.

Bàn luận về ứng dụng Trí tuệ nhân tạo (AI) vào quản trị sáng tạo nội dung trong tòa soạn
Buổi hội thảo diễn ra sáng ngày 18/3
Chủ trì Hội thảo là các đồng chí: Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Tổng Biên tập Báo Nhân dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam; đồng chí Nguyễn Thanh Lâm, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông; TS Tạ Bích Loan, Trưởng Ban sản xuất các chương trình giải trí (VTV3); PGS, TS Đỗ Thị Thu Hằng, Trưởng Ban Nghiệp vụ, Hội Nhà báo Việt Nam cùng với đó là sự tham già và góp mặt của một số diễn giả khác trên toàn quốc.

Hội thảo diễn ra theo 2 phiên. Phiên 1 xoay quanh việc thảo luận về các nội dung xoay quanh Trí tuệ nhân tạo, nổi bật có thể kể đến như là việc theo dõi những thử nghiệm thú vị về hiện tượng “Chat GPT”; AI và tác động của AI đối với ngành báo chí; thảo luận về những ưu điểm và hạn chế của AI trong sáng tạo nội dung báo chí,...

Nhà báo Ngô Trần Thịnh (nhóm nghiên cứu ứng dụng Chat GPT Đài Truyền hình TP. Hồ Chí Minh trong phiên thảo luận đầu tiên cho biết: “Người làm báo là người sẽ luôn tiên phong về thông tin, là người có được thông tin đầu tiên và là người khai thác chúng, còn AI chỉ dựa vào những thông tin được đăng tải trên mạng để tổng hợp thông tin, nó sẽ luôn đi sau chúng ta. Thứ khiến cho AI sẽ không bao giờ có thể thay thế được người làm báo, đó là tính cách mạng.”

Bàn luận về ứng dụng Trí tuệ nhân tạo (AI) vào quản trị sáng tạo nội dung trong tòa soạn
Nhà báo Ngô Trần Thịnh phát biểu tại hội thảo
Sau khi thử nghiệm xong, tôi cho rằng chúng ta không có gì phải sợ AI. Quý vị hãy cứ sử dụng và tận dụng nó, bởi AI thực sự giúp cho khối biên tập tiết kiệm được thời gian rất nhiều. Để AI lo những bước cơ bản, thay vào đó chúng ta tập trung cho việc sáng tạo - thứ cần được dành nhiều thời gian hơn”, nhà báo Ngô Trần Thịnh chia sẻ.

Tại phần thảo luận, ông Nguyễn Minh Dũng - Phó phòng Nội dung số - Trung tâm Sản xuất và Phát triển nội dung số (VTV Digital) cũng đồng tình: “Nếu không có con người thì sẽ không có AI. Một ví dụ cụ thể là ngay bây giờ, nếu như không có các bạn quay phim, không có các bạn phóng viên, chúng ta không viết bài và không đẩy tin lên mạng xã hội thì sẽ chẳng có con AI nào có thể viết về sự kiện ngày hôm nay cả...”.

Bàn luận về ứng dụng Trí tuệ nhân tạo (AI) vào quản trị sáng tạo nội dung trong tòa soạn

Buổi hội thảo với sự góp mặt của đông đảo các chuyên gia trong ngành báo chí

Tại phiên thứ 2, các diễn giả, khách mời cùng tất cả các khán giả tham dự cùng nhau thảo luận và đưa ra ý kiến cá nhân về các gợi ý đưa ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào trong quản trị sáng tạo nội dung tại tòa soạn, bàn luận về những rủi ro mà quản trị tòa soạn sẽ phải đối mặt trong tương lai nếu ứng dụng AI vào báo chí và làm rõ luận điểm, lí do tại sao AI lại không thể thay thế được nhà báo để làm báo.

Thông tin trực tiếp tại Hội thảo cũng cho biết, Ban Nghiệp Vụ hội Nhà báo Việt Nam đã phối hợp với Báo Tuyên Quang để tổ chức một buổi Hội thảo ngay tháng 2 vừa rồi về ứng dụng Chat GPT. Nhà báo Mai Đức Thông (Tổng biên tập Báo Tuyên Quang, Chủ tịch hội Nhà báo Tuyên Quang) đã bày tỏ quan điểm: “Chat GPT có thể là công cụ đắc lực cho công tác biên tập, nhưng nó không thể thay thế được người làm báo ở trên thị trường. Chat GPT không có tính nhân văn, không có trách nhiệm xã hội hay đạo đức của người làm báo, nó chỉ đơn giản là một công cụ để hỗ trợ. Chúng ta không nên né tránh nó mà trái lại phải tranh thủ nó. Để tranh thủ được nó thì đòi hỏi phải trau dồi hơn năng lực, chuyên môn nghiệp vụ cũng như đạo đức của người làm báo. Làm sao để có thể làm chủ được nó chứ không để nó làm chủ chúng ta...”

Trước đó, PGS, TS Đỗ Thị Thu Hằng, Trưởng Ban Nghiệp vụ đã chia sẻ: “Đây là hội thảo lớn nhất từ trước tới nay của mảng chuyển đổi số ở lĩnh vực báo chí truyền thông trong khuôn khổ Hội báo toàn quốc, có sự tham gia của nhiều lãnh đạo các cơ quan báo chí, những người làm báo trong cả nước và các chuyên gia trong lĩnh vực báo chí truyền thông tại Việt Nam cùng trao đổi về việc ứng dụng công cụ AI với vai trò trợ lý ảo cho những hoạt động tổ chức và sáng tạo nội dung trong tòa soạn. Chỉ trong thời gian ngắn, Hội thảo nhận được 22 tham luận từ các nhà báo, lãnh đạo cơ quan báo chí, nhà khoa học gửi về Ban Tổ chức. Điều này cho thấy chủ đề mà Hội thảo đưa ra là một vấn đề hết sức “nóng”, thu hút sự quan tâm rất lớn của các chuyên gia, nhà khoa học và các cơ quan báo chí”.

Thảo Ngọc - Linh Chi

Theo: Báo Công Thương