Bản lĩnh người cầm lái trước những “cơn gió ngược”

(Banker.vn) Con tàu kinh tế đất nước năm 2022 đã cập bến thắng lợi với hầu hết các chỉ tiêu vĩ mô đều đạt và vượt kỳ vọng.
Chính phủ vững vàng chèo lái nền kinh tế đất nước

Thế nước đang lên, lòng dân hân hoan khi mùa Xuân mới về tiếp tục gieo mầm kiến tạo phát triển, bất chấp mây đen vẫn phủ bóng kinh tế toàn cầu như một chuyên gia quốc tế nhận xét: Kinh tế Việt Nam như con tàu đang vượt sóng, vững vàng trước “cơn gió ngược”.

Báo cáo của Thủ tướng Chính phủ tại hội nghị Chính phủ với các địa phương ngày 3/1/2022 vừa qua cho thấy những đóng góp mang tính chủ lực, trọng yếu của ngành Công Thương vào bức tranh kinh tế đất nước. Tăng trưởng GDP đạt 8,02%, mức cao nhất trong hơn 10 năm qua. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 732,5 tỷ USD, trong đó xuất khẩu 371,85 tỷ USD, tăng 10,6%; xuất siêu năm thứ 7 liên tiếp, đạt 11,2 tỷ USD. Sản xuất công nghiệp tăng 7,69%, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 8,1%, tiếp tục là động lực tăng trưởng; đóng góp 2,09 điểm phần trăm vào mức tăng chung của toàn nền kinh tế và đóng góp tới hơn 86% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.

Bản lĩnh người cầm lái trước những “cơn gió ngược”

Có được thành công ấy là sức mạnh tổng hợp ý đảng, lòng dân, là nỗ lực của cả hệ thống chính trị cùng vượt qua thách thức của nhiều “cơn gió ngược” rất nhanh, rất lạ đã làm chao đảo toàn cầu. Và trong đó, không thể không nhắc đến bản lĩnh người cầm lái. Chúng ta còn nhớ khi cuộcxung đột Nga - Ukraine xảy ra, Đảng, Nhà nước ta với tầm nhìn, bản lĩnh chiến lược đã sớm đánh giá, nhận định và vạch đường để ứng phó với những biến động mới. Trong ngày làm việc cuối cùng của Hội nghị Trung ương 5, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã nghe Báo cáo chuyên đề “Xung đột Nga -Ukraine: Tác động quốc tế và những vấn đề đặt ra”.

Đặc biệt, không thể không nhắc đến vai trò của Bộ Công Thương - bộ kinh tế đa ngành chiếm tới 70-80% GDP của đất nước trước những “cơn gió ngược” của năm 2022. Trong khó khăn dị biệt, vai trò lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của Ban Cán sự Đảng, Tư lệnh ngành thể hiện rất rõ, thực sự là một trong những nhân tố hàng đầu kiến tạo thành công.

Phát biểu tại hội nghị tổng kết ngành Công Thương, một đồng chí lãnh đạo cho biết, 2022 là năm mà Ban Cán sự Đảng Bộ Công Thương họp nhiều nhất, ban hành nghị quyết nhiều nhất để ứng phó với tình hình. Có những cuộc họp Ban Cán sự Đảng diễnra từ sáng sớm. Có lúc trước nguy cơ thiếu than cho điện, Bộ trưởng họp trực tuyến với đối tác nước bạn từ 6 giờ sáng để tìm nguồn cung. Để phát triển thị trường xuất khẩu, sáng kiến giao ban Thương vụ hàng tháng trở thành “hội nghị Diên Hồng” bàn kế sách chấn hưng giao thương với nhiều ngọn đèn đêm của những đại sứ kinh tế báo cáo tình hình…

Ít ai biết rằng, trong báo cáo của Chính phủ còn có một con số cực kỳ quan trọng khác, chi phối đến toàn bộ nền kinh tế, đảm bảo phát triển nhưng phải bền vững, phát triển nhưng phải an dân. Đó là lạm phát được kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng bình quân cả năm tăng 3,15%. Con số này không thể duy trì được nếu không có sự chèo lái, đóng góp thầm lặng của ngành Công Thương mà quan trọng nhất là cố gắng giữ bình ổn giá xăng dầu (xếp thứ 29 trong số các nước có giá xăng dầu rẻ nhất). Trong khi nhiều quốc gia trên thế giới, phải tăng giá điện do chi phí sản xuất tăng cao nhưng ở Việt Nam, giá điện vẫ giữ ổn định từ năm 2019 đến nay. Theo thống kê, giá điện ở Việt Nam đứng vị trí thứ 101/147 trên thế giới.

Nỗ lực ấy thể hiện sự ưu việt, bản chất nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa khi mà giá năng lượng tăng đã trở thành cơn ác mộng với hàng loạt quốc gia trên thế giới, kể cả các nước phát triển. Hình ảnh dòng người xếp hàng mua xăng dầu trở thành chuyện thường ngày ở một số nước châu âu, châu Phi… cho chúng ta thấy sự khó khăn, phức tạp và điều quý giá khi ổn định được thị trường, nhất là ổn định và sớm tìm ra lời giải bản chất sau một vài đứt gãy, thiếu hụt cục bộ.

Kết quả ấy không tự nhiên có được mà bắt nguồn chính từ sự chủ động, tích cực để sớm nhìn xa và giải quyết tình hình. Lật xem lại bài viết “Điều hành giá xăng dầu cần đồng bộ các giải pháp” do Ban chỉ đạo 35 Bộ Công Thương viết đăng trên Cổng thông tin điện tử Bộ ngày 14/4/2022 cho thấy rất rõ điều đó. Ban Cán sự Đảng Bộ Công Thương đã nhận định, đánh giá rất đúng, rất sớm tác động, diễn biến phức tạp về cung ứng xăng dầu, khả năng đứt gãy nguồn cung và đề ra hàng loạt giải pháp rất sớm như: Chỉ đạo các đơn vị đầu mối nhập khẩu xăng dầu tăng nhập gấp 3 lần bình thường để bù đắp phần cung thiếu hụt; kiểm tra và xử lý vi phạm của các doanh nghiệp; cùng các bộ, ban, ngành liên quan, nghiên cứu báo cáo Chính phủ xem xét điều chỉnh các loại thuế, phí, các loại chi phí liên quan đến kinh doanh xăng dầu.

2022 - năm của “cơn gióngược” đã qua đi để lại cho chúng ta nhiều bài học quý giá. Với ngành Công Thương, hai bài học được nêu rất rõ trong báo cáo tổng kết. Đó là: Bám sát thực tiễn, linh hoạt trong chỉ đạo điều hành, phối hợp, chặt chẽ trong tổ chức thực hiện; theo dõi nắm chắc tình hình, chủ động dự báo để kịp thời ứng phó với những biến động bất ngờ. Đó là: Chấp hành nghiêm kỷ luật, kỷ cương hành chính; đề cao trách nhiệm người đứng đầu. Hai bài học ấy rất thống nhất biện chứng với thông điệp năm 2022 được Bộ trưởng Bộ Công Thương đề ra đã lan tỏa toàn ngành “Đoàn kết kỷ cương, muôn phương thắng lợi” và thông điệp năm 2023: “Tiếp tục đổi mới, tiến tới thành công!”.

Xét cho cùng, đó cũng chính là bài học dành cho người cầm lái. Cha ông ta xưa có câu ca dao: Dù ai cho bạc cho vàng/ Không bằng chỉ lối dẫn đàng cho ta!.

Năm 2023 được dự báo sẽ còn nhiều “cơn gió ngược” hơn nữa, khó khăn sẽ mới hơn, nhiều hơn khi hầu hết các nền kinh tế đều hạ chỉ tiêu tăng trưởng. Hơn lúc nào hết, càng cần thiết phát huy vai trò lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, sự đồng thuận của nhân dân. Trong khó khăn, càng cần thiết phát huy vai trò, bản lĩnh của những người cầm lái. Không phải ngẫu nhiên mà ông Andrew Jeffries - Giám đốc Ngân hàng Phát triển châu Á tại Việt Nam - đánh giá: “Với nền tảng kinh tế lành mạnh và khả năng lãnh đạo, điều hành mạnh mẽ, Việt Nam có thể đối đầu những cơn gió ngược trong năm 2023”.

Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương triển khai nhiệm vụ năm 2023, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: Cần nâng cao hơn nữa năng lực phân tích, dự báo; chủ động, nhạy bén nắm bắt những diễn biến mới của tình hình; kịp thời, quyết liệt xử lý có hiệu quả các vấn đề; việc nào dứt điểm việc đó, không để kéo dài, gây ách tắc, lãng phí nguồn lực; thích ứng linh hoạt với các tình huống mới phát sinh.

Với ngành Công Thương, bằng tâm thế của những người lính trên tuyến đầu mặt trận kinh tế, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, chúng ta vững tin vượt khó để tiếp tục tiến tới thành công như một nhà thơ từng viết: “Vui gì hơn làm người lính đi đầu/Trong đêm tối tim ta là ngọn lửa”

Nguyên Minh

Theo: Báo Công Thương
    Bài cùng chuyên mục