Bán lẻ và ngân hàng số là động lực cho tăng trưởng ngành ngân hàng

(Banker.vn) Động lực tăng trưởng của ngành ngân hàng năm 2024 được nhận định có sự góp phần của lĩnh vực bán lẻ và ngân hàng số.
Phát triển ngân hàng bán lẻ: “Miền đất hứa” của các ngân hàng nội Tăng tốc phát triển mô hình ngân hàng bán lẻ Ngân hàng bán lẻ: Tâm điểm của Fintech

Dịch vụ ngân hàng bán lẻ luôn được đánh giá là "gà đẻ trứng vàng" đối với các ngân hàng thương mại. Với sự phát triển công nghệ hiện nay, cùng tệp khách hàng trẻ, bán lẻ ngân hàng dựa trên nền tảng số được nhiều ngân hàng lựa chọn là mục tiêu chiến lược trong kinh doanh.

Bán lẻ và ngân hàng số là động lực cho tăng trưởng ngành ngân hàng

Bán lẻ và ngân hàng số là động lực cho tăng trưởng ngành ngân hàng

Thông tin mới nhất từ Ngân hàng nhà nước cho thấy, hoạt động ngân hàng số trên toàn hệ thống tiếp tục đạt được kết quả tích cực: Tính đến cuối năm 2023, số lượng tài khoản thanh toán của cá nhân là hơn 182,88 triệu tài khoản, tăng 21,8% so với cùng kỳ năm 2022. Các chỉ số TTKDTM có mức tăng trưởng khá. Trong tháng 01/2024 so với cùng kỳ năm 2023, giao dịch TTKDTM tăng 63,3% về số lượng và 41,45% về giá trị; qua kênh Internet tăng 57,85% về số lượng và 32,43% về giá trị; qua kênh điện thoại di động tăng 68,54% về số lượng và 41,12% về giá trị; qua phương thức QR code tăng 892,95% về số lượng và 1.062,01% về giá trị; qua POS tăng 16,87% về số lượng và tăng 13,65% về giá trị; qua ATM giảm 15,14% về số lượng và giảm 18,76% về giá trị, số liệu trên cho thấy xu hướng dịch chuyển từ thanh toán bằng tiền mặt sang TTKDTM.

Theo ông Đàm Nhân Đức, Kinh tế trưởng MB, động lực tăng trưởng của ngành ngân hàng 2024 sẽ bao gồm một số yếu tố chính như: sự hồi phục của nền kinh tế; Việt Nam đang ở thời kỳ dân số vàng; tăng trưởng tín dụng ở mức cao so với GDP (thường ở mức cao hơn gấp đôi), đặc biệt là tín dụng bán lẻ luôn cao hơn tăng trưởng tín dụng của toàn ngành. Bên cạnh đó, thanh toán số tăng mạnh, bình quân khoảng 30% nhưng giao dịch qua kênh số tăng trưởng mạnh. Cùng với chỉ tiêu tín dụng/GDP của Việt Nam còn thấp hơn các nước như Thái Lan, Singapore… nên đây là những động lực tăng trưởng cho các ngân hàng nói chung trong đó có MB, đặc biệt là ở mảng bán lẻ và mảng số.

Tại Hội nghị Nhà đầu tư được tổ chức chiều 6/3, ông Lưu Trung Thái – Chủ tịch HĐQT MB cho biết: MB dự kiến tăng trưởng lợi nhuận 10% trong năm 2024, đồng thời sẽ tăng cường hiệp lực tập đoàn nhằm mang đến hệ sinh thái số đa dạng và đầy đủ nhất cho hơn 26 triệu khách hàng.

Được biết, năm 2023, MB giữ nhịp tăng trưởng ổn định, các công ty thành viên tăng trưởng bền vững và giữ được thị phần. Lợi nhuận toàn tập đoàn hơn 26,3 nghìn tỷ đồng, ở mức cao nhất từ trước tới nay. Về chất lượng tài sản, nếu nhìn theo quý thì ngân hàng đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất; các khoản nợ xấu đều được trích lập dự phòng tốt. Bên cạnh đó, MB dịch chuyển và mở rộng bán lẻ tốt, hiện chuyển đổi số dẫn đầu và có doanh số giao dịch trên kênh số lớn nhất; CASA (tỷ trọng tiền gửi không kỳ hạn trong tổng tiền gửi) tăng trưởng bền vững qua các năm và đang ở top đầu thị trường.

Trong năm 2024 MB kỳ vọng sẽ tăng trưởng tín dụng cao hơn so với mức 16% được giao và trên nền tảng tăng trưởng như quý 4/2023 thì kỳ vọng lợi nhuận sẽ đạt hơn 28,8 nghìn tỷ đồng. Tăng trưởng của MB trong giai đoạn 2024 và các năm tiếp theo kỳ vọng dựa trên 3 động lực tăng trưởng lớn là bán lẻ, chuyển đổi số và hiệp lực tập đoàn.

Chủ tịch HĐQT MB, ông Lưu Trung Thái chia sẻ thêm: Ngân hàng làm chuyển đổi số chỉ dựa trên hai điểm mấu chốt là thu hút khách hàng và kinh doanh nền tảng. “Trong năm 2024 và định hướng 5 năm tiếp theo, MB sẽ tiếp tục tập trung vào định hướng không suy chuyển này” – người đứng đầu MB khẳng định. Bên cạnh đó, MB xác định các nền tảng số sẽ chiếm khoảng 50% - 60% doanh thu cho ngân hàng trong tương lai gần.

Theo thông tin tại sự kiện, năng lực phục vụ giao dịch trên kênh số của MB hiện tương đương các ngân hàng Top đầu châu Á với 97% khối lượng giao dịch được thực hiện qua kênh số. Quy mô giao dịch của MB qua Napas thuộc Top 1 các ngân hàng trong 3 năm liên tiếp (2021, 2022, 2023). Số lượng giao dịch trên kênh số chạm mốc 3.6 tỷ giao dịch, tăng 80% so với năm 2022.

Bên cạnh những thuận lợi, MB cũng xác định những khó khăn, thách thức nhất định. Đầu tiên là công tác quản trị tín dụng. Hiện MB đã triển khai mô hình quản trị rủi ro tín dụng nhiều tầng. Bên cạnh đó ngân hàng cũng chuyển đổi mô hình kinh doanh của MB theo hướng ESG để đảm bảo phát triển bền vững. “Hiện MB có quy mô dư nợ cho vay xanh đứng ở top đầu thị trường”, Chủ tịch MB cho hay.

“Bên cạnh các dự án xanh, MB sẽ tham gia vào các dự án có tác động môi trường lớn – theo đó, với sự tham gia của MB cùng những yêu cầu cao hơn bảo vệ môi trường của chúng tôi, số lượng phát thải của dự án sẽ giảm bớt đáng kể” – ông Lưu Trung Thái, Chủ tịch HĐQT chia sẻ thêm.

Thùy Linh

Theo: Báo Công Thương