Đối tác 'ruột'
Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư PBV được thành lập ngày 24/6/2015, trụ sở đặt tại Hà Nội. Chặng đường gần 10 năm phát triển của doanh nghiệp này bộc lộ nhiều vấn đề đáng chú ý. Ban đầu, họ lấy tên là Công ty Cổ phần Phát triển kinh tế Quốc gia, hoạt động trong lĩnh vực xây dựng.
Cập nhật tại thời điểm năm 2018, Chủ tịch Hội đồng quản trị là ông Nguyễn Bá Văn (SN 1985, nguyên quán huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ). Số vốn điều lệ đạt 50 tỷ đồng.
Ngày 14/10/2020, đơn vị này đã cấp cam kết tín dụng với số tiền lên tới 5.000 tỷ đồng cho Tập đoàn Phát triển kinh tế Quốc gia; ngày 22/10/2020, cam kết tín dụng tiếp với số tiền 1.360 tỷ đồng (Ảnh minh họa) |
Ngày 8/1/2019, doanh nghiệp thực hiện bước tăng vốn "thần tốc" lên 560 tỷ đồng, trong đó, xuất hiện cổ đông nước ngoài là Công ty Quốc tế Argo, một nhà đầu tư có địa chỉ ở Đức. Cũng bắt đầu từ lúc này, họ chuyển trọng tâm kinh doanh sang làm đại lý du lịch.
Ngày 25/3/2020, dưới sự tín nhiệm của người bạn đồng niên Nguyễn Bá Văn, bà Nguyễn Thị Tuyết Mai (SN 1985) nhận nhiệm vụ mới, làm Tổng giám đốc kiêm người đại diện pháp luật cho doanh nghiệp. Đến ngày 22/9/2020, bà Tuyết Mai trình đề xuất lên Hội đồng quản trị và đã được người đứng đầu là ông Nguyễn Bá Văn chấp thuận, cho phép đổi tên Công ty Cổ phần Phát triển kinh tế Quốc gia thành Công ty Cổ phần Tập đoàn PBV Invests, phù hợp với chiến lược phát triển mới là hoạt động nắm giữ tài sản, hàm ý trở thành công ty tài chính chuyên "buôn tiền".
Vừa "thay tên đổi họ", một tuần sau, Tập đoàn PBV Invests tiếp tục được "khoác áo mới" là Công ty Cổ phần Tập đoàn Phát triển kinh tế Quốc gia. Đây cũng là giai đoạn doanh nghiệp triển khai những hoạt động làm ăn rất mạnh mẽ, nhờ sự tài trợ vốn của Vietcombank - Chi nhánh Hà Nội.
Ngày 14/10/2020, đơn vị này đã cấp cam kết tín dụng với số tiền lên tới 5.000 tỷ đồng cho Tập đoàn Phát triển kinh tế Quốc gia; ngày 22/10/2020, cam kết tín dụng tiếp với số tiền 1.360 tỷ đồng. Không rõ vì nguyên nhân gì, tuy nhiên, Chi nhánh Hà Nội lại sẵn sàng đứng ra "bảo lãnh" dòng tiền gấp 12 lần số vốn điều lệ (560 tỷ đồng), gây nhiều đồn đoán cho dư luận.
Sang năm 2021, doanh nghiệp tiếp tục có nhiều chuyển biến, chẳng hạn tên gọi mới đã đổi thành Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư PBV, và cổ đông nước Đức là Công ty Quốc tế Argo triệt thoái toàn bộ vốn khỏi doanh nghiệp. Trụ sở cũng di dời sang tòa Dreamland Bonanza (23 Duy Tân, phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy) - nơi Chủ tịch Hội đồng quản trị Nguyễn Bá Văn đang sinh sống.
Từ năm 2022 tới nay, bà Nguyễn Thị Tuyết Mai đã rút khỏi vai trò Tổng giám đốc, nhường lại cho ông Ngô Hồng Quang (SN 1973) đảm trách. Như vậy, trái ngược với lý tưởng của giới kinh doanh thông thường, Tập đoàn Đầu tư PBV hay Tập đoàn Phát triển kinh tế Quốc gia khi xưa đã không ngừng thay đổi tên gọi cũng như trụ sở kinh doanh, người đại diện pháp luật, nói lên công tác vận hành đầy thăng trầm trong già 10 năm qua.
Bức tranh kinh doanh 'bập bõm'
Sự bảo trợ tín dụng từ Chi nhánh Hà Nội là căn cứ để doanh nghiệp mở rộng, thực hiện các dự án trọng điểm. Một chi tiết đáng lưu tâm, đó là thay vì chọn phía Bắc - khu vực mà Tập đoàn Đầu tư PBV chọn làm "đại bản doanh", phía Nam mới là thị trường họ thực sự quan tâm.
Chẳng hạn ở huyện Phú Tân, tỉnh An Giang, Tập đoàn Đầu tư PBV (khi này là Tập đoàn Phát triển kinh tế Quốc gia) đã đề xuất làm dự án "Nhà máy sản xuất chế biến gạo xuất khẩu Hoa Đào Trang" với diện tích sử dụng đất 8,9ha tại Cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp Tân Trung (khu chợ nông sản cũ), vốn đầu tư 1.300 tỷ đồng. Đề xuất này được "thai nghén" từ năm 2020, thời điểm huyện Phú Tân có Chủ tịch UBND huyện mới là ông Lê Nguyên Châu (trúng cử từ ngày 28/8/2020).
Năm 2022, ông Lê Tấn Cận - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu ký ban hành Quyết định số 10/QĐ-UBND ngày 13/1/2022 về việc thành lập Cụm công nghiệp Vĩnh Mỹ, xã Vĩnh Mỹ B, huyện Hòa Bình có diện tích 30ha, tổng vốn đầu tư 427 tỷ đồng. Cụm công nghiệp đa ngành này do Liên danh Tập đoàn Đầu tư PBV và Công ty TNHH MTV Xây dựng Anh Khoa Bạc Liêu làm chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật.
Nhìn lại quá trình phát triển của Tập đoàn Đầu tư PBV, không khó để nhận thấy những dự án của họ đang chỉ nằm trên giấy, chưa được hoàn tất đầu tư, đi vào hoạt động. Điều này phản ánh rõ ràng thông qua Báo cáo tài chính doanh nghiệp, kết quả kinh doanh 5 năm vừa qua (2019 - 2023) gần như "bất động", các năm 2019 - 2022 - 2023 đều đạt mức đáng ngạc nhiên là "0 đồng", hoặc năm 2020 - 2021 nếu có phát sinh thì cũng "lẹt đẹt" 145,5 triệu đồng và 527,2 triệu đồng.
Tính đến cuối năm 2023, Tập đoàn Đầu tư PBV lỗ lũy kế hơn 1,4 tỷ đồng, nghĩa là đến giờ họ vẫn chưa có lãi mà chỉ toàn lấy "tiền xương, tiền máu" ra để duy trì vận hành. Từ bức tranh đầy ảm đạm nêu trên, dư luận có quyền đặt câu hỏi về "động tác" Chi nhánh Hà Nội cấp cam kết tín dụng với số tiền hơn 6.000 tỷ đồng cho Tập đoàn Đầu tư PBV.
Nếu thiếu vắng sự bảo trợ tài chính, chắc chắn đối với doanh nghiệp "vô danh", "profile" chẳng có gì nổi trội cùng với hoạt động thiếu hiệu quả như Tập đoàn Đầu tư PBV sẽ không thể tiếp cận các cơ quan chức năng của tỉnh An Giang, Bạc Liêu để xin làm dự án cả nghìn tỷ đồng như hôm nay.
Ở Dreamland Bonanza - 23 Duy Tân, ông Nguyễn Bá Văn còn cho thành lập Công ty TNHH Hoa Đào Trang từ tháng 5/2019 với vốn sáng lập 100 tỷ đồng. Dẫu vậy, đăng ký chỉ là một chuyện, số tiền ông Văn thực góp vào doanh nghiệp chỉ khoảng 9 tỷ đồng, ngoài ra gần 24 tỷ đồng là nợ phải trả ông Văn huy động từ bên ngoài, tính tại thời điểm 31/12/2023.