Đề nghị tính toán đầy đủ mức chi ngân sách, hỗ trợ
Ngày 28/8, Hội nghị Đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lần thứ 4 cho ý kiến về dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới cho biết, về kinh phí hoạt động và trang bị cơ sở vật chất của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, nhiều ý kiến đề nghị báo cáo đánh giá kỹ hơn về tổ chức, ngân sách khi thành lập lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, cần có số liệu cụ thể chứng minh “không làm tăng biên chế”, “không làm tăng ngân sách” so với thực tiễn hiện nay.
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới phát biểu tại Hội nghị |
Một số ý kiến đề nghị tính toán đầy đủ mức chi ngân sách, mức hỗ trợ; đề nghị bổ sung quy định rõ khung mức hỗ trợ; quy định rõ nguồn ngân sách để bảo đảm tính khả thi, có thể giao ngân sách Trung ương bảo đảm, giao Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định, lấy từ các nguồn xã hội hóa, đóng góp của người dân ở địa phương và nguồn huy động hợp pháp khác.
Về các ý kiến nêu trên, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh cho rằng, trên cơ sở nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị, ý kiến tham gia các bộ, ban, ngành, cơ quan, tổ chức có liên quan, Chính phủ đã bổ sung đánh giá tác động chính sách của dự án Luật, bổ sung thông tin, số liệu có liên quan về thực trạng tổ chức, hoạt động, chế độ, chính sách, bảo đảm điều kiện hoạt động đối với lực lượng dân phòng, bảo vệ dân phố, Công an xã bán chuyên trách đang được tiếp tục sử dụng hiện nay.
Thực tế hiện nay, các địa phương trong cả nước đều bảo đảm ngân sách để chi trả cho tổ chức, hoạt động, chế độ, chính sách, bảo đảm điều kiện hoạt động của lực lượng này. Dự thảo Luật đã được quy định theo hướng kế thừa các quy định của pháp luật hiện hành đã được thực tiễn kiểm nghiệm để tiếp tục quy định trong dự thảo Luật.
Về nguồn kinh phí, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh đã tiếp thu vào dự thảo Luật theo hướng: Kinh phí bảo đảm hoạt động và trang bị cơ sở vật chất đối với lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở do ngân sách nhà nước bảo đảm và các nguồn tài chính huy động hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.
Một số ý kiến đề nghị quy định chế độ, chính sách cho lực lượng này theo nhiệm vụ được giao và chỉ hỗ trợ khi được huy động thực hiện nhiệm vụ chứ không hỗ trợ thường xuyên hằng tháng.
Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh cho rằng, dự thảo Luật quy định mức hỗ trợ hằng tháng cho lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở là kế thừa quy định về chế độ hỗ trợ đối với đối tượng đội trưởng, đội phó đội dân phòng, bảo vệ dân phố, Công an xã bán chuyên trách đã có từ lâu đang được các địa phương thực hiện.
“Nếu bỏ quy định hỗ trợ hằng tháng mà chỉ hỗ trợ khi được huy động thì sẽ không thu hút được người dân tham gia lực lượng này, không bảo đảm tính khả thi của Luật” - ông Lê Tấn Tới nói.
Một số ý kiến khác cho rằng quy định trường hợp địa phương khó khăn về ngân sách thì trung ương hỗ trợ là mâu thuẫn với quy định của Luật Ngân sách nhà nước vì nhiệm vụ chi của cấp nào thì ngân sách cấp đó bảo đảm, ông Lê Tấn Tới cho hay, tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh đề nghị bỏ quy định này để bảo đảm thống nhất với quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.
Chế độ bồi dưỡng phải phù hợp khả năng của ngân sách
Phát biểu tại Hội nghị, đại biểu Phạm Văn Hòa - đoàn Đồng Tháp bày tỏ băn khoăn về chế độ chi bồi dưỡng cho lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở. Đại biểu cho rằng, chế độ bồi dưỡng cho lực lượng này rất cao.
Đại biểu Phạm Văn Hòa - đoàn Đồng Tháp |
Đại biểu cho rằng, mặc dù dự thảo Luật không nêu cụ thể quy định mức bồi dưỡng là bao nhiêu nhưng cần thống nhất chi theo một mức lương ở cơ sở. Ngoài ra, còn cần chi hỗ trợ bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội. Do vậy, đây sẽ là con số chi khá lớn. Bên cạnh đó, người tham gia lực lượng bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở còn được bồi dưỡng khi được cử đi tập huấn, huấn luyện hoặc được khen thưởng của các có thẩm quyền.
Ông Phạm Văn Hòa nhận thấy, lực lượng này ngoài việc được bồi dưỡng “phần cứng” thì “phần mềm” cũng được bồi dưỡng rất nhiều. Do đó, đại biểu đề nghị cần cân nhắc thận trọng các nội dung này, để tránh khi Luật ban hành thì sẽ khó áp dụng ở địa phương.
Đại biểu đoàn Đồng Tháp đặt ra một vấn đề: Lực lượng dân quân tự vệ ở địa phương giống với chế độ của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở nhưng lại không có chế độ bồi dưỡng hàng tháng. Đồng thời, bày tỏ băn khoăn lực lượng dân quân tự vệ cũng hoạt động giống với lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở, phối hợp với lực lượng công an trực và làm nhiệm vụ như thế nào?
Cho rằng như vậy có sự bất cập, đại biểu Phạm Văn Hòa đề nghị nên cân nhắc lại nội dung này, cần quy định chế độ bồi dưỡng sao cho không có sự so bì ở địa phương. Bên cạnh đó, đề nghị cân nhắc chế độ cho 6 nhiệm vụ hỗ trợ cho lực lượng công an xã, quy định nhiệm vụ rõ ràng, cụ thể để không gây khó cho địa phương khi thực hiện.
Bên cạnh đó, đại biểu Phạm Văn Hòa cũng góp ý về quy định tiêu chuẩn của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở, đề nghị cần quy định cụ thể khung tối thiểu của độ tuổi tham gia.
Góp ý dự thảo Luật, đại biểu Trần Văn Lâm cho biết, Dự án Luật đã được các cơ quan tiếp thu, giải trình ý kiến của các đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 5 và các hội nghị liên quan. Đại biểu cũng bày tỏ đồng tình với ý kiến của các đại biểu phát biểu trước, nhất là về chế độ phải phù hợp khả năng của ngân sách và vừa phải động viên các lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.
Góp ý kiến cụ thể về nhiệm vụ của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, tại Điều 10 dự thảo Luật nêu rõ: Hỗ trợ cùng công an cấp xã để nắm thông tin, kiểm tra nhân khẩu…, đại biểu Trần Văn Lâm cho rằng, nếu quy định như thế này sẽ dễ bị lạm dụng, không rõ trách nhiệm nếu sai phạm xảy ra. Do đó, đại biểu đề nghị cần làm rõ nhiệm vụ của lực lượng này khi tham gia hỗ trợ công an cấp xa thực hiện nhiệm vụ.
Về vấn đề xây dựng lực lượng, đại biểu đề nghị cần làm rõ hơn cơ chế phối hợp, điều hành, quản lý, sử dụng lực lượng này ở cơ sở để đảm bảo phù hợp. Trong đó làm rõ vai trò của chính quyền địa phương trong việc quản lý, sử dụng lực lượng này. Đồng thời làm rõ vai trò của chính quyền, ý kiến nhân dân trong việc cho thôi tham gia lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.
Quỳnh Nga
Ngân hàng | 1 tháng | 6 tháng | 12 tháng |
---|