Bán hàng qua livestream: Làn gió mới cho doanh nghiệp Việt

(Banker.vn) Dự kiến năm 2024, doanh thu bán ra ở các nền tảng trực tuyến có thể đạt hơn 310.000 tỷ đồng. Bán hàng qua livestream sẽ là ‘làn gió mới’ cho doanh nghiệp Việt.
Bán hàng qua livestream bứt tốc hơn trong mùa dịch Bán hàng qua livestream bùng nổ, Shopee dẫn đầu doanh thu với 22.670 tỷ đồng Bùng nổ livestream bán hàng (bài 1): Làn gió mới giúp doanh nghiệp vượt khó Bùng nổ livestream bán hàng (bài cuối): Cần chiến lược dài hơi

Thông tin được đưa ra tại chương trình giao lưu trực tuyến với chủ đề: “Bán hàng trực tuyến (livestream) qua sàn thương mại điện tử - Giải pháp giúp doanh nghiệp Việt vượt khó”, do Báo Hànộimới phối hợp Ban Chỉ đạo Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” thành phố Hà Nội tổ chức chiều 27/6, tại Hà Nội.

Quang cảnh tọa đàm. Ảnh: Viết Thành
Quang cảnh tọa đàm. Ảnh: Viết Thành

Phát biểu đề dẫn tại Chương trình bà Mai Thị Kim Thoa - Phó Tổng Biên tập Báo Hànộimới - cho biết, những năm gần đây, nền kinh tế nước ta đã liên tục tăng trưởng với tốc độ khá cao; sản xuất trong nước ngày một đáp ứng tốt hơn nhu cầu sản xuất và tiêu dùng xã hội. Chất lượng sản phẩm hàng hóa của Việt Nam ngày một cao hơn, nhiều sản phẩm đã có sức cạnh tranh trên thị trường như: Cà phê, gạo, hạt điều, thủy sản…

Tuy nhiên, nền kinh tế vẫn còn những hạn chế, cụ thể là thị trường nội địa chưa được quan tâm khai thác, tâm lý sính dùng hàng ngoại vẫn tồn tại trong một bộ phận không nhỏ người tiêu dùng. Trước thực tế trên, năm 2009, Bộ Chính trị đã đồng ý chủ trương tổ chức Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” với mục đích vinh danh, lan tỏa thương hiệu, sản phẩm của các doanh nghiệp trong nước, đưa sản phẩm trong nước đến tay người tiêu dùng nội địa.

Bán hàng online qua các nền tảng trực tuyến hiện đang là một trong những xu hướng tất yếu và trở thành một phương tiện quan trọng trong chiến lược tiếp thị và bán hàng của doanh nghiệp, tạo cơ hội cho các tiểu thương, doanh nghiệp tiếp cận và mở rộng thị trường, nhất là với các doanh nghiệp khởi nghiệp.

Từ năm 2023, việc livestream bán hàng thực sự trở nên sôi động và thu hút nhiều người tham gia ở cả phía người mua và người bán. Thậm chí, các sở, ngành tại nhiều địa phương cũng hỗ trợ doanh nghiệp đưa hàng lên sàn.

Với kênh livestream bán hàng trực tuyến, nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp, tiểu thương, chủ thể OCOP và cả những người nông dân Việt không chỉ bán sản phẩm của mình làm ra, mà còn kể câu chuyện về sản phẩm, nguồn gốc xuất xứ và đặc biệt là những cảm xúc, niềm tự hào về sản phẩm của địa phương mình.

Nhiều doanh nghiệp đang đẩy mạnh bán hàng trên nền tảng số và đầu tư rất bài bản, xem đây là kênh phân phối hàng hóa rất tiềm năng. Theo thống kê, năm 2023, tại Việt Nam có 2,2 tỷ sản phẩm được giao thành công trên 5 sàn thương mại điện tử hàng đầu cả nước, gồm Shopee, Lazada, Tiki, Sendo và TikTok Shop, tăng 52,3% so với 2022. Dự kiến trong năm 2024, doanh thu và sản lượng bán ra ở các nền tảng trực tuyến có thể đạt hơn 310.000 tỷ đồng, tăng 35% so với năm ngoái.

Tại Chương trình, các đại biểu đã cùng nhau thảo luận các giải pháp, chỉ ra những thuận lợi, khó khăn thách thức, giúp các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp khởi nghiệp, tiểu thương, chủ thể OCOP đưa hàng hóa đến tay người tiêu dùng nội địa hiệu quả hơn. Đồng thời, tăng cường các giải pháp đấu tranh chống hàng lậu, hàng giả trên thương mại điện tử, bán hàng livestream.

Bán hàng qua livestream ‘làn gió mới’ cho doanh nghiệp Việt
Ông Nguyễn Thế Hiệp - Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội. Ảnh: Viết Thành

Chia sẻ tại Chương trình, ông Nguyễn Thế Hiệp – Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội – cho hay, thương mại điện tử nói chung và hình thức kinh doanh bán hàng livestream đã phát triển mạnh trong thời gian qua. Bình quân mỗi tháng có khoảng 2,5 triệu phiên bán hàng livestream. Các mặt hàng bán qua hình thức này rất đa dạng như thời trang, làm đẹp, văn phòng phẩm,…

Việc bán hàng livestream có nhiều lợi ích như khai thác sức mạnh mạng xã hội, tăng tương tác trực tiếp với khách hàng, rút ngắn hành trình mua hàng, quảng bá sản phẩm... Với phương thức bán hàng thương mại điện tử nói chung và livestream nói riêng, các doanh nghiệp phát triển các loại hình phân phối hiện đại, mở rộng đối tượng khách hàng.

Khẳng định “sức nóng” của ngành công nghiệp livestream bán hàng tại Việt Nam đang tạo nên cuộc đua gay cấn trong thương mại điện tử, ông Nguyễn Thế Hiệp cho hay, ngoài livestream bán hàng thuần túy, hiện đã xuất hiện cả những cuộc livestream bán hàng kéo dài 2 - 3 tiếng với các hoạt động âm nhạc, game và các chương trình khuyến mãi độc quyền.

Không dừng lại ở một buổi phát trực tiếp đơn thuần, các thương hiệu còn đang kết hợp với những người có ảnh hưởng (KOLs) để đạt được hiệu quả kinh doanh. Ngoài các kênh mạng xã hội phổ biến (như Facebook, YouTube, TikTok …), hình thức livestream trên các nền tảng thương mại điện tử (như Shopee, Lazada, Tiki, Sendo…) cũng được nhiều thương hiệu áp dụng.

Trong bối cảnh hiện nay, người tiêu dùng đang có xu hướng tìm kiếm những sản phẩm giá rẻ và độc lạ hơn để thử nghiệm. Điều này mở ra cơ hội cho doanh nghiệp thích ứng và đổi mới, đồng thời thách thức họ phải tạo ra những chiến lược tiếp thị sáng tạo để thu hút sự chú ý của khách hàng.

Thương mại điện tử cùng với livestream bán hàng được dự báo sẽ là những giải pháp quan trọng cho tăng trưởng doanh thu, tạo ra môi trường mua sắm thuận tiện và gần gũi hơn với khách hàng.

Về phía Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Hà Nội (HANOISME), ông Mạc Quốc Anh – Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký HANOISME cho biết, trong bối cảnh kinh tế khó khăn, sức mua sụt giảm mạnh, việc bán hàng qua livestream đã thổi làn gió mới, giúp doanh nghiệp trụ vững qua khó khăn và trở thành xu hướng tất yếu.

Dù vậy, việc bán hàng thông qua hình thức livestream cũng là bài toán không dễ. Ở góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Văn Hùng - Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Khóa Việt Tiệp – chia sẻ, về bán hàng online, từ những năm 2020, Công ty đã đầu tư bán hàng trên nền tảng Shopee và Lazada. Tuy nhiên, mặt hàng kim khí có đặc thù riêng, sau khâu bán hàng còn lắp đặt, bảo hành, bảo trì nên hiệu quả chưa đạt cao. Hiện nay, doanh nghiệp vẫn thuần túy sử dụng kênh bán hàng truyền thống. Trước xu thế livestream mạnh mẽ như hiện nay, Công ty kiến nghị các sở, ban, ngành, cơ quan thành phố, các cơ quan truyền thông hỗ trợ doanh nghiệp kết nối với các đơn vị bán hàng livestream chuyên nghiệp kết hợp với dịch vụ vận tải logistics nhằm đạt hiệu quả cao.

Nguyễn Hạnh

Theo: Báo Công Thương