Bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu do căng thẳng Biển Đỏ

(Banker.vn) Sáng ngày 6/2 đã diễn ra cuộc họp thảo luận giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu do tình hình Biển Đỏ.
Căng thẳng Biển Đỏ: Ba Bộ sẽ họp bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp Xuất khẩu hàng hóa đầu năm 2024 đối diện thách thức mới Căng thẳng Biển Đỏ là thách thức mới của ngành thủy sản trong năm 2024

Cuộc họp do Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) phối hợp cùng Cục Hàng hải Việt Nam (Bộ Giao thông vận tải), Vụ Trung Đông - châu Phi (Bộ Ngoại giao) tổ chức với thành phần bao gồm đại diện các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan, các hiệp hội logistics và hiệp hội ngành hàng xuất nhập khẩu, một số hãng tàu và doanh nghiệp dịch vụ logistics.

Ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) phát biểu tại cuộc họp
Ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) phát biểu tại cuộc họp

Phát biểu khai mạc cuộc họp, ông Trần Thanh Hải – Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, kênh đào Suez là một trong những vị trí chiến lược, nối Địa Trung Hải với Biển Đỏ.

Biển Đỏ và kênh đào Suez là lối đi tắt cho tàu thuyền đi qua các cảng châu Âu, Bờ Đông châu Mỹ đến những cảng phía Nam châu Á, cảng phía Đông châu Phi và châu Đại Dương. Đây là một trong những tuyến đường hàng hải huyết mạch quan trọng bậc nhất thế giới, chiếm khoảng 12% tổng lưu lượng giao thông hàng hải toàn cầu.

Tuy nhiên, kể từ cuối năm 2023, do xung đột tại khu vực Biển Đỏ, nhiều hãng tàu đã phải thay đổi tuyến đường, không đi qua kênh đào Suez mà phải đi vòng qua mũi Hảo Vọng, làm cho hành trình tàu kéo dài từ 10 - 15 ngày so với trước.

Cùng với những hạn chế về tàu qua kênh đào Panama do tình trạng khô hạn (El Nino), thì những diễn biến mới nhất ở Biển Đỏ đã gây tác động xấu đối với ngành vận tải biển thế giới cũng như ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam, trực tiếp nhất là với khu vực châu Âu và Bắc Mỹ.

Trước tình hình trên, từ cuối tháng 12/2023, Bộ Công Thương đã có văn bản thông tin, khuyến cáo đến các hiệp hội, doanh nghiệp dịch vụ logistics cũng như doanh nghiệp xuất nhập khẩu một số giải pháp để hạn chế các tác động của tình hình phát sinh tại khu vực Biển Đỏ.

Toàn cảnh cuộc họp
Toàn cảnh cuộc họp

Tính chung năm 2023, kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hoá của Việt Nam với khu vực châu Âu là 71,14 tỷ USD và với khu vực Bắc Mỹ là 122,3 tỷ USD. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của 02 khu vực này chiếm tới 28,4% tổng giá trị kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước năm 2023. Do vậy, có thể thấy khả năng tác động của cuộc xung đột Biển Đỏ đến Việt Nam là không hề nhỏ.

Một số tác động tiêu cực có thể nhìn thấy ngay đó là việc giá cước vận tải tăng, nghiêm trọng hơn là tình trạng thiếu container rỗng, thời gian vận chuyển kéo dài và ảnh hưởng đến khả năng đáp ứng đơn hàng xuất nhập khẩu. Xa hơn nữa, việc tăng chi phí vận tải và giá dầu sẽ gây ra hiệu ứng domino đối với giá cả hàng hóa khác và làm tăng thêm bất ổn kinh tế và địa chính trị, từ đó cản trở đà phục hồi kinh tế toàn cầu.

Tại cuộc họp, các cán bộ quản lý, đại diện hiệp hội và doanh nghiệp trực tiếp có liên quan cùng nhau cập nhật, chia sẻ thông tin hữu ích; nêu lên các khó khăn, vướng mắc phát sinh; đưa ra các nhận định, đánh giá về tình hình cũng như đề xuất các giải pháp, kinh nghiệm, cách làm hay để giúp doanh nghiệp Việt Nam có thể hạn chế thấp nhất các tác động tiêu cực phát sinh từ xung đột Biển Đỏ cũng như khai thác, tận dụng các cơ hội nếu có.

Hiện nay, theo thông tin từ Cục Hàng hải Việt Nam, giá cước tàu hiện vẫn ở mức cao, từ tháng 1/2024, cước vận chuyển container bằng tàu biển đi Hoa Kỳ, Canada tăng mạnh so với tháng 12/2023, cước tàu đến Bờ Tây tăng từ mức 1.850 USD/container tháng 12/2023 lên 2.873 - 2.950 USD/container tháng 01/2024 (tăng 55 - 60%); cước tàu đến Bờ Đông tháng 12/2023 giá ở mức 2.600 USD/container tăng lên 4.100 - 4.500 USD/container vào tháng 01/2024 (tăng thêm 58 - 73%).

Riêng giá cước sang thị trường châu Âu ghi nhận tăng mạnh so với tháng 12/2023, cước đi Hamburg là 1.200 - 1.300 USD trong tháng 12/2023 tăng lên 4.350 - 4.450 USD trong tháng 1/2024. Các doanh nghiệp châu Âu được cho là chịu nhiều ảnh hưởng nhất, bởi chuỗi cung ứng của họ phụ thuộc nhiều vào tuyến đường qua Biển Đỏ.

Dữ liệu vận tải biển thời gian thực do nền tảng PortWatch - một sáng kiến chung giữa Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Đại học Oxford - cung cấp cho thấy khối lượng hàng hóa đi qua kênh đào Suez (nối Biển Đỏ với Biển Địa Trung Hải) tính đến ngày 16/1/2024 đã giảm 37%, trong khi đó, khối lượng đi qua Mũi Hảo Vọng tăng 54% trong cùng kỳ.

Để ứng phó và giảm thiểu tác động tiêu cực của tình hình Biển Đỏ đối với hoạt động xuất nhập khẩu và vận tải hàng hóa liên quan đến doanh nghiệp Việt Nam, các cơ quan quản lý, hiệp hội và doanh nghiệp cũng đưa ra đề xuất ổn định giá cước và phí vận chuyển; phân luồng hàng hóa và tuyến đường thay thế; đa dạng nguồn cung ứng hàng hóa; lưu ý trong đàm phán hợp đồng mua bán và hợp đồng bảo hiểm bám sát tình hình; tăng cường phối hợp, trao đổi thông tin, đánh giá tình hình và ứng phó đối với các tình huống tương tự trong tương lai; tăng cường hợp tác quốc tế; xây dựng kế hoạch phòng ngừa và phản ứng nhanh.

Ông Trần Thanh Hải khẳng định, xung đột Biển Đỏ không phải là vấn đề một quốc gia có thể giải quyết, Việt Nam cũng không thể tránh khỏi chịu tác động. Nhưng bằng cách nắm bắt thông tin nhanh nhất có thể, dự báo tác động chính xác nhất có thể và các biện pháp ứng phó phù hợp, ta có thể hướng tới mục tiêu là hạn chế đến mức thấp nhất những tác động tiêu cực của vấn đề toàn cầu này, thậm chí là có thể biến “nguy” thành “cơ” đối với một số ngành.

Trong khoảng 2 tuần đầu tháng 1/2024, tổng khối lượng vận chuyển qua kênh đào Suez nối Biển Đỏ với Địa Trung Hải đã giảm 37% so với cùng kỳ năm trước. Việc các tàu buộc phải chuyển hướng đi vòng qua mũi Hảo Vọng sẽ khiến thời gian vận chuyển hàng hoá từ châu Á tới châu Âu kéo dài thêm 10 - 15 ngày khiến chi phí gia tăng đáng kể.

Đối với hàng Việt Nam xuất khẩu đi Hoa Kỳ bằng đường biển tới các cảng Bờ Đông như: New York, Savannah, Charleston... thường đi đường qua kênh đào Suez để qua Địa Trung Hải, Đại Tây Dương. Một số khác có thể vượt Thái Bình Dương, qua kênh đào Panama để sang Đại Tây Dương.

Cùng với chi phí tăng cao trước đó, việc các chuyến hàng cập cảng trễ hơn ít nhất một tuần cũng khiến chuỗi cung ứng nguyên liệu vật tư của các nhà sản xuất bị đảo lộn, hàng phục vụ sản xuất bị trễ lịch, đặc biệt khó khăn trong giai đoạn tập trung sản xuất cuối năm 2023.

Cùng với việc tăng giá cước, một số hãng tàu lớn đã áp dụng thêm các khoản phí mùa cao điểm (Peak Season Surcharge), gây căng thẳng thêm về chi phí cho chủ hàng và Việt Nam cũng không phải trường hợp ngoại lệ.

Nguyễn Hạnh

Theo: Báo Công Thương