Bàn giải pháp nâng tầm giá trị nông sản Việt

(Banker.vn) Để nông sản Việt nói chung và nông sản Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng vươn xa, các nhà khoa học, nhà quản lý, doanh nghiệp đã cùng nhau đi tìm lời giải.
32 tỉnh, thành phố tham gia “Festival Nông sản Việt Nam - Vĩnh Long năm 2023’’ Nông sản việt: Tăng sức mua, mở rộng thị trường nhờ lên sàn thương mại điện tử Festival Nông sản Việt Nam - Vĩnh Long năm 2023: Cầu nối xúc tiến thương mại hiệu quả

Nằm trong chuỗi các hoạt động “Festival Nông sản Việt Nam - Vĩnh Long năm 2023”, ngày 12/9, UBND tỉnh Vĩnh Long phối hợp với Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tổ chức hội thảo khoa học “Nâng tầm giá trị nông sản Việt”.

Tại hội thảo, các đại biểu đã đóng góp rất nhiều ý kiến có giá trị về những bất cập trong sản xuất nông nghiệp hiện nay, như: Sản xuất manh mún nhỏ lẻ rất khó thực hiện việc cơ giới nông nghiệp, chất lượng sản phẩm nông nghiệp thấp, rất khó cạnh tranh với sản phẩm cùng loại của các nước trong khu vực.

Xây dựng chiến lược về phát triển nông nghiệp

Theo PGS. TS. Võ Thành Danh, Trường Kinh tế, Đại học Cần Thơ, Đồng bằng sông Cửu Long nói chung và Vĩnh Long nói riêng có đất đai màu mỡ, rất thuận lợi trong việc phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nâng cao giá trị nông sản. Tuy nhiên, thực tế sản xuất nông nghiệp ở Vĩnh Long có hàm lượng chất xám chưa nhiều, còn phụ thuộc nhiều vào nguồn nước sông Mekong, nông dân người trực tiếp sản xuất nông nghiệp chuyên môn không cao, sản xuất còn manh mún, nhỏ lẻ; chưa có nền nông nghiệp hàng hóa; công nghiệp bảo quản, chế biến nông sản phát triển nhanh nhưng công nghệ chưa hiện đại; phần lớn xuất khẩu nông sản thô, nông sản giá trị gia tăng chưa nhiều, hệ thống logistics chưa phát triển kịp yêu cầu; thiếu những công ty lớn đặt bản doanh tại vùng này...

Về cung - cầu - thị trường nông sản, PGS.TS. Võ Thành Danh đánh giá, sản xuất "tự nhiên" là chính; thị trường nội địa bão hòa, thị trường quốc tế chưa nhiều do tiêu chuẩn nông sản còn thấp; liên kết cung - cầu còn yếu… dẫn đến kênh phân phối chưa phát triển.

Bàn giải pháp nâng tầm giá trị nông sản Việt
PGS. TS. Võ Thành Danh, Trường Kinh tế, Đại học Cần Thơ trình bày tham luận tại hội thảo

Để nâng cao giá trị nông sản Đồng bằng sông Cửu Long trong thời gian tới, PGS. TS. Võ Thành Danh cho rằng, cần phải có chiến lược về phát triển nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu, chuyển sang mô hình kinh tế nông nghiệp (kinh doanh nông nghiệp), xây dựng ngành công nghiệp giống hiện đại; hình thành các mô hình sản xuất theo chuỗi cung ứng với công ty là hạt nhân và nông dân là các "vệ tinh”. Ngoài ra, xúc tiến thị trường cho các thị trường bậc cao tiềm năng; củng cố liên kết ngang về phát triển hệ thống hợp tác xã, liên kết giữa các công ty…

“Chúng ta phải đa dạng hóa sản phẩm, một nền nông nghiệp đầy tiềm năng như Đồng bằng sông Cửu Long cũng chỉ dừng lại ở việc bán sản phẩm chính, sản phẩm thô. Ví dụ: Cây lúa để làm ra 1 kg lúa còn có rơm rạ, trấu, cám - những thứ đó cũng có rất nhiều giá trị so với cây lúa”, PGS. TS. Võ Thành Danh nhấn mạnh.

Ở góc độ doanh nghiệp, đại diện Vina T&T Group cho biết, Vina T&T Group là đơn vị xuất khẩu các loại trái cây tươi như: Xoài, nhãn, chôm chôm, dừa, vải, thanh long, sầu riêng, bưởi… sang thị trường khó tính (đứng đầu Việt Nam về xuất khẩu trái cây tươi sang thị trường Hoa Kỳ). Theo đại diện Vina T&T Group, định vị mục tiêu phát triển trong bối cảnh mới cần định hướng phát triển bền vững đã được Chính phủ lồng ghép xuyên suốt trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, trong đó nhấn mạnh việc huy động hiệu quả nguồn lực cho phát triển bền vững.

Nhằm tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam tham gia chuỗi giá trị "Nâng tầm giá trị Nông sản Việt", Vina T&T Group đề nghị cần tập trung tìm kiếm các giải pháp, nhằm giúp nâng cao năng lực của các doanh nghiệp nhỏ và vừa về năng lực kỹ thuật và tính bền vững của Hệ thống cơ sở hạ tầng quốc gia về chất lượng được nâng cao; năng lực đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế và các quy định kỹ thuật của các doanh nghiệp nhỏ và vừa; thói quen đảm bảo chất lượng.

Bên cạnh đó, Vina T&T Group cho rằng, nông nghiệp cần những chính sách mới hỗ trợ việc chuyển đổi để có thể chống chịu tốt hơn với các khó khăn, vượt qua các khủng hoảng nhanh hơn như: chính sách tập trung ruộng đất, chính sách hỗ trợ các nghiên cứu trong lĩnh vực nông nghiệp, chính sách bình ổn giá các vật tư đầu vào và sản phẩm đầu ra trong nông nghiệp, chính sách đào tạo nâng cao nhận thức cho lực lượng sản xuất và chính sách về sử dụng nước trong lưu vực.

Bàn giải pháp nâng tầm giá trị nông sản Việt
Hội thảo khoa học “Nâng tầm giá trị nông sản Việt” nằm trong chuỗi các hoạt động “Festival Nông sản Việt Nam - Vĩnh Long năm 2023”

Hợp tác xã có vai trò quan trọng trong chuối liên kết

Ông Nguyễn Văn Liêm, Phó giám đốc sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Vĩnh Long cho biết, tỉnh có vị trí địa lý nằm ở trung tâm của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, với tổng diện tích tự nhiên là 1.525 km². Trong đó, diện tích đất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh là 119.878 ha, chiếm 78,57% diện tích tự nhiên. Tỉnh Vĩnh Long có khí hậu ôn hòa, đất đai phì nhiêu và gần như toàn bộ được khép kín bởi các công trình thủy lợi, thích hợp cho phát triển nông nghiệp, nhất là trong canh tác cây lúa, cây ăn trái, rau màu, phát triển chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản. Tuy nhiên, do quy mô diện tích sản xuất nông nghiệp thấp, dân số lại khá đông nên nông dân sản xuất trong điều kiện nhỏ lẻ, manh mún; từ đó, khó hình thành các chuỗi liên kết để tiêu thụ.

Ông Nguyễn Văn Liêm đánh giá, hợp tác xã chính là cầu nối quan trọng trong liên kết sản xuất - thu mua - chế biến và xuất khẩu nông sản, hợp tác xã sẽ giúp tăng quy mô sản xuất hàng hóa, thuận lợi trong áp dụng các quy trình sản xuất tiên tiến như cơ giới hóa đồng bộ để giảm chi phí, đảm bảo chất lượng và số lượng, đồng thời còn tạo ra khối lượng hàng hóa lớn theo chuỗi liên kết, thuận lợi trong việc xúc tiến thương mại và quảng bá thương hiệu nông sản, trên hết giúp nâng cao chuỗi giá trị nông sản và cuối cùng là nâng cao thu nhập cho nông dân. Vì vậy, việc thành lập các hợp tác xã là nhiệm vụ cấp thiết.

Đến cuối năm ngoái, tỉnh Vĩnh Long có 114 hợp tác xã nông nghiệp - thủy sản (trong đó có 8 hợp tác xã lĩnh vực thủy sản với diện tích 90 ha ao nuôi và 243 lồng bè).

“Cũng chính vì điều này, Ban chỉ đạo quốc gia về xây dựng nông thôn mới quyết định giữ tiêu chí số 13 về hình thức tổ chức sản xuất. Trong đó, phải thành lập các hợp tác xã để đứng ra giữ vai trò đầu mối liên kết sản xuất và tiêu thụ hàng nông sản cho nông dân. Từ đó, mới có thể nâng cao được năng suất chất lượng và nâng cao thu nhập của người nông dân theo các tiêu chí nông thôn mới khác”, ông Nguyễn Văn Liêm khẳng định.

Tại hội thảo, bà Cao Xuân Thu Vân, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đánh giá cao những ý kiến đóng góp của các nhà khoa học, nhà quản lý trong khu vực. Hội thảo cũng là nhịp cầu để nông dân gặp gỡ, giao lưu với các nhà khoa học, các doanh nghiệp và nhà quản lý về kinh nghiệm, tư vấn, chuyển giao công nghệ hiện đại, ứng dụng trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh và tiêu thụ sản phẩm nông sản; làm rõ những vấn đề lý luận và thực tiễn, đề xuất và luận giải cơ sở khoa học của các định hướng, quan điểm, giải pháp trong nông nghiệp. Từ đó, tạo bước chuyển mới, góp phần nâng tầm giá trị nông sản, phát triển nền nông nghiệp Việt Nam theo hướng bền vững, mang lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nông dân.

Lê Na

Theo: Báo Công Thương