Bàn giải pháp hoàn tất chuyển đổi Quỹ Hỗ trợ phát triển hợp tác xã trên cả nước

(Banker.vn) Dù khẳng định được hiệu quả cho vay, song việc sắp xếp lại, tổ chức hoạt động của các Quỹ Hỗ trợ phát triển hợp tác xã ở các tỉnh, thành phố còn nhiều khó khăn.
Hỗ trợ lương, thưởng cho người tốt nghiệp đại học về làm việc tại hợp tác xã Sắp diễn ra hội nghị kết nối giao thương giữa các hợp tác xã sản xuất dược liệu Gần 100 gian hàng tham gia ngày hội dược liệu các hợp tác xã Việt Nam

11.500 lượt hợp tác xã được vay vốn hỗ trợ

Ngày 25/12, Liên minh hợp tác xã Việt Nam tổ chức Hội nghị: “Giải pháp thúc đẩy thực hiện Nghị định 45/2021/NĐ-CP ngày 31/3/2021 của Chính phủ về thành lập, tổ chức và hoạt động của Quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã”.

Báo cáo tại hội nghị ông Phan Công Bằng, Tổng Giám đốc Quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã Việt Nam cho biết, trước khi Nghị định số 45/2021/NĐ-CP ngày 31/3/2021 của Chính phủ về việc thành lập, tổ chức và hoạt động Quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã (Nghị định số 45) có hiệu lực thi hành, ngoài Quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã Việt Nam (Quỹ Trung ương) do Thủ tướng Chính phủ thành lập, trên địa bàn cả nước có 50 tỉnh, thành phố đã thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã (Quỹ địa phương).

Hiện Quỹ Trung ương có tổng vốn hoạt động là 1.000 tỷ đồng; các Quỹ địa phương có tổng vốn hoạt động là 2.596 tỷ đồng, trong đó vốn được ngân sách cấp 1.055 tỷ đồng, vốn bổ sung từ kết quả hoạt động và vốn khác 1.541 tỷ đồng.

Từ khi thành lập đến nay, Quỹ Trung ương đã ký hợp đồng cho vay 376 dự án tại 55 tỉnh, thành phố với tổng số tiền ký hợp đồng cho vay đạt 1.157 tỷ đồng, đã giải ngân với số tiền 1.067 tỷ đồng, dư nợ cuối năm 2023 ước đạt 518 tỷ đồng.

Còn các Quỹ địa phương, đã cho vay khoảng 22.300 tỷ đồng, trong đó cho vay 11.500 lượt hợp tác xã; 2.200 lượt tổ hợp tác; 750.000 lượt thành viên hợp tác xã, uớc dư nợ đến hết năm 2023 đạt 2.050 tỷ đồng.

Bàn giải pháp hoàn tất chuyển đổi Quỹ Hỗ trợ phát triển hợp tác xã trên cả nước

Hội nghị: “Giải pháp thúc đẩy thực hiện Nghị định 45/2021/NĐ-CP ngày 31/3/2021 của Chính phủ về thành lập, tổ chức và hoạt động của Quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã". Ảnh: Lê Na

Ông Phan Công Bằng nhận định, hoạt động của các Quỹ Hỗ trợ phát triển hợp tác xã đã góp phần thúc đẩy quá trình thành lập mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của khu vực kinh tế tập thể; khuyến khích đầu tư đổi mới công nghệ, kỹ thuật, mở rộng sản xuất và tiêu thụ, liên kết với doanh nghiệp gắn với chuỗi giá trị thị trường trong và ngoài nước; tăng doanh thu, lợi nhuận, sức cạnh tranh, tạo việc làm cho hàng trăm ngàn lao động, góp phần chuyển dịch cơ cấu ngành nghề trong khu vực kinh tế tập thể và đảm bảo an sinh xã hội tại các địa phương.

“Nhiều hợp tác xã, thành viên hợp tác xã được vay vốn đã trở thành các hợp tác xã điển hình tiên tiến, hộ sản xuất kinh doanh giỏi, tạo sự lan tỏa”, ông Bằng khẳng định.

Theo Tổng Giám đốc Quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã Việt Nam, Nghị định 45 của Chính phủ có hiệu lực từ 15/5/2021, trong đó, tại Khoản 5, điều 58 quy định: “Đối với các quỹ hợp tác xã thành lập và đang hoạt động trước thời điểm Nghị định này có hiệu lực: Tối đa trong vòng 3 năm kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực, các quỹ hợp tác xã phải rà soát, tổ chức, sắp xếp lại”.

Tuy nhiên, việc sắp xếp lại, tổ chức hoạt động các quỹ đã thành lập và thành lập mới ở các tỉnh, thành phố còn gặp nhiều khó khăn. Trong tổng số 50 quỹ địa phương đã thành lập, đến nay có 11 tỉnh, thành phố có quyết định điều chỉnh quyết định thành lập của UBND cấp tỉnh hoặc giải thể để thành lập quỹ theo Nghị định 45 bao gồm: Đồng Nai, Ninh Bình, Hòa Bình, Bắc Giang, Gia Lai, Bạc Liêu, Quảng Ngãi, Thanh Hóa, Quảng Nam, Bắc Kạn, Yên Bái. Còn 39 tỉnh, thành phố chưa tổ chức sắp xếp lại hoạt động của Quỹ theo quy định của Nghị định. Trong đó có 34 tỉnh, thành phố UBND cấp tỉnh đã có chủ trương rà soát, tổ chức sắp xếp lại; 5 tỉnh chưa có chủ trương (Đồng Tháp, Kon Tum, Bắc Ninh, Lạng Sơn, Hà Nam).

Bàn giải pháp hoàn tất chuyển đổi Quỹ Hỗ trợ phát triển hợp tác xã trên cả nước
Chủ tịch Liên minh hợp tác xã Việt Nam Cao Xuân Thu Vân phát biểu tại hội nghị. Ảnh:Lê Na

Nhiều khó khăn, vướng mắc

Nêu thực tế từ địa phương, ông Nguyễn Bá Châu, Chủ tịch Liên minh hợp tác xã tỉnh Nghệ An cho hay, thực hiện Nghị định số 45, Liên minh hợp tác xã tỉnh Nghệ An đã đề xuất UBND tỉnh cho sắp xếp lại Quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã tỉnh theo mô hình công ty TNHH một thành viên, Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và giao cho Liên minh hợp tác xã tỉnh trực tiếp quản lý, điều hành triển khai thực hiện. Tuy nhiên, quá trình xin ý kiến các sở ngành vẫn còn nhiều vướng mắc, nên đến nay vẫn chưa hoàn thành được.

Nguyên nhân là các văn bản hướng dẫn chi tiết về quy trình, quy định của các bộ ngành liên quan về việc sắp xếp lại Quỹ chưa cụ thể, nên tỉnh Nghệ An chưa đủ cơ sở để thuyết minh, tạo sự đồng thuận của các sở ngành, nhất là mô hình công ty TNHH một thành viên, Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ là mô hình hoạt động theo Luật Doanh nghiệp, trong khi đây là Quỹ hỗ trợ cho hợp tác xã, một loại hình hoạt động theo Luật Hợp tác xã.

Bên cạnh đó, theo quan điểm của một số sở ngành tại Nghệ An, Quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã có chuyển đổi hay sắp xếp lại mô hình thì vẫn phải thực hiện theo hình thức ủy thác qua Ngân hàng chính sách để đảm bảo an toàn. Điều đó đồng nghĩa với việc “bình mới rượu cũ”, vẫn tiếp tục tái diễn một số hạn chế, bất cấp như hiện nay; không phát huy được vai trò của Liên minh hợp tác xã trong chủ động triển khai các hoạt động tuyên truyền, tư vấn, hướng dẫn, giám sát việc thực hiện.

Ngoài ra, theo ông Châu, nếu sắp xếp lại mô hình tổ chức và hoạt động của Quỹ, nhưng phải hợp đồng cán bộ có chuyên môn thức hiện mà không sử dụng đội ngũ cán bộ Liên minh hợp tác xã kiêm nhiệm thì thời gian đầu không có nguồn kinh phí để trả lương; chưa nói đến việc phát huy vai trò phối kết hợp của đội ngũ cán bộ Liên minh HTX phụ trách các địa bàn.

Trong khi đó, tại Đắk Nông lại gặp khó khăn về việc bổ sung vốn điều lệ. Đại diện Liên minh hợp tác xã tỉnh Đắk Nông cho biết, hiện nay, vốn điều lệ Quỹ Hỗ trợ phát triển hợp tác xã tỉnh Đắk Nông là 8 tỷ đồng, từ năm 2022 đến nay Quỹ không được bổ sung nguồn vốn vì kế hoạch đầu tư công trung hạn nguồn ngân sách địa phương giai đoạn 2021 - 2025 của tỉnh đã được phân bổ hết cho các chương trình dự án và ngân sách nên tỉnh không còn nguồn để bổ sung.

Do đó, dù đã nhiều lần đề nghị UBND tỉnh Đắk Nông cho chủ trương nhưng do vướng mắc ở vấn đề bổ sung vốn điều lệ đến năm 2024 đáp ứng tối thiểu 20 tỷ đồng theo Quy định tại điểm b, khoản 1, điều 37, Nghị định số 45 nhưng đến nay UBND tỉnh Đắk Nông vẫn chưa có chủ trương đồng ý cho chuyển đổi mô hình hoạt động.

Trước những khó khăn, vướng mắc mà các địa phương nêu lên, Chủ tịch Liên minh hợp tác xã Việt Nam Cao Xuân Thu Vân đã ghi nhận và tiếp thu các kiến nghị, đề xuất này. Đồng thời, khẳng định, Nghị định định 45 có ý nghĩa rất quan trọng cho sự phát triển, lớn mạnh và hiệu quả của Quỹ Hỗ trợ phát triển hợp tác xã. Vì vậy, đề nghị các địa phương cần chủ động, quyết liệt trong các khâu để thành lập, tổ chức hoạt động của Quỹ Hỗ trợ phát triển hợp tác xã; tham mưu cấp ủy, chính quyền bổ sung đủ vốn điều lệ cho quỹ hoạt động.

Chủ tịch Liên minh hợp tác xã Việt Nam cũng mong muốn các bộ, ngành, cấp uỷ, chính quyền các địa phương quan tâm các điều kiện về nguồn lực, con người, cơ sở vật chật cho liên minh hợp tác xã các địa phương hoạt động hiệu quả.

Hoàng Lan

Theo: Báo Công Thương
    Bài cùng chuyên mục