Bàn giải pháp gỡ khó cho ngành vật liệu xây dựng

(Banker.vn) Bộ Xây dựng vừa lấy ý kiến các Bộ: Công Thương, Tài chính, NHNN về giải pháp gỡ khó cho ngành vật liệu xây dựng trước khi chính thức trình Thủ tướng Chính phủ.
Sản xuất và sử dụng vật liệu xây dựng xanh là xu hướng tất yếu Tạo sân chơi thúc đẩy hoạt động kinh doanh cho doanh nghiệp vật liệu xây dựng

“Bế tắc” thị trường tiêu thụ

Theo Bộ Xây dựng, nhóm ngành này hàng năm đóng góp gần 7% GDP của Việt Nam. Ngành cũng có vai trò quan trọng trong phát triển kết cấu hạ tầng, tạo động lực phát triển cho kinh tế xã hội. Tuy nhiên, trước tình hình bất động sản trong nước giảm sâu, dự án đầu tư công triển khai chậm, kinh tế toàn cầu bất ổn đã tác động đến đầu ra của ngành cả trong và ngoài nước.

Bàn giải pháp gỡ khó cho ngành vật liệu xây dựng
Tập trung các giải pháp gỡ khó cho ngành vật liệu xây dựng

Tại thời này thị trường bất động sản trong nước giảm sâu, trong khi các dự án đầu tư công xây dựng kết cấu hạ tầng triển khai chậm cùng sự khó khăn về vốn của các doanh nghiệp đã gây tắc nghẽn đầu ra cho chuỗi sản xuất cung ứng vật liệu xây dựng. Điều này khiến nhiều doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng phải tạm dừng một số dây chuyền sản xuất, người lao động bị mất việc làm…

Trước đó, 8 hiệp hội gồm: Vật liệu xây dựng Việt Nam, Xi măng Việt Nam, Bê tông Việt Nam, Thép Việt Nam, Gốm sứ xây dựng Việt Nam, Kính và Thủy tinh xây dựng Việt Nam, Tấm lợp Việt Nam, Hội Khoa học kỹ thuật Cầu đường Việt Nam đã đồng loạt kêu cứu vì sản lượng giảm, tiêu thụ khó

Theo Bộ Xây dựng, đơn cử như ngành xi măng, so với bình thường thì từ đầu năm đến nay đã sụt giảm tiêu thụ nội địa trên 13 - 15%. Tình trạng này dẫn đến nhiều nhà máy phải ngừng hoạt động một số dây chuyền lò nung để giảm lượng tồn kho. Hiện tại, có 8 dây chuyền phải ngừng hoạt động, chiếm 9% tổng số dây chuyền sản xuất xi măng trên cả nước.

Cụ thể, sản xuất và tiêu thụ nhiều loại vật liệu xây dựng giảm sâu, trong 10 tháng năm nay, cả nước chỉ tiêu thụ khoảng 72,4 triệu tấn xi măng, giảm 4,35%, xuất khẩu xi măng và clinker đạt 25,7 triệu tấn, giảm 2% so với cùng kỳ năm 2022. Hiện có 8 dây chuyền sản xuất xi măng phải ngừng hoạt động trên cả nước.

Tương tự, sản xuất thép 9 tháng năm 2023 đạt khoảng 7,7 triệu tấn, giảm 21,6%, tiêu thụ thép cũng giảm 19,9% so với cùng kỳ năm trước.

Ngoài ra, trong 10 tháng đầu năm, sản lượng gạch ốp lát sản xuất đạt khoảng 324,5 triệu m2, bằng 47% công suất thiết kế các nhà máy, tiêu thụ đạt khoảng 219 triệu m2, bằng 67% sản lượng sản xuất ra, tồn kho rất lớn; Sản lượng sản xuất kính xây dựng đạt khoảng 174 triệu m2, bằng 50% so với tổng công suất thiết kế, lượng tiêu thụ cũng chỉ đạt khoảng 138,5 triệu m2, bằng 79,6% lượng sản xuất.

Đề xuất 5 nhóm giải pháp gỡ khó

Để giải quyết những khó khăn về sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm vật liệu xây dựng, tại văn bản, Bộ Xây dựng đề xuất 5 nhóm giải pháp.

Thứ nhất, để gỡ khó cho các ngành sản xuất vật liệu xây dựng, Bộ Xây dựng đề nghị Bộ Giao thông Vận tải chỉ đạo các chủ đầu tư tăng tỉ lệ sử dụng cầu cạn bê tông cốt thép đối với các dự án đường bộ cao tốc đang trong giai đoạn thiết kế, đặc biệt là ở những vùng có yêu cầu thoát lũ, vùng đất yếu và những vùng thiếu vật liệu đắp nền đường như Đồng bằng sông Cửu Long.

Các địa phương tăng cường sử dụng đường bê tông xi măng cho xây dựng đường nông thôn, miền núi và đường tại những vùng thường xuyên ngập lụt.

Thứ hai, tập trung tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, nhà ở. Các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 11/3/2023 của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững. Đồng thời, kiến nghị Ngân hàng Nhà nước phối hợp với Bộ Xây dựng và các tỉnh, thành triển khai thực hiện hiệu quả gói tín dụng ưu đãi 120.000 tỉ đồng cho vay ưu đãi phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo xây dựng lại chung cư cũ.

Thứ ba, về hỗ trợ thuế và tín dụng, cơ quan này đề nghị Chính phủ sửa đổi Nghị định số 26/2023/NĐ-CP ngày 31/5/2023 cho phép tạm hoãn tăng thuế xuất khẩu clanhke, giảm thuế suất thuế xuất khẩu clanhke về 0% đến hết năm 2025; giảm thuế suất thuế xuất khẩu và có cơ chế khuyến khích khác cho các doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng có chế biến sâu…

Bộ cũng đề nghị xem xét tạm hoãn tăng thuế xuất khẩu clinker (thành phần chính trong sản phẩm xi măng), giảm thuế suất thuế xuất khẩu clinker về 0% đến hết năm 2025; Giảm lãi vay đối với các doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng (có thể giảm đến 2%) cho đến hết năm 2025; Tiếp tục gia hạn, không tính lãi đối với các khoản nợ quá hạn và tái cơ cấu nợ vay để giảm khó khăn cho doanh nghiệp.

Thứ tư, cần thúc đẩy xuất khẩu, kiểm soát chặt nhập khẩu vật liệu xây dựng với việc tăng cường quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa vật liệu xây dựng, đặc biệt là hàng hóa nhập khẩu; hoàn thiện các quy chuẩn, tiêu chuẩn về sản phẩm hàng hóa vật liệu xây dựng. Ngoài ra, trước sức ép từ các sản phẩm nhập khẩu tăng mạnh (ví dụ gạch ốp lát), Bộ Xây dựng kiến nghị Bộ Công Thương điều tra chống bán phá giá với sản phẩm từ một số nước để áp thuế chống bán phá giá khi cần thiết.

Cuối cùng, Bộ Xây dựng nhấn mạnh nhóm giải pháp các doanh nghiệp trong ngành phải nâng cao năng lực cạnh tranh, đổi mới công nghệ, đa dạng hóa sản phẩm, tiết giảm cho phí sản xuất.

.

Duy Anh

Theo: Báo Công Thương
    Bài cùng chuyên mục