Bài học lớn từ vụ FLC bị hủy niêm yết: Đầu tư cổ phiếu phải tìm hiểu năng lực và ý thức pháp luật của người đứng đầu doanh nghiệp

(Banker.vn) Ông Nguyễn Kim Long, Giám đốc Luật và Kiểm soát Tuân thủ Công ty CP Chứng khoán SSI cho rằng việc hủy niêm yết không làm thay đổi quyền của cổ đông FLC đã được quy định tại Điều lệ Công ty CP Tập đoàn FLC và các quy định pháp luật hiện hành. Tuy nhiên, sẽ khó để cổ đông thực hiện được quyền của mình.

Ngày 14/2 vừa qua, Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HoSE) công bố quyết định hủy niêm yết gần 710 triệu cổ phiếu của Công ty CP Tập đoàn FLC (Mã chứng khoán: FLC) từ ngày 20/2. Nguyên nhân là do Tập đoàn này đã vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ công bố thông tin... Vấn đề có lẽ được quan tâm nhất lúc này là quyền lợi của các cổ đông FLC sau khi cổ phiếu bị hủy niêm yết sẽ ra sao?

Tạp chí Điện tử Kinh tế Chứng khoán Việt Nam đã có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Kim Long – Giám đốc Luật và Kiểm soát Tuân thủ Công ty CP Chứng khoán SSI về vấn đề này.

PV: Thưa ông, cổ phiếu FLC sẽ chính thức bị hủy niêm yết từ ngày 20/2/2023. Vậy gần 710 triệu cổ phiếu này sẽ “đi về đâu”?

Ông Nguyễn Kim Long: Cổ phiếu FLC bị Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM ra quyết định hủy niêm yết vì đã vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ công bố thông tin mà SGDCK xét thấy cần phải hủy niêm yết nhằm bảo về quyền lợi của nhà đầu tư, căn cứ vào điểm o khoản 1 Điều 120 Nghị định số 155/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 (“Nghị định 155”).

Hệ quả của Quyết định này là cổ phiếu FLC sẽ chấm dứt giao dịch trên sàn HoSE. Tuy nhiên, nếu đáp ứng điều kiện là công ty đại chúng thì FLC phải đăng ký giao dịch cổ phiếu tại sàn UpCOM, theo quy định tại khoản 2 Điều 120 Nghị định 155.

Bài học lớn từ vụ FLC bị hủy niêm yết: Đầu tư cổ phiếu phải tìm hiểu năng lực và ý thức pháp luật của người đứng đầu doanh nghiệp

PV: Việc cổ phiếu FLC bị hủy niêm yết, cổ đông FLC bị thiệt hại như thế nào thưa ông?

Ông Nguyễn Kim Long: Trước hết, phải thấy rằng cổ đông của FLC đã bị thiệt hại do vi phạm về công bố thông tin của doanh nghiệp từ trước khi HoSE ra Quyết định hủy niêm yết. Giá cổ phiếu FLC giảm liên tục từ trên 14.000 đồng/cp vào cuối tháng 3/2022 đến ngày giao dịch cuối 8/9/2022 giá cổ phiếu FLC chỉ còn 3.570 đồng/cp.

Từ đó đến nay cổ phiếu bị đình chỉ giao dịch nên cổ đông của FLC không thể bán được tài sản của mình. Ngoài ra, do thiếu các thông tin về doanh nghiệp, cùng với các biến động khác về mặt nhân sự, quản trị của Công ty, cổ đông cũng không thể thực hiện các quyền cơ bản của mình đối với Công ty.

PV: Quyền cổ đông của nhà đầu tư tại Tập đoàn FLC có bị ảnh hưởng, thưa ông?

Ông Nguyễn Kim Long: Ngoài những thiệt hại đã nêu trên, việc hủy niêm yết không làm thay đổi quyền của cổ đông FLC đã được quy định tại Điều lệ Công ty CP tập đoàn FLC và các quy định pháp luật hiện hành. Tuy nhiên, sẽ khó để cổ đông thực hiện được quyền của mình.

PV: FLC là công ty có mức độ đại chúng cao, nhiều nhà đầu tư nắm giữ cổ phiếu. Theo ông, thị trường chứng khoán sẽ bị ảnh hưởng như thế nào trước quyết định này?

Ông Nguyễn Kim Long: Cổ phiếu FLC đã bị đình chỉ giao dịch từ thời điểm tháng 9 năm 2022, đến nay HoSE ban hành Quyết định hủy niêm yết đối với cổ phiếu FLC chỉ là bước tiếp theo và tôi cho rằng mọi nhà đầu tư, các thành viên thị trường đều có thể tiên liệu được nên cá nhân tôi cho rằng không có tác động xấu đến thị trường, thậm chí nhìn ở góc độ khác, còn có tác động tích cực.

Động thái này cho thấy sự cương quyết của các cơ quan quản lý đối với các sai phạm trên thị trường chứng khoán. Về phía các công ty niêm yết, sự kiện hủy niêm yết của FLC với lý do vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ công bố thông tin là bài học sâu sắc trong ý thức tuân thủ pháp luật và sự minh bạch thông tin đối với nhà đầu tư.

PV: Nhà đầu tư cần rút ra bài học gì thông qua vụ việc của cổ phiếu FLC?

Ông Nguyễn Kim Long: Trước khi quyết định mua cổ phiếu, nhà đầu tư cần cẩn trọng trong việc lựa chọn công ty, xem xét khả năng tuân thủ chặt chẽ các quy định của pháp luật nói chung, tuân thủ quy định về công bố thông tin nói riêng cũng như cần tìm hiểu thông tin về năng lực lãnh đạo, ý thức tuân thủ pháp luật của những người điều hành các công ty (Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc...) nhằm mục đích đánh giá sự uy tín của công ty và quản trị rủi ro trong viêc đầu tư.

Sự công khai, minh bạch trong công bố thông tin và ý thức tuân thủ pháp luật nên là những tiêu chí quan trọng khi nhà đầu tư lựa chọn công ty để đầu tư bên cạnh các tiêu chí về kết quả kinh doanh, tiềm năng tăng trưởng...

Xin cảm ơn ông!

Hơn 700 triệu cổ phiếu FLC chính thức bị huỷ niêm yết từ ngày 20/2

Sở Giao dịch Chứng khoán TP. HCM (HOSE) vừa công bố thông tin về việc hủy niêm yết đối với mã cổ phiếu FLC của ...

Hủy niêm yết gần 710 triệu cổ phiếu FLC: Thị trường chứng khoán có bị ảnh hưởng?

Chuyên gia nhận định về tác động của thông tin gần 710 triệu cổ phiếu FLC bị hủy niêm yết từ ngày 20/2 đến thị ...

HOSE chuyển cổ phiếu GAB sang diện đình chỉ giao dịch

Ngày 16/2, Sở Giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HOSE) đã có công văn gửi Công ty CP Đầu tư Khai khoáng ...

Lưu Lâm

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán