Bài cuối: Xuất khẩu nông lâm thủy sản và kỳ vọng bước sang chương mới

(Banker.vn) Cùng với nỗ lực mở cửa thị trường, xây dựng nền nông nghiệp minh bạch, trách nhiệm, bền vững, xuất khẩu nông lâm thủy sản kỳ vọng sẽ bước sang chương mới.
Bài 5: Tiếp tục tăng tốc trong đường đua hội nhập Bài 4: Tăng trưởng xuất khẩu nông lâm thủy sản liệu có ăn may? Bài 3: Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn nhất của nông lâm thủy sản Việt

Những khởi đầu thuận lợi cho một năm mới

Xuất khẩu rau quả trong tháng đầu tiên năm 2024 ước đạt gần nửa tỉ USD, tăng đến trên 89% so với cùng kỳ năm trước. Điều này mở ra nhiều triển vọng cho sự thành công của ngành rau quả cả năm 2024.

Trong nửa đầu tháng 1/2024, cả nước xuất khẩu 194.074 tấn gạo, kim ngạch đạt 134,57 triệu USD
Trong nửa đầu tháng 1/2024, cả nước xuất khẩu 194.074 tấn gạo, kim ngạch đạt 134,57 triệu USD

Với mặt hàng gạo, trong nửa đầu tháng 1/2024, cả nước xuất khẩu 194.074 tấn gạo, kim ngạch đạt 134,57 triệu USD. So với cùng kỳ 2023, lượng gạo xuất khẩu giảm gần 32.000 tấn, tuy nhiên, kim ngạch tăng gần 20 triệu USD.

Đáng chú ý, nửa đầu tháng 1/2024, bình quân mỗi tấn gạo xuất khẩu thu về khoảng 693 USD, trong khi cùng kỳ năm ngoái chỉ khoảng 507 USD/tấn. Như vậy, trị giá xuất khẩu gạo bình quân tăng tới 36,68%.

Những ngày đầu năm 2024, thông tin từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho hay, Tổng cục Hải quan Trung Quốc đồng ý khẩn trương hoàn thiện hồ sơ để ký Nghị định thư đối với xuất khẩu thủy sản khai thác tự nhiên (trong đó có tôm hùm bông), xem xét mở cửa cho trái bơ và trái chanh leo của Việt Nam.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản tháng 1/2024 tăng cao, đạt 5,14 tỷ USD nhờ đóng góp của tất cả các nhóm hàng đều tăng. Cụ thể, xuất khẩu lâm sản đạt 1,49 tỷ USD, tăng 72,5%; thủy sản đạt 730 triệu USD, tăng 60,8%; nông sản đạt 2,71 tỷ USD, tăng 93,8%;...

Giá trị xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc chiếm tỷ trọng 23%, tăng 106,9%; Hoa Kỳ chiếm 20,8%, tăng 95,9% và Nhật Bản chiếm 7,4%, tăng 47,5%.

Năm 2024 là năm tăng tốc, bứt phá, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025. Tình hình thế giới, khu vực sẽ còn tiếp tục có những diễn biến phức tạp, khó lường; hậu quả của đại dịch Covid-19 còn tác động kéo dài.

Cạnh tranh chiến lược các nước lớn ngày càng gay gắt hơn, tăng trưởng kinh tế, thương mại, đầu tư toàn cầu tiếp tục xu hướng giảm. Lạm phát, chính sách tiền tệ của một số nền kinh tế lớn còn chứa đựng yếu tố bất định. Đơn hàng phục hồi nhưng xuất khẩu hàng hóa đối diện thách thức mới, trong đó, Biển Đỏ “nổi sóng” đang là vấn đề nóng đối với các doanh nghiệp.

Trong bối cảnh khó khăn, thách thức đan xen, một trong những nhiệm vụ được nêu tại Nghị quyết 01/NQ-CP ngày 5/1/2024 của Chính phủ đó là tăng cường công tác xúc tiến thương mại; tiếp tục đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, sản phẩm, chuỗi cung ứng; củng cố và mở rộng thị phần hàng hóa Việt Nam tại các thị trường truyền thống; tạo bước đột phá mở rộng các thị trường xuất khẩu mới có tiềm năng; ưu tiên khai thác và tận dụng tối đa các cơ hội từ các thị trường xuất khẩu trọng điểm, chiến lược.

Đánh giá nông nghiệp Việt Nam năm 2023 đã vượt cơn gió ngược, chuyển đổi trạng thái, xoay chuyển tình thế, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị ngành nông nghiệp năm 2024 phát huy tinh thần tấn công, đặt mục tiêu tăng trưởng toàn ngành cao hơn (khoảng 3,5-4%), xuất khẩu nông lâm thủy sản từ 55 tỷ USD trở lên…

Ngành Công Thương luôn đồng hành, sát cánh cùng ngành nông nghiệp

Bộ Công Thương nhận định, áp lực bên ngoài đối với sản xuất công nghiệp và hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam trong năm 2024 đến từ cả 3 kênh.

Thứ nhất, kênh thương mại quốc tế khi nhiều nền kinh tế là đối tác lớn của Việt Nam tăng trưởng chậm, dẫn đến tổng cầu khó phục hồi mạnh, từ đó tác động đến kết quả xuất khẩu.

Thứ hai, kênh đầu tư quốc tế khi mặt bằng lãi suất thế giới nhìn chung còn neo ở mức cao, khó thu hút vốn cho đầu tư nói chung và trực tiếp tạo áp lực không nhỏ trong việc giữ vốn đã đầu tư ở lại Việt Nam cũng như thu hút thêm vốn đầu tư mới.

Thứ ba, kênh tài chính tiền tệ với áp lực mất giá đồng nội tệ so với đồng USD, tuy thuận lợi phần nào cho xuất khẩu nhưng sẽ khiến chi phí nhập khẩu nguyên vật liệu phục vụ sản xuất tăng cao và làm tăng quy mô thanh toán của các khoản nợ nước ngoài.

Là nền kinh tế có độ mở cao, Việt Nam không thể tránh khỏi những ảnh hưởng tiêu cực của những biến động từ bên ngoài trong bối cảnh rủi ro, thách thức còn rất lớn đối với triển vọng kinh tế thế giới trong năm 2024.

Ngày 23/1/2024, Bộ Công Thương đã ban hành Chương trình hành động nhằm thực hiện Nghị quyết 01/NQ-CP về nhiệm vụ giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước năm 2024. Chương trình cũng nhằm mục tiêu thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ Chính phủ giao cho ngành Công Thương năm 2024.

Tại chương trình, Bộ Công Thương giao nhiệm vụ cụ thể cho các đơn vị thuộc ngành. Trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương đặt mục tiêu tổng kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 6%; cán cân thương mại duy trì xuất siêu khoảng 15 tỷ USD.

Về cân đối xuất nhập khẩu, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên yêu cầu Cục Xuất nhập khẩu chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan tiếp tục nghiên cứu các thông tin thị trường, chính sách xuất nhập khẩu của các nước để kịp thời thông tin cho các doanh nghiệp, hỗ trợ các doanh nghiệp trong tận dụng các ưu đãi mà các FTA mang lại.

Theo dõi sát tình hình của các thị trường xuất khẩu lớn, truyền thống của Việt Nam để kịp thời đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn phù hợp. Trong đó, trọng tâm là tình hình chiến sự Nga - Ukraine và những tác động đến khu vực chiến sự và thế giới; cơ hội từ việc mở cửa trở lại (sau thời kỳ Covid-19) của thị trường Trung Quốc; xu hướng phát triển bền vững, xanh hóa trong các ngành công nghiệp của EU; các quy định mới trong việc thẩm định chuỗi cung ứng của các quốc gia EU đối với các ngành hàng xuất khẩu.

Đồng thời, chủ động tháo gỡ khó khăn nhằm đẩy nhanh thông quan hàng hóa, nâng cao hiệu quả hoạt động xuất nhập khẩu tại khu vực cửa khẩu, đặc biệt là đối với các mặt hàng nông sản, thủy sản có tính chất thời vụ; chuyển nhanh, chuyển mạnh sang xuất khẩu chính ngạch,…

Ngày 24/1/2024, tại buổi làm việc việc với ông Thani bin Ahmed Al Zeyoudi - Quốc vụ khanh phụ trách thương mại quốc tế - Bộ Kinh tế Các tiểu Vương quốc Ả rập Thống nhất (UAE), tư lệnh ngành Công Thương - Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên - cho biết, trong thời gian tới, hai bên nhất trí sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ hơn nữa trong quá trình đàm phán Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện Việt Nam - UAE (CEPA) để sớm tiến tới kết thúc đàm phán, cùng với đó là nâng cao quan hệ hợp tác kinh tế và thương mại song phương lên một tầm cao mới, mang lại lợi ích thiết thực cho người dân và doanh nghiệp hai nước.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng đã đề nghị phía UAE xem xét, tạo thuận lợi cho các hoạt động trao đổi đoàn doanh nghiệp, phối hợp tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối giao thương, nhất là trong các lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư và logistics;…

Hiện nay, Philippines là đối tác thương mại lớn thứ 6 trong ASEAN và lớn thứ 16 trên thế giới của Việt Nam, tiếp tục là thị trường xuất khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam.

Trong buổi tiếp và làm việc với Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Philippines Francisco Tiu Laurel Jr. diễn ra sáng 29/1/2024, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết Việt Nam luôn xác định Philippines là một trong những thị trường xuất khẩu gạo quan trọng hàng đầu.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết Việt Nam luôn xác định Philippines là một trong những thị trường xuất khẩu gạo quan trọng hàng đầu
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên tiếp và làm việc với Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Philippines Francisco Tiu Laurel Jr

Trong khuôn khổ chuyến thăm cấp Nhà nước của Tổng thống Philippines tại Hà Nội từ ngày 29-30/1/2024, Bộ Công Thương Việt Nam và Bộ Nông nghiệp Philippines ký Bản ghi nhớ về hợp tác thương mại gạo. Đây là một văn kiện quan trọng, đưa ra những định hướng lớn và một số hoạt động phối hợp giữa hai Bên nhằm thúc đẩy quan hệ hợp tác trong lĩnh vực thương mại gạo trong giai đoạn 5 năm tới.

Bên cạnh thương mại gạo, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng đề nghị Bộ trưởng Nông nghiệp Philippines tích cực chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp chặt chẽ với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn của Việt Nam để triển khai các thủ tục SPS, sớm mở cửa thị trường cho các mặt hàng trái cây và sản phẩm thịt gia súc, gia cầm của nhau.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên tiếp và làm việc với Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Philippines Francisco Tiu Laurel Jr.
Bộ Công Thương Việt Nam và Bộ Nông nghiệp Philippines ký Bản ghi nhớ về hợp tác thương mại gạo

Trong buổi trò chuyện với phóng viên báo chí trước khi bước sang thềm năm mới, nói về những kết quả đạt được trong năm 2023 cũng như mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu nông lâm thủy sản trong 2024, ông Lê Minh Hoan – Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn – chia sẻ, trong suốt quá trình phát triển của ngành, có những kết quả có thể đong đo đếm được bằng số liệu nhưng có những cái chúng ta không thể đong đo đếm. Ở đó, chúng ta không chỉ nhìn vào con số tăng trưởng toàn ngành nông nghiệp hay kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản mà còn ở thu nhập, đời sống của người nông dân. Đây mới mới là yếu tố quan trọng nhất.

Có thể thấy, sức sống của hoạt động xuất khẩu nông lâm thủy sản còn có dư địa rất lớn. Cùng với nỗ lực mở cửa thị trường, thay đổi tư duy, thay đổi quy trình sản xuất sẽ tạo ra được sản phẩm thích ứng cho các phân khúc của thị trường khác nhau. Xây dựng nền nông nghiệp minh bạch, trách nhiệm, bền vững, từ đó, Nghị quyết số 19-NQ/TW, về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 từng bước được hiện thực hóa và chúng ta cùng kỳ vọng xuất khẩu nông lâm thủy sản Việt Nam sẽ bước sang chương mới.

Nguyễn Hạnh

Theo: Báo Công Thương
    Bài cùng chuyên mục