Bài 1: “Sức khỏe” của thị trường xuất khẩu và những thách thức cho doanh nghiệp Việt Nam Doanh nghiệp xuất khẩu kỳ vọng lấy lại đà tăng trưởng |
Vẫn có những cơ hội
Kinh tế thế giới đang có dấu hiệu chuyển biến tích cực, lạm phát ở các quốc gia có dấu hiệu giảm nhiệt, và vẫn có những cơ hội, những thị trường tiềm năng cho xuất khẩu Việt Nam.
Vẫn có nhiều cơ hội cho doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam trong những tháng cuối năm 2023 |
Theo bà Nguyễn Thảo Hiền – Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu – châu Mỹ qua theo dõi thị trường, tốc độ giảm kim ngạch xuất khẩu đã chậm lại. Xuất khẩu quý II/2023 tăng so với quý I/2023. Bên cạnh đó, các nước EU, Hoa Kỳ đã tung nhiều biện pháp để kiềm chế lạm phát, thúc đẩy tiêu dùng, thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu. Các chính sách này bước đầu đã bước đầu phát huy hiệu lực, lạm phát ở các thị trường lớn Hoa Kỳ, EU, Anh đều có chiều hướng giảm xuống. “Thời gian tới, với nhiều điều kiện khác thì kỳ vọng xuất khẩu có thể khôi phục tăng trưởng vào quý IV/2023. Bên cạnh đó, các hiệp định thương mại tự do FTA, ví dụ như Anh gia nhập Hiệp định CPTPP là sẽ mở ra cơ hội mới cho xuất khẩu Việt Nam”, bà Hiền nhận định.
Ông Trần Minh Thắng – Trưởng chi nhánh Thương vụ Việt Nam tại San Francisco (Hoa Kỳ) cho biết, thị trường Hoa Kỳ đang có dấu hiệu phục hồi và sẽ tiếp tục tăng trưởng cao hơn. Lạm phát còn cao nhưng đã ở mức thấp nhất kể từ tháng 4/2021,… “Một lượng lớn hàng tồn kho được giải phóng, việc làm được cải thiện, sức mua tại Hoa Kỳ sẽ dần phục hồi, nhất là phục vụ cho mua sắm dịp cuối năm 2023, dẫn đến dự báo nhập khẩu vào thị trường Hoa Kỳ sẽ phục hồi nhẹ vào quý IV/2023”, ông Thắng nói.
Bà Đỗ Việt Hà – Đại diện Thương vụ Việt Nam tại thị trường Cộng hòa Liên bang Đức cho hay cơ hội đưa hàng Việt Nam vào Đức còn cao. Người tiêu dùng Đức sẵn sàng sử dụng sản phẩm chất lượng tốt, giá cả cạnh tranh từ các quốc gia đang phát triển. Việt Nam có nhiều sản phẩm mà người Đức có nhu cầu cao như đồ gỗ, đồ may mặc, dệt may, giày dép, cà phê, rau quả nhiệt đới.
“Một lợi thế nữa là Việt Nam là một trong số ít những nước trong châu Á có hiệp định thương mại tự do với EU, nên hàng hóa Việt Nam có nhiều lợi thế cạnh tranh hơn từ hiệp định EVFTA”, bà Hà chỉ ra và thông tin thêm, Đức đang tách dần sự phụ thuộc hàng hóa vào Trung Quốc và đang tìm kiếm các nhà cung cấp từ Việt Nam nhiều hơn. “Ngày càng có nhiều nhà nhập khẩu của Đức hỏi Thương vụ Việt Nam để tìm kiếm các người bán tại Việt Nam”, bà Hà nói.
Rau, quả nhiệt đới là một lợi thế của Việt Nam khi xuất khẩu sang EU |
Còn theo ông Tô Ngọc Sơn – Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á – châu Phi, xuất khẩu Việt Nam có thể tìm kiếm cơ hội ở nhiều thị trường mới. Ví dụ như thị trường Châu Phi. Ông Sơn cho biết, hiện thị trường này hầu như còn bỏ ngỏ. “Những sản phẩm Việt Nam rất có tiềm năng xuất khẩu vào thị trường này là gạo, nông cụ thiết bị máy móc, sản phẩm điện tử, linh kiện, dệt may. Thị trường này cũng có nhu cầu nông sản, lương thực, thực phẩm lớn và không có nhiều yêu cầu kỹ thuật khắt khe”, ông Sơn gợi ý.
“Thuận lợi khi xuất khẩu sang Trung Quốc đó là Việt Nam có ưu đãi thuế quan trong các hiệp định thương mại tự do (ACFTA, RCEP); lợi thế địa lý và hình thức thương mại đa dạng; Trung Quốc mở cửa cho nhiều sản phẩm nông sản Việt Nam có nhu cầu lớn đối với các sản phẩm xuất khẩu mà Việt Nam có thế mạnh…”, ông Nông Đức Lai – Tham tán thương mại Việt Nam tại Trung Quốc nói.
Doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam phải làm gì?
Đại diện Thương vụ Việt Nam tại San Francisco khuyến nghị để duy trì sức cạnh tranh, các doanh nghiệp Việt Nam cần liên tục hiệu quả hóa sản xuất để duy trì giá cạnh tranh; sản xuất sản phẩm chất lượng cao, sáng tạo, tạo ra các sự khác biệt, áp dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất; đáp ứng nhanh hơn, linh hoạt hơn nhu cầu của thị trường, sở thích của người tiêu dùng; thực hành sản xuất bền vững và có trách nhiệm xã hội – điều này có vai trò rất lớn đối với những thị trường như Hoa Kỳ…
Doanh nghiệp Việt Nam phải thay đổi để đáp ứng các quy định về trách nhiệm xã hội, phát triển bền vững |
Theo đặc điểm thị trường Đức, bà Đỗ Việt Hà khuyến nghị các doanh nghiệp cần phải nắm, cập nhật thường xuyên các quy định tiêu chuẩn kĩ thuật của EU đối với các sản phẩm xuất khẩu sang Đức, đặc biệt là các quy định về trách nhiệm xã hội. Ví dụ từ đầu năm 2023, Đức đã áp dụng Luật Nghĩa vụ thẩm định doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng. Luật này có tác động gián tiếp đến các nhà xuất khẩu Việt Nam. Các nhà nhập khẩu của Đức có thể yêu cầu nhà xuất khẩu của Việt Nam cung cấp các thông tin về nguồn gốc xuất xứ, chế độ tiền lương, lao động, cách xử lý chất thải nhà máy, các chứng chỉ, chứng nhận về thương mại bền vững, tiêu chuẩn trách nhiệm xã hội, chứng nhận quản lý bền vững rừng, chứng nhận trong dệt may… Hay, gần đây EU lại đưa vào áp dụng các quy định về đưa vào lưu thông, sử dụng các sản phẩm có liên quan đến phá rừng và suy thoái rừng.
Ngoài ra, bắt buộc phải lưu ý đáp ứng đúng tiêu chuẩn quy tắc xuất xứ để hưởng ưu đãi thuế quan trong EVFTA. Lưu ý thẩm định năng lực đối tác trước khi kí hợp đồng đầu tiên. Doanh nghiệp cần, nên có kế hoạch tham gia các hội chợ chuyên ngành, xúc tiến thương mại tại Đức cũng như tại các quốc gia khác.
“Doanh nghiệp phải lưu ý hầu hết nhà nhập khẩu ở Hungary đều có đối tác truyền thống. Doanh nghiệp Việt Nam phải có sản phẩm nổi trội hơn hẳn thì mới khiến nhà nhập khẩu hợp tác. Và cũng phải lưu ý đến xác minh năng lực đối tác trước khi thực hiện các giao dịch”, ông Trần Ngọc Hà – Phụ trách Thương vụ Việt Nam tại Hungary khuyến nghị.
Theo ông Tô Ngọc Sơn – Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á – châu Phi, để khai thác tốt thị trường, doanh nghiệp cần xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm, định vi sản phẩm ở từng phân phúc khác nhau; ứng dụng công nghệ tiên tiến trong chế biến, đóng gói và bảo quản sản phẩm; đa dạng hóa các hình thức xúc tiến thương mại; chủ động nghiên cứu các tiêu chuẩn kỹ thuật, rào cản của các thị trường, đảm bảo hồ sơ đầy đủ; lưu ý đến những yêu cầu về tiêu dùng xanh; quan tâm, nghiên cứu thị trường mới, tiềm năng.
Tích cực tham gia các hội chợ, triển lãm quốc tế chuyên ngành là một cơ hội tốt để doanh nghiệp tìm kiếm đối tác, mở rộng thị trường |
Để tăng xuất khẩu vào thị trường lớn nhất thế giới – Trung Quốc, ông Nông Đức Lai – Tham tán thương mại Việt Nam tại Trung Quốc khuyến nghị doanh nghiệp cghiên cứu và tuân thủ quy định về tiêu chuẩn chất lượng, kiểm nghiệm, kiểm dịch, bao bì đóng gói, truy xuất nguồn gốc của thị trường Trung Quốc; Tích cực quảng bá, giới thiệu sản phẩm, kết nối giao thương qua các Hội chợ, triển lãm; thường xuyên cập nhật thông tin thị trường, chính sách, quy định xuất nhập khẩu... và xu thế, nhu cầu của thị trường qua nhiều kênh khác nhau. Bên cạnh đó, cần xác minh thực lực và uy tín của các doanh nghiệp Trung Quốc nhất là các đối tác được tìm kiếm qua hình thức internet. Mọi giao dịch đều phải thực hiện bằng hình thức hợp đồng theo thông lệ của thương mại quốc tế với các điều khoản về giao dịch và giải quyết tranh chấp được thống nhất chặt chẽ và có tình ràng buộc cao. Ngoài ra, nâng cao chất lượng sản phẩm, cải tiến mẫu mã, xây dựng được thương hiệu, chú trọng xây dựng bao bì, mẫu mã phù hợp với thị trường Trung Quốc; có cán bộ am hiểu tiếng Trung Quốc để thuận tiện trong công tác giao dịch với đối tác.
Vũ Lê
Ngân hàng | 1 tháng | 6 tháng | 12 tháng |
---|