Khởi đầu từ phiên đấu giá
Quyết định hủy tư cách công ty đại chúng (CTĐC) được ĐHĐCĐ bất thường 2023 của TV.Pharm thông qua ngày 03/08/2023. Nguyên nhân do DN này không đáp ứng điều kiện là CTĐC theo điểm a khoản 1 điều 32 Luật Chứng khoán số 54/2019/QH14.
Theo quy định trên, CTĐC phải có vốn điều lệ từ 30 tỷ đồng trở lên và có tối thiểu 10% số cổ phiếu có quyền biểu quyết do ít nhất 100 nhà đầu tư không phải là cổ đông lớn nắm giữ. Dù đang có vốn điều lệ trên 290 tỷ đồng nhưng công ty mẹ của TV.Pharm là Công ty CP Dược Aikya lại nắm đến trên 90%, khiến tỷ lệ sở hữu của các cổ đông còn lại dưới mức 10% theo quy định.
Trở lại thời điểm cách đây gần 8 năm. Ngày 28/10/2016, Sở GDCK TP.HCM (HOSE) đã tổ chức phiên đấu giá trọn lô gần 4.4 triệu cổ phiếu (CP) (chiếm 43.47% vốn điều lệ) của TV.Pharm do Tổng Công ty đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) sở hữu, giá khởi điểm 50.000 đồng/cp.
TV.Pharm chuyên sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu thuốc tân dược, đông dược, sinh phẩm y tế và thực phẩm chức năng |
Theo đó, có 3 nhà đầu tư tham gia đấu giá bao gồm 2 cá nhân và 1 tổ chức. Kết quả, gần 4.4 triệu CP TV.Pharm đã được đấu giá thành công với giá trúng 50,100 đồng/cp, qua đó SCIC thu về gần 220 tỷ đồng. Nhà đầu tư mua được số CP trên là Công ty CP Aikya - doanh nghiệp được thành lập trước thời điểm đấu giá vài tháng (từ 12/4/2016) với vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng, có trụ sở tại TP.HCM và hoạt động chính trong lĩnh vực dược phẩm.
Sau phiên đấu giá, Công ty CP Aikya trở thành cổ đông lớn nhất của TV.Pharm khi sở hữu đến 43.47% vốn điều lệ, cổ đông lớn còn lại là ông Nguyễn Đăng Nguyên nắm giữ 12.4% vốn, tương đương gần 1.3 triệu cổ phiếu. Các cổ đông nhỏ khác sở hữu tổng tỷ lệ 44.13%, tương đương hơn 4.4 triệu cổ phiếu.
Tìm hiểu cho thấy trước khi diễn ra việc thoái vốn của SCIC, kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2016, TV.Pharm đạt doanh thu thuần gần 168.4 tỷ đồng, giảm 20% so với cùng kỳ 2015, tương đương gần 41% kế hoạch năm. Lãi ròng nửa đầu năm gần 15.9 tỷ đồng, giảm 21% và bằng 48% chỉ tiêu năm đề ra.
Ngày 17/8/2017, TV.Pharm có phiên giao dịch đầu tiên sau khi niêm yết thành công. Chỉ một năm sau, ngày 28/8/2018, Công ty CP Aikya (Aikya Group) bán 6.707.993 CP, tương đương với 43,47% vốn điều lệ. Bên mua là Công ty CP Dược Aikya (Aikya Pharma) - công ty con của Aikya Group.
Kế tiếp, ngày 11/6/2019, Aikya Pharma mua vào hơn 2,4 triệu cổ phần của TV.Pharm để nâng tỷ lệ sở hữu từ 60,5% lên mức 82,21% vốn điều lệ.
Cùng với một vài đợt mua nhỏ lẻ khác thì cú “chốt hạ” diễn ra vào 23/6/2023 khi Aikya Pharma mua tiếp 1.184.900 CP, qua đó hoàn tất việc sở hữu trên 90% vốn điều lệ và đưa TV.Pharm rời sàn.
Ông lớn ngành dược
Theo tìm hiểu của kinhtechungkhoan.vn, Aikya Group thành lập vào tháng 4/2016, người đại diện theo pháp luật là ông Hà Ngọc Sơn (sinh năm 1974).
Khi mới thành lập, Aikya Group đăng ký quy mô vốn điều lệ ở mức 1.000 tỷ đồng, với sự tham gia góp vốn của 3 cổ đông là: Công ty TNHH MTV Oneinvest (tỷ lệ sở hữu 49,999%); Công ty CP Một Trăm (tỷ lệ sở hữu 50%) và bà Giang Thị Minh Hằng (sở hữu 0,001% vốn điều lệ).
Theo đánh giá của giới quan sát thì với một tỷ lệ vốn điều lệ ít ỏi, khả năng cao là cổ đông Giang Thị Minh Hằng chỉ xuất hiện để đủ thủ tục để đảm bảo mô hình công ty CP có tối thiểu 3 cổ đông.
Theo tìm hiểu, Công ty CP Một Trăm hoạt động theo hình thức công ty cổ phần từ tháng 10/2018, với sự tham gia góp vốn của các cổ đông cá nhân: Đỗ Thị Minh Đức (góp 112,5 tỷ đồng, chiếm 45%); Phạm Phương Chi (góp 12,5 tỷ đồng, chiếm 45%) và Đỗ Thị Kim Liên (góp 125 tỷ đồng, chiếm 50% vốn).
Về công ty Công ty TNHH MTV Oneinvest, pháp nhân này được thành lập từ năm 2015 với quy mô vốn điều lệ 300 tỷ đồng, thuộc sở hữu của bà Nguyễn Thị Thu Hương.
Dữ liệu cũng cho thấy vào tháng 10/2016, Aikya Group tham gia góp tới 99% vốn với một cá nhân khác để thành lập một pháp nhân mới là Công ty CP Phân phối dược phẩm và trang thiết bị y tế Aikya.
Nhắc đến sự ra đời của Aikya Pharma thì không thể không đề cập đến Công ty TNHH MTV Dược phẩm An Hy (Công ty An Hy). DN này thành lập vào tháng 1/2010, chuyên hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh thuốc tân dược và trang thiết bị y tế. Giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật của công ty này trong nhiều năm là ông Trần Hoàng Dũng, một doanh nhân có tiếng trong lĩnh vực dược phẩm.
Theo đó, 2 cổ đông gồm An Hy và Aikya Group tham gia góp vốn thành lập Aikya Pharma. Như đã đề cập ở trên, Aikya Pharma hiện đang là chủ sở hữu của TV.Pharm.
Các dữ liệu trên đưa giới quan sát vào trận đồ mà rất khó để đưa câu trả lời thỏa đáng ai là ông chủ thực sự của Aikya Pharma, cũng như của TV.Pharma. Tuy nhiên, xuyên suốt quá trình hoạt động của các DN nêu trên không thể không nhắc đến ông Hà Ngọc Sơn, chủ tịch Aikya Group, người đồng thời giữ vị trí tương tự hoặc là ủy viên HĐTV của rất nhiều DN có liên quan đến TV.Pharm.
Cụ thể, tại Công ty dược phẩm Mebiphar-AustraPharm, ông Hà Ngọc Sơn là thành viên HĐTV. Tại Công ty CP Dược S.Pharm ông giữ vai trò là chủ tịch HĐQT. Đây là DN mua và bán nguyên vật liệu, hàng hóa với TV.Pharm. Tại Công ty CP Dược phẩm và sinh học y tế ông là thành viên HĐQT. DN này cũng có giao dịch với TV.Pharm với hình thức là bán hàng hóa, dịch vụ
Tại Công ty TNHH MTV Dược phẩm công nghệ cao (Công ty con của TV.Pharm) ông là chủ tịch HĐTV.
Doanh nhân Hà Ngọc Sơn có tầm ảnh hưởng lớn ở nhiều DN dược phẩm |
Về Công ty CP Dược phẩm và sinh học y tế, vào thời điểm tháng 12/2017, Aikya Pharma sở hữu tới 67,36% vốn điều lệ tại DN này. Tỷ lệ sở hữu của Aikya Pharma tại Mebiphar tiếp tục gia tăng lên mức 67,45% vào cuối năm 2018. Nắm quyền chi phối, dễ hiểu khi nhân sự của Aikya Group là ông Hà Ngọc Sơn trở thành Chủ tịch, Tổng Giám đốc của Mebiphar.
Tìm hiểu cho thấy, một doanh nhân luôn sát cạnh ông Hà Ngọc Sơn tại các DN nêu trên là ông Nguyễn Đắc Hải khi 2 người “luân phiên” nhau giữ các trọng trách. Nếu ông Sơn làm chủ tịch DN này thì ông Hải làm ủy viên và ngược lại.
Được biết, vào tháng 11/2020, TV.Pharm là chủ đầu tư và khởi công xây dựng Cụm Dược phẩm Công nghệ cao TV.Pharm tại cụm công nghiệp Tân Ngại, đường Lê Văn Tám, ấp Tân Ngại, xã Lương Hòa A, huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh. Dự án có tổng diện tích 9,7ha với công suất thiết kế 1,5 tỷ viên/năm. Tổng vốn đầu tư ban đầu 650 tỷ đồng. Cũng trong tháng 11/2020, Liên doanh Quỹ đầu tư Việt Nam-Oman (VOI) đã ký cam kết đầu tư dài hạn cho Dự án Khu Dược Phẩm Công Nghệ Cao TV.PHARM với ngân sách lớn.
TV.Pharm có địa chỉ tại số 27, Nguyễn Chí Thanh, Tp Trà Vinh. Công ty sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu thuốc tân dược, đông dược, sinh phẩm y tế và thực phẩm chức năng; trang thiết bị dùng trong ngành y dược; mỹ phẩm, thiết bị dùng trong phòng thí nghiệm (lý - hóa - sinh), thuốc sát trùng (dùng ngoài). Kinh doanh vật tư y tế tiêu hao và đầu tư vào cá công ty trong ngành dược… |
Bài 5: Trước khi phải rời sàn chứng khoán, Xây lắp Thành An 386 làm ăn ra sao? Khác với nhiều doanh nghiệp bị hủy tư cách công ty đại chúng liên quan đến cổ đông thiểu số không nắm đủ 10% vốn ... |
Bài 3: Chế tạo điện cơ Hà Nội rút công ty đại chúng, đất vàng Melia Hà Nội về tay ai? Mới đây, UBCK đã có thông báo hủy tư cách đại chúng của Công ty CP Chế tạo điện cơ Hà Nội (HEM). Đây là ... |
Bài 4: Công ty NOVA: Gom trăm gói thầu, ‘trợ thủ’ đưa Chế tạo Điện cơ Hà Nội mất tư cách đại chúng Trong bài viết: "Chế tạo điện cơ Hà Nội rút công ty đại chúng, đất vàng Melia Hà Nội về tay ai?", Tạp chí điện ... |
Bùi Quý
Ngân hàng | 1 tháng | 6 tháng | 12 tháng |
---|