Bài 6: Đa dạng hóa nguồn điện để bảo đảm an ninh năng lượng

(Banker.vn) Ngành Điện đang từng bước thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh, sạch và giảm phát thải nhằm hướng đến mục tiêu trung hòa carbon.
Bài 1: Nhận diện vai trò “trụ đỡ” của điện khí Bài 2: Hiệu quả điện khí - Góc nhìn từ thực tiễn Bài 3: Bức tranh ngành điện Việt Nam năm 2030 nhìn từ Quy hoạch điện VIII Bài 4: Vì sao các dự án nhà máy điện khí LNG lại chậm tiến độ, chưa triển khai? Bài 5: Từ dự án đầu tiên hướng đến hiện thực hóa mục tiêu 22.400 MW nhiệt điện LNG

Để hiểu rõ hơn về mục tiêu này, phóng viên PetroTimes có cuộc trao đổi với GS.TSKH Trần Đình Long - nguyên Phó Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Điện lực Việt Nam.

Bài 6: Đa dạng hóa nguồn điện để bảo đảm an ninh năng lượng
Giáo sư.TSKH Trần Đình Long

Theo Quy hoạch điện VIII, xu thế phát triển ngành điện của Việt Nam là thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh, sạch, giảm phát thải, hướng đến mục tiêu trung hòa carbon. Ông đánh giá như thế nào về mục tiêu này, thưa Giáo sư?

Tôi cho rằng mục tiêu đó rất quan trọng, phù hợp với cam kết của Chính phủ với cộng đồng quốc tế.

Biến đổi khí hậu đã và đang gây ra những ảnh hưởng ngày càng nghiêm trọng đến môi trường và cuộc sống của con người. Việc thúc đẩy chuyển đổi từ nguồn năng lượng truyền thống sang năng lượng tái tạo, năng lượng sạch là một phần quan trọng của nỗ lực toàn cầu nhằm giảm thiểu phát thải khí nhà kính.

Bên cạnh đó, chuyển đổi xanh cũng tạo ra cơ hội phát triển kinh tế bền vững. Việc đầu tư vào các dự án năng lượng tái tạo, dự án điện khí thúc đẩy phát triển công nghiệp và nâng cao hiệu suất năng lượng, giúp cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân và góp phần vào sự đổi mới kinh tế.

Ông nghĩ sao về khả năng của Việt Nam trong việc đạt được mục tiêu trung hòa carbon?

Tôi tin rằng Việt Nam có tiềm năng lớn để đạt được mục tiêu trung hòa carbon trong lĩnh vực điện. Nước ta có lợi thế về nguồn tài nguyên thiên nhiên, như năng lượng mặt trời, gió, thủy điện và các nguồn năng lượng tái tạo khác, nếu được quản lý hiệu quả và phát triển hợp lý có thể đáp ứng phần lớn nhu cầu năng lượng của đất nước mà vẫn giữ được tính bền vững.

Tuy nhiên, việc chuyển đổi năng lượng xanh và trung hòa carbon không đơn giản, phải đối mặt với nhiều thách thức. Một trong những thách thức lớn là hạ tầng và công nghệ. Việc xây dựng và vận hành các dự án năng lượng tái tạo đòi hỏi đầu tư lớn và kỹ thuật cao. Ngoài ra, việc tích hợp các nguồn năng lượng không ổn định như điện mặt trời, điện gió vào hệ thống điện yêu cầu sự linh hoạt và khả năng dự báo chính xác.

Một thách thức khác là tài chính. Đầu tư vào các dự án năng lượng tái tạo và hạ tầng điện mới đòi hỏi vốn lớn. Cần có cơ chế tài chính hợp lý để hỗ trợ việc triển khai và khai thác các dự án này một cách hiệu quả.

Theo tôi, để thực hiện mục tiêu trung hòa carbon cần sự tập trung, hợp tác và kiên nhẫn. Chính phủ, doanh nghiệp và cộng đồng cần phối hợp chặt chẽ để tạo ra môi trường thuận lợi cho đầu tư và phát triển các dự án năng lượng tái tạo. Đồng thời, việc nâng cao nhận thức của công chúng về tầm quan trọng của chuyển đổi xanh và trung hòa carbon cũng rất quan trọng. Sự hỗ trợ từ các chính sách hỗ trợ và ưu đãi của Chính phủ cũng đóng góp quan trọng trong quá trình chuyển đổi xanh.

Những năm gần đây thường xuyên xảy ra mất điện trên diện rộng vào thời điểm nắng nóng như tháng 6, tháng 7 tại miền Bắc. Theo ông, đâu là nguyên nhân dẫn đến tình trạng này?

Nguyên nhân chính dẫn đến cắt điện là nguồn cung không bảo đảm. Bên cạnh nguồn cung thiếu, mức độ tăng phụ tải trong những ngày nắng nóng rất cao, có ngày tăng lên 30-40%. Do vậy, để đáp ứng được nhu cầu điện cho sản xuất và tiêu dùng, sinh hoạt trong thời điểm này rất khó.

Việc cung ứng điện phụ thuộc rất nhiều vào cân đối nhu cầu và khả năng đáp ứng, trong khi khả năng đáp ứng là hữu hạn. Nguồn điện chính ở miền Bắc gồm các nhà máy thủy điện và nhiệt điện. Nước, nhiên liệu, khí, dầu, than bị ràng buộc nhiều yếu tố, không chủ động và phụ thuộc vào thiên nhiên. Nguồn nước ở các nhà máy thủy điện quá thấp không đáp ứng được yêu cầu sản xuất điện trong khi đó nhu cầu tiêu thụ điện lại gia tăng. Nắng nóng nên phải sử dụng nhiều thiết bị làm mát, thông gió, máy điều hòa không khí sẽ đào thải khí nóng ra môi trường và hiệu ứng nhà kính càng làm không khí thêm oi bức. Nhu cầu điện tăng rất cao mà ngành điện không có khả năng cung ứng đủ điện.

Vì vậy, với điều kiện thời tiết khắc nghiệt như năm nay, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) không có khả năng cân đối cung - cầu. Khi nguồn cung điện không đáp ứng được nhu cầu, chỉ có giải pháp duy nhất là lập lại cân bằng cung - cầu của hệ thống, tránh cho hệ thống bị sụp đổ, phải giảm bớt nhu cầu, phải cắt điện, cắt điện luân phiên, cắt điện theo thời điểm, dẫn tới rất nhiều thiệt hại cho sản xuất và phiền toái trong sinh hoạt của người dân.

Bài 6: Đa dạng hóa nguồn điện để bảo đảm an ninh năng lượng
Sẽ giảm dần nhiệt điện than và bỏ hoàn toàn vào năm 2050/ Ảnh minh họa

Ông vừa nói nguồn điện chính ở miền Bắc chủ yếu là thủy điện và nhiệt điện. Phải chăng tình trạng thiếu điện là do cơ cấu nguồn điện nền chưa hợp lý?

GS.TSKH Trần Đình Long: Đúng vậy. Cơ cấu nguồn điện phải tính toán thế nào để bảo đảm cung cấp điện ổn định. Trong những năm qua, thủy điện và nhiệt điện than là hai nguồn năng lượng quan trọng trong cơ cấu điện nền của Việt Nam, chiếm khoảng gần 73% (tính đến hết tháng 7/2023 - PV) nguồn điện của toàn hệ thống. Tuy nhiên, sự phụ thuộc quá nhiều vào hai nguồn năng lượng này có thể tạo ra rủi ro, đặc biệt khi điều kiện thời tiết hoặc tình hình tài nguyên thay đổi.

Ngoài ra, tôi cho rằng, vừa qua việc phát triển mất cân đối của điện mặt trời do tăng trưởng quá nhanh và nóng so với cơ cấu nguồn điện quốc gia đã dẫn đến một số bất cập về kỹ thuật khiến việc khai thác, vận hành không hiệu quả, ảnh hưởng đến an ninh năng lượng quốc gia.

Vậy theo ông, bài học cần rút ra từ việc thiếu điện trong thời gian vừa qua là gì?

Như tôi đã nói, thủy điện và nhiệt điện là hai nguồn năng lượng giữ vai trò quan trọng trong hệ thống điện. Thế nhưng, nếu phụ thuộc quá nhiều vào hai nguồn năng lượng này mà không có nguồn năng lượng khác dự phòng thì sẽ dẫn đến rủi ro, nguy cơ xảy ra sự cố về điện do nhu cầu sử dụng điện tăng cao đột biến, nhất là thời điểm nắng nóng ở miền Bắc.

Chính vì vậy, để bảo đảm cung cấp điện an toàn và ổn định, chúng ta phải đa dạng hóa cơ cấu điện nền bằng cách kết hợp nhiều nguồn năng lượng khác nhau như điện gió, điện mặt trời, điện khí, điện khí LNG, thủy điện tích năng, nhiều nguồn năng lượng tái tạo khác. Việc kết hợp này có thể sẽ giảm thiểu rủi ro khi có sự cố về điện, biến đổi thời tiết và biến đổi tài nguyên.

Trong thời đại mà tác động của biến đổi khí hậu ngày càng tăng, việc đẩy mạnh sử dụng nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng sạch như điện gió, điện mặt trời, điện khí, thủy điện... đang trở nên quan trọng. Những nguồn năng lượng này có thể giúp giảm lượng khí nhà kính và ô nhiễm môi trường từ quá trình sản xuất điện.

Ngoài việc đa dạng hóa cơ cấu nguồn điện, cải thiện hiệu quả sử dụng điện cũng rất quan trọng. Việc sử dụng công nghệ hiện đại để tối ưu hóa việc sản xuất, truyền tải và tiêu thụ điện có thể giảm thiểu lãng phí và tăng cường tính bền vững.

Do vậy, việc xây dựng cơ cấu điện nền cần xem xét cân nhắc đa dạng hóa để giảm thiểu rủi ro và bảo đảm cung cấp điện ổn định.

Theo Quy hoạch điện VIII, cơ cấu nguồn điện đến năm 2050 sẽ giảm dần thủy điện và bỏ hoàn toàn nhiệt điện than để chuyển sang các nguồn năng lượng sạch khác. Vậy theo ông, để bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia trong quá trình chuyển đổi cơ cấu nguồn điện, chúng ta phải chuẩn bị những gì?

Theo tôi, có rất nhiều khía cạnh cần xem xét và chuẩn bị.

Trước tiên, cần phải duy trì ổn định các nhà máy thủy điện và nhiệt điện than. Mặc dù thủy điện và nhiệt điện than có nhiều nhược điểm về môi trường khi sản xuất điện, thế nhưng, trong quá trình chuyển dịch năng lượng, hai nguồn điện này vẫn đóng vai trò chủ đạo để bảo đảm an toàn cung ứng điện cho toàn hệ thống, bởi nó có tính ổn định cao so với các nguồn năng lượng khác.

Thứ hai, chúng ta cần phải cơ cấu nguồn điện mới một cách hợp lý, tránh tình trạng đầu tư nhiều, nhưng khai thác không hiệu quả. Bên cạnh đó, phải có kế hoạch chi tiết và thời gian cho việc chuyển đổi này, bao gồm việc đầu tư vào nghiên cứu và phát triển công nghệ năng lượng sạch, xây dựng hạ tầng cần thiết, và có sự hỗ trợ cho cộng đồng bị ảnh hưởng.

Thứ ba, cần xây dựng cơ sở pháp lý cho phép các chủ đầu tư thực hiện việc đầu tư hệ thống tích trữ tại các nhà máy điện gió, mặt trời để nâng cao hiệu quả vận hành. Các nhà máy năng lượng tái tạo nạp điện vào hệ thống tích trữ trong thời điểm quá tải, thừa nguồn và phát điện từ hệ thống tích trữ trong các thời điểm không quá tải.

Thứ tư, cần tạo ra một môi trường kinh doanh thuận lợi để khuyến khích đầu tư trong lĩnh vực năng lượng sạch; hỗ trợ tài chính và có các chính sách khuyến khích đầu tư.

Cuối cùng, việc giáo dục và nâng cao nhận thức của người dân về quá trình chuyển đổi năng lượng cũng rất quan trọng. Việc sử dụng các biện pháp quản lý bên người dùng (DSM) bao gồm tạo ra biểu giá để thay đổi thói quen dùng điện và tiết kiệm điện luôn là giải pháp hữu hiệu mà cả thế giới áp dụng.

Bài 6: Đa dạng hóa nguồn điện để bảo đảm an ninh năng lượng
Cần phải ưu tiên khuyến khích việc đầu tư phát triển điện mặt trời áp mái/Ảnh minh họa

Trong chuyển dịch năng lượng, chúng ta nên ưu tiên phát triển nguồn điện nào trước, thưa ông?

Theo tôi, cần phải đa dạng hóa các loại hình nguồn điện với cơ cấu hợp lý.

Tôi cho rằng, cần phải ưu tiên khuyến khích việc đầu tư phát triển điện mặt trời áp mái trước, bởi không đòi hỏi phải mất diện tích đất xây dựng nhà máy, nguồn vốn đầu tư ít, mức đầu tư vừa với khả năng của từng hộ gia đình, doanh nghiệp, không đòi hỏi phát triển nhiều lưới điện truyền tải. Điện mặt trời áp mái thường tự sản tự tiêu, không cần phải truyền dẫn đi xa, không cần phải đầu tư cho lưới điện truyền tải... Nhà nước nên khuyến khích và có chính sách đột phá để thúc đẩy phát triển điện mặt trời áp mái, nhất là tại các khu vực có nguy cơ thiếu điện như miền Bắc.

Tiếp đến là điện gió ngoài khơi. Việt Nam có tiềm năng kinh tế kỹ thuật điện gió ngoài khơi, đang được nhiều nhà đầu tư quan tâm. Cần sớm nghiên cứu xây dựng cơ sở pháp lý thúc đẩy phát triển điện gió ngoài khơi.

Song song với đó, cần tiếp tục đẩy mạnh phát triển các nguồn năng lượng tái tạo như thủy điện, điện gió trên bờ, điện mặt trời, điện sinh khối... Ngoài ra, cần phải phát triển nguồn điện lưu trữ (thủy điện tích năng, pin lưu trữ), giảm dần tỷ trọng nhiệt điện than, ưu tiên phát triển điện khí trong nước, phát triển các nguồn điện khí LNG nhập khẩu với quy mô phù hợp.

Thực tế hiện nay, việc phát triển các dự án năng lượng tái tạo, điện khí đang gặp nhiều bất cập trong việc đàm phán hợp đồng mua bán điện (PPA) giữa chủ đầu tư và EVN. Vướng mắc này cần được tháo gỡ như thế nào, thưa ông?

Theo tôi, PPA là điều kiện tiên quyết để chủ đầu tư triển khai dự án. Trước khi triển khai dự án, chủ đầu tư cần phải có PPA, đặc biệt là giá điện và bao tiêu sản lượng. Hiện nay, nhiều dự án năng lượng tái tạo, điện khí LNG chậm triển khai, hoặc đã hoàn thiện nhưng chưa hoạt động cũng do chưa thỏa thuận được giá điện và bao tiêu sản lượng điện hàng năm.

Đơn cử, tháng 3/2023, 36 nhà đầu tư điện sạch đã cùng ký văn bản kiến nghị với Thủ tướng về những bất cập trong cơ chế giá điện với điện gió, điện mặt trời làm cho 34 nhà máy điện đã đầu tư xong nhưng không thể bán điện cho EVN.

Ngoài việc bảo đảm bao tiêu sản lượng điện hằng năm, PPA còn là cơ sở để các ngân hàng xem xét tài trợ tín dụng cho dự án.

Chính phủ, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, các bộ, ngành liên quan cần sớm vào cuộc giải quyết dứt điểm những vướng mắc hiện nay, đồng thời sớm ban hành khung giá phát điện cho các dự án; có cơ chế, chính sách hỗ trợ vay vốn với lãi suất thấp...

Nếu chúng ta không nhanh chóng tháo gỡ những vướng mắc, chắc chắn việc triển khai các dự án năng lượng tái tạo sẽ gặp trở ngại rất lớn, dẫn tới không bảo đảm an ninh năng lượng, khó thực hiện được các cam kết về chuyển đổi năng lượng, giảm phát thải carbon của Chính phủ.

Mạnh Tưởng (thực hiện)

Bài 7: Hiện thực hóa mục tiêu điện khí theo Quy hoạch điện VIII: Cần cơ chế, chính sách đặc thù

petrotimes.vn

Theo: Báo Công Thương
    Bài cùng chuyên mục