Bài 4: Tăng trưởng xuất khẩu nông lâm thủy sản liệu có ăn may?

(Banker.vn) Nếu nói là “ăn may” tôi e rằng, đã làm mờ đi sự vận động của sản xuất, xuất khẩu, chỉ đạo của các bộ ngành, sự nỗ lực, bền bỉ của nông dân, doanh nghiệp…
Bài 1: Chuỗi giá trị nông sản được nối dài Bài 2: Khơi thông dòng chảy nông sản, mở cửa thị trường Bài 3: Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn nhất của nông lâm thủy sản Việt

Chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thủy đã có cuộc trao đổi với phóng viên Báo Công Thương xung quanh vấn đề này.

Thưa ông, vừa qua, nhiều ý kiến cho rằng, kết quả đạt được trong tăng trưởng xuất khẩu nông lâm thủy sản trong năm 2023 là ăn may, ông bình luận gì về quan điểm này?

Nhìn lại hoạt động xuất khẩu nông sản của Việt Nam trong năm 2023 thì cái “may” là có thật và đúng! Nhưng cái “may” đến mà sự vận động bên trong của sản xuất, hoạt động xuất khẩu không đủ mạnh, sự vào cuộc của các bộ, ngành không tương xứng, người nông dân và doanh nghiệp xuất khẩu không bền bỉ, dẻo dai… thì có làm nên kết quả lớn như vậy không?

Xuất khẩu gạo
Xuất khẩu gạo năm 2023 ghi nhận mức cao nhất trong vòng 34 năm qua.

Lấy hai mặt hàng có lượng và giá đạt “đỉnh” là gạo và rau quả làm ví dụ. Năm 2023, thế giới vốn đang chịu tác động từ cuộc xung đột Nga - Ukraine và ảnh hưởng của El Nino thì lại hứng chịu thêm một cú sốc từ lệnh cấm xuất khẩu tất cả các loại gạo tẻ thường của Ấn Độ.

Sau Ấn Độ, Nga và UAE cũng cấm xuất khẩu gạo. Như vậy, lượng gạo thiếu từ nhập khẩu của một số quốc gia ước chừng 43 - 45% so với năm 2022, đã tạo ra gánh nặng về an ninh lương thực, mất ổn định chính trị ở một số quốc gia trên thế giới và có nguy cơ lây lan trong khu vực và toàn cầu. Trong cái “nguy” ấy có cái “cơ” - cái cơ là mở toang cánh cửa cho Việt Nam chiếm lĩnh thị trường xuất khẩu gạo, rau quả.

Nhìn lại sự vận động bên trong của sản xuất và hoạt động xuất khẩu thế nào? Thưa rằng, sau khi Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo, các Bộ, ban, ngành, địa phương “khẩn trương nắm bắt thông tin thị trường, vừa đảm bảo an ninh lương thực, vừa đẩy mạnh xuất khẩu gạo” trong cơ hội hiếm có này. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã tập trung chỉ đạo tăng diện tích gieo trồng lên 60.000 ha lúa Thu Đông.

Chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thủy

Chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thủy

Bộ Công Thương cùng với Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) đã riết ráo kiểm tra, kiểm soát thực trạng các cơ sở bảo quản, xay xát, thu mua và các dịch vụ hậu cần cho sản xuất và xuất khẩu. Đồng thời, chỉ đạo các thương nhân thực hiện nghiêm túc quy định tại Nghị định số 107/2018/NĐ-CP đảm bảo duy trì mức dự trữ lưu thông, cân đối xuất khẩu hiệu quả.

Cục Xuất nhập khẩu cũng đã tham mưu cho Bộ trưởng Bộ Công Thương để ban hành Chỉ thị số 07/CT-BCT về tăng cường thông tin thị trường, xúc tiến thương mại, phát triển thị trường xuất khẩu gạo và bình ổn thị trường trong nước. Mặt khác, Bộ Công Thương tích cực đàm phán, trao đổi song phương với các đối tác nhập khẩu truyền thống, trọng điểm (Malaysia, Philippines) về việc xem xét tiến tới ký kết Bản ghi nhớ thương mại gạo.

Tổ chức Đoàn giao dịch thương mại gạo tại thị trường Trung Quốc nhằm duy trì, củng cố và mở rộng thị phần sản phẩm gạo tại thị trường này. Có thể nói, ngành lúa gạo năm nay chúng ta đã tranh thủ được cơ hội thị trường, biến thời cơ thành thu nhập của người nông dân trồng lúa và lợi nhuận cho doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh xuất khẩu gạo.

Tương tự, với con số gần 5,6 tỷ USD, tăng 80 - 90% so với kết quả thực hiện năm 2022, xuất khẩu rau quả năm 2023 ghi dấu ấn kỷ lục từ trước đến nay. Đáng chú ý, trong khuôn khổ chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình từ ngày 12 - 13/12/2023, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam và Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã ký kết “Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với quả dưa hấu tươi xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc”.

Như vậy, sau 12 năm nỗ lực đàm phán, việc ký kết Nghị định thư trên là một bước quan trọng trong việc thúc đẩy xuất khẩu chính ngạch sản phẩm nông nghiệp truyền thống của Việt Nam và chuẩn hóa các quy định về xuất khẩu nông sản giữa hai nước.

Bên cạnh những yếu tố tích cực và những kết quả đạt được, theo ông, đâu còn là những nút thắt?

“Nút thắt” đang có những cách tiếp cận khác nhau, có thể là: đất đai, khoa học – công nghệ, tổ chức sản xuất, logistics, tư duy kinh tế… cách nhìn của tôi là hai yếu tố “Công nghệ và tỷ lệ nội địa hóa của Việt Nam còn rất thấp”!

Đã 16 năm gia nhập WTO, nhưng Việt Nam chỉ có 21% doanh nghiệp tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, trong khi Malaysia là 46%, Thái Lan 30%... rõ ràng sức cạnh tranh là rất thấp. Tiếp nữa, tỷ lệ nội địa hóa mới ở mức 36%. Mặc dù, các doanh nghiệp này vẫn lấy CO để xuất khẩu, nhưng tỷ lệ này rất thấp.

Tóm lại, sản xuất hàng hóa của Việt Nam mới dừng ở gia công, gia công đơn giản, muốn bước vào chuỗi cung ứng toàn cầu sâu hơn, năng lực cạnh tranh cao hơn thì phải đầu tư công nghệ.

Với sản phẩm nông nghiệp, xuất khẩu thì lớn! nhưng sản phẩm, nguyên liệu thô nên giá trị sinh lời rất thấp do năng lực chế biến sâu mới đạt khoảng 17- 20%. Lâu nay trong chuỗi giá trị, khâu có lợi nhuận thấp nhất chính là sản xuất, chỉ chiếm khoảng 12%-13% tổng giá trị gia tăng của các sản phẩm nông nghiệp, hơn 80% còn lại nằm ở các khâu chế biến, thương hiệu, thương mại... nhưng Việt Nam chưa làm được và chưa làm tốt ở những khâu đó.

Sầu riêng Việt Nam mặc dù ghi nhận một năm xuất khẩu bứt phá, nhưng sắp tới sẽ phải cạnh tranh với sầu riêng Malaysia ngay tại thị trường Trung Quốc. Chưa kể đến việc chất lượng sầu riêng của chúng ta đôi lúc, hay tại một vài thị trường nào đó lại xuất hiện những thông tin liên quan đến chất lượng, mã vùng trồng, mã số đóng gói. Dường như, sự thích ứng với thị trường, nhóm thị trường của người nông dân và doanh nghiệp Việt Nam so với Thái Lan còn một khoảng cách không hề nhỏ.

Toàn bộ ngành chăn nuôi lợn của chúng ta gần như vẫn chưa xuất khẩu được! Do đâu? Do giá thành cao, do kiểm soát dịch bệnh và khâu giết mổ chưa tốt. Rõ ràng, vấn đề căn cốt đó là công nghệ. Những vấn đề này dù đã được bản thảo, nhắc đến nhiều lần nhưng vẫn chưa có giải pháp căn cơ. Sâu sa hơn, người nông dân chỉ nhận được đồng tiền lẻ từ hàng hóa nông sản xuất khẩu mà thôi!

Dự cảm về năm 2024 và mô hình con cá, ông có thể chia sẻ lại vấn đề này trong gia tăng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản?

Kinh tế thế giới năm 2024 được dự báo kém thuận lợi hơn so với năm 2023, do chứa đựng nhiều nhân tố gây bất ổn hơn ngoài những nhân tố bất ổn hiện tại chưa đi qua. Trong bối cảnh đó, Việt Nam kỳ vọng nông nghiệp tăng trưởng 3,2 - 4% là một thách thức cam go, nhưng không phải là không thể đạt được - nếu hợp sức khơi thông nội lực, cải thiện các cân đối của nền kinh tế; cải cách môi trường kinh doanh, tạo ra các động năng tăng trưởng nông sản xuất khẩu - nông nghiệp, lấy khoa học công nghệ làm khâu then chốt.

Biểu đổ kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản từ năm 2010 đến nay
Biểu đổ kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản từ năm 2010 đến năm 2023. Nguyễn Hạnh

Trong đó, công nghệ cần được phân ra nhiều tầng: Những công nghệ cao thích ứng với doanh nghiệp nông nghiệp có quy mô sản xuất lớn; những công nghệ trung bình có thể dành cho những hợp tác xã, những nông trại; có những công nghệ vừa đủ dành cho nông hộ vừa và nhỏ…

Chúng ta cần tìm kiếm những công nghệ có thể phủ được tất cả các tầng của nền kinh tế nông nghiệp, không đặc thù cho một nhóm đối tượng nào. Với quan điểm đó, toàn ngành kinh tế nông nghiệp, nông thôn phải chắt chiu từng cơ hội tiếp cận công nghệ để có thể tìm ra những công nghệ cho tăng năng suất, tăng chất lượng tốt hơn, kháng dịch bệnh tốt hơn, thích ứng với biến đổi khí hậu nhanh hơn.

Công nghệ đó phải có tính tuần hoàn tạo ra được nhiều giá trị, tăng thu nhập của người nông dân - Lợi ích tối cao đó, là điểm hẹn của hợp sức, đột phá cho khát vọng vươn xa.

Trở lại với mô hình con cá, với ngành nông nghiệp, tôi cho rằng, đầu cá sẽ là hệ thống dữ liệu, kinh tế lượng, công nghệ (bao gồm chính sách, khai phá thị trường). Xương sống của con cá sẽ được phân thành 4 đốt: đốt 1 là quy trình sản xuất, tiêu chuẩn; đốt 2 là thương hiệu; đốt 3 là chế biến; đốt 4 là thị trường.

Thị trường là yếu tố khó nhất nhưng biến đổi không ngừng, buộc chúng ta phải thích ứng – nó cũng giống như con cá khi vẩy đuôi thì cái đầu sẽ đi hướng khác.

Xin cảm ơn ông!

Bài 5: Tiếp tục tăng tốc trong đường đua hội nhập

Nguyễn Hạnh

Theo: Báo Công Thương
    Bài cùng chuyên mục