Bài 4: Ép học sinh viết giấy cam kết khống đã nhận đủ tiền lương

(Banker.vn) Sau khi được yêu cầu đưa các em học sinh trở về, Công ty Toàn Cầu đã ép các em học sinh viết giấy cam kết khống đã nhận đủ tiền lương và cam kết không kiện cáo.
Bản hợp đồng gian trá biến học sinh thành công nhân tăng ca kiệt sức: Bài 1 - Cuộc giải cứu nghẹt thở Bài 2: Sau nghi án ‘mua bán học sinh’, bất ngờ xuất hiện công ty thứ ba tự nguyện trả tiền Bài 3: Trường trung cấp nghề Bỉm Sơn xin sửa sai và đón tất cả học sinh trở về

Sau nhiều bài viết phản ánh của Báo Công Thương về “Bản hợp đồng gian trá biến học sinh thành công nhân tăng ca kiệt sức”, sáng nay (27/8), Trường trung cấp nghề Bỉm Sơn, tỉnh Thanh Hóa đã lên đón tất cả các em học sinh trở về. Tuy nhiên, vào lúc 21 giờ ngày 26/8, bà Hoàng Thị Hồng Hạnh, Giám đốc Công ty Toàn cầu đã yêu cầu các em học sinh viết giấy cam kết khống với dung: “Tôi đã nhận đủ số tiền lương là trong thời gian đi làm số tiền đã được chuyển vào ngân hàng của tôi… Tôi đã nhận đúng và đủ số tiền lương bên công ty thanh toán cho tôi. Tôi cam kết không có thắc mắc hay kiện cáo gì, nếu tôi làm sai tôi hoàn toàn chịu trách nhiệm trước công ty và pháp luật”.

Bài 4: Ép học sinh viết giấy cam kết khống đã nhận đủ tiền lương
Giấy cam kết khống mà bà Hoàng Thị Hồng Hạnh - Giám đốc Công ty Toàn Cầu đã ép các em học sinh phải viết vào lúc 21 giờ tối 26/8

Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương qua điện thoại, em Vũ Đình Phong, học sinh khóa 15, Trường trung cấp nghề Bỉm Sơn cho biết: “Tối 26/8, chị Hạnh gọi các em xuống và yêu cầu viết Giấy cam kết đã nhận đủ số tiền, đến giờ (9h30 ngày 27/8-PV) em đã lên xe nhưng vẫn chưa nhận được tiền lương chị Hạnh chuyển. Ngoài em ra còn nhiều bạn khác cũng chưa nhận được tiền. Em vào làm việc được khoảng 1 tháng nay rồi, mấy lần xuống xin ứng lương nhưng công ty không cho. Ngoài làm việc trong giờ chính, em cũng phải tăng ca cả ca ngày và ca đêm”.

Còn em Lê Nguyễn Anh Đức cho biết: “Em làm việc lắp ráp linh kiện điện tử của công ty ở tỉnh Thái Nguyên được 4 ngày công, đêm qua em không phải viết giấy cam kết, nhưng em cũng không nhận được tiền lương gì cả. Giờ em đang trên xe về nhà”.

Không khác gì em Vũ Đình Phong, em Thịnh Lê Hưng cho biết: “Em làm được 18 ngày công, tối qua em cũng phải viết giấy cam kết đã nhận đủ tiền lương, nhưng đến nay, qua tài khoản của bố em hỏi bố em bảo chưa nhận được tiền lương".

Bài 4: Ép học sinh viết giấy cam kết khống đã nhận đủ tiền lương
Sáng ngày 27/8, bà Hoàng Thị Hồng Hạnh - Giám đốc Công ty Toàn Cầu trả căn cước công dân cho các em học sinh, nhưng không trả tiền lương cho các em

Như vậy, tối ngày 26/8, sau khi ép nhiều học sinh phải viết Giấy cam kết đã nhận đủ số tiền, đồng thời yêu cầu các không kiện cáo, đến sáng ngày 27/8, các em học sinh vẫn chưa nhận được tiền lương từ Công ty Toàn Cầu do bà Hoàng Thị Hồng Hạnh làm Giám đốc công ty.

Có thể thấy, Công ty Toàn Cầu đã đi hết sai phạm này đến hành vi vi phạm khác. Lật lại tình tiết của anh Trương Thế Tùng lên thị xã Sông Công, tỉnh Thái Nguyên để giải cứu đón con trai là Trương Thế Sang cho thấy, bà Hoàng Thị Hồng Hạnh – Giám đốc Công ty Toàn Cầu có dấu hiệu về hành vi giữ người trái phép. Nếu hôm đó, anh Tùng không nhờ đến Công an phường Thắng Lợi, thị xã Sông Công, tỉnh Thái Nguyên thì em Trương Thế Sang liệu có được thả cho về với gia đình hay không. Đề nghị Công an thị xã Sông Công, tỉnh Thái Nguyên vào cuộc điều tra, làm rõ.

Bài 4: Ép học sinh viết giấy cam kết khống đã nhận đủ tiền lương
Đây là nơi mà Công ty Toàn cầu bố trí cho các em học sinh khóa 15 Trường trung cấp nghề Bỉm Sơn ăn nghỉ trong thời gian qua

Tại Điều 157 Bộ luật Hình sự quy định về “Tội bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật” như sau: 1. Người nào bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 377 của Bộ luật này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì phạt tù từ 02 năm đến 07 năm: a) Có tổ chức; b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn; c) Đối với người thi hành công vụ; d) Phạm tội 02 lần trở lên; đ) Đối với 02 người trở lên; e) Đối với người dưới 18 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu hoặc người không có khả năng tự vệ; g) Làm cho gia đình người bị giam, giữ lâm vào tình trạng khó khăn, quẫn bách; h) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của người bị bắt, giữ, giam trái pháp luật từ 11% đến 45%.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm: a) Làm người bị bắt, giữ, giam trái pháp luật chết hoặc tự sát; b) Tra tấn, đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục phẩm giá nạn nhân; c) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của người bị bắt, giữ, giam trái pháp luật 46% trở lên.

4. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Bài 4: Ép học sinh viết giấy cam kết khống đã nhận đủ tiền lương
Mặc dù có mặt vào sáng nay 27/8, khi các em học sinh lên xe ô tô về với gia đình, nhưng bà Hoàng Thị Hồng Hạnh vẫn không có động thái trả tiền lương cho các em

Chưa hết, việc sử dụng lao động là học sinh dưới 18 tuổi để bắt các em phải làm việc như một công nhân đã vi phạm Luật Lao động. Về vấn đề này, Luật sư Nguyễn Thị Hằng, Đoàn Luật sư tỉnh Thanh Hóa phân tích: Tại Điều 8, Bộ luật Lao động năm 2019 nêu rõ: Các hành bị nghiêm cấm trong lĩnh vực lao động bao gồm: Lợi dụng danh nghĩa dạy nghề, tập nghề để trục lợi, bóc lột sức lao động; sử dụng lao động chưa thành niên trái pháp luật.

Tại khoản 2, Điều 29, Nghị định 12/2022/NĐ-CP quy định về việc xử lý hành vi vi phạm quy định về lao động chưa thành niên cũng nêu rõ: Phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 25 triệu đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây: c) Sử dụng lao động chưa thành niên làm việc quá thời giờ làm việc quy định tại Điều 146 của Bộ luật Lao động; d) Sử dụng người chưa đủ 15 tuổi làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm; đ) Sử dụng người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi làm thêm giờ hoặc làm việc vào ban đêm trong những nghề, công việc không được pháp luật cho phép.

Như vậy, đến sáng nay, tất cả các em học sinh khóa 15 của Trường trung cấp nghề Bỉm Sơn sẽ được trở về bên vòng tay yêu thương của gia đình và người thân nơi quê nhà, dừng việc “Thực tập trải nghiệm” tại tỉnh Thái Nguyên và Bắc Ninh. Tuy nhiên, sau nhiều ngày “đội lốt” công nhân, phải tăng ca đến kiệt sức, bị bóc lột sức lao động, nhưng các em vẫn chưa nhận được tiền lương? Những dấu hiệu vi phạm của Công ty Toàn Cầu như đã phân tích ở trên, cần phải được các cơ quan chức năng của tỉnh Thanh Hóa vào cuộc điều tra, làm rõ, trả lại công bằng cho các em... Báo Công Thương sẽ tiếp tục thông tin sự việc.

Hoàng Minh

Theo: Báo Công Thương