Bài 3: “Tấm hộ chiếu” cho nông sản Việt ra thị trường nước ngoài

(Banker.vn) Việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ là trách nhiệm của Việt Nam trong thực thi các FTA, đồng thời cũng là tấm hộ chiếu cho nông sản Việt vào thị trường quốc tế.
Bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ là động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Bài 1: Xác lập quyền sở hữu trí tuệ cho các sản phẩm chủ lực Bài 2: Nâng tầm giá trị quả vải thiều tại thị trường nước ngoài

Đảm bảo tuân thủ các điều ước quốc tế

Ông Trần Lê Hồng – Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) chia sẻ: Việc đăng ký nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý ra nước ngoài là một việc khá phức tạp, tốn kém, mất nhiều thời gian. Cục Sở hữu trí tuệ đã có nhiều hoạt động nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp trong bối cảnh doanh nghiệp Việt Nam chưa có kinh nghiệm, nền tảng nguồn lực còn hạn chế.

Bài 3: “Tấm hộ chiếu” cho nông sản Việt ra thị trường nước ngoài
Ông Trần Lê Hồng chia sẻ thông tin về hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp trong bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ (Ảnh: Bùi Hùng)

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ nhằm hỗ trợ doanh nghiệp đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu ra nước ngoài, ngày 31/12/2021, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ký “Kế hoạch phối hợp hỗ trợ bảo hộ nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm xuất khẩu tiềm năng của Việt Nam ở nước ngoài giai đoạn 2022-2025”. Đến ngày 14/6/2023, Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành Quyết định số 1244/QĐ-BKHCN phê duyệt kế hoạch hỗ trợ bảo hộ nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm xuất khẩu tiềm năng của Việt Nam ở nước ngoài giai đoạn 2022-2025.

Với vai trò là cơ quan đầu mối, sau 2 năm triển khai, Cục Sở hữu trí tuệ đã phối hợp với các cơ quan liên quan của một số bộ, ngành, địa phương thực hiện hoạt động khảo sát và phổ biến kiến thức về đăng ký bảo hộ nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý ra nước ngoài, trong đó ưu tiên các thị trường mà doanh nghiệp Việt Nam quan tâm như châu Âu, Trung Quốc, Nhật Bản… Triển khai đồng bộ các giải pháp với các bộ, ban, ngành, trước tiên là Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để phát triển thương hiệu và đăng ký nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm, dịch vụ tiềm năng ra nước ngoài.

Theo ông Trần Lê Hồng, hiện Việt Nam đã ký Hiệp định Thương mại tự do với Liên minh châu Âu (EVFTA), trong đó có cam kết về công nhận bảo hộ lẫn nhau về chỉ dẫn địa lý, theo đó 39 chỉ dẫn địa lý của Việt Nam đã được bảo hộ tại châu Âu trong khuôn khổ Hiệp định EVFTA kể từ thời điểm Hiệp định có hiệu lực (01/8/2020). Các sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý đều là nông sản của Việt Nam. Đây cũng là cơ hội để các sản phẩm chủ lực của Việt Nam có thể gia nhập thị trường EU.

Bài 3: “Tấm hộ chiếu” cho nông sản Việt ra thị trường nước ngoài

Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam Lưu Hoàng Long và ông João Negrão, Tổng Giám đốc điều hành của EUIPO ký kết Bản ghi nhớ hợp tác song phương giữa hai cơ quan (Ảnh: IP Việt Nam)

Hiện chúng tôi đang xây dựng cơ chế tạo thuận lợi cho đăng ký chỉ dẫn thương mại của Việt Nam tại Nhật Bản và Trung Quốc. Đồng thời, triển khai một số hoạt động song phương với các cơ quan hữu quan, cơ quan sở hữu trí tuệ các nước để xem xét khả năng có thể bảo hộ lẫn nhau giống như Việt Nam bảo hộ chỉ dẫn địa lý trong khuôn khổ hợp tác với EU. Điều này sẽ tạo thuận lợi cho doanh nghiệp bởi nếu chúng ta tự đăng ký với từng nước thì rất tốn kém về chi phí, quy trình và thủ tục rất phức tạp”- ông Trần Lê Hồng cho hay.

Tuy nhiên, lãnh đạo Cục Sở hữu trí tuệ cũng lưu ý, hiện các doanh nghiệp Việt hoạt động theo cách thức tự phát, chưa chuyên nghiệp, chưa có sự chuẩn bị về thị trường cũng như đăng ký bảo hộ sản phẩm của mình tại thị trường nước ngoài. Chính vì vậy, phát triển thị trường gắn với phát triển thương hiệu trong đó dựa trên nền tảng đăng ký nhãn hiệu hay chỉ dẫn địa lý là rất quan trọng và doanh nghiệp phải nhận thức được điều đó.

Để hỗ trợ các doanh nghiệp, Cục Sở hữu trí tuệ đã tổ chức, phối hợp với một số cơ quan sở hữu trí tuệ quốc gia của các nước tổ chức hội thảo, xây dựng và phát hành tài liệu hướng dẫn đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu sang Trung Quốc, một số thị trường châu Âu và sắp tới sẽ hướng đến một số thị trường lớn và quan trọng khác như Hoa Kỳ, Đài Loan (Trung Quốc)…

Ông Trần Lê Hồng chia sẻ, thành công của sản phẩm vải thiều Lục Ngạn và thanh long Bình Thuận được bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản đã đánh dấu bước tiến lớn trong hoạt động bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cho các sản phẩm chủ lực quốc gia. Đồng thời, việc bảo hộ thành công chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản đã minh chứng cho nền nông nghiệp Việt Nam đã chuyển mình, khẳng định doanh nghiệp và người dân Việt Nam có đủ năng lực sản xuất các sản phẩm đạt tiêu chuẩn của những quốc gia khó tính nhất thế giới.

Tiếp theo thành công trên, Bộ Khoa học và Công nghệ cũng đang xem xét việc hỗ trợ sản phẩm nhãn lồng Hưng Yên và xoài Đồng Tháp kiện toàn công tác quản lý, kiểm soát sản phẩm được bảo hộ chỉ dẫn địa lý nhằm đáp ứng yêu cầu của Nhật Bản và Trung Quốc để đăng ký bảo hộ tại các quốc gia này”- ông Hồng thông tin thêm.

Bài 3: “Tấm hộ chiếu” cho nông sản Việt ra thị trường nước ngoài
Ông Trần Lê Hồng phát biểu tại Hội thảo Biện pháp phòng chống đơn đăng ký nhãn hiệu với dụng ý xấu, hội thảo có sự tham dự của Nhóm 5 Cơ quan sở hữu trí tuệ lớn nhất thế giới (TM5) (Ảnh: IP Việt Nam)

Bên cạnh việc hỗ trợ đăng ký bảo hộ nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý ra nước ngoài, Cục Sở hữu trí tuệ cũng đẩy mạnh việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ đại diện khoa học công nghệ ở nước ngoài để có những hành động hỗ trợ kịp thời cho doanh nghiệp trong hoạt động xuất khẩu, kinh doanh ở thị trường quốc tế cũng như các chủ thể liên quan về sự cần thiết, đánh giá tiềm năng thực sự của việc sử dụng nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý ở thị trường nước ngoài để có những quyết định, lựa chọn phù hợp trong bảo hộ và quản lý tài sản trí tuệ của mình, tránh thiệt hại không đáng có hoặc lãng phí nguồn lực không cần thiết.

Làm gì để nâng cao hiệu quả khai thác tài sản trí tuệ?

Theo Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ Trần Lê Hồng, đăng ký chỉ dẫn địa lý ở nước ngoài đã khó, nhưng để duy trì và phát huy hiệu quả chỉ dẫn địa lý còn khó và quan trọng hơn. "Chúng ta chưa chuyên nghiệp trong vấn đề tiếp cận. Ngay thị trường trong nước, các sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý cũng chưa được đầu tư đúng mức, quản lý của địa phương còn nhiều vấn đề mà cần phải hoàn thiện, từ vấn đề kinh phí, tổ chức, hỗ trợ, phát triển các sản phẩm, quá trình kiểm tra, giám sát quy trình canh tác của sản phẩm còn nhiều vấn đề đặt ra"- Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ chỉ ra và lưu ý, cần có đánh giá đầy đủ hơn về vấn đề bảo hộ, duy trì điều kiện của các sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý tại Việt Nam.

Được biết, có khoảng 130 chỉ dẫn địa lý được bảo hộ tại Việt Nam nhưng số lượng được khai thác hiệu quả chưa phải lớn. Trước thực trạng như vậy đã đặt ra nguy cơ rất lớn đối với số lượng chỉ dẫn địa lý được bảo hộ tại nước ngoài, đặc biệt là những nước có yêu cầu cao và kiểm soát chặt chẽ thì có nguy cơ bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký.

Bài 3: “Tấm hộ chiếu” cho nông sản Việt ra thị trường nước ngoài

Cuộc họp song phương cấp Cục trưởng giữa Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam và Cơ quan Sở hữu trí tuệ châu Âu vào tháng 12/2023 (Ảnh: IP Việt Nam)

Trước nguy cơ trên, Cục Sở hữu trí tuệ đang triển khai một số hoạt động với các địa phương hướng đến nâng cao chất lượng sản phẩm, quy trình canh tác, giúp cho các sản phẩm luôn đáp ứng điều kiện bảo hộ chỉ dẫn địa lý ở nước ngoài.

Tuy nhiên, đối với thị trường Nhật Bản, ông Trần Lê Hồng cho hay: Khi Việt Nam đăng ký chỉ dẫn địa lý đã gặp không ít vấn đề phát sinh như việc danh tiếng quả vải thiều theo yêu cầu của phía Nhật Bản cần được biết đến một cách rộng rãi lâu năm, có thể lên đến 25 năm, nhưng quá trình phát triển vải thiều Lục Ngạn (Bắc Giang) từ khi đưa cây vải thiều Thanh Hà (Hải Dương) lên trồng tại Lục Ngạn cũng chưa phải lâu, nhất là nếu tính khoảng thời gian các đơn vị chức năng có các số liệu đánh giá về canh tác cây vải thiều, cũng như về quả vải thiều. Trong quá trình đó, các địa phương không có đánh giá thường xuyên, không có phân tích chất lượng quả vải qua từng năm. Vì vậy, việc đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý khó vì thiếu dữ liệu để cung cấp cho cơ quan chức năng nước ngoài trong quá trình đăng ký, nhất là thẩm định đơn đăng ký chỉ dẫn địa lý.

Hiện quá trình này cũng chưa được cải thiện nhiều và giờ quy trình mới cộng thêm yếu tố khách quan là quá trình canh tác có nhiều sự thay đổi. Chính sự thay đổi canh tác đó có thể dẫn đến sự khác biệt giữa quy trình thực tiễn và quy trình mô tả trong đơn đăng ký chỉ dẫn địa lý. Do vậy, ngày 13/3/2024 vừa qua, chuyên gia của Bộ Nông lâm ngư nghiệp Nhật Bản sang kiểm tra, đánh giá lại vùng trồng vải thiều Lục Ngạn đối với điều kiện bảo hộ chỉ dẫn địa lý cũng đã có khuyến cáo và đánh giá vẫn còn bất cập”- ông Hồng nêu cụ thể.

Bài 3: “Tấm hộ chiếu” cho nông sản Việt ra thị trường nước ngoài
Chuyên gia của Bộ Nông lâm ngư nghiệp Nhật Bản kiểm tra, đánh giá lại vùng trồng vải thiều Lục Ngạn vào ngày 13/3/2024 (Ảnh: Thu Hường)

Lý giải về vấn đề trên, ông Hồng cho biết: Phía Nhật Bản yêu cầu khá cụ thể và chi tiết từ việc tổ chức quản lý chỉ dẫn địa lý, ghi chép về sản lượng, chất lượng cũng như các vấn đề liên quan đến tiêu thụ quả vải, quy trình canh tác của cây vải…. Tuy nhiên, chúng ta chưa đáp ứng được đầy đủ yêu cầu cụ thể. Điều đó cho thấy vấn đề không chỉ nằm ở nhận thức mà còn ở chuyên môn và việc triển khai hoạt động để đảm bảo điều kiện bảo hộ chỉ dẫn địa lý, các địa phương cần có sự đầu tư nguồn lực cho công việc và quá trình này.

Nếu như trước đây, nói đến canh tác theo VietGap hay GlobalGap còn khá hạn chế, mọi người thấy khó khăn trong ghi chép quá trình canh tác, nhưng chỉ dẫn địa lý có thể đòi hỏi việc ghi chép còn cao hơn trong thực hiện quy trình sản xuất theo quy trình VietGap hay GlobaGap. Vì vậy, sản xuất sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý cần có sự hợp tác và vào cuộc chặt chẽ hơn từ phía chính quyền địa phương, doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề và người dân. Sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý cần được tiêu thụ đúng với nghĩa sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý để giá cao hơn, dễ tiêu thụ hơn, giúp người sản xuất có động lực và thêm thu nhập; nhất là có động lực trong triển khai quy trình canh tác theo quy trình sản xuất sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý được mô tả trong đơn đăng ký chỉ dẫn địa lý.

Từ câu chuyện quả vải Lục Ngạn ở Bắc Giang cho thấy, người nông dân phải xác định lại và rõ hơn về quy trình sản xuất, quản lý cũng như tiêu thụ quả vải thiều để trên cơ sở đó ổn định và xuất khẩu tốt hơn. Đó cũng là mong đợi của Cục Sở hữu trí tuệ, nơi đồng hành cùng Bắc Giang trong kế hoạch đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý ở Nhật Bản. Hy vọng những kinh nghiệm rút ra từ quá trình bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho vải thiều Lục Ngạn sẽ trở thành bài học để đăng ký chỉ dẫn địa lý cho các loại nông sản khác của Việt Nam tại Nhật Bản và các quốc gia khác.

Bài cuối: Phát huy giá trị tài sản trí tuệ trong phát triển kinh tế

Thu Hường - Việt Anh

Theo: Báo Công Thương