Bài 3: Khắc phục khó khăn trong chuyển đổi xanh để ngành gỗ bứt tốc

(Banker.vn) Trong bối cảnh thị trường xuất khẩu đang thay đổi, việc tập trung xây dựng hình ảnh ngành gỗ Việt Nam phát triển bền vững là nhiệm vụ trọng tâm của ngành.
Bài 1: Doanh nghiệp ngành gỗ có chịu tác động của cơ chế điều chỉnh biên giới carbon? Bài 2: Thích ứng để phát triển hay chấp nhận dừng cuộc chơi?

Ông Đỗ Xuân Lập – Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam đã có cuộc trao đổi với phóng viên Báo Công Thương xung quanh vấn đề này.

Năm 2023 là một năm khó khăn đối với ngành chế biến và xuất khẩu gỗ khi lần đầu tiên không ghi nhận tăng trưởng xuất khẩu, ông có thể chia sẻ về vấn đề này?

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, năm 2023, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam ước đạt 13,423 tỷ USD, giảm 16,16% so với năm 2022.

Trong cơ cấu hàng hóa xuất khẩu của cả nước, gỗ là một trong những ngành hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Tổng cầu giảm bởi tác động của lạm phát và chính sách tiền tệ thắt chặt tại nhiều thị trường tiêu thụ gỗ lớn, khiến kim ngạch xuất khẩu ngành hàng năm 2023 khép lại với kết quả lần đầu tiên trong vòng 25 năm qua ngành gỗ không ghi nhận tăng trưởng.

Xuất khẩu gỗ
Khắc phục khó khăn trong chuyển đổi xanh để ngành gỗ bứt tốc

Mặc dù Việt Nam nằm trong Top 5 quốc gia xuất khẩu gỗ lớn nhất thế giới nhưng cũng mới chỉ xuất khẩu trung bình trên 16 tỷ USD/năm. Tiềm năng mở rộng xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong thời gian tới là rất lớn, bởi quy mô thị trường đồ gỗ, nội thất thế giới lên tới 200 tỷ USD.

Hiện doanh nghiệp ngành gỗ Việt Nam hiện xuất khẩu sang 150 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Mặc dù thị trường hiện đã có một số dấu hiệu hồi phục, tuy nhiên, năm 2024 vẫn tiềm ẩn một số khó khăn cho ngành. Bên cạnh các khó khăn về đầu ra thị trường, ngành đang đối mặt với một số vấn đề thời sự ảnh hưởng trực tiếp đến tính bền vững của ngành.

Thứ nhất, các thị trường xuất khẩu lớn ngày càng có các quy định chặt chẽ hơn về tính hợp pháp và bền vững của sản phẩm. Cụ thể, Quy định chống phá rừng của EU (EUDR) có hiệu lực từ cuối tháng 6/2023 quy định các sản phẩm nhập khẩu vào thị trường này phải đảm bảo tính hợp pháp và không gây mất rừng.

Thứ hai, yêu cầu cả ở trong nước và tại các thị trường xuất khẩu về mức phát thải carbon thấp trong các hoạt động của toàn chuỗi cung ứng nhằm đạt mục tiêu net zero ngày càng tăng. Sản phẩm có hàm lượng carbon cao sẽ trở nên đắt đỏ và sẽ mất tính cạnh tranh trên thị trường.

Thứ ba, mỗi năm Việt Nam nhập khẩu khoảng 1,5 - 2 triệu m3 gỗ tròn và gỗ xẻ có nguồn gốc từ các quốc gia nhiệt đới, là gỗ rủi ro về pháp lý, chiếm 30 - 40% tổng lượng gỗ nguyên liệu nhập khẩu của cả ngành. Điều này không chỉ tác động tiêu cực tới hình hành của toàn ngành gỗ Việt mà còn làm mất đi cơ hội trong việc sử dụng gỗ nhập khẩu rủi ro thấp và đặc biệt là nguồn gỗ rừng trồng trong nước có nguồn gốc từ hàng triệu nông hộ.

Như ông vừa chia sẻ, yêu cầu tại các thị trường xuất khẩu về mức phát thải carbon thấp cũng như xu hướng chuyển đổi xanh trong sản xuất ngày cao và khắt khe, giải pháp mà Hiệp hội đã triển khai trong thời gian tới để thích ứng với yêu cầu của là gì?

Hiện nay, việc chuyển đổi xanh của doanh nghiệp ngành gỗ là việc cấp bách vì mốc thời gian khá gần. Năm 2027, hàng hóa xuất khẩu vào EU và Hoa Kỳ phải đáp ứng các tiêu chuẩn giảm phát thải nhà kính. Thời gian tới, hai thị trường lớn là EU và Hoa Kỳ sẽ kiểm soát đánh giá hàm lượng carbon trong sản phẩm nhập khẩu. Nếu hàm lượng carbon cao hơn quy định thì bắt buộc các nhà xuất khẩu phải nộp thêm thuế hoặc tín chỉ carbon.

Bài 3: Khắc phục khó khăn trong chuyển đổi xanh để ngành gỗ bứt tốc
Ông Đỗ Xuân Lập - Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam

Doanh nghiệp ngành gỗ ở Việt Nam buộc phải chuyển đổi xanh bởi đó là yêu cầu của nhà đầu tư, khách hàng và là xu thế của thời đại. Muốn vậy, doanh nghiệp buộc phải thay đổi cách quản lý, sử dụng công cụ, vật liệu thân thiện hơn với môi trường. Việt Nam là một quốc gia xuất khẩu gỗ, nên chắc chắn được hưởng lợi từ quá trình chuyển đổi xanh.

Doanh nghiệp nào đi tiên phong trong chuyển đổi xanh sẽ có nhiều cơ hội hơn, tiếp cận sớm hơn với các nguồn vốn quốc tế. Từ đó, sẽ giúp các doanh nghiệp ngành gỗ Việt Nam duy trì và gia tăng khả năng cạnh tranh của các sản phẩm gỗ trên thị trường quốc tế.

Ngoài ra, khi chuyển đổi thành công, doanh nghiệp có cơ hội lớn để từng bước tham gia vào thị trường carbon thông qua việc cung cấp tín chỉ carbon, tạo thêm nguồn thu nhập cho doanh nghiệp, bởi nhu cầu tín chỉ carbon trên thế giới đang ngày càng lớn.

Trong thời gian qua, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản đã tổ chức 2 hội thảo hỗ trợ tư vấn chuyên sâu giảm phát thải cho một số doanh nghiệp lớn chế biến gỗ. Chúng tôi cũng đã vận động các tổ chức quốc tế về môi trường hỗ trợ một phần kinh phí để hỗ trợ tư vấn cho các doanh nghiệp chuyển đổi xanh. Hiệp hội đã tìm nguồn tài trợ cho 5 doanh nghiệp lớn đi đầu thực hiện chuyển đổi xanh, với mức hỗ trợ từ 200 - 300 triệu đồng/doanh nghiệp để chuyển đổi xanh.

Để tiếp tục hỗ trợ, tư vấn cho các doanh nghiệp về vấn đề sản xuất giảm phát thải, trong quý I/2024, Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam sẽ tổ chức các hội nghị, hội thảo tư vấn cho khoảng 6 doanh nghiệp lớn của ngành về sản xuất giảm phát thải như: sản xuất tuần hoàn; sử dụng nguồn gỗ rừng trồng có chứng chỉ; liên kết chuyển đổi số để mang lại giá trị gia tăng cao và phát thải thấp… coi đây là tiêu chuẩn quan trọng của xuất khẩu gỗ và các sản phẩm từ gỗ sang các thị trường.

Đồng thời, sẽ đẩy mạnh hoạt động Quỹ Việt Nam Xanh của ngành gỗ để đảm bảo ngành gỗ không sử dụng và kinh doanh gỗ có nguồn gốc bất hợp pháp. Đặc biệt nhất là đẩy mạnh hoạt động của Quỹ cho trồng rừng, nhất là ở những khu vực có nguy cơ hủy hoại môi trường, nhằm bảo vệ và phát triển rừng.

Đẩy mạnh truyền thông trong doanh nghiệp về sản xuất giảm phát thải, sản xuất tuần hoàn, sản xuất có sự liên kết gắn với chuyển đổi số để đưa ngành gỗ hướng đến phát triển bền vững, từ đó vừa tạo được giá trị giá tăng cao, đồng thời giảm phát thải.

Ông có kiến nghị gì lên các Bộ, ngành chức năng để có thể biến thách thức thành cơ hội trong xu hướng không thể đảo ngược chuyển đổi xanh này?

Trong giai đoạn hiện nay, để tháo gỡ khó khăn về thị trường cho các doanh nghiệp ngành gỗ, cần tổ chức đàm phán để thống nhất quy định về truy xuất nguồn gốc gỗ hợp pháp của các thị trường nhập khẩu. Đây là yêu cầu cấp thiết trong thời gian tới để thúc đẩy phát triển gỗ rừng trồng bền vững.

Để làm được việc này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần hướng dẫn cho các doanh nghiệp và sử dụng đa dạng hóa các chứng chỉ gỗ rừng trồng theo tiêu chuẩn đã được pháp luật công nhận, bao gồm chứng chỉ quốc tế và chứng chỉ của Việt Nam. Đồng thời đề nghị các thị trường nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam công nhận chứng chỉ rừng bền vững theo tiêu chuẩn của Việt Nam.

Bên cạnh đó, để thí điểm mô hình phát triển doanh nghiệp theo hướng kinh tế xanh, trong đó hướng tới cam kết net zero trong ngành gỗ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần phối hợp với các Bộ ngành đề xuất hoặc ban hành khung pháp lý quy định cụ thể về triển khai cam kết net zero. Hỗ trợ chuyên gia tư vấn cho doanh nghiệp trong việc triển khai các hoạt động sản xuất xanh trong nhà máy chế biến gỗ để giảm phát thải carbon. Từ đó, đáp ứng các yêu cầu của các thị trường xuất khẩu.

Xin cám ơn ông!

Nguyễn Hạnh

Theo: Báo Công Thương
    Bài cùng chuyên mục