Bài 3: Để tận dụng tốt nhất 'cao tốc' EVFTA

(Banker.vn) Dù EVFTA đã được doanh nghiệp tận dụng tốt, song hiện EU đang dựng lên hàng rào phi thuế quan buộc doanh nghiệp phải thích ứng.
EU siết quy định an toàn thực phẩm với nông sản, giải pháp nào tránh 'ổ gà' trên 'cao tốc' EVFTA? Bài 1: 'Cao tốc' EVFTA được tận dụng hiệu quả, hàng Việt rộn ràng vào EU Bài 2: Tăng cường hợp tác logistics, giảm nỗi lo do cước tàu biển tăng 'phi mã'

Hàng Việt đối diện với rào cản

Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương về những rào cản tại thị trường EU hiện nay, ông Trịnh Xuân Dương - Giám đốc Công ty TNHH Kẻ Gỗ cho biết, là doanh nghiệp sản xuất dao muỗng nĩa gỗ dùng 1 lần, xuất khẩu EU, tới đây, doanh nghiệp sẽ phải đáp ứng Quy định mới về phá rừng của EU (EUDR).

Để đáp ứng yêu cầu thị trường, doanh nghiệp đã xúc tiến, làm chứng nhận rừng tại Bắc Kạn nhằm chứng minh nguồn gốc và truy xuất nguồn gốc rõ ràng. Thị trường EU rất lớn, họ có những yêu cầu rất nghiêm ngặt về chứng nhận các nhà máy thì mới xuất khẩu được vào EU.

“Việc ký kết Hiệp định EVFTA giúp mở cửa thị trường, tuy nhiên, việc mở cửa này cũng kèm theo các điều kiện đòi hỏi các doanh nghiệp phải đáp ứng liên quan đến chứng nhận. Doanh nghiệp muốn tham gia thì phải đáp ứng được quy định của thị trường, khi đó mới có thể gia nhập được. Khi tham gia vào thị trường lớn, doanh nghiệp không đáp ứng được tiêu chuẩn của thị trường thì sẽ rất khó”, ông Trịnh Xuân Dương chia sẻ.

Đồng thời cho biết, Công ty TNHH Kẻ Gỗ đang cùng với địa phương làm chứng nhận rừng FSC-FM (Forest Management Certificate) - đây là chứng nhận cho một khu rừng đạt tiêu chuẩn FSC tại chợ Đồn (Bắc Kạn). Hay nói cách khác, doanh nghiệp đang “đánh số nhà” một cách chuẩn xác để khi sử dụng nguyên liệu, chúng ta biết chính xác nó ở đâu, của người nào, vị trí nào? Đây là cách để các sản phẩm của Kẻ Gỗ có thể xuất khẩu được nhiều hơn và có chỗ đứng vững chắc hơn tại thị trường EU.

Bài 3: Để tận dụng tốt nhất 'cao tốc' EVFTA
Doanh nghiệp ngành gỗ nỗ lực thích ứng yêu cầu thị trường (Ảnh: TTXVN)

Đối với hàng nông sản, Liên minh châu Âu (EU) đang lấy ý kiến Thành viên WTO đối với các thông báo dự thảo biện pháp SPS. Theo đó, tùy từng sản phẩm, EU đề xuất mức tăng, giảm mức dư lượng tối đa (MRL) của một số hoạt chất. Đáng chú ý, trong đó EU đã đề xuất thay đổi mức MRL của một số hoạt chất trong nhiều sản phẩm nông sản xuất khẩu của Việt Nam như: bơ, chuối, xoài, đu đủ, sầu riêng, đậu bắp, trà, cà phê, hạt tiêu, gạo, điều, mắc ca… Việc thay đổi mức MRL đối với một số loại nông sản sẽ khiến xuất khẩu hàng hoá từ Việt Nam sang EU ít nhiều chịu ảnh hưởng.

Đáng chú ý, theo các cơ quan chức năng, nếu như chỉ một lần vi phạm, hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam sẽ phải chịu sự kiểm tra vô cùng nghiêm ngặt của thị trường. Có những trường hợp, chỉ một lô hàng ớt xuất khẩu vào EU với sản lượng 38 kg nhưng bị phát hiện không đạt yêu cầu nhưng góp phần khiến toàn bộ mặt hàng ớt của Việt Nam bị EU áp dụng biện pháp kiểm tra biên giới tới 50%.

Hay chỉ 7 lô hàng thanh long, tương đương 400 - 1.800 kg thanh long bị phát hiện không đạt yêu cầu thì sản phẩm này cũng bị áp dụng giám sát tại biên giới tăng từ 20% lên 30%. Ngoài ra, đậu bắp cũng bị áp dụng biện pháp kiểm soát biên giới 50% có kèm theo chứng thư, sầu riêng 10%...

Ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam nhìn nhận, các hàng rào kỹ thuật của nước nhập khẩu nếu không được nắm bắt và tuân thủ đầy đủ sẽ biến thành “ổ gà”, đối với doanh nghiệp trên con đường xuất khẩu, thậm chí có thể xóa sổ những nỗ lực trong công tác mở cửa thị trường vốn rất gian nan, vất vả. Do đó, việc am hiểu và tuân thủ quy định của từng thị trường là cách duy nhất để hàng hóa có thể xuất khẩu thuận lợi.

Ông Lương Hoàng Thái – Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên – Bộ Công Thương chia sẻ, ở EU nói riêng cũng như một số nước phát triển nói chung hiện nay đang có xu hướng chuyển đổi rất mạnh với những quy định mang tính chất ngày càng ngặt nghèo liên quan đến chống biến đổi khí hậu, đến chuyển đổi xanh, chống chặt phá rừng và những quy định tương tự.

EU là nơi đi đầu trong thực thi những quy định này. Ví dụ như họ đã bắt đầu thực hiện những quy định về thuế điều chỉnh các bon tại biên giới, hay là có những quy định ngặt nghèo đối với những sản phẩm xuất khẩu sang EU nếu như trong quá khứ những sản phẩm đó được trồng trên đất mà bị chặt rừng thì người ta cũng quản lý rất chặt đối tượng này. Hay là những quy định về xuất khẩu thủy sản, người ta cũng có những quy định về chống đánh bắt bất hợp pháp và không khai báo…

Đối với thị trường Bắc Âu, bà Nguyễn Thị Hoàng Thuý – Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Thuỵ Điển, kiêm nhiệm khu vực Bắc Âu thông tin, Uỷ ban Hợp tác về phát triển bền vững khu vực Bắc Âu đã tổ chức họp trong tháng 2 năm 2024 tại Stockholm, Thuỵ Điển và nhất trí đưa ra một nguyên tắc/tiêu chuẩn chung quy định trách nhiệm của nhà sản xuất đối với hàng dệt may.

Mục tiêu chính của việc đưa ra các quy định là nhằm giảm khối lượng lớn quần áo và hàng dệt may được tiêu thụ ở khu vực Bắc Âu. Ngành thời trang và dệt may là một trong những ngành gây ô nhiễm nhất thế giới. Ngành này chiếm từ 8-10% lượng phát thải khí nhà kính toàn cầu và những người sống tại Bắc Âu tiêu thụ hàng dệt may nhiều hơn mức trung bình của thế giới.

Bài 3: Để tận dụng tốt nhất 'cao tốc' EVFTA
Hàng dệt may đối diện yêu cầu cao từ thị trường (Ảnh: Cấn Dũng)

“Thông qua đề xuất này, Uỷ ban đang hướng tới việc thiết lập các điều kiện tốt hơn cho chất lượng dệt may bền vững như len và da được sản xuất ở khu vực Bắc Âu, đồng thời giảm việc sử dụng các loại sợi làm từ nhựa nhẹ như ni-lông, polyester và acrylic. Sự tăng trưởng nhanh chóng của ngành dệt may chủ yếu dựa vào sợi tổng hợp, loại sợi này chiếm chưa đến 20% sản lượng sợi toàn cầu cách đây 20 năm nhưng hiện nay chiếm 62%” – bà Nguyễn Thị Hoàng Thuý thông tin.

Bên cạnh đó, các nước Bắc Âu cũng mong muốn thúc đẩy ngành dệt may theo hướng bền vững hơn, mang lại sự cạnh tranh công bằng, giải quyết các vấn đề liên quan đến chất thải dệt may được xuất khẩu sang các nước có thu nhập thấp ngoài EU để chôn lấp.

Qua các chính sách mở rộng của các nước Bắc Âu, có thể thấy, các nước này luôn đi đầu trong vấn đề biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường. Tất cả các nước Bắc Âu đều nêu cao quan điểm phải có trách nhiệm hơn nữa để giảm tác động của biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường.

Doanh nghiệp nâng cao năng lực nhằm đáp ứng yêu cầu thị trường

Xác định chuẩn bị sẵn sàng nguồn lực để xuất khẩu sang EU không bị gián đoạn, các doanh nghiệp đã nỗ lực nâng cao năng lực nhằm đáp ứng yêu cầu thị trường. Ông Phạm Ánh Dương – Giám đốc Công ty Gỗ Vinamdf cho biết, trước đây, doanh nghiệp chưa nghĩ đến thị trường EU song sau khi có nguồn cung gỗ có chứng chỉ FSC (chứng chỉ rừng bền vững) khá ổn định, năm nay, doanh nghiệp mới đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường EU.

“Thị trường EU, xét về thị hiếu, họ không quá khó nhưng xét về nguồn gốc thì họ lại rất kỹ lưỡng, do đó, câu chuyện không phải thị trường như thế nào mà phải xuất phát từ chính các doanh nghiệp. Nguồn gốc gỗ có chứng chỉ hợp pháp đang là yếu tố quan trọng nhất khi chúng ta bán hàng cho các đối tác quốc tế, trong đó, có khách hàng EU, Mỹ, Nhật Bản. Gỗ khi khai thác phải hợp pháp, được xác nhận bởi cơ quan chức năng, trồng rừng phải có quy hoạch để đảm bảo có mưu sinh. Có được điều này, Vinamdf đang tự tin tiến vào EU” – ông Phạm Ánh Dương chia sẻ.

Đối với ngành cà phê, nhằm đóng góp tích cực vào sản xuất cà phê giảm phát thải khí nhà kính và tuân thủ EUDR, tháng 11/2023, tại TP Pleiku (Gia Lai), Công ty TNHH Vĩnh Hiệp và Công ty JDE (Jacobs Douwe Egberts) đã khởi động dự án “Nâng cao năng lực, cơ hội tiếp cận nguồn lực hỗ trợ sản xuất cà phê cho cộng đồng người dân tộc bản địa; thúc đẩy sản xuất cà phê giảm phát thải khí nhà kính và tuân thủ EUDR trên địa bàn tỉnh Gia Lai và Kon Tum” (Dự án).

Dự án có kinh phí 581.888 EUR (tương đương 16 tỷ đồng) được thực hiện trong thời gian 5 năm, tại các huyện: Đak Đoa, Mang Yang, Chư Sê, Chư Prông, Đức Cơ, Chư Păh thuộc tỉnh Gia Lai và các huyện Đak Hà, Ngọc Hồi thuộc tỉnh Kon Tum.

Dự án hướng dẫn hỗ trợ cho khoảng 10.000 nông hộ sản xuất cà phê, nâng cao khả năng tiếp cận kỹ thuật sản xuất cà phê bền vững theo hướng nông nghiệp tái sinh; thúc đẩy liên kết sản xuất và chuyển giao mô hình kỹ thuật tốt vào sản xuất; nâng cao nhận thức về quản lý tài chính nông hộ, tự chủ tài chính và bình đẳng giới, quyền của người lao động trong các nhóm liên kết sản xuất. Đồng thời, thực hiện giảm phát thải khí nhà kính trong sản xuất - kinh doanh cà phê và thiết lập cơ sở dữ liệu phục vụ cho đáp ứng quy định của châu Âu về sản xuất không phá rừng EUDR.

Bài 3: Để tận dụng tốt nhất 'cao tốc' EVFTA
Phúc Sinh Group đầu tư công nghệ nâng cao chất lượng cà phê xuất khẩu (Ảnh: Phúc Sinh Group)

Ông Phan Minh Thông - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Phúc Sinh Group chia sẻ thêm, EU là thị trường lớn nhất của Phúc Sinh, chiếm từ 45% đến 55% tổng doanh thu của doanh nghiệp. Nhằm tận dụng những ưu đãi từ EVFTA, Phúc Sinh đã đầu tư khá nhiều về chế biến sâu. Hiện tại, Phúc Sinh đang đầu tư một dây chuyền chế biến sâu gia vị hạt tiêu để có thể làm các sản phẩm trước đây bị đánh thuế bây giờ bằng 0 khi nhập vào châu Âu. Đó là các sản phẩm nghiền, các sản phẩm rang xay cũng như hòa tan để xuất khẩu vào châu Âu. Tỉ lệ hàng thành phẩm, hàng chế biến sâu của Phúc Sinh sang thị trường châu Âu đã tăng từ 8% lên 22% trong vòng 3 năm qua.

Đánh giá về những động thái này của doanh nghiệp, ông Lương Hoàng Thái cho biết, doanh nghiệp Việt Nam đã rất nỗ lực trong việc đầu tư công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm, hàng hoá. Một số doanh nghiệp đã bắt đầu tham gia vào quá trình chuyển đổi số ở EU, và cũng đã có giá trị xuất khẩu tương đối lớn ở quá trình chuyển đổi số này của EU, thậm chí là mua lại một số doanh nghiệp của EU hay là đầu tư sang EU để tham gia vào thị trường. Đây là những dấu hiệu tích cực. Tuy nhiên, tỷ lệ này vẫn chưa phải là lớn, và cần phấn đấu hơn nữa cả về phía các cơ quan quản lý nhà nước cũng như từ phía doanh nghiệp để doanh nghiệp có thể tham gia vào những cấp độ cao hơn của chuỗi cung ứng.

Bộ Công Thương tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp

Chia sẻ về xu hướng thị trường EU thời gian tới, ông Trần Ngọc Quân – Tham tán Thương mại, Thương vụ Việt Nam tại EU và Bỉ cho biết, hiện một số ngành hàng của Việt Nam bị mở rộng điều tra hoặc áp thuế từ các vụ thuế EU áp dụng với Trung Quốc. Điều này ảnh hưởng lợi ích trực tiếp từ EVFTA. Do vậy, cần đảm bảo ở hai khía cạnh, không có hàng từ nước thứ 3 trá hình vào Việt Nam hưởng lợi từ EVFTA hoặc vào Việt Nam tránh thuế tự vệ, phá giá rồi xuất đi EU. Để làm được điều này, thường xuyên kiểm tra luồng thương mại giữa Việt Nam – EU, hoặc với một nước thứ ba.

Các Thương vụ đang nỗ lực đẩy mạnh các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp. Trong đó, thời gian vừa qua, Thương vụ Việt Nam tại Bỉ và EU đã làm việc rất tốt với đơn vị Thực thi thương mại của EU trong vụ mở rộng điều tra thép cán nguội, EU rất hợp tác, đồng ý gặp Thương vụ sau khi hết hạn hợp tác và ghi nhận rất nhiều ý kiến của Thương vụ – ông Trần Ngọc Quân ví dụ.

Bà Đinh Thị Hoàng Yến – Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Áo, kiêm nhiệm Slovenia cho biết, Thương vụ tiếp tục tạo điều kiện và mở rộng quan hệ thương mại giữa hai nước thông qua việc cung cấp thông tin thị trường cho các doanh nghiệp Việt Nam và các cơ hội tiềm năng tại Áo, hỗ trợ thành lập các đoàn thương mại và các sự kiện giao lưu có thể giúp các công ty hai nước thiết lập và củng cố mối quan hệ.

Ngoài ra, Thương vụ phối hợp với các cơ quan chức năng đẩy mạnh logistics thông qua cảng Koper, tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực là thế mạnh của hai bên, đặc biệt là những ngành công nghiệp có tính chất nền tảng (cơ khí, chế biến, chế tạo), các lĩnh vực hợp tác mới như chuyển đổi năng lượng, ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Bài 3: Để tận dụng tốt nhất 'cao tốc' EVFTA
Thương vụ Việt Nam tại Thuỵ Điển hỗ trợ đưa gạo Việt Nam vào thị trường thông qua chuỗi bán lẻ của Á Châu Food (Ảnh: Thương vụ Việt Nam tại Thuỵ Điển)

Bà Nguyễn Thị Hoàng Thuý – Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Thuỵ Điển, kiêm nhiệm khu vực Bắc Âu chia sẻ thêm, Thương vụ đang vận động một số doanh nghiệp vận tải hai nước (như Vietnam Airlines, Cảng Gothenburg…) nghiên cứu mở các đường bay, đường vận tải biển kết nối trực tiếp giữa hai nước; tổ chức các cuộc hội thảo chuyên đề về thương mại - đầu tư và kết nối thông tin doanh nghiệp; thăm và làm việc với các doanh nghiệp xuất nhập khẩu của Thụy Điển do người gốc Việt làm chủ; hỗ trợ tích cực cho các đoàn doanh nghiệp, địa phương hai nước trong việc tổ chức các chuyến đi sang nhau để tìm hiểu môi trường đầu tư, kinh doanh và ký kết các thỏa thuận hợp tác...

Hiện tại, Hiệp định EVFTA đã bước vào năm thứ 5. Theo thông tin của EU, 99% dòng thuế được tự do hóa. Hiệp định EVFTA được đánh giá là một trong những hỗ trợ tốt cho thương mại Việt Nam – EU. Rất nhiều nước ASEAN đang nỗ lực có được một hiệp định như Việt Nam. Do vậy, việc bảo vệ quyền lợi từ EVFTA là hết sức cần thiết. Việc bảo vệ này bắt nguồn từ việc đảm bảo hàng hóa Việt Nam được sản xuất và xuất khẩu một cách bài bản, tuân thủ tốt các quy định của EU nhất là về chất lượng, an toàn sản phẩm.

Phương Lan - Nguyễn Hạnh

Theo: Báo Công Thương
    Bài cùng chuyên mục