Bài 3: Cách nhận diện đúng sâm Ngọc Linh trên thị trường

(Banker.vn) Việc nhận diện đúng sâm Ngọc Linh trên thị trường sẽ giúp người tiêu dùng phòng, tránh mua phải hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Sâm Ngọc Linh trước biến loạn giá trị, thật ảo lẫn lộn - Bài 1: Sâm Ngọc Linh: “Vàng thau lẫn lộn” Bài 2: Ngăn chặn sâm Ngọc Linh giả bằng cách nào?

Phân biệt thật - giả sâm Ngọc Linh

Ông Vũ Tuấn, chủ vườn sâm ở núi Ngọc Linh - người có kinh nghiệm lâu năm trong lĩnh vực trồng và buôn bán loại sâm quý này cho biết, hiện không ít gian thương đã sử dụng những củ có đặc điểm bên ngoài gần giống giả làm sâm Ngọc Linh được phát hiện như: Loại thứ nhất là sâm Lâm Đồng. Hình dáng tương đối giống với sâm Ngọc Linh nhưng không có các hoạt chất giống như sâm Ngọc Linh. Thường phân bố ở khu vực xã Rô Men, Đạ Tông, Đạ Long Vườn Quốc gia Bidoup – Núi Bà, thuộc địa phận huyện Lạc Dương.

Loại thứ hai là sâm Lai Châu. Đây là loài sâm đặc hữu, phân bố hẹp trên dãy núi Pu Si Lung và giáp ranh huyện Mường Tè (Pa Vệ Sử, Ka Lăng, Thu Lũm, Tá Bạ) giáp biên với Trung Quốc. Ở tỉnh Vân Nam Trung Quốc cũng trồng rất nhiều cây này. Thương lái thường mua sâm được trồng bên Trung Quốc về giả làm sâm Ngọc Linh. Sâm Lai Châu cũng có vị đắng sau đó hậu ngọt tuy nhiên không đắng và thơm bằng sâm Ngọc Linh. Người chưa dùng sâm sẽ rất khó phân biệt được.

Loại thứ ba là Sâm Vũ Diệp với nhiều tên gọi khác như tam thất lá xẻ, hoàng liên thất, tam thất thùy xẻ lông chim hai lần, vũ diệp tam thất, sâm hai lần chẻ.

Cây thường phân bố nhiều ở Bắc Việt Nam (nhiều ở Lào Cai) và Nam Trung Quốc. Khi thái lát bạn sẽ thấy tiết nhựa ở vết cắt, lõi màu trắng. Khi ngửi có mùi hăng, nếm vị rất đắng không có hậu ngọt và rất ngái. Nhai thấy có sơ, xốp và ngứa ở họng.

Tiếp đến là Tam thất hoang. Loại này khi cắt lát bạn sẽ thấy tiết nhựa ở vết cắt. Ngửi có mùi hăng; nếm vị rất đắng không có hậu ngọt và rất ngái. Nhai thấy có sơ, xốp và ngứa ở họng.

Bài 3: Nhận diện đúng sâm Ngọc Linh trên thị trường
Phân biệt một số loại sâm có ngoại hình giống sâm Ngọc Linh. Ảnh: NVCC

“Ngoài ra, người tiêu dùng cũng có thể phân biệt sâm Ngọc Linh thật giả qua giá cả. Nếu thấy người bán báo giá rẻ bất ngờ thì hãy nghi ngờ và xác minh lại trước khi mua để tránh tiền mất tật mang. Còn sâm Ngọc Linh rừng thì khá là hiếm nên giá sẽ cao gấp hai đến ba lần sâm trồng loại cùng trọng lượng”, ông Tuấn chia sẻ.

Để giúp người tiêu dùng, khách tham quan trang bị những kiến thức trong việc nhận diện đúng sản phẩm sâm Ngọc Linh trồng tại Kon Tum và một số loại sâm khác. Đồng thời, giúp nâng cao nhận thức của người tiêu dùng trong việc chọn mua sâm Ngọc Linh và các sản phẩm từ sâm Ngọc Linh có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, tháng 4 vừa qua, Tổng cục Quản lý thị trường đã tổ chức mở cửa Phòng Trưng bày chuyên đề “Nhận diện đúng sâm Ngọc Linh trên thị trường".

Theo Tổng cục Quản lý thị trường Trần Hữu Linh, phòng trưng bày cũng hướng tới mục tiêu giới thiệu các địa chỉ uy tín, chính hãng trong việc kinh doanh, phân phối các sản phẩm từ sâm Ngọc Linh qua đó góp phần phòng, tránh mua phải hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ. Đồng thời, tạo mối liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp, người tiêu dùng với cơ quan quản lý nhà nước trong ngăn chặn, phát hiện, xử lý các sản phẩm hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ trên thị trường.

Bài 3: Cách nhận diện đúng sâm Ngọc Linh trên thị trường
Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường Trần Hữu Linh giới thiệu các đặc điểm nhận diện sâm Ngọc Linh Kon Tum và sâm trồng tại các tỉnh, thành phố khác

Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông Võ Trung Mạnh cho hay, nếu để củ sâm Ngọc Linh đơn lẻ thì người tiêu dùng, khách tham quan rất khó để phân biệt và nhận diện với củ sâm đến từ các tỉnh, thành phố khác. Nhưng nếu đặt chung các sản phẩm lên cùng một bề mặt, thì có rất nhiều đặc điểm để nhận diện và phân biệt.

“Bề mặt vỏ củ sâm Ngọc Linh xù xì, xấu xí, thô ráp do sinh trưởng trong điều kiện sinh trưởng hoàn toàn tự nhiên. Trong khi đó, sâm trồng tại các tỉnh thành khác lớp vỏ ngoài có độ bóng mượt, ít sần sùi. Lưu ý thứ hai để chọn sâm Ngọc Linh là nhìn vào cấu trúc mắt. Đốt mắt sâm Ngọc Linh có nhiều rễ bám, có u cục ở gốc, khoảng cách các mắt không đều, nằm so le (hình đốt trúc). Mỗi năm phát triển một đốt. Còn sâm ở các tỉnh thành khác có thể phát triển nhiều đốt trong một năm, các đốt không so le, khoảng cách mắt đều”, ông Mạnh phân tích.

Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng

Trong thời gian tới, để góp phần bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cũng như bảo tồn, phát triển vùng trồng sâm Ngọc Linh tỉnh Kon Tum, ông Trần Kiều Hưng - Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh Kon Tum đề xuất, việc bảo vệ thương hiệu sâm Ngọc Linh theo đúng vùng chỉ dẫn địa lý thì cần phải có nhiều giải pháp và trách nhiệm từ nhiều cơ quan, đơn vị cùng tham gia. UBND huyện cần tăng cường quản lý nguồn gốc giống trồng mới; quản lý vùng trồng, đối tượng trồng theo hướng chặt chẽ hơn đến từng hộ dân, tiểu khu để tránh sự xâm nhập của cây sâm khác vào huyện; phối hợp kiểm tra và cấp tem truy xuất nguồn gốc đối với sâm củ; đề nghị các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình xây dựng vườn sâm phải có hồ sơ vườn sâm cá nhân để thuận tiện cho việc kiểm tra định kỳ.

Cục Quản lý thị trường tỉnh Kon Tum sẽ chỉ đạo các đội Quản lý thị trường tăng cường lực lượng, kiểm tra, giám sát thị trường, chú trọng vào các mặt hàng trọng điểm, trong đó có sản phẩm sâm Ngọc Linh củ, cây tươi và các sản phẩm chiết xuất khác từ sâm Ngọc Linh. Lực lượng Quản lý thị trường tỉnh Kon Tum sẽ thường xuyên kiểm tra xử lý các hành vi vi phạm sở hữu trí tuệ đối với việc sử dụng chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu, buôn bán sâm Ngọc Linh không rõ nguồn gốc xuất xứ, sâm Ngọc Linh không đảm bảo chất lượng và xử lý hình sự.

Bài 3: Cách nhận diện đúng sâm Ngọc Linh trên thị trường
Nhận diện đúng sâm Ngọc Linh trên thị trường sẽ giúp người tiêu dùng tránh mua phải hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ

Về phía Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Kon Tum, thời gian tới, đơn vị sẽ thông tin đến các tổ chức, cá nhân biết về việc Trung tâm Nghiên cứu, Ứng dụng và Dịch vụ khoa học và công nghệ đã được đầu tư hệ thống máy móc và làm chủ quy trình phân tích xác định, phân biệt sâm Ngọc Linh thật hay giả; chỉ đạo Trung tâm phối hợp với các đơn vị, tổ chức được giao quản lý sâm Ngọc Linh cũng như các đơn vị, tổ chức trồng tiến hành phân tích kiểm định nhằm phát hiện sâm thật, sâm giả.

Ngoài ra, tiếp tục phối hợp với Viện Di truyền Nông nghiệp, Trường Đại học Khoa học tự nhiên hoàn thiện 2 quy trình công nghệ: Quy trình kỹ thuật kiểm định, tích xác định, phân biệt sâm Ngọc Linh và Quy trình kỹ thuật phân tích saponin tổng, phân tích định tính, định lượng một số hoạt chất saponin đặc trưng có trong sâm Ngọc Linh.

Bên cạnh đó, phối hợp chặt chẽ với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các đơn vị liên quan, các huyện trên địa bàn tăng cường kiểm tra về giống và chất lượng cây sâm, đồng thời lấy mẫu tại vườn trồng sâm của các tổ chức, cá nhân để phân tích, kiểm tra sâm thật, sâm giả.

Với tỉnh Quảng Nam, ông Lương Viết Tịnh – Phó Cục trưởng phụ trách Cục Quản lý thị trường tỉnh cho biết, tại phiên chợ sâm Ngọc Linh được tổ chức hằng tháng ở huyện Nam Trà My, lực lượng quản lý thị trường sẽ giám sát đảm bảo các sản phẩm từ sâm Ngọc Linh bày bán trong phiên chợ có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, niêm yết cụ thể giá cả, có bản kê lâm sản giữa chủ vườn và người kinh doanh tại phiên chợ, có xác nhận của UBND xã quản lý.

Bài 3: Cách nhận diện đúng sâm Ngọc Linh trên thị trường
Lực lượng quản lý thị trường Quảng Nam túc trực tại phiên chợ sâm để giám sát đảm bảo các sản phẩm từ sâm Ngọc Linh bày bán trong phiên chợ

Ngoài ra, đơn vị chỉ đạo các đội quản lý thị trường tập trung quản lý địa bàn, tăng cường giám sát doanh nghiệp, đơn vị có kinh doanh mặt hàng sâm Ngọc Linh và sản phẩm chế biến từ sâm Ngọc Linh. Đồng thời tổ chức cho các đơn vị kinh doanh mặt hàng này ký cam kết không buôn bán sâm Ngọc Linh không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

“Qua công tác kiểm tra, giám sát, đến nay các cơ quan chức năng chưa phát hiện trường hợp sản phẩm giả sâm Ngọc Linh xuất hiện trên địa bàn tỉnh”, ông Tịnh cho hay.

Bài 3: Cách nhận diện đúng sâm Ngọc Linh trên thị trường
Ông Hồ Quang Bửu
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam

Để Chương trình phát triển Sâm Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045 đi vào thực tiễn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Hồ Quang Bửu cho rằng, cần phải hành động, triển khai nhanh. “Đầu tiên chúng ta phải tuyên truyền cây sâm Việt Nam là một loại rất quý. Thứ hai, cần phải có nguồn lực cụ thể (từ trung ương, đia phương và ngoài xã hội) để đầu tư, phát triển sâm Ngọc Linh thành sản phẩm quốc gia. Thứ ba, từ các nguồn lực chúng ta cần phải nghiên cứu khoa học, di thực, làm ra nhiều sản phẩm đồng thời quảng bá sản phẩm trong và ngoài nước. Phải tạo cơ chế, khơi thông nguồn lực xã hội để đầu tư phát triển. Đặc biệt, cần phải có hành lang pháp lý để hỗ trợ cho việc phát triển và phải có kế hoạch rõ ràng để thực hiện”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam nhấn mạnh.

Hạ Vĩ

Theo: Báo Công Thương