Bài 2: Xây dựng, phát triển thương hiệu quốc gia: Kiến tạo giá trị, sức mạnh mới cho đất nước

(Banker.vn) Xây dựng thương hiệu quốc gia được Thủ tướng Chính phủ nêu rõ là một nhiệm vụ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, vừa có tính cấp bách, vừa mang tính chiến lược.
Việt Nam là điểm sáng về xây dựng, phát triển thương hiệu quốc gia Bài 1: Giá trị thương hiệu quốc gia tăng vượt bậc - “Trái ngọt” hội nhập, sự năng động của doanh nghiệp

Động lực nâng cao sức cạnh tranh cho doanh nghiệp

Tại lễ công bố sản phẩm đạt thương hiệu quốc gia Việt Nam năm 2022, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nêu rõ: Xây dựng thương hiệu quốc gia là một nhiệm vụ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, vừa có tính cấp bách, vừa mang tính chiến lược, có phạm vi rộng, nhiều việc phải làm với tác động, ảnh hưởng lớn. Do đó, đòi hỏi sự vào cuộc và nỗ lực của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, các địa phương, nhân dân, đặc biệt là cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân.

Bài 2: Xây dựng, phát triển thương hiệu quốc gia, kiến tạo giá trị, sức mạnh mới cho đất nước
Sự cố gắng của mỗi doanh nghiệp đạt Thương hiệu Quốc gia sẽ là những hạt nhân góp phần xây dựng đất nước Việt Nam hùng cường và thịnh vượng. Ảnh: VGP

Theo đó, tại Quyết định số 1320/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam từ năm 2020 đến năm 2030, Chính phủ đặt mục tiêu, Việt Nam phấn đấu đến năm 2030 sẽ có trên 1.000 sản phẩm đạt thương hiệu quốc gia Việt Nam, góp phần khẳng định Việt Nam là quốc gia có hàng hóa và dịch vụ chất lượng, có năng lực cạnh tranh cao trên thị trường quốc tế.

Đặc biệt, sự cố gắng của mỗi doanh nghiệp đạt thương hiệu quốc gia được Chính phủ kỳ vọng sẽ là những hạt nhân góp phần xây dựng đất nước Việt Nam hùng cường và thịnh vượng.

Với vai trò là cơ quan đầu mối thực hiện Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam, Bộ Công Thương đã và đang tích cực phối hợp với các Bộ, ban, ngành, địa phương, các tổ chức chính trị xã hội, hiệp hội ngành hàng và các đối tác quốc tế triển khai có hiệu quả 3 nội dung cơ bản của chương trình, gồm: Nâng cao nhận thức của xã hội về vai trò của thương hiệu trong hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh; nâng cao năng lực xây dựng, phát triển và quản trị thương hiệu cho doanh nghiệp; tuyên truyền, quảng bá cho chương trình gắn với quảng bá sản phẩm đạt thương hiệu quốc gia Việt Nam.

Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 253/2003/QĐ-TTg ngày 25 tháng 11 năm 2003, giao Bộ Công Thương là cơ quan thường trực, chịu trách nhiệm phối hợp với các Bộ, ngành triển khai thực hiện. Đây là chương trình xúc tiến thương mại đặc thù, dài hạn và duy nhất của Chính phủ nhằm xây dựng, phát triển thương hiệu quốc gia thông qua việc hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng, phát triển các thương hiệu mạnh trong nền kinh tế để quảng bá hình ảnh đất nước Việt Nam là quốc gia có hàng hoá, dịch vụ chất lượng, tạo dựng uy tín và nâng cao sức cạnh tranh cho các doanh nghiệp Việt Nam trên thị trường trong nước và quốc tế. Sau 20 năm thực hiện, Chương trình Thương hiệu Quốc gia Việt Nam đã có được những kết quả đáng khích lệ, nâng số doanh nghiệp đạt, được công nhận thương hiệu quốc gia Việt Nam từ 30 doanh nghiệp vào năm 2008 lên 172 doanh nghiệp vào năm 2022.

Mới đây, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã ký Quyết định số 237/QĐ/BCT về việc phê duyệt các Đề án thực hiện Chương trình Thương hiệu Quốc gia Việt Nam năm 2024. Quyết định số 237/QĐ/BCT về việc phê duyệt các đề án thực hiện Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam năm 2024 bao gồm một số đề án với các nội dung chính như: Nâng cao năng lực xây dựng, phát triển, quản trị thương hiệu cho doanh nghiệp; quảng bá Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam gắn với quảng bá thương hiệu, sản phẩm đạt thương hiệu quốc gia Việt Nam.

Để thực hiện hiệu quả Chương trình Thương hiệu Quốc gia năm 2024, Bộ Công Thương đã giao Cục Xúc tiến thương mại chủ trì, làm đầu mối tổ chức, quản lý sử dụng kinh phí, thực hiện nhiệm vụ, bảo đảm tiến độ, hiệu quả theo đúng định mức, chế độ quy định hiện hành. Đồng thời, kiểm tra, giám sát tiến độ, tình hình thực hiện kế hoạch và định kỳ báo cáo lãnh đạo Bộ.

Bài 2: Xây dựng, phát triển thương hiệu quốc gia, kiến tạo giá trị, sức mạnh mới cho đất nước
Bộ Công Thương tiếp tục tập trung các hoạt động tuyên truyền, quảng bá Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam và các sản phẩm đạt thương hiệu quốc gia. Ảnh: Moit

Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại – ông Vũ Bá Phú cho biết, với vai trò là cơ quan quản lý Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam, Bộ Công Thương đã và đang tiếp tục thực hiện các hoạt động tuyên truyền, quảng bá cho Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam và khuyến khích các doanh nghiệp tham gia xét chọn sản phẩm đạt thương hiệu quốc gia, cùng chia sẻ và theo đuổi các giá trị cốt lõi của chương trình.

Cụ thể đó là: Chất lượng - Đổi mới, Sáng tạo - Năng lực tiên phong. Từ đó hướng tới mục tiêu xây dựng hình ảnh Việt Nam là một quốc gia có uy tín về hàng hóa và dịch vụ với chất lượng cao, tăng niềm tự hào và sức hấp dẫn của đất nước và con người Việt Nam, góp phần thúc đẩy phát triển ngoại thương và nâng cao năng lực cạnh tranh của thương hiệu quốc gia Việt Nam trên trường quốc tế.

Căn cứ vào mục tiêu chung và các mục tiêu cụ thể mà Thủ tướng Chính phủ đã giao trong Quyết định số 1320/QĐ-TTg ngày 8/10/2020 phê duyệt Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam giai đoạn 2020 đến năm 2030, định hướng trong thời gian tới Bộ Công Thương sẽ phối hợp với các bộ, ngành: Thực hiện tốt kỳ xét chọn lần thứ 9 các sản phẩm đạt thương hiệu quốc gia năm 2024 và sẽ tổ chức Lễ công bố trong quý IV/2024; tiếp tục nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và xã hội về vai trò, ý nghĩa và sự cần thiết của việc xây dựng và phát triển thương hiệu trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là cấp lãnh đạo doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, tăng cường các hoạt động nâng cao năng lực xây dựng, phát triển và quản trị thương hiệu cho các doanh nghiệp, đặc biệt là đáp ứng hệ thống tiêu chí của thương hiệu quốc gia Việt Nam; tập trung các hoạt động tuyên truyền, quảng bá Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam và các sản phẩm đạt thương hiệu quốc gia, đặc biệt là ở thị trường ngoài nước và đối với các sản phẩm xuất khẩu tiềm năng.

Đồng thời, phát động, kêu gọi sự tham gia đồng hành của các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp có sản phẩm đạt thương hiệu quốc gia Việt Nam trong việc cùng chung tay phát triển Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam đúng với ý nghĩa, tầm vóc là chương trình của Chính phủ, vì một Việt Nam hùng cường với những thương hiệu sản phẩm, thương hiệu doanh nghiệp có giá trị.

Bài 2: Xây dựng, phát triển thương hiệu quốc gia: Kiến tạo giá trị, sức mạnh mới cho đất nước
Xây dựng “Thương hiệu quốc gia Việt Nam xanh” đã và đang được triển khai đồng bộ, nhất quán ở các cấp, ngành và doanh nghiệp. Ảnh: Công ty TNHH Vĩnh Hiệp

Thúc đẩy xây dựng thương hiệu quốc gia xanh

Trước tình trạng biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường ngày càng gia tăng do hoạt động sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng, thế giới hiện đang chuyển hướng sang tiêu dùng xanh, phát triển xanh, thực hiện kinh tế tuần hoàn.

Vì vậy, hiện thực hóa trong các cam kết quốc tế, Việt Nam quyết tâm xây dựng “Thương hiệu quốc gia Việt Nam xanh” được thể hiện thông qua các cam kết về phát triển xanh, phát triển bền vững trong các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, như: Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-Liên minh châu Âu (EVFTA)…

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã nêu rõ: Xây dựng tốt “Thương hiệu quốc gia Việt Nam xanh” sẽ là một cơ hội tốt để chúng ta tận dụng hiệu quả các hiệp định thương mại tự do và đáp ứng yêu cầu của các thị trường khó tính như Mỹ, Nhật Bản, châu Âu,…

Tại toạ đàm “Định vị Thương hiệu quốc gia Việt Nam xanh” vừa qua, ông Hoàng Minh Chiến - Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại cũng nhấn mạnh, việc xây dựng và định vị thương hiệu xanh, vai trò của Nhà nước, doanh nghiệp và sản phẩm là quan trọng như nhau. Nhà nước tạo chính sách, doanh nghiệp thông qua sản phẩm hiện thực hoá các chính sách, kết hợp cùng nỗ lực của bản thân xây dựng thành công thương hiệu của doanh nghiệp. Từ nhiều thương hiệu mạnh của doanh nghiệp tạo nên thương hiệu quốc gia Việt Nam có độ lan toả lớn trên thế giới.

Với tầm quan trọng đó, thời gian qua, việc xây dựng “Thương hiệu quốc gia Việt Nam xanh” đã và đang được triển khai đồng bộ, nhất quán ở các cấp, ngành và được cộng đồng doanh nghiệp hưởng ứng, triển khai.

Đơn cử, Tập đoàn TH xác định kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn là định hướng nhất quán cho sự phát triển bền vững của doanh nghiệp. Đặc biệt, đồng hành cùng cam kết của Chính phủ Việt Nam tại COP26, Tập đoàn TH bày tỏ quyết tâm các trang trại, nhà máy trong chuỗi sản xuất khép kín của mình sẽ đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Theo đó, Tập đoàn TH đã ứng dụng mô hình kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn nhằm hướng đến mục tiêu phát triển bền vững xuyên suốt tất cả các hoạt động sản xuất, kinh doanh từ những ngày đầu thành lập, với một số thành tựu như: Đầu tư hệ thống năng lượng mặt trời trên các mái chuồng trại chăn nuôi bò sữa; quy trình sản xuất nước tinh khiết, xử lý nước thải nghiêm ngặt từ Nhật Bản; hay sản phẩm phụ và rác thải của quy trình này luôn trở thành nguyên liệu đầu vào tại một quy trình khác.

Bài 2: Xây dựng, phát triển thương hiệu quốc gia, kiến tạo giá trị, sức mạnh mới cho đất nước
Lô hàng cà phê hữu cơ đầu tiên của Công ty TNHH Vĩnh Hiệp đã chính thức được xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản. Ảnh: Công ty TNHH Vĩnh Hiệp

Cùng bắt nhịp xu thế phát triển xanh của thị trường, Công ty TNHH Vĩnh Hiệp đã có một quá trình thực hiện chiến lược phát triển nông nghiệp xanh, bền vững với phương châm “Chia sẻ lợi ích – đồng hành cùng nâng cao năng lực – tăng cường đổi mới” trên toàn bộ chuỗi giá trị thông qua thúc đẩy hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng, kiến thức, kỹ thuật cho các hợp tác xã, đặc biệt là nâng cao sinh kế nông hộ trồng cà phê trong chuỗi liên kết..

Tự đặt ra cho mình sứ mệnh là một trong những doanh nghiệp tiên phong về nông nghiệp sạch tại Việt Nam, từ đó đưa nông sản Việt Nam lên tầm cao mới bằng việc đáp ứng được các tiêu chuẩn khắt khe của các thị trường khó tính nhất thế giới, ông Thái Như Hiệp - Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH Vĩnh Hiệp cho biết, từ năm 2016, Công ty TNHH Vĩnh Hiệp đã mạnh dạn đầu tư chuyển đổi 42ha đất canh tác cà phê truyền thống sang mô hình hữu cơ tiêu chuẩn USDA của Hoa Kỳ.

Trải qua quá trình phát triển và cập nhật các tiêu chuẩn, đến năm 2022, doanh nghiệp triển khai đàm phán với đối tác Nhật Bản. Sau 2 năm đàm phán, ngày 19/3/2024, lô hàng cà phê hữu cơ đầu tiên đã chính thức được xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản – một trong các thị trường được xem là khó tính nhất nhì thế giới. Hơn cả một lô hàng xuất khẩu thành công, đây còn là niềm tự hào khi Vĩnh Hiệp đã tiên phong mở một hướng đi mới cho ngành cà phê Việt Nam, nâng cao giá trị cho người nông dân sản xuất cà phê.

“Vĩnh Hiệp hướng đến xây dựng nền nông nghiệp bền vững với môi trường xanh và sạch, kết nối cộng đồng và phát triển xã hội. Song hành với triết lý kinh doanh là xây dựng lòng tin với khách hàng trong nước và quốc tế bằng uy tín, chất lượng, chia sẻ lợi ích, sự tử tế; qua đó tiếp tục thúc đẩy khẳng định giá trị và thương hiệu cà phê Việt trên trường quốc tế”- ông Thái Như Hiệp chia sẻ.

Bài 3: Xây dựng, phát triển thương hiệu quốc gia đòi hỏi sự bền bỉ và phải luôn đổi mới

Bảo Thoa

Theo: Báo Công Thương
    Bài cùng chuyên mục