Bài 2: Rủ nhau "bùng" app vay tiền – Cảnh báo vướng bẫy tín dụng đen

(Banker.vn) Trên mạng xã hội Facebook, hội nhóm dạy nhau, chia sẻ mánh khóe “bùng” tiền khi vay qua app. Song đây lại là bẫy tín dụng được các công ty tài chính giăng ra.
Rủ nhau “bùng” app vay tiền – đừng tham mà vi phạm pháp luật hình sự Cảnh báo tình trạng xin chụp căn cước công dân để lừa đảo Vay tiền qua app, chưa kịp nhận tiền đã bị lừa mất gần 700 triệu đồng

Muốn làm con nợ vì tự tin có "bí kíp" để quỵt nợ?

Trước đây, cực chẳng đã mới phải thiếu nợ, trốn nợ. Nhưng một vài năm trở lại đây, thật lạ lùng khi có nhiều người lại chủ động tìm kiếm cơ hội vay nợ. Bởi…họ tự tin vào kỹ năng và có "bí kíp" trong việc trốn nợ của bản thân.

Hiện trên nhiều hội nhóm, các cá nhân liên tục chia sẻ kinh nghiệm, hướng dẫn cách vay rồi bùng nợ, trốn nợ một cách an toàn. Ghi nhận cho thấy, tài khoản có tên H.K chia sẻ trong Hội bùng app vay tiền online và chia sẻ cách đối phó: “Chào các bạn. Mình biết đến app và H5 từ năm 2018. Và vay rất nhiều app, đều bùng. Đến mãi 2020 mình tiếp tục vay các app mới và bùng. Năm 2022 mình vay thêm rất nhiều app và nhiều ổ H5. Công ty tài chính thì bùng FE Home, Hd Saison. Chưa bao giờ bị ghép hình đăng Facebook, gọi phiền người thân. Tự bản thân mình rút ra kinh nghiệm. Kinh nghiệm thứ nhất là vay app nên bùng, không cần suy nghĩ. Trước khi vay app, bạn nên xóa ứng dụng facebook trước và tải app về vay. Vay xong giải ngân xong thì xóa app và tải Facebook về lại dùng. Vay h5 nếu dùng sim của các bạn thì nên đổi danh bạ. Khi sắp vay bạn nên gọi thật nhiều cuộc gọi các số lạ. Để ủy quyền sim sẽ toàn những số lạ. Tốt nhất nên mua cái sim mới mà vay. Hoặc cách tốt nhất vay app là mua một điện thoại Androi cũ, sẽ có sẵn danh bạ của người cũ.”

Ngay bên dưới bài đăng là sự tán thưởng, khen ngợi kèm theo đó là những những câu hỏi với mong muốn được hướng dẫn cụ thể.

Bài 2: Rủ nhau
Cách các "con nợ" chỉ nhau cách "bùng" app là tố cáo ra cơ quan công an.

Bên cạnh những tài khoản khoe chiến tích cũng có các cá nhân than thở khi vay mà chưa thể “bùng” được, bị quấy rồi, gọi điện khủng bố, tung hình ảnh lên mạng xã hội Facebook. Lúc này, chiêu bài cuối sẽ được các thành viên trong nhóm chia sẻ cho nhau là làm đơn tố cáo ra cơ quan công an.

Bằng cách này hay cách khác, nhiều bạn trẻ đã coi đây như là một công việc có thể kiếm ra tiền, chỉ vay mà không phải trả. Vô hình chung những người này đã vi phạm pháp luật hoặc tiếp tay cho hành động vi phạm pháp luật.

Khi "kẻ cắp gặp bà già"

Với tâm lý có thể "bùng" nợ một cách dễ dàng, vì vậy các app cho vay tiêu dùng đang là "mảnh đất màu mỡ" cho nhiều lao động, thanh niên tìm đến dù phải chịu lãi suất cao, các khoản phí cắt cổ. Trên thực tế, các app tín dụng có rất nhiều cách để đòi lại số tiền đã cho vay. Và những hội nhóm dạy cách “bùng” nợ chính là mảnh đất màu mỡ để tăng doanh số cho các app cho vay không chính thống, hay còn gọi là tín dụng đen.

Khi đã sử dụng hết mọi cách mà vẫn bị các app tài chính truy thu, lúc này, những lời cầu cứu trên hội nhóm dạy bùng nợ bắt đầu xuất hiện. Nhiều thành viên sẽ yêu cầu nhắn tin để hướng dẫn “đường đi nước bước”, nhưng đâu biết, cái bẫy đang chờ sẵn.

Anh T. là lao động tự do, mức lương đủ sống tại thành phố Hà Nội, trong một lần lướt mạng xã hội anh bắt gặp và tham gia là thành viên trong nhóm dạy cách bùng nợ. Dù không có nhu cầu vay, nhưng được các thành viên khác khích lệ, anh đã thử một lần làm con nợ.

“Tôi gặp hội nhóm này khi đang lướt mạng, lúc đấy mình tham gia cho biết thế thôi. Trong nhóm này các anh em rất nhiệt tình khích lệ, chia sẻ cách vay tiền rồi bùng nợ mà không để lại hậu quả. Không định vay đâu nhưng thấy dễ nên cũng thử đăng ký vài app”, anh T cho biết.

Anh Quách Văn T. (Hà Nội)
Anh Quách Văn T. (Hà Nội)

Nghĩ là làm, anh T đăng ký một lúc 3 app tài chính với tổng số tiền hơn 12 triệu đồng, sử dụng vào mục đích cá nhân. Hai tháng đầu mọi thứ đều suôn sẻ, cho đến tháng thứ 3, hình ảnh anh T. trốn nợ tràn ngập mạng xã hội, người thân bị khủng bố tinh thần. Lúc này, anh T. mới biết mình đã rơi vào bẫy tín dụng đen.

“May là tôi có tiền nên tôi đã chủ động liên hệ và trả lãi các app vay này. Tôi biết nhiều anh em vay rồi không bùng được, không dễ bùng thế đâu, rồi lại phải vay bên này trả bên kia thôi”, anh T. chia sẻ.

Khảo sát của phóng viên Báo Công Thương cho thấy, hiện nay, việc vay nợ, trả nợ, đòi nợ, dạy nhau cách vay rồi bùng nợ đều được thực hiện trên không gian mạng. Các đối tượng là người tạo nhóm, quản trị nhóm, người kích động, xúi giục, dạy cách lừa đảo,…

Theo Đại tá Nguyễn Minh Tâm, nguyên Giám đốc Trung tâm Thông tin khoa học và Công nghệ quốc gia, Học viện Công an nhân dân cho rằng: Luật An ninh mạng, Luật Hình sự quy định các hành vi kể trên là vi phạm pháp luật. Đồng thời, những hành vi kích động, cổ suý, hướng dẫn thực hiện hành vi vi phạm pháp luật cũng là trái quy định. Các trang web, hội nhóm, hay fanpage lập ra để thực hiện các hành vi kể trên cũng là vi phạm, gây mất trật tự xã hội, xâm phạm tài sản, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác.

Tuy nhiên, việc quản lý nội dung cực đoan trên không gian mạng gặp không ít khó khăn do các đối tượng lợi dụng triệt để tính ẩn danh của không gian mạng và sử dụng đa dạng dịch vụ trực tuyến để gây rối. Nhóm này sập, các đối tượng lập nhóm khác. Nội dung phong phú hơn, lời lẽ thuyết phục hơn, cách thức bùng nợ phức tạp hơn, khiến nhiều người dù không có ý định vay nợ cũng dần lung lay.

“Khi họ đăng ký những thứ này trên địa chỉ trang nước ngoài thì cơ quan an ninh Việt Nam chỉ còn cách duy nhất là chặn. Thế nhưng chặn trang này buổi sáng thì buổi chiều người ta lập trang khác. Vì người ta có thể tải toàn bộ thông tin của trang đấy và chuyển sang trang mới thiết lập. Do đó, thời gian tới các cơ quan chức năng cần thiết lập các cơ chế quản lý, hợp tác một cách chặt chẽ hơn nữa với chính cơ quan chủ quản, ví dụ Facebook, Twiter, hay các trang khác có văn phòng đại diện ở Việt Nam, buộc họ gỡ, cấm những trang kiểu vậy”, ông Tâm cho biết.

Còn ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho rằng, hiện nay, Chính phủ đã ban hành chỉ thị 12, Bộ Công an và Ngân hàng Nhà nước đã tiến hành triển khai, cần phải đẩy mạnh và triệt phá tổ chức tín dụng đen để làm sao hạn chế người dân tiếp cận được. Tuy nhiên, về phía người dân, khi có nhu cầu cấp bách chính đáng, nên đến công ty tài chính tiêu dùng được nhà nước cấp phép, tôi tin chắc rằng sẽ được tiếp cận các khoản vay này.

“Người dân phải có ý thức, khi vay của các công ty này thì phải có trách nhiệm trả, đừng để tình trạng trốn nợ, chây ỳ, cố tình không trả nợ. Theo tôi cần xử vài trường hợp răn đe, để người dân có nhu cầu vay chính đáng có thể tiếp cận được nguồn vốn”, ông Hùng nhấn mạnh.

Thống kê từ Hiệp hội Ngân hàng cho thấy tỉ lệ khách hàng vay tiêu dùng không trả nợ ngày càng cao và có hiện tượng rủ nhau bùng nợ khiến nợ xấu tăng, lãi suất vay khó giảm. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người dân.

Để nâng cao sự lành mạnh của thị trường tín dụng tiêu dùng, những yếu tố như tín dụng đen hay các hội nhóm tuyên truyền cách “bùng” nợ chính là mối nguy hại cần được loại bỏ. Người dân cần cân nhắc thật kỹ trước khi vay tiền các app tài chính, không để kẻ gian lợi dụng, lôi kéo tham gia các hoạt động vay app bất hợp pháp, hoặc sử dụng dịch vụ "bùng" nợ do các cá nhân trong các hội nhóm này cung cấp.

Bên cạnh đó, các ngân hàng, công ty tài chính cũng cần phải nỗ lực để cải tiến, giúp thủ tục vay vốn đơn giản và gọn nhẹ hơn, để người dân dễ dàng tiếp cận với các nguồn tín dụng chính thống.

Nguyễn Ngọc

Theo: Báo Công Thương