Bài 2: Quyết liệt thanh, kiểm tra hoạt động dạy thêm, học thêm

(Banker.vn) Hoạt động dạy thêm, học thêm vẫn tràn lan là thách thức lớn cho các cơ quan quản lý khi các quy định về dạy thêm, học thêm vẫn còn bỏ ngỏ...
Hà Nội và nhiều địa phương cấm tổ chức dạy thêm dịp hè Bài 1: Nỗi ám ảnh mang tên... học thêm!

Quy định về dạy thêm… hết hiệu lực

Trước thực trạng hoạt động dạy thêm ngày càng tràn lan, nhiều bộ, ngành, địa phương đã ra công văn cấm dạy thêm, đặc biệt là đối với học sinh mà giáo viên đang dạy chính khoá, song thực tế cho thấy, việc cấm cứ cấm, người dạy cứ dạy.

Theo quy định, từ trước đến nay, hoạt động dạy thêm - học thêm không bị cấm. Ngành giáo dục chỉ cấm dạy thêm trái phép. Hoạt động dạy thêm, học thêm được điều chỉnh theo Thông tư 17/2012/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành quy định về dạy thêm, học thêm.

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, Thông tư 17 không nắm bắt được nhu cầu thực tế, dẫn đến các quy định không phù hợp, không quản lý nổi các biến tướng phát sinh.

Đặc biệt, quy định về các trường hợp không được dạy - học thêm trong Thông tư cũng lỏng lẻo, thiếu rõ ràng, mạch lạc nên có những giai đoạn, các địa phương lúng túng trong cách hiểu và quản lý.

Từ lỗ hổng trên, nhiều địa phương đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu, ban hành quy định mới về dạy thêm, học thêm để việc quản lý đồng bộ, thống nhất.

Bài 2: Quyết liệt thanh, kiểm tra hoạt động dạy thêm, học thêm
Nhiều địa phương đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu, ban hành quy định mới về dạy thêm, học thêm để việc quản lý đồng bộ, thống nhất.

Theo đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố kế hoạch sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 17. Trong thời gian chờ đợi, Thông tư 17 (với 8 điều hết hiệu lực) vẫn là cơ sở để quản lý hoạt động này.

Ngoài ra, Bộ cũng đề nghị bổ sung dạy thêm vào danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện - tức là trở lại quy định tại Luật Đầu tư trước khi sửa đổi vào năm 2016. Theo Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn đây là điều cần thiết để có thể điều tiết hoạt động dạy, học thêm.

Liên quan đến dạy thêm học thêm, Chính phủ cũng đã có báo cáo gửi các đại biểu Quốc hội về kết quả thực hiện Nghị quyết số 134 và Nghị quyết số 41 của Quốc hội trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo.

"Việc quản lý hoạt động dạy thêm học thêm ở các địa phương hiện nay vẫn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Vì vậy, Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục đề xuất với Chính phủ trình Quốc hội đưa hoạt động dạy thêm, học thêm vào danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện" - báo cáo của Chính phủ nhận định.

Đây là cơ sở để Bộ Giáo dục và Đào tạo sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 17, nhằm bảo đảm sự phù hợp, thuận lợi cho công tác quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm trong và ngoài nhà trường của các địa phương và cơ sở giáo dục.

Đánh giá về tình trạng dạy thêm, học thêm đang gây phản ứng trong dư luận, báo cáo cho rằng, nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế này là mức thu nhập thấp, khiến một bộ phận giáo viên phải tham gia dạy thêm. Ngoài ra, vì cơ sở pháp lý chưa đầy đủ nên công tác kiểm tra, giám sát hoạt động dạy thêm, học thêm tại các địa phương chưa chặt chẽ.

Việc xử lý bất cập của hoạt động này chưa kịp thời, hiệu quả. Các cấp ủy, chính quyền địa phương và các tổ chức xã hội chưa vào cuộc quyết liệt nên hiệu quả quản lý không cao. Thậm chí, còn tình trạng bệnh thành tích từ phía gia đình nên ép con em đi học.

Cũng theo báo cáo, Chính phủ đã đề xuất Quốc hội đưa hoạt động dạy thêm, học thêm vào danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Sau khi hoạt động dạy thêm học thêm được đưa vào danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện, Chính phủ giao Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì phối hợp với các bộ, ngành liên quan nghiên cứu đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định về quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm bảo đảm phù hợp, thuận lợi.

Thạc sĩ Lưu Minh Sang, giảng viên Khoa Luật, trường Đại học Kinh tế - Luật (Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh) góp ý, mục tiêu cuối cùng của việc đặt ra điều kiện kinh doanh là để bảo vệ lợi ích người tiêu dùng, lợi ích xã hội hay vấn đề an ninh, an toàn xã hội. Nếu dạy thêm, học thêm được đưa vào danh mục trên, điều kiện kinh doanh như yêu cầu về người dạy học, yêu cầu cơ sở vật chất, thiết bị, mức thu học phí... sẽ được quản lý chặt chẽ, minh bạch hơn.

Bài 2: Quyết liệt thanh, kiểm tra hoạt động dạy thêm, học thêm
Cần giáo dục làm sao để trẻ thấy được học là niềm vui, chứ để trẻ sợ học thì thực sự là nguy hiểm

Đề xuất của Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo đã tạo ra tranh luận trái chiều. Nhiều giáo viên ủng hộ và cho rằng, việc này quản lý dạy thêm chặt chẽ hơn thay vì cấm nửa vời hoặc thả nổi. Nhóm khác lo ngại, quy định này sẽ "thị trường hóa" nghề dạy học - vốn được xem là thiêng liêng, cao quý.

Theo đó, nhiều chuyên gia cũng cho rằng, giáo dục không phải là món hàng kinh doanh. Nếu đưa dạy thêm vào danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện sẽ xảy ra nhiều hệ lụy, tai hại và nảy sinh nhiều tiêu cực.

Bản chất việc học thêm là phi lợi nhuận, là đầu tư cho tương lai chứ không phải nặng về mục đích kinh doanh. Vấn đề cốt lõi ở đây là mức thu nhập của giáo viên chưa tương xứng, chưa đủ để đáp ứng nhu cầu cuộc sống nên họ buộc phải mở lớp dạy thêm, kiếm thêm thu nhập và tích lũy cho tương lai.

Theo đó, để giải quyết tình trạng dạy thêm học thêm, Nhà nước cần xem xét, cân đối lại mức lương cho giáo viên. Nếu lương trả cao hơn so với thu nhập làm thêm bên ngoài thì chắc chắn giáo viên sẽ dạy tử tế, tâm huyết với nghề và không phải tính toán kiếm thêm thu nhập từ việc dạy thêm.

Thanh, kiểm tra hoạt động dạy thêm, học thêm

Bày tỏ quan điểm về vấn đề này, PGS.TS Bùi Thị An cho rằng, quá trình quản lý, đặc biệt là "cấm túc" vấn đề dạy thêm thực sự rất khó. Trên thực tế, từ trước đến nay đã có rất nhiều văn bản, tốn nhiều giấy mực nhưng vẫn không thể dẹp bỏ vì xuất phát nhu cầu từ hai phía: phụ huynh và giáo viên.

"Cho đến thời điểm hiện tại, chúng ta cứ vẫn theo kiểu cũ, toàn nhồi nhét kiến thức, không để trẻ phát huy khả năng tiềm ẩn một cách tự nhiên. Cần giáo dục làm sao để trẻ thấy được học là niềm vui, chứ để trẻ sợ học. Theo đó, giải pháp tốt nhất chính là Nhà nước hãy tổ chức, quản lý việc dạy thêm, học thêm sao cho thật phù hợp, giúp nền giáo dục phát triển trong sáng, lành mạnh" - bà An bày tỏ.

Cũng theo bà An, không phải giáo viên nào cũng muốn dạy thêm. Nhưng thực tế là thu nhập từ nghề giáo quá thấp so với đời sống hiện nay. Bên cạnh đó, chương trình học nặng, kéo theo bệnh thành tích, chạy theo điểm số là những vấn đề cần bàn luận và tìm ra giải pháp căn cơ.

Đề cập đến vấn đề này, tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, vấn đề dạy thêm, học thêm lại được các đại biểu Quốc hội nhắc đến trong phiên thảo luận tổ. Theo đó, các đại biểu đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo cần thanh, kiểm tra; xem xét lại chương trình giáo dục...

Thảo luận tại phiên họp tổ, đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Kạn) nêu ý kiến, thời gian qua, việc dạy thêm, học thêm là vấn đề được đông đảo cử tri cũng như các cơ quan truyền thông báo chí quan tâm. Bộ Giáo dục và Đào tạo, Sở Giáo dục và Đào tạo các địa phương cũng quan tâm đến vấn đề này và thực hiện các hoạt động kiểm tra, giám sát chặt chẽ.

Bài 2: Quyết liệt thanh, kiểm tra hoạt động dạy thêm, học thêm
Đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Kạn) đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo thanh, kiểm tra hoạt động dạy thêm, học thêm

Tuy nhiên, thời gian qua, vấn đề dạy thêm, học thêm, đặc biệt là ở các đô thị lớn không có nhiều chuyển biến. Nhiều trường hợp, tuy việc học thêm là phù hợp với nhu cầu của gia đình nhưng lịch học chính khóa cũng như lịch học thêm vẫn còn quá dày.

Từ thực tế nêu trên, đại biểu Nguyễn Thị Thủy đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo xem xét lại chương trình giáo dục và có phân tích kỹ lưỡng, điều chỉnh phù hợp để giải quyết vấn đề này. Ngoài ra, Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục quan tâm, có các công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động dạy thêm, học thêm, để hoạt động này vừa đáp ứng được nhu cầu của các gia đình, nhưng không làm phát sinh các vấn đề xã hội nan giải như hiện nay.

Nêu quan điểm, đại biểu Nguyễn Minh Đức (Đoàn TP. Hồ Chí Minh) cho hay, hệ thống lương cho giáo viên còn chưa đáp ứng yêu cầu thực tế. “Tôi tha thiết đề nghị Chính phủ có chỉ đạo quyết liệt mang tính “mệnh lệnh”, làm thế nào nâng cao đời sống cho giáo viên để bảo đảm nguồn nhân lực, đồng thời hạn chế thấp nhất dạy thêm, học thêm” - đại biểu Nguyễn Minh Đức nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, theo đại biểu Nguyễn Minh Đức, thế hệ trẻ hiện nay với chương trình học dày đặc đã mất quá nhiều thời gian cho việc học nên yếu kỹ năng trong cuộc sống, cùng với ảnh hưởng của mạng xã hội đã xảy ra hệ lụy về ứng xử chưa tốt, dễ dẫn tới nhiều hậu quả như bạo lực học đường.

Trước thực trạng dạy thêm, học thêm còn tồn tại nhiều bất cập, cô Thuý Hà, giáo viên một trường THCS trên địa bàn quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội đã đề xuất một số giải pháp. Cụ thể, về phía phụ huynh, nên giảm áp lực, đừng ép con em mình phải theo ngành này, ngành kia hay phải học thật giỏi. Thay vào đó, ngay từ khi còn nhỏ, cha mẹ hãy giáo dục con lòng ham học, sự ham hiểu biết và khát vọng vươn lên, khát vọng khẳng định mình bằng tài năng thật sự của mình.

Về phía ngành Giáo dục và Đào tạo, cô Hà cho rằng, cần thay đổi mô hình giáo dục. Nếu còn tồn tại mô hình trường chuyên, lớp chọn thì nhất định chuyện dạy thêm, học thêm vẫn không có hồi kết.

Đặc biệt là phương thức thi tốt nghiệp THPT, xét tuyển đại học, cao đẳng. Nên thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển đại học, cao đẳng bằng nhiều hình thức khác nhau, trong đó chú trọng kiểm tra, đánh giá năng lực tổng hợp của học sinh sẽ kích thích khả năng tự học và ham học của học sinh, thay vì phải đi học thêm như hiện nay.

Đỗ Nga

Theo: Báo Công Thương