Bài 2: Nỗi lo phát triển quá nóng

(Banker.vn) Giá sầu riêng liên tục lập đỉnh, diện tích trồng loại nông sản này tăng ồ ạt. Tuy nhiên, sầu riêng đang đối diện với bài toán đầu ra và chất lượng.
Xuất khẩu sầu riêng: Tiếp tục rộng cửa tại thị trường Trung Quốc Đắk Lắk: Sẽ đấu giá 2 ‘nữ hoàng’ sầu riêng tại Lễ hội sầu riêng 2024 Giá nông sản hôm nay 27/8: Sầu Thái neo ở mức cao; măng cụt Bảo Lộc có giá từ 60-70 ngàn đồng/kg Bài 1: Sầu riêng - kỳ vọng mới cho kinh tế nông thôn

Từ nỗi lo tăng trưởng nóng

Giá sầu riêng giữ ở mức cao, ổn định khiến người nông dân phấn khởi. Nhưng cũng vì lý do đó, nhiều hộ dân hiện đang canh tác tiêu, cà phê, cao su, bơ… trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên đang đổ xô phá bỏ các loại nông sản khác để trồng sầu riêng. Tuy nhiên, tình trạng mở rộng diện tích ồ ạt, phát triển tự phát, số lượng chưa đi cùng chất lượng… đang đặt ra yêu cầu phải có giải pháp kịp thời để phát triển bền vững ngành sầu riêng.

Ở thị trường trong nước, sầu riêng đang được thu mua với giá 70.000-95.000 đồng/kg. Đây được đánh giá là mức giá cao chưa từng có đối với sầu riêng của tỉnh, mang lại nguồn thu lớn cho nông dân Đắk Lắk.
Ở thị trường trong nước, sầu riêng đang được thu mua với giá 41.000-82.000 đồng/kg, tùy loại. Đây được đánh giá là mức giá cao chưa từng có đối với sầu riêng của tỉnh, mang lại nguồn thu lớn cho nông dân Đắk Lắk (Ảnh: Bộ Công Thương)

Khi thấy lợi nhuận cao từ cây sầu riêng đem lại, ông Bùi Văn Hải ở thị trấn Phước An, huyện Krông Pắk (tỉnh Đắk Lắk) đã không ngần ngại phá bỏ hơn 7 sào cà phê của gia đình để trồng sầu riêng. Dù phải hơn 3 năm tới, cây sầu riêng mới cho thu hoạch, nhưng ông Hải vẫn kỳ vọng rất lớn vào loại cây trồng này.

Năm 2024, huyện Krông Búk (tỉnh Đắk Lắk) có 4.545 ha sầu riêng, trong đó có khoảng 2.700 ha đang cho thu hoạch. Sản lượng niên vụ này ước đạt 40.000 tấn. Đến nay, huyện đã thu hoạch được gần 4.000 tấn với giá thu mua từ 65.000 - 75.000 đồng/kg. Trên địa bàn có 6 HTX và 1 tổ hợp tác sản xuất sầu riêng theo tiêu chuẩn VietGAP (khoảng 214,4 ha), sản lượng đạt gần 3.000 tấn/năm.

Tuy nhiên, vấn đề địa phương đang gặp phải đó là đảm bảo chất lượng trái sầu riêng từ các khâu sản xuất, thu hoạch, sơ chế, đóng gói, bảo quản; quy trình, giải pháp đồng bộ để sầu riêng phát triển bền vững trong bối cảnh hiện nay, như: liên kết giữa đại diện vùng trồng hoặc đơn vị xuất khẩu với người dân chưa công khai, minh bạch; người trồng sầu riêng chạy theo sản lượng, mẫu mã, lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật dẫn đến tồn dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt quá quy định, ảnh hưởng đến chất lượng sầu riêng; các kho bãi thu mua sầu riêng vi phạm quy định về trật tự xây dựng...

Krông Nô là xã vùng sâu của huyện Lắk (tỉnh Đắk Lắk), nơi có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Với sự kiên trì, mạnh dạn sản xuất, bà con đang dần biến nơi đây thành vùng chuyên canh sầu riêng có giá trị kinh tế cao. Tính đến nay, địa phương có trên 400 ha sầu riêng trồng chuyên canh và xen canh.

HTX Thông Phong (buôn Lách Dơng, xã Krông Nô, huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk) có hơn 100 hộ dân liên kết sản xuất, với diện tích trên 120 ha. Ông Chu Văn Thông - Chủ tịch HĐQT HTX Thông Phong – thông tin, sau bốn năm tham gia liên kết sản xuất, diện tích sầu riêng của bà con được hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc sinh trưởng, phát triển tốt và đạt tỷ lệ sống trên 99%. Đa số diện tích liên kết năm sau sẽ có thu hoạch, thế nhưng hiện tại đầu ra của sầu riêng địa phương rất bấp bênh, chủ yếu dựa vào thương lái thu mua.

Đắk Lắk hiện đã vươn lên vị trí dẫn đầu cả nước về diện tích sầu riêng. Theo ông Y Djoang Niê – Phó chủ tịch UBND huyện Krông Pắc, đi kèm về những lợi thế tốt cũng kèm theo những hệ lụy của việc tranh chấp mua bán, gian lận thương mại, không tuân thủ thỏa thuận hợp đồng, ép mua ép bán, ép giá và chất lượng sản phẩm không đạt yêu cầu,… có thể dẫn đến tình trạng mất uy tín chất lượng thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm sầu riêng Krông Pắc đối với thị trường và người tiêu dùng trong và ngoài nước.

Ông Lê Anh Trung - Phó Chủ tịch Hiệp hội Sầu riêng Đắk Lắk - chia sẻ, thị trường sầu riêng tại Việt Nam nói chung và Đắk Lắk nói riêng đang bị thả nổi. Bởi vậy, việc “bẻ cọc”, phá giá, tranh giành trong hỗn loạn tại vườn hay mất uy tín ở thị trường diễn ra như hiện nay cũng là dễ hiểu.

... đến tình trạng cắt non, ảnh hưởng thương hiệu sầu riêng Việt

Ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng Thư ký Hiệp hội rau quả Việt Nam cho biết, hiện nay nhiều nhà vườn chạy theo số lượng hơn là chất lượng, các nhà vườn móc nối với người gõ sầu riêng để bán sầu riêng non. Việc cắt sầu riêng non cho sản lượng cao hơn 10% so với sầu riêng chín, tuy nhiên ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng.

Ông Nguyên cho rằng, việc cắt sầu riêng non làm ảnh hưởng đến cả một ngành hàng, hình ảnh nông sản Việt. Do đó, phải có biện pháp kiểm soát, chế tài hoặc đưa ra các “luật lệ” nghiêm, xử phạt nặng hành động thu hái sầu riêng non. Bên cạnh đó, cần xây dựng ngay tiêu chuẩn quốc gia.

Ông Nguyễn Thế Tùng – Trang trại sầu riêng Queenfarm (Bình Phước) - cho hay, đầu tiên bà con cần phải quan tâm đến giống và chúng ta cần có những văn bản cụ thể cho người làm giống.

"Tôi đánh giá việc nguồn gốc giống rất quan trọng. Hiện nay có giống sầu riêng của Malaysia yêu cầu về kỹ thuật cao. Việt Nam trồng được loại giống này cũng cần phải đòi hỏi kỹ thuật cao hơn. Sau đó, đến với người trồng, người trồng cần tuân thủ trên mã số vùng trồng, rồi những quy định Cục Bảo vệ thực vật đưa ra. Tất cả những điều đó mang lại lợi ích cho người trồng, đảm bảo chất lượng, giảm được đủ rủi ro. Đối với việc mua bán, đối với các thương lái, cần tuân thủ quy định, tuân thủ các tiêu chuẩn ISO. Làm sao cần phải đồng bộ, truy xuất minh bạch rõ nguồn gốc", ông Tùng cho biết.

Đồng quan điểm về vấn đề này, theo ông Ngô Xuân Nam - Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam, đối với mặt hàng sầu riêng, đúng là chúng ta phải quan tâm đến nguồn gốc, giống, vùng trồng, quy trình sản xuất, chất lượng sản phẩm.

“Tôi lấy ví dụ rất thực tiễn, người nhà tôi trong Gia Lai vô tư chặt cà phê để trồng sầu riêng trong khi chưa nắm rõ kỹ thuật, công nghệ chỉ vì thấy nhà hàng xóm trồng được mình cũng trồng. Tôi cho rằng đây chưa phải là cách làm hay, bởi họ cần phải am hiểu về mặt kỹ thuật, kinh nghiệm, nguồn gốc vùng trồng”, ông Nam chia sẻ và cho rằng, việc tập huấn, nâng cao kỹ thuật cho bà con rất cần thiết. Muốn vậy, phải chuẩn hóa cho bà con ngay từ đầu vào và trong cả quá trình sản xuất, xuất khẩu. Phải có cơ chế giám sát, đồng quản lý cho cả chuỗi sản xuất từ người thu mua, thương lái đến người trồng sầu riêng. “Chúng ta phải bỏ tư duy ăn xổi, bên trong chuỗi sản xuất cần giảm lợi ích đi một chút mới phát triển bền vững được”, ông Nam nhấn mạnh.

Theo số liệu của Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), diện tích sầu riêng cả nước hiện khoảng 151.000 ha, phân bố tại các vùng Tây Nguyên, Đồng bằng sông Cửu Long, Đông Nam Bộ, Duyên hải Nam Trung Bộ; trong đó, diện tích sầu riêng vùng Tây Nguyên khoảng 75.488 ha, chiếm khoảng 50% diện tích cả nước. Tỉnh Đắk Lắk hiện có diện tích sầu riêng lớn nhất cả nước. Năm 2024, dự báo diện tích sầu riêng của tỉnh Đắk Lắk tăng lên đến 34.000 - 35.000 ha, sản lượng dự kiến ước đạt trên 300.000 tấn.

Để phát triển ngành hàng sầu riêng bền vững, đòi hỏi các địa phương cần triển khai đồng bộ nhiều giải pháp. Trong đó, tăng cường kiểm soát đối với vùng trồng sầu riêng bảo đảm tuân thủ theo quy hoạch, kiềm chế tốc độ phát triển đối với những vùng trồng tự phát; tổ chức tốt chuỗi liên kết từ vùng trồng, cơ sở đóng gói, cơ sở xử lý kiểm dịch thực vật đến doanh nghiệp; xúc tiến thương mại mở rộng thị trường sầu riêng là những vẫn đề cần được đặc biệt chú trọng.

Về diện tích vùng trồng, mục tiêu định hướng đến năm 2030, diện tích sầu riêng nước ta là 75.000 ha. Tuy nhiên, trong cơn sốt giá sầu riêng, diện tích loại trái cây này đã lên đến trên 150.000 ha.

Bài 3: Kết nối chuỗi, tạo lập thị trường bền vững cho sầu riêng

Nguyễn Hạnh

Theo: Báo Công Thương