Lô vải thiều Thanh Hà đầu tiên đã tới Pháp Hải Dương: Xúc tiến thương mại tiêu thụ vải thiều Thanh Hà Bài 1: Miền quả ngọt đón vụ mùa bội thu |
Chinh phục các thị trường lớn
Vải thiều là đặc sản nổi tiếng của Thanh Hà - Hải Dương nói riêng và của Việt Nam nói chung, được trồng từ cách đây gần 200 năm. Vải thiều Thanh Hà có hương thơm, vị đậm đặc trưng mà vải trồng ở tất cả những nơi khác không có được.
Vải thiều Thanh Hà đã được xuất khẩu sang các thị trường “khó tính” như: Mỹ, Nhật Bản, châu Âu, Australia... |
Trong thời gian qua, vải thiều Thanh Hà đã được chứng nhận “chỉ dẫn địa lý” và nhiều danh hiệu uy tín khác như: “Top 10 sản phẩm uy tín chất lượng”, “Tinh hoa đặc sản 3 miền”; giải thưởng “Thương hiệu vàng”, chứng nhận “Thương hiệu Thực phẩm an toàn tin dùng”, Top 10 Thương hiệu Nhãn hiệu nổi tiếng do Liên Hiệp khoa học Doanh nhân Việt Nam và Tạp chí Sở hữu trí tuệ và Sáng tạo bình chọn.
Trực tiếp dẫn chúng tôi đi thăm những vườn vải sum suê trái ngọt, bà Hoàng Thị Thúy Hà, Phó chủ tịch UBND huyện Thanh Hà cho biết, vải thiều Thanh Hà là nông sản duy nhất của tỉnh Hải Dương nằm trong 39 sản phẩm của Việt Nam được bảo hộ độc quyền chỉ dẫn địa lý tại thị trường các nước EU; là sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn 5 sao cấp quốc gia.
Hiện nay, vải thiều Thanh Hà đã được xuất khẩu sang các thị trường “khó tính” như: Mỹ, Nhật Bản, châu Âu, Australia... và dần chinh phục được thị hiếu của người tiêu dùng các quốc gia này với sản lượng xuất khẩu tăng dần theo từng năm. Bên cạnh đó, trong những năm qua, vẻ đẹp của vườn vải trĩu quả đã thu hút hàng chục nghìn du khách thăm quan, trải nghiệm, là tiềm năng to lớn để phát triển du lịch sinh thái nông nghiệp.
Chia sẻ về các thị trường quả vải thiều Thanh Hà chú trọng hướng đến trong năm 2023, bà Hoàng Thị Thúy Hà nêu, thị trường Trung Quốc vẫn được đánh giá là thị trường chính tiêu thụ vải thiều Thanh Hà, tiếp đến là thị trường trong nước. Huyện cũng xác định vải thiều Thanh Hà tiếp tục nâng cao chất lượng để đưa vào các thị trường cao cấp hơn như: Nhật Bản, Mỹ, Hà Lan, Australia, Thái Lan.
"Một loạt các hiệp định hợp tác giữa Việt Nam và các nước khác trên thế giới, đặc biệt là Hiệp định EVFTA đã mở ra nhiều cơ hội cho các mặt hàng nông sản Việt Nam vào các thị trường trên thế giới" - bà Hoàng Thị Thúy Hà nhấn mạnh.
Để nâng cao chất lượng quả vải thiều Thanh Hà đáp ứng được yêu cầu của thị trường quốc tế, ngoài việc chỉ đạo áp dụng nghiêm về quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn GAP, tiêu chuẩn xuất khẩu; UBND huyện Thanh Hà đã chỉ đạo, khuyến cáo các đơn vị thu mua vải xuất khẩu chủ động đầu tư nhà xưởng sơ chế, kho lạnh, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới, tiên tiến vào quá trình sàng lọc, phân loại, bảo quản, đóng gói, xử lý để nâng cao chất lượng quả vải, đảm bảo làm sao khi quả vải đến được với người tiêu dùng phải là quả vải còn tươi, ngon, giữ được chất lượng, mẫu mã một cách tốt nhất.
Đặc biệt, để thuận lợi cho việc tiêu thụ vải ở thị trường Trung Quốc, UBND huyện phối hợp với các ngành của tỉnh hướng dẫn, kiểm soát các cơ sở đóng gói vải thiều được cấp mã số cơ sở đóng gói xuất khẩu, duy trì các mã đã có, đồng thời đăng ký đề nghị cấp mới 3 mã số cơ sở đóng gói sang thị trường Trung Quốc trong vụ vải 2023, đảm bảo yêu cầu của phía Trung Quốc khi đưa vải thiều Thanh Hà sang tiêu thụ.
Ngoài ra, đối với thị trường nội địa, UBND huyện chỉ đạo các hộ dân sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, thực hiện nghiêm các quy định trong quản lý an toàn thực phẩm, đảm bảo tạo ra sản phẩm quả vải có chất lượng cao, mẫu mã đẹp, an toàn đối với người tiêu dùng. Tiêu thụ sản phẩm qua nhiều kênh bán hàng để người tiêu dùng trong và ngoài nước dễ dàng được thưởng thức quả vải thiều chính gốc được trồng trên quê hương Thanh Hà.
Theo bà Hoàng Thị Thúy Hà, do thời gian thu hoạch vải ngắn, dồn dập trong khoảng 1 tháng, UBND huyện Thanh Hà đặc biệt quan tâm đến công tác tìm đầu ra và tiêu thụ vải cho người dân; đẩy mạnh công tác tuyên truyền về đặc tính, ưu điểm nổi trội của quả vải thiều Thanh Hà, diện tích cây trồng, năng suất, sản lượng, quy trình canh tác, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho cây vải thiều, các quy định trong việc quản lý chỉ dẫn địa lý Thanh Hà đối với sản phẩm vải thiều, các quy định sản xuất vải thiều đảm bảo vệ sinh thực phẩm theo quy trình VietGAP, GlobalGAP...
Nâng tầm giá trị, thương hiệu vải thiều
Là doanh nghiệp có thời gian dài đồng hành với tỉnh Hải Dương và huyện Thanh Hà trong công tác tiêu thụ nông sản, nhất là sản phẩm vải thiều, ông Nguyễn Khắc Tiến, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Ameii Việt Nam chia sẻ, Ameii chuyên xuất khẩu các mặt hàng nông sản sang thị trường cao cấp, đặc biệt là vải thiều. Khi vải thiều chính thức được xuất sang thị trường Nhật Bản, Ameii cũng là 1 trong 3 doanh nghiệp đầu tiên được lựa chọn để đảm bảo xuất khẩu những lô hàng đầu tiên sang thị trường Nhật Bản.
Diện tích vải thiều Thanh Hà được công nhận đạt tiêu chuẩn GAP khoảng 500 ha |
Để có sự thành công này không chỉ có sự vào cuộc của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Công Thương, mà còn có sự quan tâm rất lớn của tỉnh Hải Dương và huyện Thanh Hà đến sản phẩm vải thiều. Cùng với đó, doanh nghiệp cũng phải có sự chuẩn bị kỹ càng cho toàn bộ công tác liên quan đến việc xúc tiến và tiêu thụ sản phẩm vải thiều sang thị trường cao cấp.
“Chúng tôi kỳ vọng sẽ giới thiệu được nhiều hơn các sản phẩm nông sản của Việt Nam, đặc biệt là vải thiều đến nhiều thị trường cao cấp, qua đó, góp phần nâng cao giá trị về mặt thương hiệu cũng như hình ảnh của sản phẩm” - ông Nguyễn Khắc Tiến nói, đồng thời bày tỏ, huyện Thanh Hà là một trong 2 vùng trồng vải có diện tích lớn của Việt Nam. Do đó, khi xúc tiến xuất khẩu sản phẩm, chúng tôi luôn kể cho bạn bè, khách hàng những câu chuyện về nguồn gốc của vải thiều, của cây vải Tổ cũng như những giá trị tạo ra quả vải, bởi chúng tôi muốn giới thiệu đến họ giá trị về mặt văn hóa - những yếu tố kết tinh làm nên sản phẩm.
"Trong quá trình đồng hành, giới thiệu sản phẩm vải thiều đến các quốc gia, chúng tôi nhận được sự đón nhận rất nồng nhiệt của các thị trường. Các Đại sứ, Tham tán thương mại tại các quốc gia như: Thụy Sĩ, Anh, Kuwait và một số thị trường cao cấp khác đều có phản hồi đánh giá tốt về chất lượng vải thiều Thanh Hà” - ông Nguyễn Khắc Tiến khẳng định.
Tuy đã đặt được “nền móng” ban đầu, nhưng ông Nguyễn Khắc Tiến cho rằng, để quả vải thâm nhập sâu vào các thị trường này, cần ổn định chất lượng hàng hóa và thực hiện tốt việc kiểm soát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Về phía Ameii đã thành lập một hợp tác xã về vải với mong muốn tạo ra sản phẩm chất lượng tốt nhất. Đồng thời, đây là tiền đề để nhân rộng ra cho các sản phẩm khác.
"Trong thời gian tới, công ty sẽ tiếp tục tập trung khai thác những nông sản thế mạnh, tiêu biểu của tỉnh Hải Dương với công nghệ chế biến nông sản tiên tiến để mang tới khách hàng quốc tế những sản phẩm chất lượng tốt nhất, có thể cạnh tranh với các nước xuất khẩu khác" - ông Nguyễn Khắc Tiến nêu.
Ông Tô Ngọc Sơn, Phó Vụ trưởng Vụ thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công Thương) cho hay, thời gian qua, Bộ Công Thương đã đồng hành với tỉnh Hải Dương nói chung và huyện Thanh Hà nói riêng trong việc thúc đẩy tiêu thụ trong nước và xuất khẩu ra nước ngoài đối với các sản phẩm của tỉnh, trong đó có vải thiều.
Theo ông Tô Ngọc Sơn, Trung Quốc là một thị trường rất quan trọng đối với các mặt hàng nông sản của Việt Nam, đặc biệt, đối với trái cây. Mỗi năm, có khoảng 100.000 tấn vải xuất khẩu, trong đó có tới 90% xuất khẩu sang Trung Quốc. “Trung Quốc hiện mở cửa cho 5 nước, vùng lãnh phổ được phép xuất khẩu vải thiều sang Trung Quốc gồm: Việt Nam, Thái Lan, Myanmar, Malaysia và Đài Loan” - ông Tô Ngọc Sơn thông tin.
Tuy nhiên, thị trường Trung Quốc ngày càng đòi hỏi tiêu chuẩn khắt khe, hướng tới sản phẩm chất lượng cao. Vì vậy, nông dân Thanh Hà cần tập trung sản xuất vải chất lượng để đáp ứng tốt cho thị trường này.
“Tôi đồng tình với cách làm của Hải Dương, khi tập trung vào việc hạn chế mở rộng tràn lan vùng trồng dẫn tới sản lượng tăng nhưng thiếu sự kiểm soát chất lượng” - ông Sơn nhấn mạnh, đồng thời nói, việc huyện Thanh Hà giữ diện tích trồng như hiện nay và nâng chất lượng lên, mới là con đường đảm bảo về lâu dài.
Bà Hoàng Thị Thúy Hà chia sẻ thêm, trong thời gian tới, huyện Thanh Hà sẽ tiếp tục tổ chức tập huấn hướng dẫn quy trình sản xuất vải an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, tiêu chuẩn quốc tế cho các hộ trồng vải; tuyên truyền, khuyến cáo hộ dân trồng vải thực hiện nghiêm các quy định trong chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh hại.
Mặt khác, tạo điều kiện tốt nhất cho các doanh nghiệp, tổ chức, thương nhân về địa phương thu mua vải thiều cho bà con nông dân, chủ động công tác kiểm tra, ngăn chặn việc đưa vải từ nơi khác về Thanh Hà đóng gói và lấy thương hiệu của vải Thanh Hà để người tiêu dùng không được sử dụng sản phẩm vải thiều chính hiệu mang tên vải thiều Thanh Hà, Hải Dương.
Theo Bộ Công Thương, thị trường xuất khẩu quả vải được mở rộng đến nhiều quốc gia trên thế giới. Bên cạnh thị trường xuất khẩu truyền thống như Trung Quốc, một số nước ASEAN, quả vải còn được xuất khẩu sang nhiều thị trường được coi là “khó tính” khác như: Mỹ, Australia, Hà Lan, Anh, Pháp, Canada, Nhật Bản... Đây là tín hiệu tích cực, khẳng định thương hiệu quả vải Việt Nam với thị trường quốc tế. |
Quỳnh Nga - Nguyễn Duyên
Ngân hàng | 1 tháng | 6 tháng | 12 tháng |
---|