Bài 2: Kinh doanh phát đạt, cổ phiếu Ô tô Trường Long vẫn 'tắc' thanh khoản

(Banker.vn) Quan sát thị trường chứng khoán Việt Nam, không khó để thấy nhiều doanh nghiệp kinh doanh hiệu quả, trả cổ tức hấp dẫn nhưng cổ phiếu lại có thanh khoản thấp. Công ty CP Kỹ thuật & Ô tô Trường Long (HOSE: HTL) là một trường hợp như thế.

Mặc dù liên tục báo lãi lớn và duy trì mức chi trả cổ tức cao, cổ phiếu HTL lại giao dịch èo uột trên sàn chứng khoán. Điều này đặt ra câu hỏi, vì sao một doanh nghiệp làm ăn tốt như Ô tô Trường Long lại không thu hút được sự quan tâm trên thị trường?

Cổ tức hấp dẫn, cổ phiếu mua bán nhỏ giọt

Công ty CP Kỹ thuật & Ô tô Trường Long (gọi tắt là Ô tô Trường Long) vừa tạm ứng cổ tức đợt 1/2024 bằng tiền mặt với tỷ lệ 35%, tương đương 3.500 đồng/cổ phiếu, tổng giá trị chi trả 42 tỷ đồng. Đây là mức cổ tức cao, trong bối cảnh doanh nghiệp ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng 120% trong 9 tháng đầu năm và vượt 287,4% kế hoạch cả năm. Trước đó, tại ĐHĐCĐ thường niên tháng 5/2024, Công ty dự kiến mức cổ tức không quá 20%, nhưng đã điều chỉnh lên mức kỷ lục 65% nhờ nguồn lợi nhuận sau thuế chưa phân phối.

Truyền thống chi trả cổ tức cao của Ô tô Trường Long không phải điều mới mẻ.

Từ khi niêm yết vào năm 2011, Công ty luôn giữ vững cam kết này, ngay cả trong những giai đoạn khó khăn như 2017-2021. Trong năm 2024, Công ty đã chi trả cổ tức năm 2023 qua hai đợt với tổng tỷ lệ lên tới 50%. Nếu hoàn tất kế hoạch cổ tức 65% cho năm 2024, đây sẽ là mức chi trả cao nhất trong lịch sử của doanh nghiệp.

Chỉ có 100 cổ phiếu HTL được khớp lệnh vào ngày 17/1/2024, mức thấp nhất trong 52 tuần vừa qua
Chỉ có 100 cổ phiếu HTL được khớp lệnh vào ngày 17/1/2024, mức thấp nhất trong 52 tuần vừa qua

Việc nâng tỷ lệ cổ tức đã góp phần giúp cổ phiếu HTL bứt phá mạnh mẽ trong quý 4/2024. Vào tháng 10, cổ phiếu này tăng giá 5 phiên liên tiếp, trong đó có 3 phiên tăng trần, đưa thị giá lên mức 27.700 đồng/cổ phiếu – tăng hơn 51% trong một tháng và 141,5% so với đáy cuối năm 2023. Khối lượng giao dịch cũng tăng mạnh trong giai đoạn này, với phiên 16/10 đạt 117.000 đơn vị, gấp 8 lần mức trung bình tháng.

Tuy nhiên, sự sôi động này không kéo dài. Sau cơn "sóng ngắn" trong tháng 10, thanh khoản cổ phiếu HTL nhanh chóng quay lại mức èo uột thường thấy. Chẳng hạn, phiên 10/1/2024 chỉ có 5.400 cổ phiếu được giao dịch với giá trị 158,6 triệu đồng, trong khi khối lượng giao dịch trung bình 20 phiên gần nhất chỉ đạt 5.960 cổ phiếu/ngày.

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 15/1/2025, trong khi thanh khoản thị trường chung tăng lên hơn 10.000 tỷ đồng, CP HTL chỉ khớp lệnh 1.500 CP với giá 30.700đ/CP.

Mở rộng ra 3 tháng gần nhất, khối lượng giao dịch trung bình của HTL cũng chỉ ở mức 16.495 cp.

Ô tô Trường Long có tiền thân là Công ty TNHH TM-DV Trường Long, thành lập ngày 16/2/1998 tại TPHCM, ban đầu kinh doanh cần cẩu Soosan và Tadano. Năm 2000, công ty đổi tên thành Công ty TNHH Chuyên dùng Trường Long, chuyên cung cấp xe chuyên dùng và xe môi trường, đạt mức tăng trưởng doanh thu 103% so với năm trước.

Bài 2: Vì sao Ô tô Trường Long kinh doanh phát đạt nhưng cổ phiếu kém thanh khoản?
Các chỉ tiêu tài chính của Ô tô Trường Long. Nguồn: Trung tâm dữ liệu Kinhtechungkhoan.vn

Giai đoạn 2001–2006 đánh dấu sự phát triển mạnh mẽ khi công ty mở rộng lĩnh vực sửa chữa, thiết kế, và sản xuất xe chuyên dùng, đồng thời trở thành Đại lý 3S của Hino Motors Việt Nam. Năm 2005, doanh thu đạt 172 tỷ đồng, với tốc độ tăng trưởng trung bình 67%/năm.

Năm 2007, Công ty chuyển trụ sở mới rộng 9.000m² tại Khu công nghiệp Tân Tạo, đồng thời chuyển đổi mô hình thành công ty cổ phần và khai trương Trung tâm Đăng kiểm 50–10D. Tháng 10/2007, Sumitomo trở thành cổ đông chiến lược, giúp doanh thu và lợi nhuận của Công ty tăng lần lượt 48% và 93%. Năm 2009, Công ty tăng vốn lên 80 tỷ đồng, và niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM vào năm 2010. Đến 2015, Trường Long đạt doanh thu trên 1.000 tỷ đồng, tiếp tục mở rộng tại miền Trung với trụ sở tại Đà Nẵng.

Trải qua giai đoạn bị ảnh hưởng bởi dịch Covid 19, Trường Long hiện vẫn duy trì được tăng trưởng rất tích cực. Năm 2024, dù có sụt giảm về doanh thu tuy nhiên bức tranh kinh doanh của HTL vẫn rất sáng sủa, lợi nhuận tăng trưởng cao.

Quý 3/2024, Ô tô Trường Long ghi nhận doanh thu đạt 129,4 tỷ đồng, giảm 10,7% so với quý 3/2023. Lũy kế 9 tháng, HTL mang về 330,1 tỷ đồng doanh thu, giảm gần 40 tỷ đồng so với cùng kỳ. Nhờ việc tối ưu hóa lợi nhuận trên mỗi xe bán ra, Ô tô Trường Long lãi hơn 5,4 tỷ đồng trong quý 3/2024, cao gấp đôi so với quý 3/2023. Lũy kế 9 tháng, doanh nghiệp này lãi ròng 17,9 tỷ đồng, tăng 98,8% so với cùng kỳ.

Vì sao cổ phiếu Ô tô Trường Long kém thanh khoản?

Mặc dù ghi nhận kết quả kinh doanh ấn tượng cùng chính sách cổ tức hấp dẫn, cổ phiếu HTL của Ô tô Trường Long lại có thanh khoản rất thấp. Nguyên nhân chính nằm ở cơ cấu sở hữu tập trung, khiến lượng cổ phiếu giao dịch tự do trên thị trường bị hạn chế.

Theo báo cáo tài chính mới nhất, hơn 94% cổ phần của Ô tô Trường Long đang được nắm giữ bởi các cổ đông lớn, bao gồm hai tổ chức và một nhóm cổ đông cá nhân liên quan đến gia đình ông Lã Văn Trường Sơn, Giám đốc công ty.

Giám đốc Lã Văn Trường Sơn và người thân kiểm soát 64,16% cổ phần Ô tô Trường Long
Giám đốc Lã Văn Trường Sơn và người thân kiểm soát 64,16% cổ phần Ô tô Trường Long

Trong đó, ông Sơn là cổ đông lớn nhất, sở hữu hơn 3,7 triệu cổ phiếu, tương đương 30,88% vốn điều lệ. Vợ ông, bà Nguyễn Thị Kiều Diễm, Chủ tịch HĐQT, cũng nắm giữ 3 triệu cổ phiếu, tương ứng 25,32%. Bên cạnh đó, các thành viên khác trong gia đình ông Sơn, như bà Lã Thị Thanh Phương (chị ruột, PGĐ điều hành) và hai con gái, cũng liên tục gia tăng sở hữu. Cụ thể, con gái lớn Lã Ngọc Đan Chinh vừa nâng tỷ lệ lên 3,62% sau khi mua thêm 150.000 cổ phiếu, trong khi con gái út Lã Ngọc Đan Thanh cũng có động thái tương tự vào tháng 12/2024. Nhóm cổ đông gia đình họ Lã hiện kiểm soát gần 64,16% cổ phần công ty.

Ngoài nhóm cổ đông cá nhân này, hai tổ chức lớn là Chairatchakam Co., Ltd (Bangkok) và Aichi Hino Motor Co., Ltd, lần lượt sở hữu 24,55% và 5% cổ phần HTL. Chairatchakam, một trong những đại lý Hino lớn nhất tại Thái Lan, trở thành cổ đông chiến lược từ năm 2014 và hiện có mối quan hệ mật thiết với công ty thông qua thành viên HĐQT Sumit Petcharapyrat. Hai tổ chức này, cùng nhóm gia đình họ Lã, đã nắm giữ phần lớn cổ phần HTL, khiến nguồn cung cổ phiếu ra thị trường bị hạn chế.

Việc cơ cấu sở hữu tập trung khiến lượng cổ phiếu tự do lưu hành rất thấp. Thực tế, số cổ phiếu HTL có thể giao dịch tự do không đáng kể, khiến thị trường thiếu đi sự sôi động, ngay cả khi cổ phiếu này được đánh giá cao nhờ hiệu quả kinh doanh và chính sách cổ tức. Điều này lý giải vì sao HTL thường xuyên ghi nhận khối lượng giao dịch thấp, ngay cả trong những thời điểm giá cổ phiếu tăng mạnh.

Bài 2: Vì sao Ô tô Trường Long kinh doanh phát đạt nhưng cổ phiếu kém thanh khoản?
Diễn biến giao dịch của cổ phiếu HTL nửa tháng đầu năm 2025. Nguồn: Trung tâm Dữ liệu Kinhtechungkhoan.vn

Câu chuyện của Ô tô Trường Long không chỉ phản ánh nghịch lý giữa kết quả kinh doanh tốt và thanh khoản thấp mà còn cho thấy tầm quan trọng của cơ cấu sở hữu trong việc tạo sức hấp dẫn cho cổ phiếu. Các cổ đông lớn và tổ chức thường có xu hướng giữ cổ phiếu dài hạn để bảo vệ quyền lợi, khiến lượng cổ phiếu tự do lưu hành bị thu hẹp. Điều này có thể khiến cổ phiếu thiếu sức hút với nhà đầu tư, bất chấp doanh nghiệp có tiềm năng tăng trưởng tốt.

Trong tương lai, nếu Ô tô Trường Long có những bước đi nhằm cải thiện thanh khoản, chẳng hạn như mở rộng lượng cổ phiếu tự do giao dịch hoặc tăng vốn thu hút thêm nhà đầu tư, cổ phiếu HTL có thể giao dịch sôi động hơn trên thị trường. Tuy nhiên, điều này đòi hỏi sự cân nhắc kỹ lưỡng từ phía doanh nghiệp để cân bằng giữa lợi ích cổ đông lớn và các nhà đầu tư nhỏ lẻ.

Kiều Linh

Kiều Linh

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán
    Bài cùng chuyên mục