Bài 2: Đẩy mạnh xúc tiến mở rộng thị trường tiêu thụ

(Banker.vn) Trong bối cảnh đầu ra nông sản, đặc sản địa phương còn nhiều khó khăn, cùng với yếu tố liên kết, công tác xúc tiến thương mại là yếu tố sống còn.
Tuyên Quang: Xây dựng hệ sinh thái “khơi thông” đầu ra cho sản phẩm đặc sản địa phương Bộ Công Thương: Nhiều giải pháp thúc đẩy đầu ra cho sản phẩm đặc sản địa phương Bài 1: Đưa nông sản, đặc sản địa phương đến gần hơn người tiêu dùng

Đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại

Nếu Thái Nguyên nổi tiếng với chè; Điện Biên nổi tiếng với gạo Điện Biên, tương ớt Mường Khương; Lạng Sơn nổi tiếng với na Chi Lăng, còn tại Hà Giang sản phẩm trứ danh đó là cam sành Hà Giang, thịt trâu gác bếp;… nông sản, đặc sản mỗi địa phương, vùng miền lại có những nét đặc trưng khác nhau. Trong bối cảnh đầu ra còn nhiều khó khăn, công tác xúc tiến thương mại đã được các cơ quan chức năng “sắn tay” vào cuộc.

Quảng bá sản phẩm na Chi Lăng (Lạng Sơn) đến với người tiêu dùng Hà Nội (Ảnh: Nguyễn Hạnh)
Quảng bá sản phẩm na Chi Lăng (Lạng Sơn) đến với người tiêu dùng Hà Nội (Ảnh: Nguyễn Hạnh)

Ông Nguyễn Minh Tiến - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) – cho hay, trong thời gian vừa qua, Trung tâm đã tổ chức nhiều hoạt động hội chợ, phiên chợ nông sản, đặc sản vùng miền nhằm kết nối cung cầu giữa các địa phương, doanh nghiệp, HTX với siêu thị, cửa hàng thực phẩm, hệ thống bán lẻ hiện đại tại các thành phố lớn trong cả nước theo chuỗi giá trị nông sản với hệ sinh thái đầy đủ, khép kín, minh bạch từ khâu sản xuất, chế biến, bảo quản, thương mại và phân phối tới tay người tiêu dùng.

Đồng thời, hỗ trợ doanh nghiệp, HTX phát triển sản xuất, kinh doanh hướng nhiều hơn vào thị trường trong nước với phương châm vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" và "Hàng Việt Nam chinh phục người tiêu dùng Việt Nam"; Tuyên truyền, quảng bá thương hiệu, tôn vinh sản phẩm nông lâm thủy sản chất lượng cao, sản phẩm nông nghiệp sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn từ đó góp phần tác động tích cực đến sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông lâm thủy sản theo hướng sinh thái, bền vững, áp dụng công nghệ cao.

Cũng theo ông Nguyễn Minh Tiến, người tiêu dùng hiện nay không chỉ mua hàng qua kênh thương mại truyền thống mà còn đẩy mạnh tiêu dùng trên nền tảng thương mại điện tử, mạng xã hội… Nhằm đa dạng hoá các hình thức xúc tiến thương mại, mở ra thị trường mới, gia tăng cơ hội tiếp cận khách hàng và mang lại hiệu quả kinh tế vượt trội cho các địa phương, công tác xúc tiến thương mại đã và đang được triển khai với nhiều giải pháp.

Trong đó, tại các hội chợ, phiên chợ nông sản với điểm nhấn là hoạt động livestream bán nông đặc, sản phẩm OCOP trên nền tảng TikTok và các nền tảng mạng xã hội. Từ đó, các sản phẩm nông đặc sản các tỉnh/thành phố sẽ tạo được sự lan tỏa rộng khắp đến người tiêu dùng cả nước.

Việc chủ động các biện pháp xúc tiến thương mại, xúc tiến tiêu thụ hàng Việt nói chung và sản phẩm OCOP nói riêng sẽ tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức cho đa số người tiêu dùng Việt Nam trong việc ưu tiên lựa chọn và sử dụng hàng hóa do các doanh nghiệp trong nước sản xuất.

Đẩy mạnh hoạt động xúc tiến, tìm đầu ra bền vững đặc sản địa phương (Ảnh: Nguyễn Hạnh)
Đẩy mạnh hoạt động xúc tiến, tìm đầu ra bền vững đặc sản địa phương (Ảnh: Nguyễn Hạnh)

Đồng hành đưa sản phẩm nông sản, đặc sản địa phương đến gần hơn với người tiêu dùng, ở góc độ địa phương, ông Nguyễn Thế Hiệp - Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội – thông tin, trong thời gian qua, Sở Công Thương Hà Nội đã bám sát tình hình thực tế, triển khai nhiều giải pháp, đồng hành cùng doanh nghiệp, HTX, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm nông sản, đặc sản các địa phương vào hệ thống các siêu thị.

Đó là tuyên truyền quảng bá sâu rộng các vùng sản xuất, sản phẩm OCOP, nông sản, đặc sản của Hà Nội và các tỉnh/thành phố trên phương tiện thông tin đại chúng; thường xuyên tiến hành rà soát danh mục sản phẩm OCOP cần kết nối vào các kênh phân phối gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch TP. Hà Nội cung cấp thông tin đến các doanh nghiệp trong hệ thống phân phối để tổ chức kết nối, tiêu thụ theo nhu cầu.

Bên cạnh đó, ngành Công Thương Hà Nội tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào sản xuất và tiêu thụ sản phẩm OCOP như triển khai hệ thống truy xuất nguồn gốc, trưng bày, kết nối trên các sàn giao dịch thương mại điện tử... cho các sản phẩm OCOP.

Đặc biệt, Sở Công Thương Hà Nội cũng khuyến nghị các doanh nghiệp, siêu thị, chuỗi thực phẩm cần ký kết hợp đồng lâu dài về hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm OCOP cho các đơn vị sản xuất để yên tâm sản xuất đảm bảo số lượng, chất lượng.

Cùng với đó, Sở hướng dẫn các đơn vị cung ứng sản phẩm OCOP đưa ra các dòng sản phẩm phù hợp mẫu mã, thị hiếu người tiêu dùng, ưu tiên đẩy mạnh kết nối sản phẩm có bao gói thân thiện với môi trường.

Về lâu dài, ngành Công Thương tiếp tục tổ chức có hiệu các hoạt động xúc tiến thương mại, hội nghị giao thương, hội chợ, triển lãm, tuần hàng... để đơn vị sản xuất sản phẩm OCOP giới thiệu đến người tiêu dùng, kết nối vào các kênh phân phối, siêu thị, chuỗi thực phẩm.

Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh hỗ trợ phát triển hạ tầng thương mại (siêu thị, chuỗi cửa hàng tiện lợi, điểm kinh doanh thực phẩm an toàn...), tạo địa điểm bán, trao đổi hàng hóa, sản phẩm OCOP cố định giúp doanh nghiệp, HTX, hộ sản xuất có nơi trao đổi, mua bán hàng hóa thường xuyên; phát triển các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP rộng khắp trên địa bàn Thành phố để người tiêu dùng nhận diện, ưu tiên trong quá trình mua sắm.

Đáng chú ý, về phía các doanh nghiệp phân phối, bán lẻ cũng có nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, nhà sản xuất. Điển hình như Central Group, MM Mega Market, BRG... đã tích cực triển khai nhiều chương trình hỗ trợ quảng bá, kết nối sản phẩm OCOP của Hà Nội và các địa phương vào hệ thống phân phối của đơn vị bằng nhiều hình thức như: chiết khấu 0% cho các hộ nông dân; tổ chức các Tuần hàng OCOP, chợ phiên nông sản tại kênh phân phối...

Liên kết để đi xa hơn

Theo số liệu thống kê, hiện nay cả nước đang có trên 4.000 HTX tham gia liên kết theo chuỗi giá trị (chiếm gần 13% tổng số HTX) với các hình thức liên kết chuỗi giá trị phát triển đa dạng theo các công đoạn trong chuỗi giá trị nông sản.

Bà Cao Xuân Thu Vân - Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam - nhấn mạnh, có thể nói, để thúc đẩy tiêu thụ nông sản một cách tốt nhất và nâng cao giá trị cho nông sản Việt thì việc phát triển hiệu quả và bền vững chuỗi giá trị nông sản là vấn đề sống còn trong tái cơ cấu nông nghiệp. Điều này nhằm đáp ứng cho thị trường quốc tế đang tiếp tục mở rộng cho Việt Nam với gần 20 FTA đã ký kết và đàm phán, cũng như đáp ứng nhu cầu cho thị trường trong nước với quy mô hơn 100 triệu dân.

Để phát triển bền vững chuỗi giá trị nông sản, bà Cao Xuân Thu Vân cho rằng, rất cần đẩy mạnh phát triển, liên kết giữa các HTX với nhau. Giữa HTX với doanh nghiệp, tập đoàn, liên kết sản xuất theo mô hình sản xuất kinh doanh gắn với tập đoàn kinh tế, viện nghiên cứu, sản phẩm OCOP và các tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm, hàng hóa khác.

"Ngành nông nghiệp Việt Nam đang có được nhiều chính sách của Nhà nước hỗ trợ thúc đẩy trong nhiều lĩnh vực khác nhau, bao gồm nhóm chính sách về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, hỗ trợ giống, liên kết sản xuất tiêu thụ, chuyển đổi số, phát triển chế biến sâu, khuyến khích kêu gọi đầu tư, thuế và tín dụng đối với hoạt động xuất khẩu và tiêu dùng trong nước. Nhìn chung, về mặt chính sách hỗ trợ thúc đẩy chuỗi giá trị nông sản Việt là không thiếu. Vấn đề còn lại là năng lực và điều kiện tiếp cận của các tác nhân trong chuỗi giá trị nông sản đối với các chính sách này như thế nào, hoặc khâu chính sách nên điều chỉnh như thế nào để phù hợp với tình hình thực tế của tái cơ cấu nông nghiệp", bà Cao Xuân Thu Vân chia sẻ.

Về phía cơ quan chức năng, ông Phùng Đức Tiến – Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn – cho rằng, liên kết chặt chẽ giữa các tác nhân trong chuỗi giá trị nông sản từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ là yếu tố then chốt để nâng cao hiệu quả và đảm bảo tính bền vững. Nhà nước cần có các chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các HTX, doanh nghiệp và nông dân hợp tác với nhau. Đồng thời, việc xây dựng các chuỗi liên kết theo mô hình "từ nông trại đến bàn ăn" sẽ giúp nâng cao chất lượng sản phẩm và gia tăng giá trị gia tăng. Cùng với đó, hoàn thiện, điều chỉnh các chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển HTX nông nghiệp, đặc biệt là các HTX kiểu mới…

“Để ngành nông nghiệp Việt Nam không ngừng phát triển, nâng cao hiệu quả và phát triển bền vững trong chuỗi giá trị nông sản; góp phần xây dựng, nâng tầm nông sản Việt trên thị trường thế giới, đây là nhiệm vụ không chỉ của riêng ngành nông nghiệp mà cần có sự chung tay góp sức của toàn xã hội, từ các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp, HTX đến người nông dân”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.

Nguyễn Hạnh

Theo: Báo Công Thương