Bài 1: Làm giàu nhờ tư duy mới và nông sản địa phương Bài 1: Đưa nông sản, đặc sản địa phương đến gần hơn người tiêu dùng Tăng doanh thu cho nông sản Điện Biên nhờ ‘lên sàn’ thương mại điện tử |
Phát triển mô hình liên kết sản xuất
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lào Cai, đến hết năm 2023, Lào Cai có 47 mô hình liên kết các sản phẩm nông nghiệp giữa các doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ dân. Quy mô liên kết lên tới 11.000 ha với khoảng 12.000 hộ dân tham gia; tổng giá trị liên kết tiêu thụ đạt trên 1.200 tỷ đồng.
Lào Cai: Tăng cường kết nối, tiêu thụ sản phẩm miền núi (Ảnh: Bộ Công Thương) |
Một số mô hình, dự án liên kết theo chuỗi giá trị điển hình như: mô hình liên kết chè, quy mô trên 3.300 ha/3.000 hộ; mô hình liên kết quế, quy mô 7.850 ha/3.500 hộ; mô hình liên kết dứa 350 ha/750 hộ; mô hình liên kết chuối 175 ha/250 hộ... Bên cạnh đó, còn có mô hình liên kết theo chuỗi giá trị hiệu quả giữa hợp tác xã với các hộ dân như: Mô hình liên kết sản phẩm cá nước lạnh; mô hình liên kết sản phẩm trồng dâu nuôi tằm; mô hình trồng rau trái vụ; mô hình liên kết sản phẩm ớt...
Ngoài ra, triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, đến nay toàn tỉnh có 81 dự án liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị. Các dự án tập trung chủ yếu phát triển các ngành hành chủ lực của tỉnh (dược liệu, chè, dứa, chuối, lợn); cây ăn quả ôn đới; bước đầu hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung như: Chè 8.279 ha, dược liệu 1.031 ha, chuối 2.017 ha, dứa 2.217 ha, quế 60.487 ha, cây ăn quả ôn đới 4.507 ha...
Ông Đỗ Văn Duy - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lào Cai – cho biết, liên kết sản xuất đã dần thay đổi tư duy ỷ lại, trông chờ vào sự hỗ trợ của nhà nước của người dân. Các chủ thể chia sẻ quyền lợi, trách nhiệm với nhau, điều tiết cung cầu thị trường và truy xuất nguồn gốc sản phẩm; chủ động hơn trong việc xây dựng kế hoạch, kiểm soát được quy trình sản xuất, nâng cao hiệu quả sản xuất, đảm bảo đầu ra cho sản phẩm, giảm rủi ro về giá cả. Người dân được tiếp cận nhanh chóng với khoa học kỹ thuật, quy trình sản xuất hiện đại trong nông nghiệp; nâng cao thu nhập cho nông dân và doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, hoạt động xúc tiến thương mại cũng được đẩy mạnh trên khai, qua đó tạo cơ hội cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh quảng bá, giới thiệu sản phẩm, giao lưu tìm kiếm đối tác, kết nối cung cầu, liên kết hợp tác phát triển sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.
Các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Lào Cai được hướng dẫn, hỗ trợ nắm bắt thông tin thị trường nông sản; cập nhật thông tin về nhu cầu, xu hướng phát triển của thị trường.
Hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia tuyên truyền, quảng bá các sản phẩm của tỉnh qua môi trường mạng như: Sàn thương mại điện tử tỉnh Lào Cai, Sàn Lazada, shopee, Sendo, Tiki, nhóm zalo, facebook... Theo số liệu của Sở Công Thương tỉnh Lào Cai, hiện có 61 gian hàng, với 239 sản phẩm hàng hóa của 56 HTX trên địa bàn tỉnh được đưa lên Sàn thương mại điện tử tỉnh Lào Cai (#).
Đồng thời, tham gia trưng bày, giới thiệu các sản phẩm nông sản an toàn, sản phẩm OCOP 3, 4 sao tại 3 hội chợ, phiên chợ các tỉnh, thành phố trên cả nước. Bên cạnh đó, thực hiện thông tin, đăng ký cho các công ty, doanh nghiệp, hợp tác xã cơ sở sản xuất sản phẩm trên tỉnh Lào Cai tham gia các sự kiện, hội chợ trên cả nước. Việc tham gia các hội chợ, triển lãm đã hỗ trợ mở rộng thị trường tiêu thụ các sản phẩm nông sản và sản phẩm OCOP của địa phương. Tạo cơ hội cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất tham quan học tập, quảng bá, xúc tiến thương mại, trao đổi kinh nghiệm trong thời gian diễn ra hội chợ. Đồng thời, giao lưu tìm kiếm đối tác, kết nối cung cầu, giúp các doanh nghiệp phân phối có dịp tìm kiếm hàng hóa để liên doanh, liên kết hợp tác phát triển sản xuất; góp phần hình thành các chuỗi giá trị.
Cùng với đó, tình hình sản xuất tiêu thụ của các sản phẩm chủ lực, sản phẩm tiềm năng của tỉnh được thường xuyên theo dõi, tổng hợp hàng tháng để kịp thời kết nối, tiêu thụ khi nông sản gặp khó khăn.
Đến nay, tỉnh Lào Cai đã có 105 doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia hệ thống minh bạch thông tin, truy xuất nguồn gốc điện tử nông sản với 329 dòng nông sản an toàn được cấp mã QR CODE. Triển khai hệ thống hỗ trợ xúc tiến thương mại các sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Lào Cai đã có trên 220 doanh nghiệp/hợp tác xã/cơ sở tham gia tương tác, giới thiệu quảng bá các sản phẩm trên hệ thống với 406 dòng sản phẩm… Qua đó đã hỗ trợ tích cực cho các doanh nghiệp, nông dân trong tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp, nâng cao hiệu quả sức cạnh tranh và lợi thế sản phẩm nông nghiệp của địa phương…
Kết nối, tạo đầu ra bền vững cho nông sản địa phương
Câu chuyện kết nối thị trường, xúc tiến thương mại không chỉ cần thiết đối với hàng hóa xuất khẩu mà còn thực sự cấp thiết đối với hàng hoá trong nước nói chung và nông sản, đặc sản các địa phương nói riêng. Trong đó, các kênh bán lẻ chính là cầu nối hiệu quả giữa nhà sản xuất và người tiêu dùng.
Bà Lê Việt Nga - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) - cho hay, trong quá trình tăng trưởng của thị trường nội địa, hệ thống phân phối đã tập trung tiêu thụ hàng Việt, qua đó góp phần kích thích sản xuất trong nước. Hiện trên các kệ hàng siêu thị, cửa hàng tiện lợi, ở thành thị, nông thôn… hàng Việt luôn chiếm tỷ trọng 85 - 90%.
Năm 2024, tỉnh Lào Cai tổ chức 22 hội chợ, triển lãm thương mại trên địa bàn 9 huyện, thị xã, thành phố. Lĩnh vực ưu tiên được tổ chức hội chợ, triển lãm thương mại trong năm 2024 là các sản phẩm thực phẩm; sản phẩm cây, hoa; sản phẩm nông sản đặc hữu; các sản phẩm OCOP; sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu; ẩm thực địa phương; hàng thủ công mỹ nghệ; đồ gỗ; mây tre đan; gốm sứ; sản phẩm du lịch; sản phẩm, sản phẩm vùng miền, sản phẩm đặc trưng, hàng hóa nông sản của các địa phương trong và ngoài tỉnh; các sản phẩm hàng hóa nông sản của đồng bào dân tộc thiểu số…
Theo Sở Công Thương Lào Cai, việc tổ chức hội chợ triển lãm, mở các gian hàng giới thiệu sản phẩm, kết nối để các hợp tác xã tham gia chuỗi cung ứng đưa sản phẩm ra thị trường… là những giải pháp hiệu quả thúc đẩy mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hóa, nông sản cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Để đồng hành cùng nông dân, HTX, doanh nghiệp, ông Đỗ Văn Duy cho biết, thời gian tới, Lào Cai sẽ quan tâm đánh giá, dự báo thị trường, thường xuyên cập nhập, nắm chắc thông tin thị trường cung cầu hàng hóa nông sản. Đây là cơ sở để giúp người nông dân, doanh nghiệp nghiên cứu, điều chỉnh hướng sản xuất, kinh doanh đáp ứng nhu cầu của thị trường và chủ động tìm đầu ra cho nông sản, là cơ sở thiết lập hợp đồng dài hạn giữa người sản xuất và người chế biến, tiêu thụ sản phẩm.
Ngoài ra, địa phương tăng cường thu hút, khuyến khích các doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; hỗ trợ giới thiệu kết nối doanh nghiệp có năng lực, uy tín tham gia liên kết tiêu thụ để người dân yên tâm sản xuất. Đồng thời, tăng cường vai trò các hợp tác xã trong chuỗi theo hướng khuyến khích hợp nhất các hợp tác xã cùng lĩnh vực trên địa bàn cùng huyện hoặc tỉnh để tập trung các nguồn lực phát triển.