Bài 1: Ngăn chặn ngay từ cửa ngõ biên giới

(Banker.vn) Là địa bàn cầu nối trực tiếp, cửa ngõ kết nối Trung Quốc – ASEAN, TP. Móng Cái vẫn luôn tiềm ẩn nguy cơ buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới.
Buôn lậu động vật, sản phẩm động vật qua biên giới diễn biến phức tạp Ngành Hải quan phát hiện, xử lý 1.253 vụ việc vi phạm trong tháng 1/2024 Chuyện bây giờ mới kể: Khốc liệt cuộc chiến chống buôn lậu trên vùng biển Tăng cường kiểm soát, chống buôn lậu mặt hàng dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng

Nhận diện các thủ đoạn buôn lậu

Đường biên giới trên đất liền của Quảng Ninh với chiều dài 118,825 km, trong đó đường biên giới trên đất liền đất là 28,034 km, đường biên giới trên sông suối là 90,791 km.

Sau đợt cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại dịp trước, trong Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 nhiều gian nan. Không quản khó khăn với mục tiêu tiếp tục giữ vững địa bàn, những “người lính” trên mặt trận chống buôn lậu đang “gác cửa vùng biên” ở Quảng Ninh tiếp tục nỗ lực cho những hành trình mới.

Bài 1: Ngăn chặn ngay từ cửa ngõ biên giới
Chi cục Hải quan cửa khẩu Móng Cái kiểm tra hàng hóa

Những ngày cuối cùng của tháng 3/2024, chúng tôi có mặt tại thành phố Móng Cái, đây là cửa ngõ phía Bắc, giáp biên... Vì lẽ đó, Móng Cái vẫn là "miền đất hứa" của các đối tượng buôn lậu.

Chia sẻ với phóng viên Báo Công Thương, ông Nguyễn Cảnh Thắng, Trưởng phòng Phòng chống buôn lậu và Xử lý vi phạm (Cục Hải quan tỉnh Quảng Ninh) cho biết: Lợi dụng quy định tạo thuận lợi trong thủ tục hải quan và chính sách cho cư dân khu vực biên giới, hoạt động vận chuyển trái phép hàng hóa qua địa bàn thành phố vẫn tiềm ẩn tiếp diễn với nhiều phương thức, thủ đoạn mới.

Khi dịch Covid-19 xảy ra, phía Trung Quốc đã tiến hành xây dựng hàng rào lưới, trên hàng rào có hệ thống đèn, camera giám sát. Ngoài ra, lực lượng thực thi pháp luật của Việt Nam và Trung Quốc thường xuyên tuần tra tuyến biên giới trên đất liền và biên giới trên biển. Có thể khẳng định, các hoạt động buôn lậu, xuất nhập cảnh trái phép qua biên giới đất liền nhất là qua các đường mòn lối mở được kiểm soát chặt chẽ” - ông Nguyễn Cảnh Thắng cho hay.

Cũng theo ông Nguyễn Cảnh Thắng, sau khi mở cửa trở lại toàn bộ cửa khẩu, lối mở biên giới, đến thời điểm tháng 3/2024, hoạt động xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh tại các cửa khẩu, trên địa bàn tỉnh đã sôi động hơn. Lợi dụng tình hình này, các đối tượng buôn lậu hoạt động trở lại với nhiều thủ đoạn tinh vi hơn nhằm trốn tránh sự kiểm soát của các lực lượng chức năng.

Là đơn vị quản lý nhà nước về hải quan đối với hàng hoá xuất nhập khẩu, quá cảnh, phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh ... cũng như phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại vận chuyển trái phép hàng hoá qua biên giới trong phạm vi địa bàn hoạt động ngành Hải quan, Chi cục Hải quan Cửa khẩu Móng Cái được giao quản lý địa bàn tại khu vực TP. Móng Cái và một phần huyện Hải Hà, gồm 2 cửa khẩu, 2 lối mở, 3 điểm xuất hàng, 22 kho ngoại quan, 4 cửa hàng miễn thuế, 12 địa điểm tập kết, kiểm tra, giám sát hàng hóa xuất khẩu, 26 địa điểm kiểm tra tại cơ sở sản xuất, chân công trình, nhà máy và 17 cơ sở gia công, sản xuất xuất khẩu.

Trong đó, đối với Cửa khẩu Quốc tế Móng Cái, tại cầu Bắc Luân 1 chỉ dành cho hoạt động xuất cảnh, nhập cảnh và lối thông quan cầu Bắc Luân 2 phục vụ cho thông thương hàng hóa; Cửa khẩu phụ Ka Long chưa hoạt động trở lại sau khi được sửa chữa.

Năm 2023, Chi cục Hải quan Cửa khẩu Móng Cái đã xử lý 72 vụ, trị giá trên 2,1 tỉ đồng, phạt vi phạm hành chính 72 trường hợp với tổng số tiền 436 triệu đồng, đạt 144% chỉ tiêu về số vụ, 183% chỉ tiêu về trị giá. Trong đó, riêng tổ Kiểm soát Hải quan phát hiện bắt giữ, xử lý 30 vụ, trị giá 838,1 triệu đồng.

Bài 1: Ngăn chặn ngay từ cửa ngõ biên giới
Cán bộ hải quan sử dụng chó nghiệp vụ trong kiểm tra, giám sát phương tiện vận tải

Nhận diện những thủ đoạn của các đối tượng buôn lậu, gian lận thương mại, ông Phạm Văn Minh - Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Cửa khẩu Móng Cái cho biết: Trong khu vực cửa khẩu, lối mở, các đối tượng lợi dụng chính sách tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại, cơ chế thông thoáng trong thực hiện thủ tục hải quan điện tử để thực hiện hành vi: Không khai, khai sai tên hàng, số lượng, trị giá để gian lận thuế, trốn thuế hoặc trà trộn, cất giấu hàng hóa trên phương tiện vận tải; Lợi dụng chính sách cư dân biên giới để trà trộn, cất giấu các mặt hàng cấm, hàng có giá trị cao trong hàng hóa thông thường hoặc trong người, hành lý mang theo để thực hiện hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép qua biên giới.

"Các đối tượng thường lợi dụng tuyến biên giới dài, địa hình phức tạp, sát khu dân cư, nhiều đường mòn, bến, bãi tự phát; lợi dụng hoạt động thương mại điện tử nội địa dưới hình thức bưu chính và thời gian cao điểm… để thực hiện hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hoá qua biên giới đưa vào địa bàn hoạt động hải quan" - ông Minh cho hay.

Theo Trung tá Đỗ Đình Ninh - Phó Đồn trưởng Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Móng Cái: Mặc dù đơn vị chỉ quản lý 2,62km đường biên giới nhưng có đến 3 cửa khẩu: Cửa khẩu Bắc Luân 1, Bắc Luân 2 và cửa khẩu Ka Long. Hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại vẫn xảy ra do các đối tượng lợi dụng chính sách biên mậu dành cho cư dân khu vực biên giới để đưa hàng lậu vào nội địa tiêu thụ.

Bài 1: Ngăn chặn hàng lậu vào Việt Nam ngay từ cửa ngõ biên giới
Kiểm soát nhập cảnh tại cửa khẩu Bắc Luân 1

Các đối tượng vận chuyển hàng hóa nhỏ lẻ sau đó tập kết sâu vào trong nội địa. Các đối tượng này trà trộn với cư dân biên giới nên rất khó phát hiện” - Trung tá Đỗ Đình Ninh cho biết thêm.

Là đơn vị quản lý thị trường phụ trách địa bàn thành phố Móng Cái, ông Phạm Tiến Hùng - Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 4 (Cục Quản lý thị trường Quảng Ninh) - cho biết: Thời gian qua hàng hóa nhập lậu chủ yếu là hàng may mặc, mỹ phẩm, thực phẩm, đồ điện tử... các đối tượng trọng điểm được chúng tôi nhận định là các chủ phương tiện, người điều khiển phương tiện xe khách, xe tải thùng kín...

Trong đó phương thức, thủ đoạn mà các đối tượng thường sử dụng là cử người theo dõi hoạt động của các lực lượng chức năng khi tiến hành xuất, nhập lậu hàng hóa qua biên giới.

Đặc biệt, các đối tượng đã lợi dụng sự ưu đãi miễn kiểm tra, chính sách ưu đãi tại Khu kinh tế cửa khẩu, cửa hàng miễn thuế lợi dụng tiêu chuẩn miễn thuế đối với cư dân biên giới để vận chuyển hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng cấm qua biên giới, lợi dụng chính sách thông thoáng của Nhà nước trong biên mậu để buôn lậu, gian lận thương mại.

Cũng theo ông Hùng, hiện hàng giả lưu thông trên thị trường dưới nhiều hình thức: Giả nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp, nguồn gốc xuất xứ, hàng giả được sản xuất với công nghệ, kỹ thuật cao rất khó phân biệt như: Hàng điện tử, điện lạnh... được bày bán lén lút hoặc trà trộn với hàng thật để lừa dối người tiêu dùng.

Kịp thời ngăn chặn hàng lậu ngay từ cửa ngõ biên giới

Công tác kiểm soát tại các khu vực cửa khẩu biên giới được các lực lượng chức năng phối hợp rất chặt chẽ. Các đơn đã chủ động triển khai công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hoá.

Bài 1: Ngăn chặn ngay từ cửa ngõ biên giới
Đội quản lý thị trường số 4 yêu cầu cơ sở kinh doanh ký cam kết không kinh doanh hàng giả, hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ; không kinh doanh, bày bán hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. (Ảnh: Thu Hường)

Về vấn đề này, ông Phạm Văn Minh cho biết, ngoài các nhiệm vụ, giải pháp mang tính thường xuyên thì Chi cục đã tập trung vào 3 nội dung mang tính cốt lõi: Phân công nhiệm vụ, cá thể hoá trách nhiệm từ lãnh đạo Chi cục, các đội/tổ công tác đến công chức được giao quản lý địa bàn trên nguyên tắc “rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm”; Đẩy mạnh công tác nắm tình hình để xác định trọng điểm, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan... để kiểm soát chặt các mặt hàng trọng điểm, mặt hàng có nhu cầu tiêu thụ cao trong nội địa; tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, đưa công tác phối hợp giữa Chi cục với các lực lượng chức năng trong và ngoài ngành đi vào thực chất, nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp trong công tác phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn...

Nhờ đó, quý I/2024, Chi cục Hải quan Cửa khẩu Móng Cái đã chủ trì và bắt giữ 29 vụ, trị giá khoảng 1,4 tỷ đồng (đạt 42% về số vụ, 84% về trị giá so với chỉ tiêu được giao). Xử lý hình sự (kiến nghị khởi tố) 2 vụ với 2 đối tượng; xử lý hành chính 27 vụ chủ yếu là các hàng hóa: Đồ chơi trẻ em, giày, dép giả mạo nhãn hiệu NIKE, ADIDAS... Ngoài ra, Chi cục cũng đã phối hợp và bắt giữ: 04 vụ, trị giá 436,8 triệu đồng.

Bên cạnh đó, Bộ đội biên phòng cũng đã phát huy vai trò phối hợp với các lực lượng chức năng, qua đó đã góp phần không nhỏ vào công tác ngăn chặn hàng lậu, hàng giả, hàng nhái ngay từ cửa ngõ biên giới.

Tại khu vực cửa khẩu Hoành Mô, Thượng tá Tẩy Văn Thái - Chính trị viên Đồn Biên phòng cửa khẩu Hoàng Mô cho biết: Thời gian qua, hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua cửa khẩu biên giới thuộc phạm vi Đồn quản lý cơ bản đã được kiểm soát, các lực lượng chức năng hai bên đã tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát chặt chẽ biên giới, cửa khẩu, nhất là dịp cao điểm trước, trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.

“Đơn vị đã chủ động phòng ngừa xã hội, phòng ngừa nghiệp vụ, đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền cho quần chúng nhân dân khu vực biên giới nâng cao nhận thức pháp luật, không tham gia tiếp tay, bao che cho hoạt động buôn lậu, nhận diện phương thức, thủ đoạn hoạt động của các đối tượng, qua đó phát động sâu rộng phong trào toàn dân tham gia phòng chống tội phạm, buôn lậu” - Thượng tá Tẩy Văn Thái thông tin.

Bài 1: Ngăn chặn ngay từ cửa ngõ biên giới
Lực lượng biên phòng bắt giữ và ngăn chặn gia cầm giống nhập lậu ngay từ cửa ngõ biên giới

Từ năm 2023 đến nay, Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Ninh đã bắt giữ và xử lý 16 vụ việc với 14 đối tượng và 11 phương tiện.

Trong đó có 2 vụ hình sự với 3 đối tượng và 01 phương tiện và tang vật là 28.440 bao thuốc lá, 90.000 Nhân dân tệ. Còn lại xử phạt hành chính 14 vụ việc với số tiền xử phạt là hơn 410 triệu đồng, trị giá hàng hóa thu giữ trên 991 triệu đồng với tang vật là 1.421 lít dầu, trên 1.229 m3 cát và các sản phẩm thực phẩm không rõ nguồn gốc, không đảm bảo an toàn thực phẩm như: Giò, nầm lợn, thịt lợn, con gia cầm giống.

Nói về kết quả này, Đại tá Tô Văn Đồng - Phó Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Ninh cho biết: Thời gian qua, Đảng ủy, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh đã lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị triển khai thực hiện nghiêm quy chế, kế hoạch phối hợp với lực lượng Công an, Hải quan, Cảnh sát biển... trong công tác phòng chống tội phạm, buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa trên biên giới, cửa khẩu.

"Chúng tôi thường xuyên trao đổi thông tin tình hình, phối hợp tuần tra kiểm soát; điều tra, xác minh đối tượng, đường dây buôn lậu và xử lý theo đúng quy định; phối hợp vận động quần chúng nhân dân chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật Nhà nước, nâng cao tinh thần cảnh giác, không tham gia, tiếp tay cho buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, cửa khẩu. Kết quả trên đã góp phần đảm bảo an ninh trật tự, không để hình thành điểm nóng về buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa ở khu vực biên giới, cửa khẩu"- Đại tá Tô Văn Đồng cho biết.

Bài 1: Ngăn chặn ngay từ cửa ngõ biên giới
Bộ đội biên phòng Quảng Ninh phối hợp với các lực lượng chức năng khác phát hiện và bắt giữ nhiều vụ buôn lậu

Bộ đội Biên phòng cũng đã phối hợp với các lực lượng chức năng khác bắt giữ nhiều vụ việc với tang vật gồm: Thuốc lá điện tử, linh kiện thuốc lá điện tử, mỹ phẩm, xăng dầu, hải sản, tiền nhân dân tệ...

Có thể khẳng định, để ngăn chặn kịp thời hàng lậu, hàng giả, hàng nhái ngay từ biên giới, có sự đóng góp quan trọng của công tác hiệp đồng, phối hợp chặt chẽ của các lực lượng chức năng trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh như: Công an, Biên phòng, Hải quan, Quản lý thị trường...

Bài 2: Phát huy vai trò của các lực lượng nơi tuyến đầu

Thu Hường - Ngọc Lâm

Theo: Báo Công Thương