Bài 1: Doanh nghiệp chủ động thích ứng tiêu dùng xanh

(Banker.vn) Tại “Tuần hàng Việt Nam tại Thái Lan 2023" vừa được tổ chức hồi giữa tháng 8, sản phẩm xanh chiếm ưu thế và dễ dàng có được thiện cảm từ người tiêu dùng.
Tuần hàng Việt Nam tại Thái Lan 2023 có điểm gì mới? Kết nối cung cầu giữa doanh nghiệp Việt Nam và Thái Lan

Ấn tượng các sản phẩm xanh

Mang đến các dòng sản phẩm gồm socola và cà phê đến với Tuần hàng Việt Nam tại Thái Lan 2023, ông Hoàng Hữu Danh - Nhà sáng lập thương hiệu Miss Ede - chia sẻ với phóng viên Báo Công Thương: "Socola của chúng tôi được giữ nguyên hương vị của trái ca cao ở Tây Nguyên. Đối với cà phê, chúng tôi sử dụng nguyên liệu từ vùng canh tác đầu tiên tại Việt Nam đạt chứng nhận rừng bền vững (Rainforest Alliance) - Hợp tác xã cà phê Ea Tân, huyện Krông Năng, tỉnh Đắk Lắk".

Sản phẩm của Miss Ede tham dự Tuần hàng Việt Nam tại Thái Lan năm 2023
Sản phẩm của Miss Ede tham dự Tuần hàng Việt Nam tại Thái Lan năm 2023

Lần thứ hai mang hàng Việt Nam đến quảng bá đến người tiêu dùng Thái Lan và thế giới, ông Hoàng Hữu Danh cho biết, bên cạnh việc quảng bá các hình ảnh đa sắc, đa dạng của văn hóa mang tính bản địa và tính dân tộc của Việt Nam mà cụ thể ở đây là hình ảnh người con gái Êđê (Tây Nguyên), điều mà doanh nghiệp muốn giới thiệu tới đối tác, khách hàng ngoài câu chuyện về chất lượng sản phẩm thì đó là câu chuyện kinh doanh tạo tác động, hướng đến sự phát triển bền vững.

Ông Hoàng Hữu Danh chia sẻ, theo tính toán của các tổ chức trên thế giới, để làm ra được 1 tấn cà phê thành phẩm sẽ thải ra ngoài môi trường khoảng 3 tấn carbon.

Tuy nhiên, vùng canh tác bền vững nêu trên đã giúp doanh nghiệp giảm lượng carbon thải ra môi trường xuống gần 1 nửa. Cụ thể, việc sản xuất 1 tấn cà phê thành phẩm chỉ thải ra khoảng 1,6 tấn carbon. Doanh nghiệp đang theo đuổi chiến lược giảm phát thải để đến năm 2025 việc sản xuất 1 tấn cà phê thành phẩm chỉ thải ra ngoài môi trường khoảng 1 tấn carbon.

Hướng tới câu chuyện về cà phê cân bằng carbon cũng là cách mà doanh nghiệp này đón đầu xu thế thị trường tiêu dùng xanh.

“Để đưa hàng xuất khẩu theo đường tiểu ngạch thì không khó, nhưng để hàng hóa thâm nhập theo đường chính ngạch và lan tỏa ở một hệ thống siêu thị hiện đại, quy mô lớn thì không phải là dễ. Hy vọng, chúng tôi sẽ nắm bắt được cơ hội này và sẽ cùng với các kênh siêu thị trong và ngoài nước để tạo ra sự khác biệt”, ông Hoàng Hữu Danh chia sẻ.

Cùng tại Tuần hàng, gian hàng của tỉnh Long An quy tụ 10 doanh nghiệp với 10 màu sắc khác nhau đến từ các nhóm hàng nông sản chế biến, nông sản tươi, thực phẩm chế biến, sản phẩm thủ công mỹ nghệ,…

Bà Châu Thị Lệ - Phó Giám đốc Sở Công Thương Long An chia sẻ với phóng viên Báo Công Thương, ngay sau ngày khai mạc, các doanh nghiệp của Long An đã tiếp cận được với rất nhiều các doanh nghiệp của Thái Lan và du khách nước ngoài. Phần lớn họ đánh giá rất cao các sản phẩm của Long An.

“Do là lần đầu tiên tham gia Tuần hàng, ghi nhận của các doanh nghiệp đó là sự thành công ngoài mong đợi của họ, thị trường Thái Lan rất tiềm năng cho các doanh nghiệp cũng như sản phẩm của Long An. Sản phẩm có sự khác biệt nhất định nên đã thu hút được rất nhiều khách hàng Thái Lan. Ví dụ nem nướng, lạp xưởng, bột từ nông sản (cần tây, tía tô, mãng cầu) được khách hàng mua rất nhiều. Đáng chú ý, mặc dù đây là quốc gia trà sữa, nhưng sản phẩm trà sữa của Long An vẫn tiếp cận được người tiêu dùng Thái”, bà Châu Thị Lệ cho biết.

Cũng theo bà Châu Thị Lệ, sau khi sản phẩm đã bước đầu tiếp cận được khách hàng, các doanh nghiệp cũng muốn tiếp cận tìm hiểu thị hiếu, nhu cầu và xu hướng tiêu dùng của khách hàng tại Thái Lan để từng bước hoàn thiện sản phẩm của mình và từ đó có thể tham gia vào kênh phân phối hiện đại. Đáng chú ý, hiện các doanh nghiệp cũng đã bắt đầu chuyển biến để đáp ứng yêu cầu của thị trường về xu hướng tiêu dùng xanh.

Xu hướng bắt buộc

Rất hài lòng vì trà thơm, vị tự nhiên còn hạt sen thì ngon ngọt, hạt to chất lượng, ông Suthep Asava là một trong nhiều người Thái Lan đã "phải lòng" hàng Việt Nam ngay tại Tuần lễ hàng Việt Nam tại Thái Lan 2023 và đã quyết định mua hàng sau khi dùng thử.

Có thể thấy, những sản phẩm hướng tới tiêu dùng xanh đang được rất nhiều người tiêu dùng Thái Lan cũng như khách quốc tế khi đến Thái Lan.

Hiện đã có 19 doanh nghiệp thành công đưa sản phẩm xuất khẩu sang Thái Lan thông qua kênh bán lẻ hiện đại.

Bộ Công Thương cho biết, sản phẩm giữa Việt Nam và Thái Lan vốn có sự tương đồng. Do vậy, Bộ và các địa phương đã bàn bạc để lựa chọn các sản phẩm mang đặc trưng vùng miền, hướng tới các sản phẩm xanh để gia tăng cạnh tranh.

"Gần như phải bắt buộc đó là hướng tới xu hướng sản xuất xanh, xuất khẩu xanh. Trong nhiều kỳ triển lãm ở các nơi và tổ chức ở Thái Lan thì chúng tôi đã hướng tới xu hướng này. Dự kiến, sang kỳ thứ 7 tổ chức năm 2024, Tuần hàng sẽ chuyên về các sản phẩm xanh, hữu cơ, đảm bảo môi trường...", ông Đỗ Thắng Hải - Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết.

Với định hướng xuất khẩu mới, hướng đến các sản phẩm tiêu dùng xanh, thân thiện với môi trường, Bộ Công Thương kỳ vọng có thể gia tăng nhiều hơn nữa số lượng doanh nghiệp Việt đưa hàng ra thế giới.

Ông Olive Langlet - Tổng giám đốc Central Retail tại Việt Nam

Việt Nam đang thúc đẩy phát triển môi trường xanh và bền vững, do đó, chuỗi Tuần hàng Việt Nam tại Thái Lan sắp tới, chúng tôi sẽ hướng tới giới thiệu sáng kiến xu hướng sản xuất xanh, tiêu dùng xanh và sống xanh của Việt Nam tại thị trường Thái Lan.

Bài 2: Sản xuất, phân phối, tiêu dùng xanh: Vẫn còn nhiều khó khăn cản đường

Nguyễn Hạnh

Theo: Báo Công Thương
    Bài cùng chuyên mục