Bắc Ninh mong muốn thu hút các doanh nghiệp, nhà đầu tư tiềm năng của Thuỵ Sĩ

(Banker.vn) Tỉnh Bắc Ninh mong muốn thu hút các doanh nghiệp, nhà đầu tư tiềm năng của Thuỵ Sĩ đến hoạt động sản xuất, kinh doanh tại địa phương.
Nhà đầu tư nước ngoài đánh giá cao tiềm năng đầu tư vào lĩnh vực du lịch Các nhà đầu tư Hàn Quốc “rót” 2,34 tỷ USD vào Việt Nam trong 7 tháng Bắc Ninh: Hướng đến chủ trương “2 ít, 3 cao” trong thu hút FDI

Tốc độ tăng trưởng kinh tế ấn tượng với 13,9%/năm

Tỉnh Bắc Ninh vừa phối hợp cùng Đại sứ quán Việt Nam tại Thuỵ Sĩ; Nhịp cầu kinh doanh Việt Nam - Thuỵ Sĩ; Phòng Thương mại Thuỵ Sĩ – châu Á tổ chức Hội thảo “Bắc Ninh - Cứ điểm sản xuất của bạn tại Việt Nam” tại thành phố Zurich (Thuỵ Sĩ). Sự kiện đã thu hút sự quan tâm của nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư đến từ Thuỵ Sĩ, Đức, Ý…

Bắc Ninh mong muốn thu hút các doanh nghiệp, nhà đầu tư tiềm năng của Thuỵ Sĩ
Nhiều nhà đầu tư nước ngoài quan tâm đến môi trường đầu tư tại tỉnh Bắc Ninh

Tại sự kiện, ông Đào Quang Khải – Phó Chủ tịch tỉnh Bắc Ninh đã giới thiệu đến nhà đầu tư những cơ hội đầu tư tại tỉnh Bắc Ninh. Theo đó, sau 25 năm tái lập tỉnh, đến nay, Bắc Ninh đã cơ bản là một tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại với nhiều chỉ tiêu về kinh tế - xã hội đạt cao trong nhóm các tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước. Tính chung 25 năm, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Bắc Ninh đạt 13,9%/năm.

Là tỉnh có diện tích nhỏ nhất của Việt Nam (822,7 km2), nhưng với quy mô dân số đông, xấp xỉ 1,5 triệu người, Bắc Ninh có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng trong hệ thống Vùng Thủ đô; thuộc vùng Đồng bằng sông Hồng, là 1 trong 7 tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ. Bắc Ninh tiếp giáp Thủ đô Hà Nội; cách sân bay quốc tế Nội Bài 32 km; cách cảng biển Hải Phòng 90 km, thuận lợi cho việc giao thương hàng hóa.

Đặc biệt, Bắc Ninh cũng là điểm đến đầu tư của nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn trên thế giới. Tính đến nay, tỉnh Bắc Ninh đã cấp đăng ký đầu tư cho 1.975 dự án đầu tư nước ngoài còn hiệu lực đến từ 39 quốc gia và vùng lãnh thổ, với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 24,44 tỷ USD, đứng thứ 7 cả nước về quy mô vốn đầu tư nước ngoài. Trong đó, có 4 dự án đến từ Thuỵ Sĩ với tổng vốn đầu tư 109,34 triệu USD.

Với vị trí địa lý kinh tế thuận lợi, môi trường kinh doanh an toàn, thân thiện, hấp dẫn đã đem lại sự thành công cho các nhà đầu tư nước ngoài tại Bắc Ninh trong hơn một thập niên qua – ông Đào Quang Khải nhấn mạnh và cho biết: Tỉnh Bắc Ninh cam kết luôn đồng hành, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư trong quá trình tìm hiểu, đầu tư tại Bắc Ninh với trách nhiệm cao nhất.

Cũng đánh giá về những cơ hội đầu tư tại Bắc Ninh, ông Marco Freidl - Giám đốc Chiến lược và Phát triển Kinh doanh toàn cầu của Tập đoàn Oerlikon - doanh nghiệp mở Văn phòng đại diện tại Hà Nội năm 2017 và xây dựng nhà máy đầu tiên ở Bắc Ninh năm 2019, nhìn nhận: Bắc Ninh có một hệ sinh thái sản xuất mạnh mẽ, kết nối thuận lợi với các đối tác và khách hàng của tập đoàn.

Tại hội thảo, đại diện một số doanh nghiệp tham dự cũng chia sẻ về hoạt động rất thành công của doanh nghiệp khi đầu tư tại Việt Nam, đặc biệt là ở khu vực miền Bắc do thuận lợi về giao thông hàng hải…

Bắc Ninh mong muốn thu hút các doanh nghiệp, nhà đầu tư tiềm năng của Thuỵ Sĩ
Tăng trưởng kinh tế cao trong nhiều năm liền là "điểm cộng" để Bắc Ninh hấp dẫn đầu tư nước ngoài

Cơ hội thu hút đầu tư đến từ Thuỵ Sĩ

Về cơ hội để Việt Nam nói chung và Bắc Ninh nói riêng thu hút đầu tư đến từ Thuỵ Sĩ, ông Phùng Thế Long - Đại sứ Việt Nam tại Thuỵ Sĩ cho biết: Tháng 2 năm nay, Chính phủ Liên bang Thụy Sĩ đã ban hành Chiến lược Đông Nam Á giai đoạn 2023-2026, theo đó Chính phủ Thụy Sĩ nhận định: “Việt Nam là một nền kinh tế năng động nhất tại khu vực Đông Nam Á. Trước dịch bệnh Covid-19, tăng trưởng kinh tế hàng năm của quốc gia này trong khoảng 6% - 7%”.

Việt Nam là đối tác ngày càng quan trọng của Thụy Sĩ, kim ngạch thương mại giữa hai nước tăng gấp 3 lần trong 6 năm trước dịch bệnh. Đầu tư trực tiếp của Thụy Sĩ tại Việt Nam tăng gấp đôi trong cùng thời kỳ. Thụy Sĩ đang phấn đấu ký kết hiệp định thương mại tự do giữa Hiệp hội thương mại tự do châu Âu - EFTA (tổ chức mà Thụy Sĩ là thành viên) với Việt Nam. Và đây là cách thúc đẩy hơn nữa các điều kiện cho kinh doanh và xóa bỏ những thiệt thòi ở nước sở tại của các công ty Thụy Sĩ so với các công ty có trụ sở tại Liên minh châu Âu.

Cùng với đó, ông Phùng Thế Long cho rằng, Chính phủ Việt Nam coi trọng và xem Thụy Sĩ là một trong những đối tác quan trọng của Việt Nam tại châu Âu. Trong hợp tác đầu tư nước ngoài, Chính phủ Việt Nam ưu tiên thu hút các dự án trong các lĩnh vực công nghệ cao, đổi mới, nghiên cứu và phát triển; các dự án tạo thuận lợi cho các công ty của Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị; thúc đẩy kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn nhằm hướng tới phát triển bền vững.

Việt Nam cũng cam kết tạo môi trường kinh doanh thuận lợi nhất hướng đến các chuẩn mực của OECD (Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế), tập trung vào giữ vững ổn định chính trị xã hội và kinh tế vĩ mô; tháo gỡ những điểm nghẽn của nền kinh tế về thể chế pháp luật, hạ tầng cơ sở và nguồn nhân lực; phát triển các chuỗi cung ứng, giảm chi phí giao dịch; xây dựng chính sách ổn định, có tính dự báo cao… đây là những nền tảng quan trọng để Việt Nam hấp dẫn các nhà đầu tư đến từ Thuỵ Sĩ.

Để thu hút các nhà đầu tư đến từ Thuỵ Sĩ, ông Đào Quang Khải cho biết, thời gian tới, tỉnh Bắc Ninh sẽ tập trung thu hút đầu tư xanh, công nghiệp công nghệ cao, gắn với phương pháp quản lý, quản trị tiên tiến.

Chúng tôi cũng đang tiếp tục kêu gọi đầu tư để đưa Bắc Ninh trở thành Trung tâm sản xuất điện tử hoàn thiện hàng đầu Việt Nam, tiếp tục là động lực chính cho tăng trưởng kinh tế với Vùng phát triển công nghiệp, công nghệ cao gồm các huyện Yên Phong, Quế Võ, Lương Tài, Thuận Thành và Tiên Du – ông Đào Quang Khải cho biết và khẳng định: Để chào đón các nhà đầu tư, tỉnh Bắc Ninh sẵn sàng cung cấp mặt bằng sạch, nguồn nhân lực dồi dào, sẵn sàng cải cách, hỗ trợ các nhà đầu tư quan tâm đầu tư."

Thụy Sĩ là một trong những quốc gia Tây Âu đầu tiên công nhận và thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam từ năm 1971. Trải qua 52 năm, quan hệ hợp tác Việt Nam - Thụy Sĩ đã phát triển tích cực trên các lĩnh vực như chính trị - ngoại giao, kinh tế, hợp tác phát triển, khoa học - công nghệ, giáo dục - đào tạo.

Thụy Sĩ hiện là đối tác kinh tế quan trọng của Việt Nam tại châu Âu, đứng thứ 22/141 quốc gia và vùng lãnh thổ có nhiều dự án đầu tư nhất ở Việt Nam, tổng vốn đầu tư FDI là 1,903 tỷ USD với 206 dự án.

Nguyễn Hòa

Theo: Báo Công Thương
    Bài cùng chuyên mục