Bắc Ninh đón bằng công nhận Bảo vật quốc gia với tượng Quan Thế Âm

(Banker.vn) Ngày 4/11, tại Bắc Ninh đã diễn ra Lễ công bố và trao Quyết định công nhận Bảo vật Quốc gia đối với Tôn tượng Bồ Tát Quán Thế Âm ở chùa Cung Kiệm.
Longform | Chương trình OCOP tại Bắc Ninh: Chắp cánh đưa sản phẩm từ “làng” ra “phố” Bắc Ninh đẩy mạnh kết nối sản xuất, tiêu thụ nông sản an toàn

Bảo vật quốc gia tượng Quan Thế Âm bằng đá thời Lê Sơ, niên đại 1449, được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định công nhận vào ngày 30/1/2023.

Pho tượng Quan Âm đặt tại chùa Cung Kiệm (phường Nhân Hòa, thị xã Quế Võ, Bắc Ninh), hiện được bảo quản trong khám, đặt trên bục cao, gian bên phải tòa Thượng điện.

Bắc Ninh đón bằng công nhận Bảo vật quốc gia với tượng Quan Thế Âm
Lễ công bố và trao Quyết định công nhận Bảo vật Quốc gia đối với Tôn tượng Bồ Tát Quán Thế Âm

Pho tượng có kết cấu gồm hai phần: Thân tượng và bệ tượng. Tính đến nay pho tượng Quan Âm chùa Cung Kiệm là pho tượng đá duy nhất được tạo tác từ hai khối tách rời gồm phần thân tượng và bệ tượng.

Phần thân tượng Quan Âm được tạc trong tư thế ngồi tọa thiền bán kiết già, lộ nửa bàn chân phải. Tay trái đặt trên đầu gối trái, tay phải đưa ra phía trước, bàn tay khép hờ. Trên đầu tượng đội mũ thiên quan, mặt trước, chính giữa mũ chạm nổi họa tiết hoa sen, xung quanh điểm xuyết các họa tiết hoa mai.

Khuôn mặt tượng thon gọn, thanh tú với dáng vẻ nữ tính, nhưng vẫn toát lên vẻ từ bi của nhà Phật. Đôi mắt khép hờ, sống mũi cao, miệng mỉm cười an nhiên, thùy tai chảy dài, cổ kiêu ba ngấn. Trên mình tượng khoác hai lớp áo, trước ngực đeo dây anh lạc, chính giữa khắc hình hoa mai 9 cánh. Giữa bụng có dải lụa được thắt nút tạo thành hai dải lụa rủ xuống lòng bàn chân.

Bắc Ninh đón bằng công nhận Bảo vật quốc gia với tượng Quan Thế Âm
Pho tượng Quan Âm đặt tại chùa Cung Kiệm. Ảnh: Hiếu Trần

Tượng cao 88,7 cm gồm 2 phần chính: Phần bệ cao 36,9 cm và phần thân tượng cao 51,8 cm, tạo tác trong tư thế ngồi thiền, bán kiết già, đường nét chạm khắc tinh tế, mềm mại, tỉ mỉ, hình tượng theo truyền thuyết Quan Âm Quá Hải trong kinh Phật. Điểm độc đáo đáng chú ý là phần minh văn khắc trên tượng.

Giới nghiên cứu đã xác định có tất cả 67 chữ Hán, trong đó 39 chữ khắc trên lưng tượng và 28 chữ khắc trên bệ tượng. Phần minh văn cung cấp thông tin về niên đại tạo tác, địa chỉ, tên các tín chủ công đức. Nội dung minh văn còn cho thấy nét riêng của văn hóa tín ngưỡng, tôn giáo bản địa - “văn cung tiến”.

Pho tượng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với lịch sử Phật giáo cũng như lịch sử tạo tượng Việt Nam, là bằng chứng chính xác để chứng minh cho tín ngưỡng thờ cúng Quan Âm ở nước ta có từ rất sớm, thế kỷ 15.

Việc tượng Quan Thế Âm đá thời Lê Sơ chùa Thượng Phúc được nhận Quyết định công nhận Bảo vật Quốc gia có ý nghĩa tinh thần to lớn, góp phần nâng cao ý thức bảo tồn văn hóa tín ngưỡng và bảo vật của dân tộc.

Thanh Tâm

Theo: Báo Công Thương