Bắc Kạn: Khai thác tối đa các FTA để xuất khẩu

(Banker.vn) Thời gian qua, tỉnh Bắc Kạn đã nỗ lực khai thác các Hiệp định thương mại tự do (FTA) để xuất khẩu sản phẩm thế mạnh.
Bắc Kạn: Phát huy hiệu quả của các điểm bán và giới thiệu sản phẩm OCOP Bắc Kạn: Mở rộng thị trường cho sản phẩm nông sản thế mạnh

Xuất nhập khẩu hàng hoá có nhiều khởi sắc

Nằm ở xã Côn Minh, huyện Na Rì, tỉnh Bắc Kạn, HTX Tài Hoan được thành lập năm 2018 với ngành nghề chính là chế biến tinh bột, sản xuất và kinh doanh miến dong. Cùng với việc nâng cao chất lượng chế biến tinh bột, HTX đã chú trọng mở rộng liên kết xây dựng vùng trồng cây dong riềng chất lượng cao, đáp ứng nguyên liệu phục vụ chế biến.

Chị Nguyễn Thị Hoan - Giám đốc HTX Tài Hoan cho biết: Các sản phẩm của HTX đều được tạo nên từ tinh bột của cây dong riềng nguồn gốc rõ ràng, vùng trồng sạch, nguồn nước và khí hậu tốt, rất an toàn cho sức khỏe. Sản phẩm miến dong của HTX đạt chứng nhận sản phẩm OCOP 5 sao cấp quốc gia. Từ năm 2019, sản phẩm đã được xuất khẩu sang châu Âu.

Bắc Kạn: Khai thác tối đa các FTA để xuất khẩu
Miến dong là sản phẩm xuất khẩu chủ lực của Bắc Kạn

Sản phẩm miến dong Tài Hoan là một trong những sản phẩm chủ lực của Bắc Kạn được xuất khẩu thành công ra nước ngoài. Những năm trở lại đây, tỉnh Bắc Kạn đã tích cực tham gia tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, nhờ đó, hoạt động xuất nhập khẩu đã có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần tạo việc làm, nâng cao đời sống và thu nhập cho người dân.

Để đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu, tỉnh Bắc Kạn đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Trong đó tập trung vào phát triển sản xuất, chuyển dịch cơ cấu kinh tế; phát triển thị trường, xúc tiến thương mại; hoàn thiện chính sách thương mại, tài chính, tín dụng và đầu tư phát triển sản xuất hàng hóa xuất khẩu; nghiên cứu đánh giá trên cơ sở khoa học để xác định rõ danh mục các mặt hàng xuất khẩu thực sự có tiềm năng, có lợi thế cạnh tranh mạnh mẽ trong bối cảnh mới của thị trường thế giới nhằm định hướng cho các doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu…

Thống kê của Sở Công Thương Bắc Kạn cho thấy, 6 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất nhập khẩu của tỉnh Bắc Kạn đạt hơn 11 triệu USD, bằng 54,45% so với cùng kỳ năm 2022.

Trong đó, kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 7,5 triệu USD; kim ngạch nhập khẩu đạt trên 3,5 triệu USD. Mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là Bột ôxit kẽm, Chì thỏi thô; Đũa gỗ, Gỗ dán ép, Gỗ ván sàn; Hoa quả chế biến… Mặt hàng nhập khẩu chủ yếu: Verneer nguyên liệu; Thiết bị dùng trong sản xuất gỗ dán ép; Chế phẩm hoá học, Bột oxit chì, Hệ thống tuyển quặng, Túi giấy xỏ đũa…

Nhìn chung, thời gian qua, cơ cấu hàng xuất khẩu chuyển dịch theo hướng tích cực, tăng tỷ trọng các mặt hàng qua chế biến nhằm khai thác được tiềm năng, lợi thế để đẩy nhanh giá trị kim ngạch xuất khẩu; thị trường xuất khẩu từng bước được mở rộng, song chưa ổn định, số lượng mặt hàng xuất khẩu còn ít cả về số lượng và kim ngạch.

Nỗ lực khai thác các FTA

Giai đoạn 2021 - 2025, nhiều FTA mà Việt Nam tham gia đã có hiệu lực như: Hiệp định CPTPP, EVFTA, UKVFTA và các nước trong khối ASEAN… đã tạo cơ hội, tiềm năng cho xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam trong đó có Bắc Kạn vào các nước đối tác.

Trong bối cảnh Việt Nam tham gia các FTA ngày càng sâu rộng, tỉnh Bắc Kạn xác định việc đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến nội dung, chính sách về các FTA là rất quan trọng để các cơ quan quản lý nhà nước cũng như doanh nghiệp, người dân kịp thời nắm bắt và vận dụng linh hoạt, hiệu quả.

Theo đó, các sở, ngành, địa phương luôn quan tâm đến công tác tuyên truyền, phổ biến các nội dung chính sách của các FTA thế hệ mới cho cán bộ, công chức, viên chức, các tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là về các FTA thế hệ mới mà Việt Nam đã tham gia ký kết như: Hiệp định CPTPP, Hiệp định EVFTA, Hiệp định UKVFTA, Hiệp định RCEP…

Từ đầu năm 2023 đến nay, Bắc Kạn cũng đã tiếp và làm việc với một số đoàn là cơ quan, tổ chức quốc tế tại Việt Nam và các đoàn đến làm việc, nghiên cứu, tìm hiểu đầu tư hợp tác, triển khai các dự án do đối tác hỗ trợ cho tỉnh như: Đại sứ Cộng hòa Séc tại Việt Nam; Phó Thị trưởng UBND thành phố Hoài Nam, tỉnh An Huy, Trung Quốc; Hiệu trưởng Trường Đại học kỹ thuật Ostrava, Cộng hòa Séc; Trưởng đại diện Cơ quan hợp tác quốc tế Hàn Quốc/KOICA; Chuyên gia của Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam; Hiệu trưởng Học viện Kỹ thuật Lê Minh, Đài Loan…

Cùng với đó, tham gia các hoạt động xúc tiến đầu tư và xúc tiến thương mại quốc tế như: Hội nghị trực tuyến trao đổi, chia sẻ thông tin giữa UBND tỉnh với Đại sứ quán Việt Nam tại Hy Lạp về xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch, hợp tác nguồn nhân lực năm 2022. Sở Công Thương đã tham mưu tổ chức gian hàng của tỉnh tham gia trưng bày tại Hội chợ triển lãm “ECO-GREEN VIET NAM EXPO” – Hy Lạp với 19 sản phẩm là sản phẩm OCOP, công nghiệp nông thôn tiêu biểu và các sản phẩm đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu của 10 đơn vị tham gia trưng bày.

Trong tháng 7 năm 2023, tỉnh Bắc Kạn đã tổ chức đoàn nghiên cứu, học tập kinh nghiệm và xúc tiến thương mại, hợp tác đầu tư tại Nhật Bản nhằm quảng bá, giới thiệu về thành tựu, tiềm năng và thế mạnh phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh.

Với những lợi ích từ các FTA mang lại, trong thời gian tới, Bắc Kạn sẽ tiếp tục triển khai thực hiện các kế hoạch về các FTA mà Việt Nam đã ký kết; đồng thời, tổ chức các hội nghị, lớp tập huấn tuyên truyền, phổ biến về hội nhập kinh tế quốc tế các doanh nghiệp nắm vững các quy định đối với từng lĩnh vực hàng hóa cụ thể và cơ chế chính sách liên quan; hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu tìm hiểu thông tin xuất nhập khẩu, các thị trường tiềm năng để đẩy mạnh hội nhập kinh tế thế giới, tận dụng tối đa các ưu đãi từ các hiệp định thương mại tự do trong giai đoạn hiện nay.

Giai đoạn 2021 - 2025, Bắc Kạn phấn đấu tốc độ tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa trên địa bàn tỉnh tăng bình quân từ 10%/năm trở lên, đến năm 2025 kim ngạch xuất khẩu đạt từ 20 triệu USD trở lên.

Cơ cấu hàng hóa xuất khẩu: Nhóm hàng công nghiệp chiếm tỷ trọng cao với khoảng 90% tổng kim ngạch xuất khẩu; nhóm hàng nông sản chế biến chiếm 10%.

Các mặt hàng chủ lực: Tập trung vào các nhóm, ngành hàng có lợi thế về nguyên liệu, có giá trị gia tăng cao như các sản phẩm từ gỗ (bàn, ghế, thanh chi tiết, ván dán, đũa, thìa, dĩa gỗ dùng một lần…); nông sản đã qua chế biến tinh (miến dong, rau, củ, quả, gừng, nghệ, kiệu); khoáng sản chế biến (kim loại chì, kẽm, bột đá cacbonat...).

Lan Phương

Theo: Báo Công Thương