Bắc Giang: Đến năm 2030, đẩy mạnh xuất khẩu nông sản có giá trị cao

(Banker.vn) Đẩy mạnh xuất khẩu nông sản có giá trị cao là mục tiêu Bắc Giang đề ra tại Kế hoạch số 55/KH-SNN triển khai thực hiện chiến lược xuất khẩu hàng hóa đến năm 2030
Longform | Chung tay xuất khẩu nông sản miền núi, vùng đồng bào dân tộc Xuất khẩu nông sản sang UAE: Giá phải hấp dẫn

Nhiều nông sản Bắc Giang xuất khẩu thành công

Bắc Giang được coi là điển hình của các địa phương phía Bắc, đặc biệt là khu vực miền núi tiêu thụ thành công nhiều mặt hàng thế mạnh, đặc biệt là tiêu thụ theo con đường xuất khẩu.

Bắc Giang: Đến năm 2030, đẩy mạnh xuất khẩu nông sản có giá trị cao
Vải thiều Bắc Giang ở siêu thị Thái Lan

Lục Ngạn là huyện miền núi, cũng là địa phương thế mạnh nhất của Bắc Giang về trồng trọt và tiêu thụ nông sản. Ông Nguyễn Thế Thi – Phó Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn cho biết, Lục Ngạn là huyện miền núi có diện tích lớn nhất của tỉnh Bắc Giang. Huyện hiện có diện tích cây ăn quả lớn nhất của cả tỉnh với 28.000 ha, trong đó vải thiều là 17.357ha, các cây có múi trên 5.000 ha và các loại cây trồng khác. Huyện đang có 84 mã số vùng trồng và 173 mã số đóng gói. Đến thời điểm này, toàn huyện có 75% diện tích cây ăn quả đạt các tiêu chuẩn như VietGAP, Global GAP, hữu cơ.

Để có kết quả đó, huyện Lục Ngạn đã mất nhiều năm triển khai, quyết tâm xây dựng thương hiệu cho vùng nguyên liệu rộng lớn. Lục Ngạn đã xây dựng các cụm, đề án, kế hoạch cho các năm để khi triển khai các vùng trồng sẽ quy hoạch luôn vùng nào cho cây gì ngay từ đầu để đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn. Đồng thời xây dựng chặt chẽ mã số vùng trồng và đóng gói, thường xuyên duy trì và kiểm tra giám sát để dần dần hoàn thiện và đạt tiêu chuẩn; khi đã đạt được tiêu chuẩn rồi thì dần nâng cao hơn nữa.

Song song với cây ăn quả, Lục Ngạn cũng quản lý tốt các làng nghề truyền thống như mỳ chũ, các sản phẩm OCOP… Hiện nay Lục Ngạn có 37 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên và đang trình duyệt 2 sản phẩm vải thiều, mỳ chũ là sản phẩm OCOP đạt 5 sao. Đây là các sản phẩm có sản lượng và chất lượng rất tốt.

Để đẩy mạnh xúc tiến thương mại và quảng bá sản phẩm nông sản địa phương, Lục Ngan đãg thông qua các chương trình phát triển du lịch; thông qua người nổi tiếng và uy tín để quảng bá sản phẩm địa phương. Qua các kênh thông tin truyền thông, mạng xã hội, sàn thương mại điện tử, huyện đã tích cực quảng bá và xây dựng thương hiệu sản phẩm.

“Đây là lý do giúp nông sản của Lục Ngạn xuất khẩu thành công ra nước ngoài. Đặc biệt là trái vải thiều đã xuất khẩu thành công đến 37 thị trường trên thế giới” – ông Nguyễn Thế Thi chia sẻ.

Cùng với Lục Ngạn, theo thống kê, sản lượng nông sản chủ lực của Bắc Giang xuất khẩu ngày càng tăng. Năm 2022, các sản phẩm chính, như: Vải thiều, mỳ gạo Chũ, gạo thơm Yên Dũng, rau, củ quả đóng hộp… đạt hơn 100 nghìn tấn, riêng vải thiều tươi đạt 75,5 nghìn tấn. Trong đó, thị trường Nhật Bản, EU, Hàn Quốc đạt hơn 100 tấn, tăng gấp đôi so với vụ trước. Cùng với tăng sản lượng, đến nay, vải thiều Bắc Giang đã đến với 37 quốc gia và vùng lãnh thổ, được các thị trường khó tính như Nhật, Mỹ, EU… ưa chuộng. Năm 2022, kim ngạch xuất khẩu vải thiều đạt 116 triệu USD; rau, củ, quả các loại đạt 10 triệu USD.

Riêng với trái vải thiều, sản lượng xuất khẩu mùa vụ 2023 ước đạt gần 111,2 nghìn tấn, chiếm hơn 55% tổng sản lượng. Trung Quốc vẫn là thị trường quan trọng khi chiếm trên 98% sản lượng xuất khẩu toàn tỉnh. Ngoài ra, vải thiều Bắc Giang đã tiếp cận với 37 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Nhiều thị trường khó tính đã chấp nhận vải thiều Việt Nam: Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, EU, Qata, Úc, Thái Lan…

Thống kê của hãng hàng không quốc gia Vietnam Airline cho biết, sản lượng vải thiều tươi vận chuyển đi quốc tế của riêng hãng này đã đạt gần 90 tấn, tăng gấp đôi so với năm trước, tiếp cận 7 thị trường quốc tế như Anh, Pháp, Đức, Nhật Bản, Malaysia… Tại thị trường Hoa Kỳ, năm nay gần 20 tấn vải thiều đã được vận chuyển đến bằng đường biển để “lên sạp” những hệ thống siêu thị lớn như Safeway và Albertsons ở các tiểu bang bờ Tây. Giá bán trung bình vào khoảng 3,99 USD (tương đương khoảng 200.000 đồng).

Đặc biệt, đây cũng là năm đầu tiên vải thiều Việt Nam được cung ứng tại các hệ thống siêu thị lớn của người Mỹ thay vì bán nhỏ lẻ ở các chợ dành cho người Việt như trước đây. Điều này cho thấy, thị trường quốc tế đã có được sự chấp nhận đối với trái vải thiều Việt Nam, mở ra nhiều tiềm năng xuất khẩu nông sản này trong thời gian tới.

Hướng đến xuất khẩu bền vững, nâng cao giá trị nông sản

Dù đã đạt được một số thành công, song lượng nông sản xuất khẩu của tỉnh Bắc Giang còn khá khiêm tốn, nhất là lĩnh vực chăn nuôi. Nguyên nhân chính là do chất lượng nông sản chủ lực của Bắc Giang chưa đáp ứng được thị trường xuất khẩu; giá thành cao, việc ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, chế biến sâu hạn chế; sản xuất manh mún, thiếu tập trung…

Khắc phục những tồn tại nêu trên, cùng với cơ chế chính sách của Trung ương, thời gian qua, tỉnh cũng ban hành nhiều chính sách, cụ thể hoá định hướng phát triển sản xuất nông nghiệp theo từng giai đoạn. Điểm nhấn là Nghị quyết 401, ngày 3/4/2019 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về chiến lược phát triển nông nghiệp tỉnh Bắc Giang đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035; Nghị quyết số 07 ngày 11/7/2019 của HĐND tỉnh về quy định cơ chế, chính sách đặc thù khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2019-2025. Nhờ đó, ngành Nông nghiệp của tỉnh có nguồn lực thực hiện hiệu quả nhiều đề án phát triển vùng cây ăn quả tập trung, vùng an toàn dịch bệnh động vật, vùng thâm canh lúa chất lượng, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất.

Mới đây, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Giang đã ban hành Kế hoạch số 55/KH-SNN triển khai thực hiện chiến lược xuất khẩu hàng hóa đến năm 2030.

Kế hoạch nêu rõ, đến năm 2030, ưu tiên thu hút dự án sản xuất, chế biến nông sản hướng đến xuất khẩu gắn với vùng nguyên liệu như: Vùng chế biến rau xuất khẩu (Việt Yên, Tân Yên, Lạng Giang và Hiệp Hòa); vùng chế biến quả xuất khẩu (Lục Ngạn, Lục Nam); chế biến gỗ phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu (Sơn Động, Lục Ngạn, Lục Nam và Yên Thế); các dự án giết mổ, chế biến gia súc, gia cầm (Yên Thế, Tân Yên, Lạng Giang, TP Bắc Giang)...

Tiếp tục đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất, bảo quản, chế biến các sản phẩm nông sản chủ lực, đặc trưng của tỉnh. Hỗ trợ tạo lập, quản lý và phát triển quyền sở hữu công nghiệp cho các sản phẩm nông sản của tỉnh.

Đưa khoa học công nghệ gắn liền với sản xuất, kinh doanh sản phẩm chủ lực để nâng cao năng suất, chất lượng, đạt các tiêu chuẩn VietGap, GlobalGap để hướng tới mục tiêu xuất khẩu và tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. Từng bước ứng dụng công nghệ sinh học trong chọn tạo, nhân giống cây trồng, vật nuôi năng suất cao, chất lượng tốt; ứng dụng công nghệ tự động hóa vào sản xuất… để đưa sản phẩm xuất khẩu.

Nhờ tổng hòa các giải pháp trên, đến nay, đã có một số doanh nghiệp lớn đầu tư vào địa phương. Đơn cử như Tập đoàn Hòa Phát đầu tư khu chăn nuôi lợn theo quy trình công nghệ cao quy mô 5 nghìn lợn nái, 18 nghìn lợn thịt/lứa tại xã Long Sơn (Sơn Động); Tập đoàn Dabaco đầu tư chăn nuôi gia cầm giống, quy mô hơn 60 nghìn con tại Yên Thế…

Tỉnh đã quy hoạch, phát triển một số vùng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn, như: Vùng vải thiều gần 30 nghìn ha; vùng lúa chất lượng cao 45 nghìn ha; vùng rau chế biến, rau an toàn hơn 12,6 nghìn ha; 21 vùng chăn nuôi lợn; 33 vùng chăn nuôi gà,… Toàn tỉnh xây dựng được 205 sản phẩm OCOP, trong đó có một số sản phẩm chủ lực có thương hiệu, đáp ứng nhu cầu xuất khẩu như: Vải thiều, mỳ Chũ, nhãn, rau chế biến...

Với mục tiêu này, thời gian tới, nông sản Bắc Giang, đặc biệt là nông sản miền núi được kỳ vọng sẽ xuất khẩu đến nhiều quốc gia với giá trị cao hơn nữa.

Bảo Ngọc

Theo: Báo Công Thương
    Bài cùng chuyên mục