Trong năm 2023, ngành Ngân hàng toàn cầu phải đối mặt với nhiều thử thách do biến động kinh tế vĩ mô. Bởi thế, động thái các ngân hàng bán lẻ chú trọng tới việc phục hồi và đổi mới được xem như một tín hiệu tích cực, đặc biệt trong bối cảnh các ngân hàng Việt Nam đang đặt mục tiêu bứt phá trong năm mới. Bước vào năm 2024, những xu hướng nào sẽ mang đến dấu ấn mạnh mẽ với ngành Ngân hàng Việt Nam?
Chuyển đổi số đang trở thành ưu tiên cấp thiết trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030 theo văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII, cũng như được Thủ tướng Phạm Minh Chính phê duyệt trong khuôn khổ Chương trình "Chuyển đổi số Quốc gia đến năm 2025, định hướng đến 2030." Các ngân hàng Việt Nam cần phải làm gì để có thể bắt kịp và tận dụng cơ hội từ làn sóng đổi mới này, tạo bước nhảy vọt, vươn lên ngang tầm với các ngân hàng số quốc tế?
Thanh toán, Trí tuệ nhân tạo (AI) và ESG (Môi trường - Xã hội - Quản trị) sẽ là những xu hướng then chốt giúp thúc đẩy quá trình phát triển của ngành Ngân hàng số Việt Nam.
Thanh toán không tiền mặt
Tại Việt Nam, Samsung Pay đã được triển khai từ năm 2017 và Google Wallet ra mắt vào tháng 11/2022. Năm 2023, Việt Nam đã trở thành quốc gia thứ ba tại khu vực Đông Nam Á hỗ trợ Apple Pay, chỉ sau Malaysia và Singapore.
Cùng với đó, Chính phủ Việt Nam vừa gia hạn thời gian thí điểm tài khoản thanh toán viễn thông (telecom payment account) dùng để thanh toán cho hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ đến hết ngày 31/12/2024.
Việt Nam đã bắt đầu thí điểm hình thức thanh toán này từ ngày 9/3/2021, cho phép người dùng thực hiện nhiều giao dịch khác nhau qua tài khoản mạng viễn thông, như trả tiền hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ, chuyển tiền, nạp và rút tiền tại các điểm giao dịch của nhà mạng trên toàn quốc mà không cần sở hữu tài khoản ngân hàng, điện thoại thông minh hay kết nối internet.
Chính phủ Việt Nam đặt mục tiêu giảm tỷ lệ thanh toán bằng tiền mặt xuống còn 8% vào năm 2025. Điều này mở ra cơ hội lớn cho các ngân hàng gia tăng doanh thu từ phí dịch vụ thông qua việc cung cấp các giải pháp thanh toán đa kênh cho khách hàng và đối tác thương mại. Các giải pháp mới này có thể đóng vai trò như một "mảnh ghép" trong các dịch vụ kỹ thuật số mà ngân hàng cung cấp.
Trí tuệ Nhân tạo
Năm 2023 đánh dấu cột mốc quan trọng, khi Trí tuệ Nhân tạo (AI) trở thành tâm điểm trên quy mô toàn cầu.
Theo nghiên cứu toàn cầu gần đây mang tên "Byte-Sized Banking" (tạm dịch "Khi ngành Ngân hàng được tính theo đơn vị Byte", do Economist Impact Research và Temenos cùng thực hiện, có tới 75% người tham gia khảo sát cho rằng AI sẽ có ảnh hưởng lớn đến lĩnh vực ngân hàng và hơn 70% tin rằng việc khai thác tiềm năng của AI là yếu tố cốt lõi giúp các ngân hàng tạo ra sự khác biệt quan trọng trong tương lai.
Nền kinh tế số Việt Nam phát triển nhanh nhất Đông Nam Á trong hai năm liên tục, đang sở hữu vị thế thuận lợi để nắm bắt cơ hội, tận dụng AI để cải thiện trải nghiệm thanh toán cho cả người tiêu dùng và doanh nghiệp. Nền kinh tế số của Việt Nam dự kiến sẽ đạt tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) lên đến 20%.
Theo nghiên cứu "Byte-Sized Banking" do Economist Impact Research và Temenos cùng thực hiện, có tới 75% người tham gia khảo sát cho rằng AI sẽ có ảnh hưởng lớn đến lĩnh vực ngân hàng.
Các ngân hàng và tổ chức tài chính có thể định hình lại thị trường cạnh tranh trong ngành dịch vụ tài chính bằng cách sử dụng AI để thu hút, tăng cường kết nối với khách hàng và tối ưu hóa hiệu quả hoạt động. AI cung cấp khả năng đánh giá tín dụng nhanh chóng hơn cho cả người tiêu dùng và doanh nghiệp, đồng thời giúp quá trình thẩm định tín dụng và thu hồi nợ trở nên minh bạch và đáng tin cậy hơn.
Công nghệ này cũng tăng cường khả năng bảo vệ, phát hiện gian lận, cải thiện quy trình xử lý các khiếu nại, tranh chấp, và tự động hóa dịch vụ tư vấn tài chính.
Điều này mang lại trải nghiệm tốt hơn cho người dùng và giúp ngân hàng cung cấp các dịch vụ tài chính thông minh cho khách hàng, như xây dựng các giải pháp và các ưu đãi siêu cá nhân hóa.
ESG (Môi trường, Xã hội và Quản trị)
Việt Nam là một trong những quốc gia có khả năng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ biến đổi khí hậu, với tổn thất ước tính lên tới 523 tỷ USD, tương đương 14,5% GDP vào năm 2050. Bởi thế, việc phát triển tài chính xanh đóng vai trò quan trọng trên hành trình phát triển bền vững.
Theo một nghiên cứu mới đây thực hiện bởi Economist Impact Research, xu hướng lấy khách hàng làm trung tâm đang thúc đẩy ngành Ngân hàng tích cực tích hợp các yếu tố ESG vào sản phẩm và dịch vụ của mình (73% ngân hàng tham gia khảo sát), đồng thời cấp vốn cho những dự án thân thiện với môi trường (74% ngân hàng tham gia khảo sát). Những con số này không chỉ phản ánh một xu hướng thị trường đang trỗi dậy, mà còn mở ra cơ hội lớn cho các doanh nghiệp.
Hòa mình cùng dòng chảy phát triển toàn cầu, Việt Nam đã đề ra khung đầu tư nhằm hỗ trợ tài chính cho quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế giảm phát thải thấp.
Theo báo cáo của PWC, có tới 88% doanh nghiệp được khảo sát trong lĩnh vực tài chính đã và đang lên kế hoạch thực hiện các cam kết về ESG. Để tăng tốc, giải bài toán ESG, các tổ chức tài chính cần xây dựng kế hoạch hành động toàn diện, đồng thời tích hợp ESG vào từng khía cạnh hoạt động.
Theo một nghiên cứu mới đây thực hiện bởi Economist Impact Research, xu hướng lấy khách hàng làm trung tâm đang thúc đẩy ngành ngân hàng tích cực tích hợp các yếu tố ESG vào sản phẩm và dịch vụ của mình.
Cơ hội bứt phá trong năm Giáp Thìn 2024
Tổng kết lại, ba xu hướng chủ đạo: a) Thanh toán không tiền mặt, b) Trí tuệ Nhân tạo (AI), và c) ESG (Môi trường, Xã hội và Quản trị) đang mở đường cho những đổi mới trong thời gian tới tại Việt Nam. Năm 2024 chắc chắn sẽ mang đến nhiều cơ hội cho những ngân hàng đã sẵn sàng đón đầu thay đổi.
Trong bối cảnh châu Á - Thái Bình Dương đang bước vào giai đoạn lạm phát giảm và lãi suất thấp, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) dự báo Việt Nam có tiềm năng đạt mức tăng trưởng GDP ấn tượng 6% trong năm 2024, gấp đôi mức tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Với chiến lược và đối tác phù hợp, các ngân hàng Việt Nam sẽ có trong tay hàng loạt cơ hội lớn trong năm Giáp Thìn. Điều này đồng nghĩa chiến lược chuyển đổi số trước năm 2030 có thể sẽ đạt được trước thời hạn.
SWAPNIL DESHMUKH và ĐÀO LƯU XUÂN
Ngân hàng | 1 tháng | 6 tháng | 12 tháng |
---|