Bà Rịa – Vũng Tàu: Nhiều người bị lừa mất tiền vì tin ‘công an dỏm’

(Banker.vn) Liên tiếp trong các ngày từ 23 - 25/9, trên địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã ghi nhận 3 trường hợp bị lừa đảo với tổng số tiền là hơn 1,5 tỷ đồng.
Hà Nội: Cảnh báo thủ đoạn “giả danh công an để lừa bán sách” Hưng Yên: Ngân hàng và công an kịp thời ''chặn'' vụ giả danh Công an lừa đảo người dân Lai Châu: Nữ quái nghiện ma túy giả danh Công an lừa tiền “chạy án”

Chiêu cũ nhưng nhiều người vẫn bị lừa

Ngày 26/9, thông tin từ Công an tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho biết, thời gian qua trên địa bàn tỉnh liên tiếp xảy ra các vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng. Đáng nói, các đối tượng cùng sử dụng chiêu bài giả danh là công an để gọi điện, thực hiện hành vi lừa đảo những người dân nhẹ dạ cả tin.

Cụ thể, ngày 23/9, Công an TP. Vũng Tàu lập hồ sơ xử lý vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra trên địa bàn. Theo trình bày của bị hại, ông V.Đ.H. (sinh năm 1985, phường 7, TP. Vũng Tàu) nhận được cuộc gọi từ số 09856077…, giới thiệu là cán bộ Công an phường 7, yêu cầu hỗ trợ làm hồ sơ đăng ký dịch vụ công cho con trai. Sau đó, ông H. được tài khoản Zalo tên "Bùi Ngọc Trân" kết bạn, hướng dẫn truy cập trang mạng có địa chỉ: http://dichvucong.capnhatcutru.com và cài đặt ứng dụng trên theo hướng dẫn. Sau khi cài đặt thành công, các đối tượng yêu cầu ông H. đăng nhập tài khoản ngân hàng để chuyển tiền chi phí hồ sơ. Sau đó, ông H. phát hiện có giao dịch chuyển khoản số tiền 936 triệu đồng từ khoản ngân hàng của mình tới số tài khoản khác.

Bà Rịa – Vũng Tàu: Nhiều người bị lừa mất tiền vì tin ‘công an dỏm’
Người dân cần cảnh giác trước các cuộc gọi từ số lạ, mạo danh công an. Ảnh minh họa

Cũng tại TP. Vũng Tàu, ngày 24/9, chị V.T.P.C. (sinh năm 1983, trú phường Thắng Nhất, TP. Vũng Tàu) trình báo tới công an khu vực về việc bị các đối tượng giả danh công an gọi điện và gửi đường link để cài đặt đồng bộ giấy tờ trên cổng thông tin chính phủ, kêu gọi ủng hộ đồng bào lũ lụt. Khi chị C. mở app ngân hàng trên điện thoại thì lập tức bị chiếm quyền điều khiển và bị chiếm đoạt số tiền gần 50 triệu đồng.

Tương tự, ngày 25/9, ông L.V.H. (sinh năm 1972, trú huyện Xuyên Mộc) trình báo tới Công an huyện Xuyên Mộc về việc bị một đối tượng sử dụng số điện thoại 0942.194… gọi điện cho ông xưng là cán bộ Công an huyện Xuyên Mộc. Sau đó, đối tượng này yêu cầu ông H. kết bạn với tài khoản Zalo “Nguyễn Long”. Trên zalo, đối tượng này hướng dẫn ông H. vào đường link “dichvucong.qsgov.com” để cài đặt mã định danh mức độ 2. Ông H. cùng người nhà làm theo hướng dẫn thì bị đối tượng chiếm quyền sử dụng internet banking chiếm đoạt hơn 550 triệu đồng.

Người dân cần nâng cao cảnh giác

Đại diện Công an TP. Vũng Tàu cho biết, sau khi người dân cài đặt ứng dụng giả mạo lên điện thoại, đối tượng chiếm quyền điều khiển, sử dụng (màn hình bị tối đen, bị hại không thao tác được trên màn hình, không tắt nguồn được). Sau khi chiếm quyền sử dụng điện thoại, đối tượng truy cập vào các ứng dụng ngân hàng, ví điện tử trên điện thoại của bị hại và thực hiện giao dịch chuyển tiền để chiếm đoạt.

Bà Rịa – Vũng Tàu: Nhiều người bị lừa mất tiền vì tin ‘công an dỏm’
Công an tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tuyên truyền phòng, chống các thông tin xấu, độc, phương thức, thủ đoạn của tội phạm trên không gian mạng. Ảnh: Trí Nhân

Để chủ động phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn các phương thức, thủ đoạn của loại tội phạm trên, Công an TP. Vũng Tàu khuyến cáo: Theo quy định của pháp luật, các cơ quan chức năng không được làm việc với người dân qua điện thoại. Khi mời người dân làm việc, cơ quan chức năng phải có giấy mời, giấy triệu tập ghi rõ thời gian, địa điểm, danh tính người mời làm việc.

Người dân thực hiện dịch vụ công trực tuyến thông qua Cổng Dịch vụ công Quốc gia với tên miền duy nhất là: https://dichvucong.gov.vn/ và các dịch vụ công trực tuyến do Bộ Công an cung cấp thông qua Cổng Dịch vụ công Bộ Công an với tên miền: https://dichvucong.bocongan.gov.vn/. Các website có phần đuôi “.top”, “.cc”... đều là giả mạo.

Người dân tuyệt đối không cài đặt phần mềm, ứng dụng theo yêu cầu của các đối tượng. Người dân không cài đặt các ứng dụng từ nguồn không chính thống, chưa được xác minh trên các trang web, kho ứng dụng không chính hãng, từ các đường link lạ.

Khi nhận được cuộc gọi điện thoại hoặc tin nhắn của đối tượng giả danh công an yêu cầu đăng nhập website, tải ứng dụng, người dân cần bình tĩnh, chủ động kiểm tra, đối chiếu thông tin, tuyệt đối không làm theo yêu cầu của đối tượng lừa đảo và thông báo ngay cơ quan công an gần nhất để được hướng dẫn.

Còn theo Công an tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, các hình thức lừa đảo phổ biến hiện nay như: đầu tư trực tuyến; tham gia bán hàng online, giả danh công an, viện kiểm sát… Tuy thủ đoạn không mới nhưng nhiều người vẫn dính bẫy.

Do đó, bên cạnh công tác điều tra, xác minh xử lý các đối tượng, người dân cần nâng cao cảnh giác, biết cách tự trang bị kiến thức bảo vệ mình trước sự tấn công của tội phạm lừa đảo; biết nhận diện và phòng tránh các thủ đoạn, phương thức lừa đảo phổ biến hiện nay.

Nguyễn Ngọc

Theo: Báo Công Thương
    Bài cùng chuyên mục