Bà Rịa - Vũng Tàu: Mở rộng thị trường xuất khẩu từ các hiệp định thương mại

(Banker.vn) Các FTA thế hệ mới đã thúc đẩy kim ngạch xuất nhập khẩu của doanh nghiệp tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu tăng trưởng đáng kể, rõ rệt.
Bà Rịa – Vũng Tàu: Hiệu quả từ chuyển đổi mô hình quản lý, kinh doanh và khai thác chợ Bà Rịa - Vũng Tàu: Doanh nghiệp tư nhân Sơn Thịnh bị cưỡng chế hơn 260 tỷ đồng tiền thuế Bà Rịa - Vũng Tàu: Xả thải vượt chuẩn, Công ty Baseafood 1 bị xử phạt hơn 500 triệu đồng

Theo Sở Công Thương tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, 5 tháng đầu năm kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của tỉnh ước đạt 3.280,79 triệu USD, tăng 12,06% so với cùng kỳ. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu trừ dầu thô 5 tháng ước đạt 2.315,02 triệu USD, tăng 11,82%so với cùng kỳ.

Sở này đánh giá, hầu hết các sản phẩm xuất khẩu trong 5 tháng đầu năm đều tăng so với cùng kỳ như: Hàng thủy sản, phân bón, chất dẻo (Plastic) nguyên liệu, sản phẩm từ chất dẻo, vải, hàng dệt may... Bên cạnh đó, vẫn có các mặt hàng giảm như: Cao su giảm 4,25%; xơ, sợi dệt các loại giảm 14,46%.

Công nhân Công ty TNHH Ngọc Tùng chế biến mực xuất khẩu - Ảnh: Đông Hiếu
Công nhân Công ty TNHH Ngọc Tùng chế biến mực xuất khẩu - Ảnh: Đông Hiếu

Bà Vũ Bích Hảo, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho biết, châu Á vẫn là thị trường xuất khẩu chính, chiếm 68,04% trong tổng kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh, tăng 20,09% so với cùng kỳ, đạt 2.232,28 triệu USD. Thị trường châu Âu chiếm tỷ trọng 12,9% trong tổng kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh, tăng 30,11% so với cùng kỳ, đạt 423,08 triệu USD. Thị trường châu Mỹ chiếm 6,4% về tỷ trọng, tăng 4,98% so với cùng kỳ, đạt 209,81 triệu USD. Thị trường châu Phi chiếm 0,12% về tỷ trọng, tăng 311,54% so với cùng kỳ, đạt 4,02 triệu USD. Các thị trường khác chiếm tỷ trọng 12,55%, với 411,6 triệu USD, giảm 24,17%.

Bà Vũ Bích Hảo cho rằng, EU là một thị trường có đòi hỏi cao về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm và các hàng rào kỹ thuật. Vì vậy, các chính sách quản lý nông sản của EU nghiêm ngặt, đặc biệt các rào cản kỹ thuật của EU với nông sản thực phẩm có xu hướng ngày càng khắt khe hơn. Ngoài ra, chi phí vận chuyển và bảo quản hàng hóa xuất khẩu sang thị trường EU cao, dẫn đến giá thành sản phẩm bị tăng lên và khó cạnh tranh với hàng hóa từ những nước có vị trí địa lý gần EU.

“Tính đến nay, EU đã có tổng cộng 42 FTA đã có hiệu lực với 79 đối tác, và dành cơ chế ưu đãi GSP cho 67 nước đang và kém phát triển. Ngoài ra, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam cũng phải cạnh tranh gay gắt với hàng Trung Quốc – quốc gia xuất khẩu nhiều nhất sang EU tới thời điểm hiện tại. Trung Quốc và nhiều quốc gia đang được hưởng ưu đãi thuế quan ở EU lại có cơ cấu sản phẩm xuất khẩu tương tự Việt Nam, dẫn tới mức độ cạnh tranh cao”, Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu chia sẻ.

Cũng theo bà Hảo, việc Việt Nam ký kết và tham gia các FTA thế hệ mới có tác động lớn đến nền kinh tế thông qua việc mở rộng thị trường xuất nhập khẩu. Theo đó, kim ngạch xuất nhập khẩu sang các nước đối tác sẽ tăng, củng cố thị trường truyền thống, khơi thông nhiều thị trường tiềm năng trên cơ sở thúc đẩy quan hệ với các đối tác chiến lược kinh tế quan trọng. Kim ngạch xuất khẩu của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đi các quốc gia tham gia Hiệp định RCEP chiếm khoảng 60% tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu của tỉnh, chủ yếu là thị trường Đông Bắc Á và ASEAN. Đặc biệt, thị trường Australia đang có mức tăng trưởng đến 200%.

May ba lô, túi xách xuất khẩu tại Công ty TNHH GT Line Á Châu
May ba lô, túi xách xuất khẩu tại Công ty TNHH GT Line Á Châu - Ảnh: Trà Ngân

Từ khi EVFTA và UKVFTA có hiệu lực, kim ngạch xuất nhập khẩu của doanh nghiệp tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu tại thị trường Châu Âu và thị trường Anh có sự gia tăng đáng kể. Thị trường xuất khẩu sang các nước châu Âu năm 2023 tăng gấp đôi năm 2021, thị trường Anh Quốc tăng 65,7% chủ yếu là giày dép, dụng cụ thể thao, thủy hải sản.

Còn đối với các thị trường khác trong mạng lưới các FTA mà Viêt Nam tham gia đều có sự tăng trưởng đáng chú ý.

“Mặc dù thị trường Australia, Châu Âu và thị trường Anh chưa phải là thị trường xuất khẩu lớn của tỉnh, nhưng với tiềm năng, lợi thế và định hướng trong hút đầu tư, thương mại thì việc thực thi có hiệu quả EVFTA, UKVFTA, Hiệp định RCEP, tỷ trọng xuất nhập khẩu đối với các thị trường này trong tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của doanh nghiệp tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu sẽ có sự thay đổi tích cực trong thời gian tới”, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu kỳ vọng.

Để hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu phát triển thị trường trong gia đoạn đến 2030, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho biết, Sở sẽ tiếp tục đẩy mạnh thực hiện 3 đột phá chiến lược: Đào tạo nguồn nhân lực, thể chế, phát triển hạ tầng, nhất là hạ tầng về giao thông để giảm chi phí logistics; hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng ưu đãi từ các FTA; thực hiện có hiệu quả hiệp định CPTPP và các Hiệp định thương mại tự do khác như EVFTA, UKVFTA.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh việc xúc tiến thương mại, kết nối thường xuyên với các cơ quan đại diện ngoại giao, Tham tán thương mại Việt Nam tại nước ngoài; Liên hệ, trao đổi thông tin với Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công Thương) để nắm bắt thông tin về các thị trường xuất khẩu nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu của tỉnh. Hỗ trợ phát triển, tiếp cận thông tin thị trường xuất nhập khẩu, thông tin chính sách, tiêu chuẩn kỹ thuật của các thị trường nước ngoài.

Cùng với đó, triển khai Đề án chương trình xuất khẩu hàng hóa đến năm 2025 và Chiến lược xuất nhập khẩu đến năm 2030; Đề án “Thúc đẩy Doanh nghiệp Việt Nam tham gia trực tiếp vào các mạng lưới phân phối hàng hóa tại thị trường nước ngoài”; Chương trình hội nhập năm 2024.

Trong đó trọng tâm là đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh. Hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số, lãi suất và vốn tín dụng, đổi mới khoa học công nghệ, máy móc thiết bị, sản xuất xanh và phát triển bền vững.

Nguyễn Ngọc

Theo: Báo Công Thương
    Bài cùng chuyên mục