Bà Rịa – Vũng Tàu đề xuất phát triển Khu thương mại tự do, loạt doanh nghiệp Logistic “ngỏ ý” làm Cảng Cái Mép Hạ

(Banker.vn) UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đề xuất phát triển Khu thương mại tự do (FTZ – Free Trade Zone) tại Cái Mép Hạ giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, một số doanh nghiệp đã đề xuất làm Cảng Cái Mép Hạ như: Gemadept (GMD), Liên doanh Besix – Boskalis – Hateco, Công ty CP IMG Innovations, Liên doanh Geleximco – SCIC – ITC,…

UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đề xuất phát triển Khu thương mại tự do tại Cái Mép Hạ

Việc xây dựng Khu thương mại tự do (FTZ – Free Trade Zone) tại khu vực Cái Mép Hạ, gắn liền với cảng biển, được xem là một chiến lược quan trọng nhằm hoàn thiện hạ tầng logistics tại vùng Đông Nam Bộ. Trong đó, sớm hình thành Khu thương mại tự do Cái Mép Hạ kết nối với Cảng hàng không quốc tế Long Thành, cảng biển nước sâu Cái Mép - Thị Vải một cách đồng bộ, tạo ra lợi thế cạnh tranh tuyệt đối của quốc gia...

Đây là một trong những nội dung nổi bật được Bí thư Tỉnh ủy Bà Rịa - Vũng Tàu, ông Phạm Viết Thanh, trình bày trong phiên toàn thể của Diễn đàn Logistics Việt Nam 2024, tổ chức vào ngày 2/12/2024.

Bà Rịa – Vũng Tàu đề xuất phát triển Khu thương mại tự do, loạt doanh nghiệp Logistic “ngỏ ý” làm Cảng Cái Mép Hạ
Việc hình thành khu thương mại tự do gắn với cảng biển tại khu vực Cái Mép Hạ, chính là một bước đi chiến lược để hoàn thiện hạ tầng logistics Vùng Đông Nam Bộ.

Theo ông Phạm Viết Thanh, chủ đề của diễn đàn năm nay - "Khu thương mại tự do - giải pháp đột phá thúc đẩy tăng trưởng logistics" - mang ý nghĩa đặc biệt đối với Đông Nam Bộ cũng như các địa phương đang định hướng phát triển Khu thương mại tự do trên cả nước. Bà Rịa - Vũng Tàu với vị trí chiến lược là cửa ngõ hướng ra Biển Đông, sở hữu nhiều điều kiện tự nhiên thuận lợi, được kỳ vọng trở thành trung tâm logistics hàng đầu khu vực.

Khu thương mại tự do là khu vực do nhà nước xác định, hàng hóa của nước ngoài có thể đem đến xử lý, chế biến, chia tách, đóng gói, gia công mà không chịu thuế xuất nhập khẩu. Các Khu thương mại tự do thường được tổ chức xung quanh các cảng biển chính, sân bay quốc tế và biên giới quốc gia - những vùng có nhiều lợi thế về thương mại.

Trong những năm qua, với sự quan tâm của Trung ương, hạ tầng giao thông vùng Đông Nam Bộ và liên vùng ngày càng được hoàn thiện. Cùng với đó, các dự án lớn như Cảng hàng không quốc tế Long Thành và cảng biển nước sâu Cái Mép - Thị Vải đang được phát triển theo hướng hiện đại, trở thành trung tâm logistics quốc gia và quốc tế với tiêu chí “cảng xanh, logistics xanh”.

Do đó, việc hình thành Khu thương mại tự do gắn với cảng biển tại khu vực Cái Mép Hạ, chính là một bước đi chiến lược để hoàn thiện hạ tầng logistics Vùng Đông Nam Bộ.

Trong đó, sớm hình thành Khu thương mại tự do Cái Mép Hạ kết nối với Cảng hàng không quốc tế Long Thành, cảng biển nước sâu Cái Mép - Thị Vải một cách đồng bộ, tạo ra lợi thế cạnh tranh tuyệt đối của quốc gia để làm mới động lực cũ, tạo ra động lực mới trong thu hút đầu tư thế hệ mới trong không gian dịch vụ - công nghiệp - đô thị trên trục hành lang kinh tế Đông Tây từ Mộc Bài đến Cái Mép - Thị Vải.

"Miếng bánh" thu hút nhiều tập đoàn kinh tế lớn

Theo Chứng khoán Rồng Việt, phát triển Khu thương mại tự do sẽ tiết kiệm được thời gian luân chuyển hàng hóa, tiết kiệm chi phí vận chuyển cho chủ hàng. Giải quyết vấn đề hiện có, đó là cụm cảng Cái Mép – Thị Vải (CM – TV) đang thiếu khu vực Logistics hậu cảng và hệ sinh thái dịch vụ hỗ trợ.

Bà Rịa – Vũng Tàu đề xuất phát triển Khu thương mại tự do, loạt doanh nghiệp Logistic “ngỏ ý” làm Cảng Cái Mép Hạ
Cảng Cái Mép Hạ là cảng trung chuyển nước sâu có vị trí thuận lợi bậc nhất Đông Nam Á

Phần lớn lượng hàng hóa XNK vẫn đang thực hiện các công đoạn khai thác như đóng container, kiểm định, khai quan... tại cảng ICD ở các tỉnh khác, sau đó vận chuyển bằng sà lan đưa lên tàu mẹ tại khu vực CM-TV.

Một trong những ưu điểm nổi bật nhất của FTZ là chính sách miễn thuế xuất nhập khẩu, tạo điều kiện thuận lợi cho luân chuyển hàng hóa. Cụ thể, hàng hóa xuất khẩu từ FTZ ra nước ngoài, nhập khẩu từ nước ngoài vào FTZ và giao dịch giữa các khu FTZ đều được miễn thuế hoàn toàn. Hàng hóa từ FTZ chỉ phải chịu thuế xuất nhập khẩu khi có giao dịch với khu vực tiêu dùng nội địa. Bên cạnh đó, hàng hóa trong FTZ có thể được lưu trữ vô thời hạn mà không chịu áp lực về thuế hoặc thời gian lưu kho.

Việt Nam đang là điểm đến của các nhà sản xuất trên thế giới nhờ ưu thế về nhân công giá rẻ và chính trị ổn định. Do đó, việc hình thành Khu thương mại tự do Cái Mép Hạ gắn với hành lang công nghiệp - đô thị Đông Tây (dài gần 300km) từ Mộc Bài (Tây Ninh) là hướng đi cần thiết, sẽ mở ra dư địa tăng trưởng rất lớn đối với ngành cảng biển.

Theo VDSC Research, một số doanh nghiệp đã đề xuất làm Cảng Cái Mép Hạ như: Gemadept (GMD), Liên doanh Besix – Boskalis – Hateco, CTCP IMG Innovations, Liên doanh Geleximco – SCIC – ITC, Công ty CP XNK Quốc tế Tân Đại Dương và Sun Group.

Ngoài ra, các công ty niêm yết hiện đang sở hữu cảng nước sâu tại CM – TV như GMD (Gemalink) và SGP (CMIT – SSIT) cũng được hưởng lợi từ xu hướng phát triển này.

Trên thị trường quốc té, Khu thương mại tự do là mô hình khá phổ biến, được triển khai hiệu quả tại nhiều quốc gia tại khu vực Châu Á. Qua đó, đưa những quốc gia này trở thành trung tâm hàng hóa toàn cầu

Bà Rịa – Vũng Tàu đề xuất phát triển Khu thương mại tự do, loạt doanh nghiệp Logistic “ngỏ ý” làm Cảng Cái Mép Hạ
Cảng Thượng Hải (Trung Quốc) là cảng sôi động với sản lượng thông quan lớn nhất thế giới.

Cụ thể, Thượng Hải (Trung Quốc) được thí điểm thành lập FTZ vào năm 2013, nhằm thu hút thêm đầu tư nước ngoài, thúc đẩy thương mại và hội nhập khu vực. Thượng Hải được chọn vì vị trí địa lý thuận tiện cho giao thương và có hoạt động kinh tế phát triển hơn đáng kể so với các thành phố lớn khác. Đến nay, Cảng Thượng Hải là cảng sôi động với sản lượng thông quan lớn nhất thế giới.

Trong khi đó, gần 70% GDP của Singapore đến từ thương mại quốc tế, trong đó FTZ đóng vai trò chủ chốt trong việc thúc đẩy các hoạt động thương mại và đầu tư. Singapore đang có 10 khu FTZ, giúp nâng tầm vị thế của Singapore trở thành trung tâm trung chuyển lớn nhất thế giới. Singapore là cảng container nhộn nhịp thứ hai trên thế giới và là trung tâm trung chuyển lớn nhất, xử lý khoảng 1/5 lưu lượng trung chuyển container trên thế giới.

Nhờ các FTZ và chiến lược thương mại tự do, Singapore đã chuyển mình từ một quốc gia nghèo tài nguyên sang một trung tâm kinh tế toàn cầu chỉ trong vài thập kỷ.

Bên cạnh đó, Tanjung Pelepas, Port Klang… là những FTZ lớn ở Malaysia. Hiện nay, 10 khu FTZ ở Malaysia đều có vị trí chiến lược gần các cảng, sân bay, đường cao tốc và đường sắt lớn. Vị trí chiến lược này cho phép vận chuyển hàng hóa và nguyên liệu một cách liền mạch, giảm thiểu thời gian vận chuyển. Trong năm 2023, hai cảng Port Klang và Tanjung Pelepas lần lượt được xếp hạng thứ 12 và 19 thế giới về sản lượng thông quan.

Đi kèm với những lợi ích to lớn, FTZ cũng tiềm ẩn một số rủi ro như: nguy cơ trở thành kho lưu trữ, phân phối hàng nhái, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và nguy cơ trở thành điểm trung gian cho các các doanh nghiệp buôn lậu, lẩn tránh các chính sách, pháp luật về thuế.

Bà Rịa - Vũng Tàu: Tổng vốn thu hút đầu tư trong và ngoài nước tăng mạnh

Bà Rịa - Vũng Tàu đang chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của cộng đồng doanh nghiệp với số lượng doanh nghiệp tăng gấp ...

Tiến Nam

Tiến Nam

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán
    Bài cùng chuyên mục