Ba ngân hàng quốc doanh tăng mạnh trích lập dự phòng

(Banker.vn) Ba ngân hàng quốc doanh trên sàn công bố báo cáo tài chính quý II với nhiều khác biệt nhưng điểm chung là chi phí dự phòng đều tăng cao. Đây cũng là nguyên nhân khiến lợi nhuận của VietinBank (HoSE: CTG) và Vietcombank (HoSE: VCB) giảm dù các mảng kinh doanh vẫn tăng trưởng.

VietinBank lãi trước trích lập 9.896 tỷ đồng, cao hơn 48% so với quý II/2020. Tuy nhiên, chi phí dự phòng rủi ro tăng 2 lần ở mức 7.106 tỷ đồng, khiến lãi trước thuế giảm 38% xuống 2.790 tỷ đồng. Con số này chỉ bằng một nửa so với ước tính 5.000 tỷ đồng, từng được lãnh đạo ngân hàng đưa ra tại hội nghị sơ kết 6 tháng. Dù vậy, lãi 6 tháng của ngân hàng vẫn tăng 45% đạt 10.850 tỷ đồng.

Thông tin từ ngân hàng cũng đề cập số tiền được trích lập vào cuối quý II đã vượt trên nhiều so với mức quy định cho năm 2021, nhằm gia tăng quỹ dự phòng rủi ro, nâng cao tỷ lệ bao phủ nợ xấu kiểm soát chất lượng tín dụng.

Tương tự tại Vietcombank, ngân hàng lãi trước trích lập 7.941 tỷ đồng, tăng gần 7% trong quý II. Tuy nhiên, chi phí dự phòng hơn 3.226 tỷ đồng, tăng 74%, kéo lợi nhuận trước thuế giảm 16%, còn 4.716 tỷ đồng. Lũy kế 6 tháng, con số này ở mức 13.021 tỷ đồng, tăng 22%.

Lợi nhuận trước thuế 3 ngân hàng quốc doanh và thay đổi so với cùng kỳ năm trước (Nguồn: BCTC)

Tại phiên họp thường niên 2021, lãnh đạo Vietcombank từng chia sẻ ngân hàng sẽ chủ động trích lập dự phòng toàn bộ nợ tái cơ cấu trong năm nay mà không cần giãn 3 năm theo Thông tư 03 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN).

BIDV (HoSE: BID) cũng là ngân hàng "mạnh tay" trích lập trong quý II khi chi phí dự phòng tăng 90%, ở mức 8.251 tỷ đồng. Dù vậy lợi nhuận trước thuế của BIDV vẫn tăng 86%, đạt 4.726 tỷ đồng, nâng con số 6 tháng lên 8,122 tỷ đồng.

Trong 3 ngân hàng quốc doanh, BIDV luôn là đơn vị phải trích dự phòng lớn nhất mỗi năm, con số này vượt nhiều lần lợi nhuận trước thuế. Hai năm gần đây, dưới thời Chủ tịch Phan Đức Tú, nhà băng này đang nỗ lực cơ cấu và xử lý tài sản từ quá khứ.

Tại Hội nghị trực tuyến toàn ngành về công tác tín dụng, ông Nguyễn Văn Du, Quyền Chánh thanh tra giám sát ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước từng khuyến nghị các tổ chức tín dụng, nếu cảm thấy có năng lực tài chính tốt có thể trích lập dự phòng nợ xấu nhiều hơn so với quy định tại Thông tư 03, thậm chí có thể trích lập ngay 100% trong năm nay. Đây cũng chính là lý do nợ xấu của một số ngân hàng tăng.

Linh Đan

Theo Tạp chí Kinh tế Chứng khoán Việt Nam

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán
    Bài cùng chuyên mục