Bà Đinh Thị Tố Uyên được tái bổ nhiệm chức Phó Tổng Giám đốc MSB

(Banker.vn) Bà Đinh Thị Tố Uyên gia nhập MSB từ tháng 5/2015 và giữ chức vụ Giám đốc Khối Marketing & Truyền thông, Giám đốc Khối Chiến lược. Tháng 4/2022, bà Uyên được bổ nhiệm giữ chức vụ Phó Tổng Giám đốc MSB – Giám đốc Khối Chiến lược.

Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (MSB, HOSE: MSB) vừa có quyết định tái bổ nhiệm bà Đinh Thị Tố Uyên giữ chức vụ Phó Tổng Giám đốc MSB - Giám đốc Khối Chiến lược. Quyết định bổ nhiệm có thời hạn ba năm, kể từ ngày 17/2/2024.

Bà Đinh Thị Tố Uyên được tái bổ nhiệm chức Phó Tổng Giám đốc MSB
Bà Đinh Thị Tố Uyên. (Nguồn: MSB)

Bà Đinh Thị Tố Uyên là Cử nhân Kinh tế tại Trường Đại học Ngoại Thương. Bà đã có hàng chục năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Marketing & Truyền thông, đã nắm giữ các vị trí cao cấp tại các tổ chức quốc tế trong và ngoài nước như: Giám đốc Marketing và Thương hiệu Techcombank; Giám đốc Marketing & Phát triển Kinh doanh British Petroleum (BP); Trưởng Phòng Marketing Shell Gas Vietnam …

Được biết, bà Uyên gia nhập MSB từ tháng 5/2015 và giữ chức vụ Giám đốc Khối Marketing & Truyền thông, Giám đốc Khối Chiến lược. Tháng 4/2022, bà Uyên được bổ nhiệm giữ chức vụ Phó Tổng Giám đốc MSB – Giám đốc Khối Chiến lược.

Hiện Hội đồng Điều hành của MSB đang có 16 thành viên, trong đó ông Nguyễn Hoàng Linh giữ chức Tổng Giám đốc.

Về tình hình kinh doanh tại MSB, trong quý 4/2023, mảng kinh doanh cốt lõi của ngân hàng là thu nhập lãi thuần đem về cho MSB gần 2.383 tỷ đồng, tăng 14% so với cùng kỳ năm trước.

Đối với các nguồn thu ngoài lãi tại MSB có sự tăng trưởng không đồng đều. Trong đó, lãi từ mua bán chứng khoán ghi nhận đạt hơn 281 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái lỗ hơn 129 tỷ đồng. Lãi thuần từ dịch vụ mang về cho MSB hơn 281 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ.

Ở chiều ngược lại, thu nhập từ hoạt động khác lỗ hơn 265 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi 329 tỷ đồng. Lãi từ kinh doanh ngoại hối cũng giảm tới 63%, ghi nhận đạt 41 tỷ đồng.

Trong kỳ, chi phí hoạt động tại MSB tăng 9% lên 1.787 tỷ đồng, kéo theo lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh cũng giảm 9% xuống còn 934 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, trong bối cảnh nợ xấu tăng cao, MSB dành ra gần 328 tỷ đồng để dự phòng rủi ro tín dụng, cao gấp tới 4,7 lần so với quý 4/2022. Theo đó, do tăng mạnh trích lập dự phòng rủi ro, kết quả MSB chỉ lãi trước thuế gần 607 tỷ đồng, giảm 37% so với cùng kỳ năm trước.

Lũy kế cả năm 2023, MSB lãi trước thuế gần 5.830 tỷ đồng, tăng nhẹ 1% so với năm trước. Theo đó, ngân hàng này mới chỉ thực hiện được 93% mục tiêu kế hoạch đề ra cho cả năm 2023 là 6.300 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế.

Tại thời điểm ngày 31/12/2023, tổng tài sản của MSB đạt 267.005 tỷ đồng, mở rộng 25% so với thời điểm hồi đầu năm. Trong đó cho vay khách hàng tăng 24% so với cùng kỳ, đạt 149.145 tỷ đồng, MSB giảm dần tỷ lệ cho vay bất động sản trong danh mục cho vay khách hàng doanh nghiệp khi tỷ trọng này giảm từ mức 13,5% năm 2022 xuống 12,2% năm 2023.

Trong khi đó, tiền gửi khách hàng tăng đến 13%, ghi nhận đạt 132.350 tỷ đồng. Trong đó, tiền gửi có kỳ hạn đạt 97.000 tỷ đồng, tăng 21%; tiền gửi từ khách hàng cá nhân khoảng 76.000 tỷ đồng trong năm 2023, chiếm 57% tổng danh mục, tăng 26%; số dư CASA chiếm 26,54% tổng huy động vốn.

Về chất lượng tài sản, tổng nợ xấu tính đến 31/12/2023 của MSB ghi nhận 4.280 tỷ đồng, cao gấp đôi đầu năm. Trong đó, nợ nghi ngờ tăng mạnh nhất với 222% lên 1.441 tỷ đồng, nợ dưới tiêu chuẩn và nợ có khả năng mất vốn cũng tăng lần lượt 67% và 79%. Kéo theo tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay tăng từ mức 1,71% đầu năm lên 2,87%.

MSB báo lợi nhuận quý 4 "lao dốc" 37%, chất lượng tài sản đáng quan ngại, nợ xấu nhóm 5 vọt tăng gần 80%

Trong bối cảnh nợ xấu tăng cao, MSB buộc phải tăng mạnh trích lập dự phòng rủi ro tín dụng. Đây cũng là nguyên nhân ...

MSB chốt ngày họp ĐHĐCĐ thường niên 2024

Ngày 6/2, Ngân hàng TMCP Hàng Hải (MSB, HOSE: MSB) đã có thông báo về ngày tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên ...

Cao Hậu (T/H)

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán
    Bài cùng chuyên mục