Phối cảnh Dự án Aqua City Hoằng Hóa tại xã Hoằng Đức và thị trấn Bút Sơn, huyện Hoằng Hóa. |
Mới đây, UBND tỉnh Thanh Hóa đã lựa chọn Công ty CP Địa ốc và Xử lý môi trường RIG Group (viết tắt là RIG Group) là nhà đầu tư thực hiện dự án Khu đô thị sinh thái ven sông Hoằng Hóa (Khu đô thị Aqua City Hoằng Hóa), huyện Hoằng Hóa.
Đây là dự án có tổng vốn đầu tư hơn 1.500 tỷ đồng, tổng diện tích đất khoảng 47,68 ha. Aqua City Hoằng Hóa được đầu tư xây dựng trên địa bàn xã Hoằng Đức và thị trấn Bút Sơn (huyện Hoằng Hóa), bao gồm hơn 1.100 lô đất được xây dựng nhà ở, trong đó, có 306 lô đất ở liền kề, 83 lô nhà ở dạng nhà vườn và 22 lô nhà ở biệt thự được xây dựng thô và hoàn thiện mặt trước.
Ngoài ra, dự án có số lô không thực hiện phần thô và hoàn thiện mặt trước gồm: 639 lô đất ở liền kề, 33 lô đất ở biệt thự, 24 lô đất tái định cư.
Thời hạn hoạt động của Aqua City Hoằng Hóa không quá 50 năm, người mua nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất được sử dụng đất ổn định, lâu dài. Tiến độ thực hiện dự án là 5 năm, kể từ ngày phê duyệt kết quả lựa chọn nhà đầu tư hoặc chấp thuận nhà đầu tư, dự kiến từ quý II/2022 đến quý II/2027.
Trước khi giành chiến thắng tại dự án hơn 1.500 tỷ đồng, RIG Group đã phải vượt qua 2 đối thủ khác là Liên danh Công ty CP Đầu tư xây dựng đô thị số 1 - Công ty CP Đầu tư xây dựng và cơ điện IEC và Liên danh Newtatco - Tây Hồ View (thành viên đại diện là Công ty TNHH MTV Ứng dụng Công nghệ mới và Du lịch - Newtatco).
Theo tìm hiểu của phóng viên, đằng sau sự lớn mạnh của RIG Group là một nhóm cổ đông giàu tiềm lực.
'Cuộc chơi' địa ốc của giới kinh doanh phế liệu
Tiền thân của RIG Group ngày nay là Công ty CP Xây dựng địa ốc Sài Gòn R.I.G, được thành lập ngày 12/8/2020, vốn điều lệ 225 tỷ đồng. Tháng 5/2021, doanh nghiệp tiến hành đổi tên, đồng thời chuyển trụ sở chính từ Đại lộ Lê Lợi sang Khu đô thị Bình Minh, thuộc phường Đông Hương, TP. Thanh Hóa. Vốn điều lệ khi đó được tăng hơn 2 lần lên 500 tỷ đồng.
Tuy vậy, vị trí Tổng giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật của RIG Group không thay đổi, vẫn là bà Hoàng Thị Quyên, nữ doanh nhân sinh năm 1990, trú tại tỉnh Bình Dương. Bà Quyên là 1 trong 3 cổ đông sáng lập của doanh nghiệp, sở hữu 30% cổ phần; còn lại thuộc về 2 cá nhân họ "Hoàng" khác là ông Hoàng Văn Vình (15%) và ông Hoàng Văn Tuyên (55% cổ phần).
Tháng 12/2021, RIG Group tiếp tục nâng vốn điều lệ gấp đôi lên 1.000 tỷ đồng. Trước đó, vào cuối tháng 8/2021, UBND tỉnh Thanh Hoá cho phép RIG Group tài trợ kinh phí lập quy hoạch dự án Aqua City Hoằng Hóa nếu doanh nghiệp này quan tâm.
RIG Group mang đậm sắc thái của một doanh nghiệp dự án, đăng ký hoạt động chính lĩnh vực kinh doanh bất động sản, quyền sử dụng đất thuộc chủ sở hữu, chủ sử dụng hoặc đi thuê.
Trong hai năm đầu thành lập (2020-2021), doanh nghiệp gần như "ngủ đông" khi không phát sinh doanh thu thuần (2020), hoặc có nhưng cũng rất khiêm tốn, chỉ với 1 tỷ đồng (2021). Lợi nhuận theo đó cũng mang tính "tượng trưng", năm 2020 báo lãi sau thuế 456 nghìn đồng; năm 2021 tăng lên 237 triệu đồng.
RIG Group có lẽ là "cuộc chơi" bất động sản của nhóm doanh nhân chuyên kinh doanh phế liệu, xử lý chất thải khu công nghiệp. "Sợi dây" liên kết thể hiện qua ông Hoàng Văn Tuyên, 1 trong 3 cổ đông sáng lập của RIG Group.
Bình Dương là thị trường giàu tiềm năng đối với doanh nghiệp chuyên thu mua phế liệu, xử lý chất thải công nghiệp... |
Theo đó, ông Tuyên là "ông chủ" của Công ty TNHH MTV Thiên Phúc Vinh, doanh nghiệp hơn 12 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực thu mua phế liệu, xử lý chất thải, có địa chỉ tại tỉnh Bình Dương - địa phương dẫn đầu cả nước về phát triển khu công nghiệp, ước tính hơn 50 khu, cụm công nghiệp được xây dựng trên quỹ đất hơn 11.000ha.
Hoạt động lâu năm ở một thị trường giàu tiềm năng, Thiên Phúc Vinh ghi nhận doanh thu hàng trăm tỷ đồng mỗi năm. Nổi bật là 2019, thời điểm doanh nghiệp mang về đến 327 tỷ đồng doanh thu, chủ yếu từ kinh doanh phế liệu, cao nhất trong vòng nhiều năm qua.
Sau đó, dịch bệnh Covid-19 bùng phát đã gây ảnh hưởng lớn đến tình hình làm ăn của doanh nghiệp, việc các khu công nghiệp đóng cửa, hoạt động cầm chừng khiến doanh thu Thiên Phúc Vinh trượt dốc.
Điểm cần lưu tâm khác, đó là tỷ suất sinh lợi của doanh nghiệp rất thấp, năm 2019 doanh thu phá đỉnh nhưng lợi nhuận sau thuế chỉ hơn 252 triệu đồng, khởi sắc hơn năm 2018 khi không còn thua lỗ (lỗ 28 triệu đồng), nhưng vẫn chưa xứng tầm với nguồn thu "khủng".
Liên quan đến hoạt động thu mua phế liệu, ông Hoàng Văn Tuyên cũng có thời gian nắm giữ lượng lớn cổ phần tại Công ty CP Môi trường Nghi Sơn, đơn vị sở hữu nhà máy xử lý chất thải tập trung quy mô hơn 83ha tại Khu kinh tế Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Sát cánh cùng ông Tuyên, ông Hoàng Văn Vình - người đồng sáng lập RIG Group cũng từng hiện diện trong danh sách cổ đông của Môi trường Nghi Sơn.
Hiện nay, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Môi trường Nghi Sơn là ông Phí Văn Dũng, sinh năm 1969, ngụ tại TP.HCM. Từ tháng 10/2019, doanh nghiệp tăng vốn điều lệ từ 72 tỷ đồng lên 120 tỷ đồng.
Không loại trừ khả năng, "game" bất động sản của giới kinh doanh phế liệu công nghiệp này chỉ vừa mới bắt đầu. Ngày 23/3/2022, Tổng giám đốc RIG Group, bà Hoàng Thị Quyên "bắt tay" với người bạn đồng niên, ông Nguyễn Duy Anh để lập ra Công ty TNHH Bất động sản Nguyễn Hoàng Group, doanh nghiệp đăng ký hoạt động kinh doanh dàn trải, nhưng trọng tâm vẫn là mảng bất động sản.
Việc đăng ký vốn sáng lập 500 tỷ đồng cho Nguyễn Hoàng Group - con số không nhỏ với một 'startup', nếu tham chiếu theo kịch bản đã diễn ra tại RIG Group, sẽ không lấy gì làm bất ngờ nếu doanh nghiệp này trở thành chủ đầu tư của một dự án tầm cỡ khác trong tương lai.
Vân Oanh
Ngân hàng | 1 tháng | 6 tháng | 12 tháng |
---|